Chuyện đời thường

Phù thịnh

Thứ Hai, 17/09/2012, 08:01

Ông X. là một nhà thơ. Ông từng được một vài giải thưởng kha khá, nhưng tất cả các giải thưởng của ông đều đã thuộc... một thời xa lắm, ít nhất cũng đã thuộc về thế kỷ trước. Còn thời gian gần đây, để người đời khỏi quên mình, ông X. tung ra một loạt thơ phồn thực tắc tỵ. Nói chung, hình tượng nào trong thơ của ông cũng được quy ra âm - dương, cũng quy ra đực - cái cả. Đọc lên cứ thấy ghê ghê.

Đọc thơ của ông X., người ta hình dung ra một người lúc nào cũng thèm khát, cũng muốn hướng tới những điều thầm kín, dung tục cả. Kiểu như "Ôm em nghén nghẹn, anh thèm của chua" hoặc "Bây giờ anh đã bảy mươi/ Vẫn ham lỗ đáo, đá cầu bưởi non". Có người bảo ông X. bị bệnh ẩn ức. Có người bảo ông X. bị mắc căn bệnh khó chữa, rất gần với tứ chứng nan y về mặt tinh thần.

Riêng tôi thì không nghĩ thế. Tôi nghĩ ông X. là người đã hết thời oanh liệt nhưng vẫn muốn chứng tỏ mình, muốn giương vây, xòe vẩy và muốn mọi người khỏi quên mình. Mọi cái hình như chỉ đơn giản vậy thôi!

Điều mà tôi khó chịu nhất với ông X. chính là ở chỗ ông hay vỗ tay (tất nhiên không chỉ dừng ở "cấp độ" nghĩa đen) rất to để phù thịnh và khóc (tất nhiên không chỉ dừng ở "cấp độ" nghĩa đen) cũng rất to để phù mình.

- Thế nào là vỗ tay rất to để phù thịnh? - Một người hỏi.

- Tức là khi thấy một ông bạn của mình hơi to to một tý, có thể nhờ vả được, thì ông X. vỗ tay rất to - Một người trả lời.

- Vỗ tay to như thế để làm gì?

- Để cái ông hơi to to một tý ấy sướng và nhớ. Rồi có dịp nào gặp lại thì...

- Thế nào là khóc rất to để phù mình?

- Tức là khi thấy một người nào vừa qua đời.

- Khóc như thế để làm gì?

- Để những người còn sống nhớ. Rồi những người còn sống sẽ bảo nhau: Thằng này trông thế mà tình cảm ra phết. Nó luôn thương tiếc những người chết rồi. Nó trông thế mà cũng có tình có nghĩa đấy. Nếu có điều kiện thì giúp đỡ nó.

- Như vậy, "cứ theo ý tứ mà suy" thì ông này cũng thuộc diện khó hiểu và cũng không tử tế gì lắm.

Chưa hết. Một lần, khi một ông hơi to to một tý tên là Y. chẳng may "giữa đường đứt gánh", thế là ông X. bắt đầu ngợi ca thơ của ông Y. hết lời. Rằng, thời kỳ đột khởi thơ của ông Y. đã đến. Rằng, đây là lần vùng lên trong thơ lần thứ 3 của ông Y. Rằng, người ta có quyền hy vọng về thơ của ông Y. một lần nữa.

- Tại sao ông X. lại làm thế nhỉ? Ca ngợi ông Y. bây giờ thì được lợi gì nào? - Một người hỏi.

- Vì ông Y. đồng hương với ông X. Vì ông Y. tuy đã "về vườn" nhưng vẫn còn khá nhiều tiền bạc và các mối quan hệ khác.

- Tức là ông Y. vẫn có "cơ", vẫn có "chỗ" để ông X. nhòm vào để nhờ vả chăng? Hay cũng là một kiểu "vỗ tay to" hoặc "khóc cũng rất to" nữa chăng?

- Cũng không loại trừ.

Tôi đã đọc thơ của ông Y. thời "về vườn". Phải nói là thơ ông Y. rất khẩu khí và rất… "hung hăng". Nhiều bài thơ của ông Y. sặc mùi tiếc nuối và bất mãn. Mỗi khi đọc thơ vào thời điểm này của ông Y., không hiểu sao, tôi thường phì cười và nhớ đến hai câu thơ mà tiếc đã quên tên tác giả: "Cả đời quay quắt, quắt quay/ Chỉ quen ngay thẳng từ ngày về hưu".

Theo tôi thì ông Y. khó thành người lớn được. Tôi tin như thế vì khi đọc thơ Dzymborska (nữ sĩ người Ba Lan, Giải thưởng Nobel văn học năm 1996) thì tôi lại càng tin hơn: Muốn thành người lớn thì phải lòng bao dung và phải sống thật nhân bản. Không tin các bạn hãy đọc mấy câu thơ của Dzymborska dưới đây mà xem:

Xin lỗi cái cây, người ta đã chặt mày đi
Chỉ vì cần mấy cái chân giường
Xin lỗi một người châu Phi đang thiếu nước sinh hoạt
Mà tôi lại phung phí nước
Xin lỗi một người không quen sáng nay vừa mất
Mà tôi lại mua hoa mang về nhà

Ngọc Trân
.
.