Phim truyền hình Việt thời "mì ăn liền": Đi vào vết xe đổ

Thứ Năm, 08/05/2014, 08:02
Hàng trăm bộ phim ra đời với khoảng 4.500 tập phim được sản xuất mỗi năm, có thể nói phim truyền hình Việt Nam đang bước vào giai đoạn đỉnh cao của thời kỳ phim "mì ăn liền". Chưa bao giờ cách làm phim "siêu nhanh, cực rẻ" được các nhà sản xuất, các đạo diễn áp dụng triệt để như hiện nay. Tuy nhiên, cách làm việc theo kiểu "ăn xổi" này không chỉ mang đến cho khán giả những sản phẩm kém chất lượng mà còn đang tự đưa mình tiến nhanh đến bờ vực thoái trào.

1. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các phim truyền hình được sản xuất một cách ồ ạt như hiện nay là sự xuất hiện của nhiều kênh truyền hình giải trí, trong đó có những kênh chuyên phát sóng phim truyền hình 24/24 giờ. Sự ra đời của Nghị định 54/2010/NĐ - CP quy định các đài truyền hình sẽ phải tăng thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam vào "giờ Vàng" từ 20% lên 30% tổng thời lượng phát sóng cũng góp phần không nhỏ vào việc đẩy hoạt động sản xuất phim trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Bởi để đáp ứng 30% tổng thời lượng phát sóng của 65 đài truyền hình trung ương và địa phương cùng một số kênh giải trí sẽ ngốn số lượng phim không hề nhỏ.

Theo tiết lộ của bà Ngô Bích Hạnh - Giám đốc Công ty BHD thì trước đây, khi luật quy định thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của các đài truyền hình là 20% thì cả "nhà đài" và nhà sản xuất đã lo lắng vì sợ không thực hiện được. Khi ấy, mỗi năm đang sản xuất 100 giờ phim đã phải tăng lên 1.000 giờ phim. Vậy, khi đẩy lên con số 30% thì số lượng giờ phim còn tăng lên mức nào?

Vẫn biết, yêu cầu tăng giờ chiếu phim Việt là điều hoàn toàn đúng đắn của các nhà quản lý trong việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa Việt cho thế hệ trẻ, đồng thời mở ra cơ hội kinh doanh màu mỡ cho nhiều cá nhân, đơn vị trên màn ảnh nhỏ. Thực tế, cơ chế xã hội hóa khiến nhiều đài truyền hình không phải tốn kinh phí làm phim, chỉ ngồi sắp xếp lịch và thu phí kiểm duyệt, phí trình chiếu… Các hãng phim tư nhân, các công ty truyền thông có cơ hội quảng bá thương hiệu và chạy quảng cáo. Nếu chỉ xét riêng về mặt doanh thu thì đó quả là cơ hội tuyệt vời cho những người kinh doanh.

Thế nhưng khán giả, những người bỏ tiền mua sóng và mất thời gian để xem phim thì nhận được những gì? Đó là những bộ phim với kịch bản ngô nghê, vô lý, diễn xuất của diễn viên vô hồn, nhạt nhẽo. Không nói đâu xa xôi, bộ phim "Vừa đi vừa khóc" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đang phát sóng trên VTV3 là một ví dụ. Dù được quảng cáo rầm rộ ngay từ khi tuyển diễn viên nhưng từ những tập đầu tiên đã có những ý kiến cho rằng phim phải đổi thành…

Những màn sụt sịt của cha con Hải Minh trong “Vừa đi vừa khóc” khiến khán giả phì cười.

"Vừa xem vừa ngán" mới chính xác. Liệu có thể tin được một người bà tính cách hoàn toàn bình thường, sống với cháu từ khi cháu 12 tuổi mà không hề biết giới tính thật của cháu là gì. Trong khi đó chính là giai đoạn tâm sinh lý của con người phát triển rõ nét nhất. Hay việc cha con Hải Minh nói chuyện với nhau rất khách sáo và "sến" như "tiểu thuyết diễm tình": "Con đang mơ đúng không ba?", "Là thật đó con. Là cuộc đời đang diễn ra đó con"; hay "Tại sao mẹ lại có thể bỏ người chồng và đứa con mới một tuổi rưỡi của mình mà đi". Chưa kể tới những hành động thường xuyên ngả vào vai cha khóc thút thít, sụt sùi của Hải Minh khiến người xem lắc đầu ngán ngẩm.

Trước đó không lâu, phim "Chỉ có thể là yêu" dù được đánh giá là phim tập trung dàn diễn viên trẻ trung, xinh đẹp nhưng không ít yếu tố vô lý. Nhân vật Thảo Nhi xuất thân trong một gia đình rất nghèo. Thậm chí, khi mẹ vào viện, cô chỉ đủ tiền để mua chiếc bánh mì không và mấy hộp sữa tươi, ấy vậy mà trang phục, đầu tóc của nhân vật khá sành điệu. Chưa kể tới những cảnh quay Thảo Nhi hòa nhập với những chốn ăn chơi của tầng lớp thượng lưu khá nhanh - điều này thật khó chấp nhận với một cô gái có tính cách nhút nhát, mộc mạc như Thảo Nhi.

2. Trái ngược với sự tăng nhanh về số lượng, chất lượng phim truyền hình ngày càng đi xuống. Kịch bản phim lỏng lẻo bởi xu hướng "hợp tác xã" trong biên kịch. Giờ đây, chỉ số ít biên kịch tài năng, tên tuổi mới hì hục ngồi viết trọn một kịch bản, còn hầu hết đều viết kịch bản theo kiểu nhóm, viết theo mảng, đề tài. Kịch bản giờ đây chỉ đứng tên một người hoặc một bút danh nào đó, còn thực chất bên trong là sự chắp vá của rất nhiều người. Văn phong mỗi người một khác, chính vì vậy kịch bản thiếu chặt chẽ, tính cách nhân vật không thống nhất.

