Phát hiện nguyên bản kiệt tác hội họa "Chúa cứu thế"

Thứ Bảy, 30/07/2011, 08:12
Leonardo da Vinci không phải là một họa sĩ vẽ nhiều: Ông thích khoa học và kỹ thuật, còn tranh ông vẽ ít và chậm chạp. Vì vậy, đến nay, hậu thế chỉ biết khoảng hai chục tác phẩm lớn của ông. Tuy nhiên phần lớn trong số đó bị các chuyên gia hoài nghi về nguyên bản.

Một số nhà nghiên cứu nghệ thuật đã mất nhiều năm để khẳng định bản quyền của Leonardo, số khác ra sức tranh luận với họ, nhưng rất ít khi rút ra được kết luận dứt khoát. Những kiệt tác không bị hoài nghi về nguyên bản từ lâu đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới.

Vì lẽ đó việc phát hiện ra bức tranh bị coi là đã mất "Chúa cứu thế" (màu dầu, kích thước 66 x 47cm) có một ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử nghệ thuật. Là cơ quan đưa tin về phát hiện này, Tạp chí ARTnews (London) cho rằng hầu như không có nghi ngờ gì về nguyên bản của tác phẩm: Nó được khẳng định bởi các chuyên gia tầm cỡ nhất về Leonardo, trong đó có giáo sư nghệ thuật Martin Kemp ở Oxford, người đã dành cả cuộc đời nghiên cứu tác phẩm của nhà danh họa. 

Leonardo vẽ "Chúa cứu thế" trong giai đoạn từ 1506 đến 1513 theo đơn đặt hàng của vua Pháp Louis XII. Bức tranh mô tả chúa Jesus Christ đang giơ bàn tay phải làm dấu chúc phúc, còn tay trái cầm một quả cầu vàng tượng trưng cho trái đất. Cốt truyện này được nhiều họa sĩ châu Âu thế kỷ XV - XVI sử dụng.

Theo các thông tin hiện có, chủ nhân "chính thức" đầu tiên của bức tranh là vua Anh Karl I. Sau khi ông qua đời, bức tranh được chuyển sang cho Karl II, nhưng sau đó nó bị thất lạc. "Chúa cứu thế" lại xuất hiện vào nửa sau thế kỷ XIX - chủ nhân của nó là nhà sưu tầm nghệ thuật Anh nổi tiếng Frances Cooke. Có lẽ, Cooke không hiểu giá trị thực của bức tranh. Sau khi ông qua đời, những người thừa kế đã tổ chức một cuộc triển lãm các tác phẩm trong bộ sưu tập của Cooke, nơi "Chúa cứu thế" được trưng bày và được ký là tác phẩm của họa sĩ vô danh thuộc trường phái Milan. Mười năm sau cuộc triển lãm này, năm 1958, bức tranh mà bản quyền được gán cho một học trò của Leonardo, Giovanni Antonio Boltraffio, chỉ được bán với giá 45 bảng Anh tại hội chợ Sotheby's.

Không khó hình dung rằng Cooke và các chuyên gia không thể phát hiện ra dấu vết của Leonardo trong bức tranh. Điều này vẫn thường diễn ra với các tác phẩm của các danh họa thời xưa: Sau nhiều năm tồn tại, bức tranh chắc chắn được phục chế nhiều lần, và mỗi một lớp sơn dầu mới lại làm cho những đường nét của nguyên bản ngày càng trở nên khó phân biệt. Không rõ ai đã mua bức tranh ấy - rất nhiều khả năng nó được một nhà sưu tầm tư nhân nào đó mua và lưu giữ cho đến đầu những năm 2000.

Năm 2004, Robert Simon, nhà buôn bán nghệ thuật ở New York đã phát hiện ra bức tranh tại một chợ bán đấu giá tài sản. Simon đồ rằng trước mặt ông có thể là nguyên bản "Chúa cứu thế" bị thất lạc. Kết quả là bức tranh được bán cho một nhóm buôn tranh (cũng không rõ giá bao nhiêu, nhưng căn cứ vào việc Simon không thể một mình mua bức tranh, giá của nó có thể không nhỏ) và được đưa đi phục chế. Những lần phục chế trước thường được tiến hành với việc sử dụng các chất liệu kém chất lượng, đã làm cho tác phẩm bị biến dạng nhiều - hình vẽ bị mờ đi và nứt rạn.

Khi bức tranh được tẩy sạch khỏi những dấu vết phục chế, Simon đưa nó đi thẩm định, ban đầu ở Bảo tàng Metropolitan, sau đó ở Bảo tàng mỹ thuật Boston, tiếp theo là Gallery quốc gia London. Các đại diện của các bảo tàng này từ chối bình luận chính thức về bức tranh, tuy nhiên nhiều chuyên gia được ARTnews phỏng vấn đều cho rằng trước mặt họ là nguyên bản "Chúa cứu thế".  Dự kiến, vào tháng 11 tới, "Chúa cứu thế" sẽ được trưng bày tại cuộc triển lãm dành cho Leonardo tại Gallery quốc gia London

Trần Hậu
.
.