Phim ngắn liệu có thành “bước đà” của phim dài

Thứ Sáu, 27/07/2018, 08:46
Thành công với những bộ phim ngắn đầu tay, hướng tiếp theo mà hầu hết nhà làm phim, đạo diễn trẻ thử sức sẽ là phim truyện dài để khẳng định tên tuổi. Thế nhưng, với nhiều người, phim ngắn chưa bao giờ là viên gạch lót đường.


Phong trào làm phim ngắn tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ từ năm 2010. Kênh phát hành chủ yếu của phim ngắn lúc bấy giờ là đài truyền hình với các chương trình như "Góc phim ngắn" (HTV), "Giờ phim ngắn" (Yan TV)… Khi đỉnh cao là Tiệc phim ngắn YxineFF - Liên hoan Phim ngắn trực tuyến dành cho những người làm phim ngắn gốc Việt toàn cầu - đóng cửa vào năm 2014 sau 4 năm hoạt động, trào lưu làm phim ngắn rơi vào trầm lắng.

Những cuộc thi phim ngắn vẫn xuất hiện nhưng nhanh chóng chết yểu vì không tạo được dấu ấn sâu đậm, quy tụ hàng trăm bộ phim chất lượng như YxineFF từng làm được. Những năm gần đây, phong trào làm phim ngắn mới trỗi dậy mạnh mẽ khi càng nhiều cuộc thi uy tín và khó tính hơn ra đời, tạo cơ hội cho những bạn trẻ đam mê điện ảnh thử sức.

Không ngồi chờ thí sinh gửi tác phẩm đến, nhiều Ban tổ chức cuộc thi còn chủ động mở lớp đào tạo kỹ năng làm phim, kỹ năng viết kịch bản, diễn xuất... cho thí sinh không chuyên. Đứng lớp chính là các nhà làm phim nổi tiếng. Đây là cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm.

Các liên hoan, cuộc thi phim ngắn là nơi tìm kiếm tài năng điện ảnh triển vọng (Trong ảnh: Dàn giám khảo của Liên hoan phim ngắn FY 2018).

Thời điểm này, hai cuộc thi đang diễn ra sôi nổi là "Liên hoan phim ngắn FY" và  "321 Action". Dàn giám khảo là những gương mặt uy tín như đạo diễn Phan Đăng Di, Phan Gia Nhật Linh, diễn viên Hồng Ánh (Liên hoan phim ngắn FY); đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, diễn viên - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, nhà biên kịch Thiên Hương (321 Action) khiến cho những cuộc thi này có sức hút mạnh mẽ.

Các cuộc thi phim ngắn thường được mặc định là sân chơi của người trẻ, người mới chập chững dấn thân vào nghệ thuật thứ bảy. Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đường đi thông thường của người làm phim ngắn là tham gia vào các cuộc thi, liên hoan trong và ngoài nước để tranh giải, từ đó làm tấm danh thiếp vào đời để đi chào hàng các dự án phim dài với các quỹ đầu tư, nhà sản xuất điện ảnh.

Rõ ràng, không thể phụ nhận vai trò "bà đỡ" của các sân chơi phim ngắn bởi rất nhiều tên tuổi trụ cột của làng điện ảnh hiện nay bước ra từ những sân chơi này. Chính đạo diễn Phan Gia Nhật Linh là một ví dụ. Trước đây, anh được biết đến nhiều với vai trò là thành viên ban tổ chức Tiệc phim ngắn YxineFF. Rời YxineFF, anh bắt đầu thực hiện những bộ phim dài đầu tay và thành công vang dội với "Em là bà nội của anh", "Cô gái đến từ hôm qua".

Đạo diễn Phan Đăng Di nổi lên từ hai phim ngắn "Khi tôi 20" và "Sen" khi chúng lọt vào hai liên hoan phim uy tín như Liên hoan phim ngắn Clermont Ferrent và Liên hoan phim quốc tế Venice 2008.  Đạo diễn Victor Vũ - "ông hoàng" của loạt phim đình đám sau này như: "Thiên mệnh anh hùng", "Quả tim máu", "Cô dâu đại chiến", "Scandal: Bí mật thảm đỏ", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"… chỉ được các nhà sản xuất chú ý khi anh trình làng bộ phim ngắn tốt nghiệp mang tên "Pháo".

Một người đi theo dòng thương mại, một người đi theo dòng độc lập nhưng cả Vũ Ngọc Đãng lẫn Nguyễn Hoàng Điệp đều bắt đầu sự nghiệp bằng thể loại phim ngắn. Vũ Ngọc Đãng có "Chuột" thì Nguyễn Hoàng Điệp tạo dấu ấn với "Hai, tư, sáu".

Từ thành công tại Liên hoan phim quốc tế Cannes 2017 khi phim ngắn "Vị" giúp Việt Nam được chọn tham dự giải thưởng L'Atelier - Quỹ điện ảnh Cinéfondation của Cannes,  Lê Bảo đã vận động các quỹ tài trợ điện ảnh quốc tế để biến "Vị" thành phim dài. Mới đây, anh nhận được 60.000 euro của một tổ chức làm phim tại Ý. Chàng trai trẻ 9x chuộng hơi thở của đời sống đương đại, những thân phận nổi trôi dưới đáy xã hội với cách thể hiện không lời thoại, cảnh phim chậm như tù túng, bức bối của kiếp người.

