Kết thúc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 30:

Phim truyền hình dài tập "thắng" lớn

Thứ Năm, 06/01/2011, 12:09
Tối 25/12/2010, Liên hoan Truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 30 tổ chức tại TP Cần Thơ đã bế mạc. Ban tổ chức đã trao 37 giải vàng, 54 giải bạc và 124 bằng khen cho các cá nhân, tập thể. Ở hạng mục Phim truyền hình, một trong những thể loại được nhiều người quan tâm, lần đầu tiên đã vinh danh 4 cá nhân xuất sắc ở thể loại phim truyền hình dài tập: Giải đạo diễn xuất sắc, nam diễn viên xuất sắc, nữ diễn viên xuất sắc và quay phim xuất sắc.

Tuy được đánh giá là một trong những hạng mục thành công vượt mong đợi, song bên cạnh đó cũng đang có những ý kiến thắc mắc xung quanh quy chế cũng như việc trao giải cho các cá nhân ở hạng mục này. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Minh, Cục Phó Cục điện ảnh, Trưởng ban Giám khảo Phim Truyền hình, Liên hoan truyền hình Toàn quốc lần thứ 30 và đạo diễn trẻ Bùi Quốc Việt (sinh năm 1983), người đã được trao giải đạo diễn xuất sắc nhất trong kỳ liên hoan này.

- Thưa ông Lê Ngọc Minh, xét trên bình diện chung, phim truyền hình trong LHTHTQ lần thứ 30 được đánh giá là "thắng lớn" về cả chất lượng lẫn số lượng. Đặc biệt, lần đầu tiên sau 30 kỳ Liên hoan đã có các hạng mục giải thưởng dành cho đạo diễn xuất sắc, nam, nữ diễn viên xuất sắc và quay phim xuất sắc được trao. Sự thay đổi này khiến nhiều người cho rằng, Giải thưởng của LHTHTQ đang lấn sân giải thưởng của Hội Điện ảnh như Cánh diều vàng hay giải thưởng của Liên hoan Phim Truyền hình Toàn quốc?

- Thực ra, giải diễn viên đã từng được đề cử và trao trong LHTHTQ năm 1998 -1999, song điều đó không được tiếp nối ở các kỳ LHTHTQ sau đó. Lần này, tôi đã xem 276 tập phim truyền hình ở hai thể loại phim dài tập và ngắn tập thì nhận thấy rằng, phim truyền hình năm nay đã có những tác phẩm hay, xứng đáng là tác phẩm nghệ thuật. Chẳng hạn như phim "Vó ngựa trời Nam", phim được lấy cảm hứng là câu thơ của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ "Từ thuở mang gươm đi mở nước/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long" đã có một hiệu ứng rất lớn đối với phần đông khán giả, nó vượt ra ngoài ranh giới một bộ phim đề tài chiến tranh đơn thuần. Hoặc bộ phim dành cho thiếu nhi "Giấc mơ điên" đã có hiệu ứng rất tốt với khán giả cũng như với hầu hết Ban giám khảo.

Với một tác phẩm nghệ thuật trường thiên như phim truyền hình dài tập, rõ ràng là vai trò của cá nhân rất quan trọng. Chúng tôi thấy cần thiết phải trao những giải thưởng cá nhân để khuyến khích những người làm phim truyền hình, để mỗi người đều tự phải phấn đấu, chứ không phải có ý nghĩ: làm phim chỉ để đủ… tiến độ, đủ giờ lên sóng là được. Điều này cũng là một động lực để mỗi cá nhân tham gia làm nên bộ phim, từ đạo diễn, diễn viên, quay phim… phải làm tốt hơn những gì họ có thể làm được. Chúng tôi đề xuất với Ban tổ chức trong LHTHTQ lần thứ 31 sẽ trao thêm giải thưởng dành cho âm nhạc, biên kịch, bởi vì với một bộ phim truyền hình dài tập, người biên kịch như một người nấu bếp, kịch bản hỏng là toàn bộ quá trình về sau sẽ như một… nồi lẩu thập cẩm.

- Năm 2010, phim truyền hình dài tập được làm theo fomat của nước ngoài chiếm phần lớn sóng truyền hình và tốn không ít giấy mực của báo chí về thể loại phim Việt hóa và phim xã hội hóa của những Công ty sản xuất phim tư nhân đều không được tham gia Liên hoan. Quy định này có lý do từ đâu, thưa ông?

- Chúng tôi không chấm giải cho phim có yếu tố nước ngoài với mong muốn sẽ có những bộ phim thuần Việt, có đóng góp ở khía cạnh sáng tạo, nhân văn và hấp dẫn người xem. Thậm chí, trong Liên hoan lần này, những phim được kéo dài ra để tăng doanh thu… cũng bị mất điểm. Chúng tôi đang hướng tới những bộ phim mang đậm hồn Việt, liều lượng vừa vặn và có hiệu ứng tốt cho khán giả. Còn quy định các công ty tư nhân không được tham gia Liên hoan là quy định của Ban tổ chức, nếu muốn, họ phải đăng ký tham gia theo các đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình nơi phát sóng. Dù biết rằng, xã hội hóa đã tạo nên được sự đa dạng cho phim truyền hình Việt Nam, nhưng chúng tôi không thể làm khác quy chế.

- Xin cảm ơn ông Lê Ngọc Minh! 

