Chuyện làng văn nghệ

Rắc rối chuyện "lắc" và "gật"

Thứ Năm, 28/08/2014, 08:00
"Khi người bồi bàn chỉ vào các món ăn trong thực đơn, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và nhà văn Lê Lựu lắc đầu. Tức thì, anh ta mang ra và bày sẵn trên bàn. Chỉ món khác, lại lắc, lại mang ra. Hai nhà văn Việt Nam ngơ ngác chẳng hiểu đầu cua tai nheo nó ra làm sao" - Dược sĩ Chu Bá Nam nhớ lại.

Mùa đông năm 1975, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và nhà văn Lê Lựu mang theo lá thư của nhà văn Đỗ Chu (tên thật là Chu Bá Bình) đến khu tập thể dành cho sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh ở ngoại ô thành phố Sôphia, gặp dược sĩ Chu Bá Nam - em trai nhà văn Đỗ Chu - nhờ làm phiên dịch bất đắc dĩ giúp hai ông. Dược sĩ Chu Bá Nam khi đó đang là thực tập sinh tại Viện Hoa hồng Bungari. Hai nhà văn Việt Nam mời dược sĩ ăn trưa ở nhà hàng của Hội Nhà văn Bungari. Nhà hàng này nằm cách lăng Đimitơrốp, Tổng Bí thư đầu tiên của Quốc tế Cộng sản III vài trăm mét.    

"Khi người bồi bàn chỉ vào các món ăn trong thực đơn, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và nhà văn Lê Lựu lắc đầu. Tức thì, anh ta mang ra và bày sẵn trên bàn. Chỉ món khác, lại lắc, lại mang ra. Hai nhà văn Việt Nam ngơ ngác chẳng hiểu đầu cua tai nheo nó ra làm sao" - Dược sĩ Chu Bá Nam nhớ lại.

Theo dược sĩ Chu Bá Nam, sở sĩ có chuyện ngược đời như vậy là vì ở Bungari, lắc đầu sẽ có nghĩa là "có", tức đồng ý và gật đầu có nghĩa là "không", tức không đồng ý. "Lắc là gật đã phiền rồi, nhưng gật lại là lắc còn rắc rối hơn" - Dược sĩ Chu Bá Nam cho biết. Rồi ông kể thêm: "Có anh bạn sinh viên người Nga hỏi cô thiếu nữ Bungari: Anh hôn em một cái có được không? Cô ta gật, anh hôn luôn, thế là ăn ngay một cái tát mà chẳng kịp hiểu do đâu. Hai nhà văn Việt Nam tuy không rơi vào trường hợp này, nhưng lại ở một hoàn cảnh khác, cũng rất khó nói. Hội Nhà văn Bungari rất tế nhị khi bố trí cho hai nhà văn ở hai tầng khác nhau, có ý để hai người tiện... tìm nguồn sáng tạo, bằng cách nói trước với bồi phòng ý nhị thăm dò thái độ của hai vị khách quý rồi tùy nghi ứng biến. Nhà văn Lê Lựu kể lại, lúc ở khách sạn, ông thấy bồi phòng nhìn ông rồi chỉ tay về phía cô gái đứng ở hành lang, cười cười. "Thế anh gật hay lắc?" - Dược sĩ Chu Bá Nam hỏi. "Mình chỉ tỏ ý không quan tâm" - Lê Lựu trả lời. "Thật khó cho ông, không biết tiếng, lại không được dùng ngôn ngữ cơ thể. Chẳng biết có phải vì sự "tỏ ý không quan tâm" của nhà văn Lê Lựu hay không, mà tối hôm sau, Hội Nhà văn Bungari đã bố trí hai vị khách quý đến từ Việt Nam ngủ cùng một tầng cho… vui" - Dược sĩ hóm hỉnh.

Cũng theo dược sĩ Chu Bá Nam, nếu như nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lắc bị "thiệt", thì đạo diễn, nhà biên kịch phim Hồng Sến lắc lại được "lợi". Chuyện cũng xảy ra cách đó mấy tháng. "Một buổi trưa, đạo diễn Đặng Nhật Minh và đạo diễn Hồng Sến mới bay sang Bungari tìm đến phòng tôi. Trên tay Hồng Sến có một hộp gỗ mới, chạm trổ rất đẹp. Ông giải thích: "Xuống xe điện có một bà chìa hộp này ra, mình lắc đầu, thế là bà ta dúi vào tay mình và quay đi luôn. Vì bến xe cuối cùng nên hành khách xuống hết đành mang về". Tôi cười đến vỡ bụng, lại chuyện "lắc" và "gật". Chúng tôi cùng mở hộp ra xem, bên trong có con búp bê nhỏ và lọ nước hoa cùng một số đồ lưu niệm lặt vặt…" - Dược sĩ Chu Bá Nam kể.

Lý giải cho việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể ngược đời này ở Bungari, dược sĩ Chu Bá Nam bảo: Theo các nhà ngôn ngữ học, Bungari thuộc vùng núi Bancăng, phần phía Bắc của Hy Lạp cổ đại. Người Hy Lạp cổ có thói quen "gật" là "lắc" và "lắc" là "gật", ngược với những vùng khác trên thế giới. Sau này, do giao lưu Địa Trung Hải, người Hy Lạp hòa nhập với các dân tộc khác, trong khi vùng núi phía Bắc vẫn bảo thủ giữ lại thói quen cũ. Bởi vậy, ngày nay, trong chương trình dạy tiếng Anh cho người Bungari trên tivi, người ta phải dạy cả "lắc" và "gật". Yes: Gật. No: Lắc. Nghĩa là đồng ý thì gật, không đồng ý thì lắc. "Tuy vậy, nếu không muốn lằng nhằng và sợ hiểu lầm, tốt nhất ở Bungari khi được hỏi chỉ nên nói "Đa" (có) hay "Ne" (không), và cố giữ cho đầu không lắc mà cũng chẳng gật" - Dược sĩ Chu Bá Nam nói

Trịnh Chu
.
.