Cửa sổ văn nghệ

Quyền được "lấp lánh"

Thứ Ba, 25/11/2014, 08:00
Điện thoại nạm kim cương, xe đẳng cấp thế giới, biệt thự triệu đô, du thuyền trăm tỷ … là những từ "nóng" đi liền với nhiều nhân vật "hot" hiện nay. Có nhiều cách gọi tên cho hiện tượng này, nhưng thông dụng nhất đó là "sự lấp lánh", "quyền được lấp lánh", đơn giản hơn là "lấp lánh".

Nhiều người trở nên giàu có, mua sắm nhiều mặt hàng "tiền tấn". Đó là dấu hiệu đi lên của đời sống xã hội lẫn quyền tự do cá nhân. Lẽ ra, việc tiêu dùng, mua sắm hàng đắt tiền và "lấp lánh" cá nhân là hết sức bình thường theo lẽ đời: có làm có hưởng, làm cao có quyền được hưởng cao….  Nhưng thực tế cho thấy phần lớn sự "lấp lánh" đó không diễn ra như vậy, bởi nó đang chất chứa nhiều điều… bất thường.

Nhận định này không phải là sự khắt khe để phủ định quyền tự do cá nhân, tự do mậu dịch…, hay tị hiềm theo kiểu GATO (ghen ăn, tức ở) mà nó xuất phát từ bức xúc thực tế cuộc sống và từ bài học nhân văn của đạo đức dân tộc: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng", hay "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ". Nói rộng hơn, khi sống trong xã hội thì mọi người phải có trách nhiệm với xã hội đó. Việc thể hiện trách nhiệm này lớn hay nhỏ, thấp hay cao, dày hay mỏng… không chỉ đơn giản thể hiện qua những cuộc uý lạo hoành tráng, đầy nước mắt và những lời nói thương cảm trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà còn thể hiện ngay trong lối hành xử của cá nhân ấy với cộng đồng, xã hội. 

Đất nước đang bước vào đà phát triển, nhưng ngày càng có nhiều người Việt có thể trở nên giàu có với tài sản cao như núi… chỉ "sau một đêm ngủ dậy". Chính vì do kiếm tiền dễ dãi nên họ cũng dễ dãi lao vào "đập phá" như vừa để vươn tới đỉnh cao "bằng chị bằng em" với thiên hạ, vừa để rút ngắn khoảng cách và xoá đi "cái dớp" ngày xưa không lấy gì đáng để nhắc, để nhớ… Vì thế xã hội không khỏi giật mình với những chiếc siêu xe được mua sắm sau những cuộc chuyển nhượng tiền tỷ của cầu thủ, những căn nhà ngập hàng hiệu, những trang sức bạc tỷ, du thuyền triệu đô của "hot girl", chân dài, hay nhân vật VIP nào đó… khi nhìn vào chất lượng cống hiến và mối quan hệ hữu cơ giữa họ với cộng đồng.

Ở một đất nước mà tính theo bình quân đầu người vừa bước qua ngưỡng nghèo, nhưng khi "thượng đế" bỏ tiền ra mua dịch vụ thì chỉ nhận được cảnh cầu thủ vái, lạy trọng tài và "chém đinh phạt sắt", hay diễn viên "tắm" và "cởi", ca sĩ cho người ta "thấy" nhiều hơn "nghe", hay "câu khách" bằng những chiêu bên ngoài sân khấu: hở và lộ hàng, tung ảnh nóng lên mạng…, còn hệ thống dịch vụ công thì vận hành với tốc độ của… con rùa, chưa tốt, nếu chưa muốn nói là tồi, thì những chủ nhân, những người cung cấp dịch vụ ấy lại "lấp lánh" thì quả là sự xúc phạm nghiêm trọng và làm tổn thương những người trả tiền để mua và nuôi dưỡng dịch vụ ấy. Tuy nhiên, càng đáng lo hơn là họ rất vô cảm với lối làm việc của mình nên cũng không hề cảm nhận đến cảm xúc của "thượng đế" để từng bước điều chỉnh hành vi. Hoặc nếu có tiếp thu thì cũng rất hời hợt, lấy có, hay "cãi chày, cãi cối" để biện minh cho việc làm của mình. Thậm chí đôi lúc họ còn phản pháo, "nã đại bác" lại những ý kiến mang tính xây dựng bằng lối "đốn hạ" không thương tiếc…

Mọi người đều có quyền "lấp lánh". Nhưng xin đừng để điều ấy đi ngược lại sức cống hiến của mình và trở thành sự xúc phạm đến những phận người nghèo khó đã và đang "làm nền" cho sự "chói loá" của mình. Hãy "lấp lánh" một cách có văn hoá!

Lục Tùng
.
.