Đạo diễn trẻ Bùi Quốc Việt:

Giải thưởng không phải là tất cả

Đạo diễn Bùi Quốc Việt.
- Sau vai trò đạo diễn những bộ phim cho tuổi teen như "Nhật ký Vàng Anh", "XU50", anh đã được mời làm đạo diễn cho một thể loại phim mà xưa nay chỉ dành cho các bậc "cây đa, cây đề", và nay danh hiệu đạo diễn xuất sắc nhất lần đầu tiên được trao trong 30 kỳ LHTHTQ đã về tay anh. Chắc hẳn anh đang rất hạnh phúc vì vượt qua được nhiều đàn anh trong nghề để nhận được hạng mục giải thưởng này?

- Khi nhận nhiệm vụ làm một bộ phim thuộc seri phim cảnh sát hình sự, tôi cảm thấy rất vui vì được ban giám đốc tin tưởng giao cho. Tuy nhiên cũng có chút lo lắng khi từ trước tới nay, thể loại phim này luôn được đảm nhận bởi các đạo diễn lớn tuổi, dày dạn kinh nghiệm. Tôi là thế hệ đạo diễn trẻ, có thể chưa nhiều kinh nghiệm cũng như sự cọ xát trong nghề, nhưng tôi có cái nhìn của những người trẻ, luôn muốn tìm tòi những ý tưởng sáng tạo, những cách thể hiện mới, những cái nhìn mới về cảnh sát hình sự để gửi tới khán giả một bộ phim hấp dẫn với những thông điệp có giá trị. "Đầm lầy bạc" ngoài giải dành cho đạo diễn, còn có giải bạc dành cho phim và trailer. Tôi nghĩ rằng, ngoài sự may mắn, thì cũng là công lao mà cả ê kíp làm phim chúng tôi đã nỗ lực hết sức mình. Với tôi, giải thưởng này tuy không phải là tất cả, cũng không phải là mục tiêu của những người làm nghề, nhưng là một động lực để mình cố gắng hơn.

- Có kỷ niệm nào anh thấy tâm đắc trong quá trình làm phim "Đầm lầy bạc"?

- Có một chuyện nghe thì có vẻ buồn cười nhưng thực sự cũng là khó khăn chung của những đoàn phim làm về chuyện phá án. Bối cảnh chính của phim "Đầm lầy bạc" là biệt thự Sen Trắng - nơi xảy ra vụ sát hại bố mẹ và em trai của nhân vật Diệu Linh. Trong suốt thời gian tìm bối cảnh chính cho phim, tôi chỉ ưng một ngôi biệt thự mà khi nhìn tôi đã tự nhủ là biệt thự Sen Trắng đây rồi! Gia đình ấy khi biết có đoàn phim mượn nhà để quay, họ vui vẻ đồng ý ngay. Tuy nhiên qua nói chuyện mới biết họ là dân làm ăn nên khá mê tín. Nếu nói thật là sẽ quay cảnh giết người trong nhà thì có lẽ người ta "mời" đoàn phim ra ngay. Tiếc bối cảnh quá đẹp nên đoàn phim đã bí mật quay theo kiểu "đánh du kích". Ba diễn viên trong vai ba nạn nhân cùng họa sĩ vào trong phòng đóng cửa hóa trang và rải màu (máu) ra trước. Đoàn phim vẫn quay các cảnh bên ngoài như bình thường. Khi bài trí bên trong đã xong thì anh em kéo nhau vào bắt đầu quay.

Tưởng mọi sự diễn ra suôn sẻ thì đột nhiên ông chủ nhà đi làm về sớm trước dự định. Cả đoàn cử một người xuống ngồi nói chuyện giữ chân ông chủ, rồi đóng cửa phòng ấy ra quay cảnh khác. Đợi lúc sau người ta đi thì mới vào quay tiếp. Hiện tại trường quay không có nên chúng tôi vẫn quay trong điều kiện vất vả khó khăn. Nhưng vì niềm đam mê với nghề nên chúng tôi vượt qua tất cả để đem tới khán giả những thước phim hay nhất, chất lượng nhất.

- Khi xem lại bộ phim của mình, anh cảm nhận mình đã "được" những gì và còn "thiếu" những gì trong bộ phim đó?

- Trong bộ phim này, vai trò của cảnh sát hình sự nổi bật lên bằng những tình tiết mới lạ hơn so với seri cảnh sát hình sự mà chúng ta đã xem trước đó. Nếu như trước đây, chúng ta thường thấy cảnh sát hình sự lật lại hồ sơ, gặp nhân chứng, rồi đến địa điểm điều tra, lấy tin tức… còn giờ đây, đã có nhiều hơn những yếu tố rất mới từ kịch bản. Đó là một sự ám ảnh, một trạng thái tinh thần đôi khi dẫn dắt cảm xúc, dẫn dắt mạch suy nghĩ cho người ta những hướng điều tra rất là mới. Đó là những sự hư cấu mà theo tôi là hoàn toàn chấp nhận được. Khán giả khi theo dõi bộ phim có thể thấy rõ bộ phim tập trung vào cách phá án dựa trên kỹ thuật, kinh nghiệm và cả trái tim của người làm cảnh sát điều tra. Ngay cả ca khúc trong phim cũng là bài hát mới hướng tới cộng đồng hơn.

- Xin cảm ơn anh!

Thiên Kim (thực hiện)
.
.