Nhà văn Trần Đức Tiến

Riêng một con sóng

Thứ Hai, 03/11/2014, 08:00
Chưa có dịp gần ông nhiều nhưng qua văn chương và những cuộc trò chuyện, tôi vẫn cảm nhận được nhiều nét, khá đậm, về một nhà văn đất Bắc đã bám trụ thật bền vững ở mảnh đất phương Nam.

Ghét thói bán mua

Không hiểu sao mỗi lần nghĩ về nhà văn Trần Đức Tiến, tôi lại nhớ tới phẩm chất "chống tiêu cực" rất quyết liệt của ông. Nhà văn Trần Đức Tiến có lần chia sẻ về những biên lai chuyển phát nhanh, trả tiền lại cho những người gửi tiền để nhờ ông "giúp đỡ" một việc gì đó khi đang giữ cương vị ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

Quả là việc chẳng "vẻ vang" gì như ông nói, nhưng dù thế, ông vẫn cố gắng góp sức vào việc giữ gìn sự thanh sạch của Hội.

Lẽ dĩ nhiên, với vị thế của một nhà văn đã thành danh và có uy tín, ông được nhiều người "chăm sóc". Những cuộc điện thoại lúc nửa đêm, về sáng, những cuộc gặp chớp nhoáng để "dúi" phong bì… trong mùa kết nạp hội viên. Ông đã cố gắng loại nó ra khỏi đời sống, ít nhất là với chính ông. Một lần, ông nhận được cuộc gọi của một người chưa từng gặp mặt, đề nghị ông ủng hộ chuyện vào hội. Người ấy thành thật: "Tôi chỉ biết thưa với anh vài lời, chứ không biết chạy chọt!" Ông vui vẻ trả lời: "Anh mà chạy chọt, tôi gạch tên anh đầu tiên!".

Ông kiên quyết phản đối chuyện những người giàu có muốn bỏ tiền ra mua danh, đặc biệt trong lĩnh vực văn chương. Nhưng cũng nhiều lần, ông giúp đỡ người khác khi hiểu rằng, việc vào hội trở thành chuyện sống còn quá to tát với những người có khả năng, có tấm lòng, nhưng lận đận với công danh và  đam mê sáng tạo.

Học từ cuộc sống nhưng không sao chép

Nhà văn Trần Đức Tiến thừa nhận, có tới 80, 90% hoặc hơn thế những truyện ngắn của ông gắn với một câu chuyện có thật trong cuộc sống. Nhưng ông cũng nói ngay, có những câu chuyện, theo ông, sự khác biệt với cuộc đời chỉ là 10%, nhưng 10% quyết định cái đó là truyện ngắn, hay là một thứ gì khác không phải truyện ngắn.

Ông tự nhận mình không có khả năng "bịa" nhiều, nhưng đã "bịa" cái nào thì y như thật cái đó. Quan niệm của ông về nguyên mẫu và sự thật trong văn chương rất rõ ràng. Có những cái đúng là chuyện thật đã diễn ra nhưng nếu bê y nguyên vào tác phẩm, người đọc lại thấy như bịa. Ngược lại, có những chuyện có thể chưa từng xảy ra trong cuộc sống, nhưng nếu biết cách kể, người đọc lại thấy đó là sự thật.

Chẳng hạn như truyện ông kể về người đàn ông phân thân trên đảo, trong thực tế là hai người đàn ông khác nhau, còn trong truyện, nhà văn để hai người là một. Là người viết đi trước, ông chia sẻ và lưu ý rất nhiều với các bạn viết trẻ về tầm quan trọng của cái "10% khác biệt" nhỏ bé đó. Nếu không có nó, truyện ngắn chẳng khác gì một bài ký dở dang.

Cũng vì quan niệm như thế về nguyên mẫu và sự thật, ông không quá đề cao nội dung cốt truyện. Trong văn chương, ông chú trọng nghệ thuật kể chuyện hơn. Làm thế nào để có được cách kể hấp dẫn, lôi cuốn và sáng tạo, đó mới là theo đuổi lớn nhất của ông.

Hoa Níp, một bạn viết trẻ ở Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, mỗi lần đọc truyện của "chú Tiến", bạn luôn nhận ra những bối cảnh không gian quen thuộc nhà văn miêu tả trong tác phẩm. Có khi là một quán cà phê, một cảnh hoàng hôn, một cái cây, một gương mặt người,... Nhưng quen thì quen vậy thôi, còn truyện ngắn của nhà văn Trần Đức Tiến rất khó kể lại, mặc dù đọc trên văn bản rất thích.