Nhiều người cho rằng phim ngắn dễ làm. Đúng là để thực hiện một bộ phim ngắn, nhiều khi chỉ cần một chiếc điện thoại hay máy ảnh có khả năng quay phim, sở hữu chút kỹ thuật dựng là tha hồ sáng tác. Dung lượng của phim ngắn lại khiêm tốn nên không ngốn quá nhiều kinh phí, thời gian, sức lực. Kênh phát hành ngày nay cũng rộng mở hơn với Facebook, YouTube ít vấp phải sự kiểm duyệt nên lượng phim ngắn ra đời ồ ạt.

Một phim ngắn về đề tài ấu dâm trong chuỗi dự án "Xi nê cho bạn".

Tuy nhiên, theo đạo diễn Nguyễn Vũ Minh Đức, quan niệm phim ngắn là thể loại dễ làm thu hút đa số đối tượng nghiệp dư, không được đào tạo bài bản, khiến số lượng phim ngắn nhiều nhưng phim chất lượng lại rất ít. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng thừa nhận rằng trào lưu làm phim ngắn hiện nay vẫn dừng lại ở mức tự phát, nghiệp dư.

Để làm được một bộ phim ngắn hay, đạt được những tiêu chí nghệ thuật nhất định là điều không dễ. Giữa một rừng phim ngắn, kiểu phim có nội dung nhảm, kịch bản dễ dãi, giật gân câu khách xuất hiện nhan nhản. Hàm lượng nghệ thuật của những bộ phim này cực kỳ thấp mà chỉ nhằm vào ý đồ giải trí và câu view. "Kiểu diễn viên đóng đại, âm thanh thì toàn lồng nhạc có sẵn… khiến các sản phẩm đó dù gắn mác phim ngắn nhưng thật ra nó chỉ là video ngắn không hơn không kém" - anh phân tích.

Vì kiểu "ăn xổi" này nên dễ nhận thấy, dù điều kiện làm phim ngày càng cải thiện nhưng số phim hay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phim lọt vào các liên hoan uy tín càng ít ỏi. Do đó để chinh phục hoàn toàn địa hạt này, nhiều người chọn "sau phim ngắn là phim ngắn với mức độ cao hơn" mà không chọn phim dài. Đạo diễn Nguyễn Vũ Minh Đức cho rằng không nên xem phim ngắn là "viên gạch" của phim dài. Bởi phim ngắn là một thể loại riêng biệt độc lập mà càng đi sâu khám phá, tìm tòi càng thấy vô vàn điều thú vị.

Có những đề tài mà chỉ phim ngắn có thể thỏa sức vẫy vùng, còn phim dài thì gặp nhiều khó khăn như khoa học viễn tưởng, thể nghiệm, hành động, trinh thám... Tương tự, các chủ đề nhạy cảm như tình yêu đồng tính, bạo lực, tình dục, môi trường… không phải dễ dàng khai thác ở phim dài nhưng phim ngắn thì có thể. Bởi điều mà các nhà sản xuất sợ nhất là kinh phí thực hiện, các đề tài này lại dễ vấp phải lưỡi kéo kiểm duyệt và chưa chắc thu hồi vốn.

Với phim ngắn, nhà làm phim có cơ hội thể nghiệm những ý tưởng táo bạo, tiếp cận các chủ đề khó nhằn bởi  phim ngắn là thể loại không bó buộc đề tài, phong cách thể hiện, hình ảnh biểu đạt. Vì thời lượng ngắn (tối đa 45 phút) nên cốt truyện của phim ngắn cũng không cần phải cố định, chặt chẽ như phim dài mà cần độ "nén", cô đọng để kích thích sự tương tác, tưởng tượng của khán giả. Dù không yêu cầu khắt khe về tay nghề, đội ngũ diễn viên, yếu tố kỹ thuật… nhưng thể loại này vẫn cần một kịch bản mang tính hình tượng cao, giàu tính sáng tạo và đậm tính nghệ thuật.

Phim ngắn đang trở thành xu hướng phát triển mạnh trong điện ảnh Việt gần đây. Cho nên trên con đường "từ phim ngắn đến phim dài", vẫn có người chọn cho mình lối rẽ riêng biệt. Mà trong số đó, có người cả đời gắn bó và khẳng định tên tuổi với dòng phim ngắn. Sau khi giành giải nhất với tác phẩm "Vùng đệm" đầy ám ảnh phận người tại Liên hoan phim ngắn FY 2017, Đào Thu Uyên tiếp tục chinh phục các bộ phim ngắn mới trong năm 2018. Khẳng định tên tuổi trên con đường này còn có đạo diễn Nguyễn Vũ Minh Đức sau khi anh gặt hái vô số thành công từ đề tài zombie (xác sống) trong phim ngắn "Một ngày".

Hay như nhóm bạn trẻ của dự án "Xi nê cho bạn" chọn gắn bó với dòng phim ngắn để truyền tải các thông điệp về các vấn nạn xã hội, môi trường, giáo dục... Họ hướng đến việc nâng tầm chính mình thông qua những cuộc thi, sân chơi chuyên nghiệp, mang đến cho khán giả những thước phim ngắn đầy ấn tượng…

Bởi như đạo diễn Nguyễn Vũ Minh Đức phân tích: "Có những người làm phim ngắn rất hay nhưng khi bước qua làm phim dài thì rất tệ vì bị đuối, không đủ khả năng chạy theo thời lượng hoặc quen theo cách làm "nén" của phim ngắn. Ngược lại có người làm phim dài rất hay nhưng nếu yêu cầu làm một phim ngắn thì chưa chắc họ đã làm được. Cái nào cũng có độ khó của nó và ai sẽ hợp tạng. Không thể đánh giá người chuyên làm phim dài có trình độ cao hơn người làm phim ngắn và ngược lại".

Mai Quỳnh Nga
.
.