Kịch bản đã vậy, diễn viên diễn xuất vô hồn không chạm được vào trái tim khán giả. Một số nghệ sĩ lớn tuổi tham gia các phim truyền hình như nghệ sĩ Hồng Chương, NSƯT Ngọc Thoa, NSƯT Thanh Huyền… chia sẻ rằng một trong những nguyên tắc trước khi ra phim trường là diễn viên phải thuộc lời thoại. Tuy nhiên, điều này dường như là không thể với các diễn viên trẻ hiện nay. Thậm chí một số nghệ sĩ trẻ chạy sô nhiều đến mức còn không nhớ mình đang đóng vai gì. Nghề diễn dần bị nghiệp dư hóa đến mức có cảm giác ai cũng có thể trở thành diễn viên được.

Cách làm phim siêu nhanh khiến cho nghề "nhắc thoại" trường quay lên ngôi. Trước đây, mỗi đoàn làm phim chỉ có một phó đạo diễn có nhiệm vụ nhắc thoại, đề phòng những trường hợp lời thoại quá dài, diễn viên đôi khi không nhớ hết thì nhắc 1 - 2 từ đầu câu. Nhưng giờ đây, mỗi đoàn phim có tới vài người làm công việc này. Trước mỗi câu thoại, người nhắc cũng đọc to tên nhân vật để diễn viên đó biết là lời thoại của người nào, tránh nhầm lẫn. Thậm chí, có đoàn phim, mỗi diễn viên có người nhắc thoại riêng. Người nhắc thoại kiêm luôn cả hướng dẫn diễn xuất kiểu: "Linh từ từ ngồi xuống; Tiến đứng bên cạnh đặt tay lên vai Linh, bỗng có tiếng Nga lanh lảnh từ ngoài cửa vọng vào….". Diễn viên trên trường quay chỉ việc như một cái máy thực hiện lại những động tác chỉ dẫn và nhắc lại những lời thoại ấy.

Một yếu tố khiến phim “Trò đời” của đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân được khán giả yêu mến là bởi cách làm phim kỹ lưỡng.

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Phần thẳng thắn: "Một ngày diễn viên có thể đóng 3- 4 phim, không có thì giờ đọc kịch bản thì làm sao diễn hay. Ai cũng cố làm nhanh để đỡ tốn tiền nên mọi khâu đều được đơn giản hóa".

Trước đây, trung bình mỗi tập ít nhất cũng phải làm trong 1 tuần thì giờ đây, chỉ quay trong 2 ngày. Có khâu quan trọng của quá trình sản xuất phim cũng bị bỏ qua như kịch bản phân cảnh. Giờ đây, các nhà làm phim thường không hỏi quay xong những cảnh nào rồi mà chỉ hỏi quay được bao nhiêu trang kịch bản rồi. Công nghệ làm phim lại quay về thời… cổ xưa, tức là chỉ quay phần hình, còn tiếng động, lời thoại để hết vào phần hậu kỳ.

Trước đây chúng ta đã có những bộ phim gọi là phim thị trường, phim "mì ăn liền", đóng đinh những tên tuổi diễn viên như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh… Cách làm phim truyền hình hiện nay cũng không khác thời kỳ làm phim đó là bao, bởi bất kỳ ai cũng có thể làm phim, chỉ cần có tiền. Việc làm phim đã không được coi như sản xuất ra một sản phẩm văn hóa nữa mà là một cách thu về lợi nhuận.

Một tập phim phát sóng 45 phút thì thường xuyên bị băm nát bởi hơn chục phút quảng cảo. Một số đạo diễn phim "mì ăn liền" ngày xưa thậm chí còn cho rằng, phim trước kia còn làm nghiêm túc, chau chuốt về hình ảnh, lời thoại gấp nhiều lần phim truyền hình "giờ vàng" sau này. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, dòng phim thị trường bắt đầu lao dốc vào những năm 1994 - 1995 với lối làm phim nhanh, dễ dãi. Khán giả bắt đầu chán ngấy cách làm phim ẩu, theo mô típ cũ tình yêu trai gái lừa lọc, phản bội… Và những ngôi sao điện ảnh một thời đã buộc phải chia tay màn ảnh trong sự tiếc nuối của không ít khán giả.

Một điều đáng buồn là hiện nay, việc hạn chế những phim truyền hình "thảm họa" vẫn chủ yếu phụ thuộc vào sự tự trọng của các nhà sản xuất phim, các đạo diễn. Khâu kiểm duyệt dường như còn nơi lỏng. Các nhà kiểm duyệt phim sẵn sàng bỏ qua những phim vô lý, nhạt nhẽo nếu chúng không có vấn đề gì nhạy cảm. Có lẽ từ trước đến nay, mới chỉ có duy nhất phim "Anh chàng vượt thời gian" là bị dừng phát sóng vì nhảm nhỉ quá mức, còn hầu hết là đều trót lọt. Nhìn vào sự "thất sủng" của dòng phim "mì ăn liền" trước kia để thấy rằng, nếu các nhà làm phim vẫn giữ cách làm này, nguy cơ phim truyền hình Việt tự đánh mất khán giả là điều hoàn toàn có thể xảy ra

Khánh Thảo
.
.