Phải đâu "lời nói gió bay"

Thứ Hai, 09/05/2011, 08:50

Không hiểu run rủi thế nào mà từ đầu tháng tư tới giờ, có đến mấy chương trình truyền hình trực tiếp của "nhà đài" đã để lọt những sự cố thuộc về… phát ngôn, gây nên những ì xèo không đáng có từ phía khán giả.

Đầu tiên là vụ "lỡ lời" xảy đến với biên tập viên Lê Bình trong Bản tin Tài chính - kinh doanh phát vào hồi 7h sáng ngày 6/4/2011. Theo phản ánh của một khán giả ký tên là Trang Coc (đã được gửi tới Ban biên tập của VTV) thì "Khoảng 7h5' (theo đồng hồ điện tử trên màn hình), đoạn phóng viên Lê Minh của Đài phỏng vấn Tiến sĩ Lê Hồng Lam về tình hình chứng khoán Mỹ, do trục trặc kỹ thuật, hình còn mà tiếng mất. Tình trạng này kéo dài khoảng vài chục giây. Có lẽ để chữa cháy, Lê Bình đã lên tiếng lấp chỗ trống, nhưng chỉ ngay sau đó vài giây thì phần phỏng vấn lại nối lại được tín hiệu âm thanh. Chính lúc này, Lê Bình buột miệng: "Cái bọn điên này". Theo khán giả nói trên thì câu nói bột phát ấy của biên tập viên Lê Bình "đã thể hiện sự coi thường khán giả, coi thường người hợp tác (người được phỏng vấn), coi thường đồng nghiệp". Qua bức thư, vị khán giả này đề nghị "Ban biên tập nên nhắc nhở Lê Bình về sơ suất nói trên".

Vụ thứ hai hiện vẫn đang được bàn tán râm ran trên nhiều diễn đàn là vụ nhạc sĩ Trần Tiến - thành viên Ban giám khảo cuộc thi “Bước nhảy hoàn vũ 2011” - sau một tiết mục thi được truyền hình trực tiếp trên VTV3 tối 24/4 vừa qua đã có lời nhận xét bị cho là "khiếm nhã" đối với người mẫu Vũ Thu Phương: "Cái style tôi mong muốn là phải thật nóng bỏng cơ. Tôi đang chờ cái mông của cô ấy nóng bỏng mà mãi không có…". Cũng trong đêm diễn này, ông nhạc sĩ rất tài hoa ấy còn có một nhận xét về phần thi của ca sĩ Thủy Tiên mà không ít khán giả thấy… gai gợn: "Múa rất đẹp đấy. Nhưng có một điều là không hiểu anh bạn trai nhảy áp mặt vào đâu mà bây giờ mặt đầy những vết của ngực người con gái…".

Nhân vô thập toàn, không ai có thể nói mình lúc nào cũng có thể "nhập cuộc" một cách trơn tru, không khi nào hớ hênh, va vấp, nhất là với những cảnh quay được phát trực tiếp (nếu tôi nhớ không nhầm thì ở Mỹ trước đây, đến Tổng thống Ronald Reagan cũng từng khiến người dân Mỹ tá hỏa bởi trong một lần "thử giọng" trước khi phát biểu chính thức vào máy thu, ông đã "thông báo" cho toàn nước Mỹ biết ông đã ra lệnh… đánh phủ đầu Liên Xô bằng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân. Vị Tổng thống hay đùa này đâu biết rằng, lúc ấy máy thu đã được nối sóng đến với toàn thể người dân Mỹ). Vấn đề là ta cần phải nhìn nhận những sự cố này như thế nào để sau đấy không tiếp tục vấp phải những lỗi tương tự.

Mặc dù không phải không có ý kiến bênh vực biên tập viên Lê Bình, rằng đó là "một sự vô tình, rất thật của đời thường", song, nói như một khán giả: "Sao lại đời thường? Đây là sóng truyền hình quốc gia cơ mà". Và thực tế, sau phản ứng của công luận, biên tập viên Lê Bình cũng đã có lời xin lỗi khán giả và nhận trách nhiệm về mình: "Tôi nghiêm túc nhận lỗi về mình, đó là một sự cố nhưng là lỗi của tôi. Tôi cho rằng sự cố vừa rồi là do bản lĩnh lên hình của mình không được tốt". Ngược lại, với trường hợp của nhạc sĩ Trần Tiến, mặc dù vụ việc căng đến mức có khán giả - theo như tác giả Hà Chi phản ánh trên Báo Thể thao & văn hóa - còn bức xúc cho rằng: "Nghe mấy câu nhận xét của nhạc sĩ Trần Tiến tại đêm thi đó tôi không cảm nổi, thật là khó chịu, kể cả là bông đùa cho vui miệng cũng đừng lôi mấy chuyện tế nhị đó lên sóng trực tiếp chứ, còn biết bao nhiêu người họ đang theo dõi trên truyền hình…", vậy nhưng ông nhạc sĩ lại chỉ đơn giản giải thích là: "Kỹ thuật của Cha cha cha là sự hài hòa của đôi nhảy đầy cuồng nhiệt và lãng mạn, nếu không nói từ "mông" chẳng nhẽ lại nói là cách lưng 2cm?". Ông trả lời vậy thì khán giả cũng có thể đặt câu hỏi: Chẳng lẽ ngôn từ Việt Nam nghèo nàn đến vậy sao?

Nói cho cùng thì khán giả Việt đâu phải là những người quá khó tính? Họ có thể "chấp nhận" cả đến trường hợp một nữ nghệ sĩ thỉnh thoảng lại ngửa cổ lên trời cười sằng sặc như máy nổ, một MC mặt mũi gồ ghề thi thoảng lại dí mặt vào ống kính trêu đùa khán giả, bởi những điều ấy có thể có người không thích, nhưng suy cho cùng nó cũng chẳng làm hại ai. Còn câu nói khiến người trong cuộc phải đỏ mặt như trường hợp ông nhạc sĩ vừa nêu thì… chắc chắn đó là điều cần phải rút kinh nghiệm.

Các cụ ta vẫn nói "ăn tùy nơi, chơi tùy chốn". Có những chỗ anh có thể nói bỗ bã, xuề xòa thế nào cũng được, song chắc chắn đó không phải là ở vị trí giám khảo, và ở trên truyền hình

Trần Hữu Thanh
.
.