Thường thì ý tưởng cho mỗi truyện ngắn đến không mấy khi báo trước. Có những lúc chỉ thoáng một hành động, một câu nói bâng quơ nào đó… bỗng khiến ông chú ý, là ông phải ghi lại ngay. Kinh nghiệm của ông là, nếu lúc đó không ghi lại thì gần như là chúng sẽ vĩnh viễn biến mất.

Ông cũng thừa nhận, có những ý tưởng truyện ngắn ông đã ấp ủ trong suốt bảy, tám năm trời vì chưa tìm được cách thể hiện. Lại cũng có những lúc ông mất vài ngày để tìm được một từ nói lên chính xác cái ý mình định nói trong truyện ngắn. Những trăn trở, khổ luyện trong nghề luôn là nỗi cô đơn sáng tạo chỉ riêng người cầm bút biết với mình bên trang giấy trắng.

Nặng lòng với con trẻ

Nhà văn Trần Đức Tiến đọc nhiều sách văn học nước ngoài viết cho thiếu nhi, và ông tỏ ra đặc biệt thích thú. Là người viết khá nhiều cho thiếu nhi và rất quan tâm đến mảng văn học này, ông cũng thừa nhận: có lẽ còn phải rất lâu nữa, các nhà văn của ta mới có thể có được những tác phẩm viết cho thiếu nhi ngang tầm với những tác phẩm xuất sắc của các tác giả nước ngoài. Chẳng hạn: "Momo", "Chuyện dài bất tận", "Khu vườn bí mật", "Pippi tất dài", "Nhóc Nicolas", "Chuyện con mèo dạy hải âu bay", v.v…

Ông tiết lộ vừa hoàn thành xong bản thảo một tập truyện mới dành cho thiếu nhi và sẽ đưa in ở NXB Kim Đồng. Tuy nhiên, ông chưa cho biết tên tập truyện là gì. Giai đoạn này, với các cháu nội, ngoại ríu rít quanh nhà, ông dường như muốn dành nhiều tâm huyết hơn cho các tác phẩm viết cho lứa tuổi nhỏ.

Ông cho biết, trung bình, khoảng 5 năm ông mới ra được một tập sách. Mỗi năm, ông chỉ chọn được khoảng 2, 3 truyện ngắn ưng ý, dù viết nhiều hơn thế. Không lấy chủ quan ra làm thước đo, nhưng từ trải nghiệm nhọc nhằn bên trang giấy, ông tỏ ra nghi ngại những ai tự hào cho biết, họ chỉ mất vài ba ngày, hoặc một tuần… để hoàn thành một truyện ngắn.

Hành xử kiểu Trần Đức Tiến

Hình như ông có khả năng "ngửi" được sách hay. Bằng chứng là khi vào hiệu sách, chỉ cần dành thời gian ngắm nghía và liếc qua vài dòng những cuốn sách bày bán, ông có thể chọn được những cuốn cần đọc.

Mùa xét tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 vừa qua, chính nhà văn Trần Đức Tiến là "bà đỡ" mát tay khi đọc và đã chọn giới thiệu cuốn "Bãi vàng, đá quý, trầm hương" của tác giả Nguyễn Trí. Kết quả là tác phẩm này đã đoạt giải thưởng trong năm của Hội.

Theo ông, được giải thưởng cũng cần có những yếu tố may mắn. Chẳng hạn như năm 2013, Hội Nhà văn bổ sung điều lệ xét giải, cho phép các ủy viên BCH  được phép giới thiệu và đề cử thêm các tác phẩm tốt. Vì thế, mới có việc ông đề cử cuốn "Bãi vàng, đá quý, trầm hương". Sở dĩ ông đề xuất cuốn sách này là vì lý do: cuốn sách đầy ắp những trải nghiệm sống, là điều đang còn thiếu vắng trong đời sống văn chương Việt. Mặc dù ông cũng nhận thấy, trong tập truyện đó, còn có những truyện chưa thật hay. Những truyện "thật" nhất, ngồn ngộn chi tiết đời sống nhất, lại là những truyện Trần Đức Tiến không đánh giá cao bằng những gì là kết quả của sự tưởng tượng, hư cấu của tác giả.

Tại buổi giới thiệu một tác phẩm "đình đám" do NXB Trẻ tổ chức có liên quan đến sự phát hiện của ông, Trần Đức Tiến đã lẳng lặng bỏ về giữa chừng. Hỏi lý do, ông cười: bao giờ ông cũng thích nhìn thấy ở những cây bút mới sự khiêm nhường, tỉnh táo, biết mình biết người.

Hình như nhiều người quý mến và nhiều người không ưa Trần Đức Tiến, cũng bởi sự rõ ràng khá quyết liệt trong hành xử như thế. Nhưng từ lâu rồi ông vẫn luôn sống như vậy, bất kể sự luận bàn của nhân thế

Dương Kim Thoa
.
.