Tản văn

Phố nhỏ của tôi

Thứ Năm, 18/08/2011, 08:10

Ngày nào mới chuyển về đây, tôi còn được nghe người ta kể về cái cảnh lau lách mọc hoang, ao tù nước đọng, ếch nhái mở hội thâu đêm… Chưa kể tuổi thơ tôi còn chứng kiến nhiều phen cùng lũ trẻ trong khu tập thể rủ nhau đi mót khoai ngoài ruộng (cách phố chỉ vài chục mét) mạn ngoài bờ  đê mà bây giờ họ đã đổ cát, san phẳng và xây dựng những dãy nhà cao…

Những ngày nắng ráo, đẹp trời, ở phố tôi thật thích! Gió thổi rào rào như làm bong ra ở đâu đó từng mảnh vàng mỏng mảnh bay bay dọc phố. Một con chim sẻ từ nóc một ngôi nhà cao tầng vút về, đôi cánh vẫy tít mù, như cắt không gian ra thành hai màu, một bên xanh bầu trời, một bên vàng mặt đất. Rồi thì, ấy là một sự rất dễ xảy ra ở những hôm có tiết trời như thế này: Một trận mưa rào bất thần ập xuống. Nhanh thôi mà. "Lửa đêm tàu chậm, mưa chiều đổ nhanh" - chỉ trong tích tắc, trắng mù như chiếc khăn bông, trận mưa đã kịp giấu đi tất cả những giọt nước mắt hoen ố liên miên nhỏ xuống từ những hàng cây trong mùa thay lá, và cũng chỉ ít phút sau, mưa lại vén đi, phơi ra những chiếc lá tươi mới như những ánh mắt hấp háy, những chùm sung cười vỡ lở trên một nền đường nhỏ hẹp, quang quẻ, đang khô dần.

Phố tôi là phố nhỏ. Nhắc đến tên nó, ít người biết. Cũng như những cậu thanh niên mới lớn, thư gửi cho nhau nhiều khi vẫn phải ghi kèm tên ông bố, bà mẹ của bạn dưới phong bì, hễ ai có hỏi phố tôi là ở mạn nào, tôi lại nhâm nhẩm trong đầu và lựa chọn ra mấy cái tên. Này xem, bạn đã từng đến, từng đi qua đó chưa: Chợ X, phố Y, vườn hoa Z…Là phố tôi ở mạn ấy đấy!

Sở dĩ phải nhắc kèm như thế, là bởi, ở cái đất Hà Nội này, hiếm ai là chẳng có lần "tạt" qua phố Y, một đường phố với những hàng cây cao thẳng tắp và tấp nập người qua lại. Cũng vậy, chợ Y, một con chợ với chiều dài phải bằng chiều dài của cả phố tôi chứ không ít (khoảng gần 300m)! Có thể nói, việc những người dân quê (thậm chí ở rất xa) nghe nhau gồng gánh ra đây tụ họp, bán đứng bán ngồi đã tạo nên một cảnh chợ ồn ào, tấp nập, với những mặt hàng phong phú, đa dạng khác thường. Đầu chợ bán rau và cuối chợ bán hoa. Nhiều khi đi chơi chợ, bước giữa hai hàng bàn ghế, thúng mủng, nhấp nha nhấp nhổm những người là người, bỗng thấy hình bóng dân tộc như đang hiện về trong những màu áo nâu sồng kia, vô cùng gần gũi. Tôi nghĩ, chợ không chỉ đáp ứng con người về những nhu cầu thực phẩm, nó còn giúp ta có những nhận thức về vũ trụ, về sự "đến rồi đi" của kiếp người. Trước kia, thơ Huy Cận có câu: "Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều". Chao ôi, cái cảnh vãn chợ thật buồn. Chả thế mà mỗi bận đi đâu về, nhìn chiều sâm sẩm mà cảnh chợ vẫn đông người, tôi mừng vô cùng.

Trái ngược với cảnh ồn ã chợ búa như một thi sĩ đã viết: "Ngay giữa phố đường xe tấp nập/ Rẽ vào thanh thản một vườn hoa", chỉ cần độ vài bước chân kể từ chợ Y trở ra, bạn đã có thể thư thả đắm mình vào một vườn hoa xinh xắn, với những chiếc ghế đá gọn ghẽ, những hàng cây gày guộc, gió động lào xào. Đây chính là vườn hoa Z mà tôi nhắc tới ở trên. Như một cái sân chung, hình tam giác (vì thế dân chúng vẫn gọi là vườn hoa Chéo).  Sớm sớm, khu vườn vẫn thu hút người dân ba phố đến đây tập thể dục, thở hít khí trời. Chiều chiều, không ít bạn trẻ đến đây chuyện trò, trao đổi, hoặc mang sách ra đọc, trong khi mấy bà hàng bia vẫn kiên trì "cắm trụ" xung quanh và phía đường bên kia, các anh thợ cắt tóc đang lặng lẽ hành nghề. Cuộc sống mỗi người một việc, thật thản nhiên…

Lê Hoàng Minh
.
.