Phải biết từ chối

Thứ Năm, 08/09/2011, 08:00

Người ta có thể nại đủ mọi lý do để từ chối nhiệm vụ, trách nhiệm, những điều không mang lại lợi ích cho mình mà chỉ gây mệt mỏi, phiền hà. Đó là những sự từ chối chỉ xuất phát từ lòng ích kỷ, bất cứ kẻ tầm thường nào cũng có thể mắc. Nhưng có một sự từ chối khác thật đáng trân trọng bởi không phải ai cũng dễ dàng làm được. Đó là từ chối những lời mời thú vị, hấp dẫn, đem lại cả danh và lợi.

Trong giới văn nghệ, chuyện từ chối cũng có điều đáng bàn. Có một sự thật khá phổ biến, không biết nên được coi là hay hay dở: Nhiều người quá nhiệt huyết với lao động sáng tạo, quá say mê phục vụ công chúng đến mức cứ sáng tác được áng văn, thơ nào là sốt sắng gửi đăng báo. Gửi rồi mà chưa được đăng thì liên tục điện thoại, gặp trực tiếp để giục giã, có khi nhờ cả thế lực bên trên "dội" xuống, gây áp lực cho tòa soạn. Không ít người thay vì cố gắng rèn luyện, nâng cao chất lượng bài vở, đã chỉ lo săn đón, "quan hệ" với các báo để "lọt" được cửa biên tập. Có diễn viên luôn "xin" vai diễn khiến đạo diễn khó xử, nể, lúc đầu có ý mời người khác nhưng trước nhiệt tình quá lớn của cộng sự mà cũng tặc lưỡi ok. Không đến mức như thế mà phổ biến hơn là vui vẻ nhận lời trước bất cứ lời mời nào, không bận tâm đến kịch bản có hay, vai có hợp hay không, nên đã dẫn đến tình trạng "tuần chay nào cũng có nước mắt", một lúc tham gia đóng nhiều phim, tần suất đóng phim quá nhiều, làm sao không nhàm chán, khán giả không ngán ngẩm?

Đã mấy ai có được sự từ chối trong lĩnh vực đang bàn? Tuy không nhiều nhưng đã có những tấm gương rất đáng quý về sự từ chối. NSND Đào Mộng Long - một cây cổ thụ, một tài năng kiệt xuất trong lĩnh vực sân khấu - là một trường hợp đáng để nhiều thế hệ diễn viên coi là tấm gương về nhiều phương diện, trong đó có vấn đề đang bàn. Là diễn viên sân khấu tài năng với lối diễn hết sức chân thực, dung dị, sinh động, dẫu chỉ vào một vai phụ nhưng cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem, ông được nhiều đạo diễn điện ảnh mời đóng phim.

Thuở ấy - thời Đào Mộng Long đang sáng chói trên sân khấu - chưa có phim truyền hình mà chỉ có phim nhựa. Được mời đóng phim loại này là may mắn, niềm mơ ước của bất cứ diễn viên điện ảnh cũng như sân khấu nào. Sau khi đọc kịch bản, ông đều có lời từ chối khéo, khi thì bận nhiều việc, khi thì sức khỏe không tốt, lúc tạng người không hợp với nhân vật. Nhưng thực chất là sau khi đọc kịch bản, ông thấy yếu kém, không thể nhận lời. Trường hợp đạo diễn phim Đông Dương mời, lúc đầu ông nhận, nhưng khi bắt tay vào công việc, ông đề nghị sửa lại một vài chi tiết cho phù hợp với tính cách người Việt Nam, không được đạo diễn đồng ý, ông đã từ chối, mặc dù biết rõ cát-xê rất cao, vì đạo diễn là người nước ngoài.

Biết những chi tiết trên, người ta sẽ không ngạc nhiên vì sao một diễn viên xuất sắc như ông mà trong đời chỉ duy nhất một lần xuất hiện trên màn ảnh (vai địa chủ Ba Kinh trong phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" của đạo diễn Hải Ninh), trong khi rất nhiều diễn viên "thường thường bậc trung", không thể so được với ông lại đóng phim quá nhiều trên màn ảnh nhỏ. Nhạc sĩ Trần Chung cũng là một trường hợp đáng nể. Lúc ông còn sống, người viết bài này đã trực tiếp chứng kiến hai lần ông từ chối những lời mời khá hấp dẫn (trả thù lao hậu hĩnh hơn mức thông thường). Thấy ông có nhiều bài hát hay viết về các ngành, nghề, một nhà máy nọ (xin miễn nêu tên cụ thể) đến nhờ ông sáng tác "nhà máy ca". Cách đây trên chục năm, vàng khi ấy mới có mấy trăm nghìn một chỉ, mà họ đã hứa sẽ trả ông 5 triệu đồng. Nhưng thấy khó có thể cho ra bài hát hay, ông đã tìm cách từ chối.

Mỹ Bình là một ca sĩ không hát nhiều trên làn sóng cũng như trên các sân khấu. Cả cuộc đời, bà chuyên tâm cho việc giảng dạy thanh nhạc ở nhạc viện. Công chúng ưa thích giọng hát của bà qua hai bài hát thật ấn tượng: "Người Hà Nội" (Nguyễn Đình Thi), "Cá lội đồng xanh" (Vũ Thanh). Người ta quý trọng bà hơn khi biết: Thanh Lam - "Nữ hoàng nhạc nhẹ" của Việt Nam từng được bà giảng dạy, đào tạo thành tài (khi Thanh Lam có ý chuyển từ học đàn tỳ bà sang thanh nhạc, trong các giảng viên ở nhạc viện, chỉ duy có Mỹ Bình là tán đồng và sẵn sàng nhận cô vì bà tin vào sự phát triển của Thanh Lam). Đương nhiên là các nhà báo muốn phỏng vấn người giảng viên có uy tín này, nhưng bà một mực từ chối kể lể chuyện "công lênh" của mình. Chi tiết này chỉ khiến bà trở nên đáng quý trọng hơn trong con mắt đồng nghiệp và người hâm mộ.

Trong không ít trường hợp, biết từ chối chính là một cách giữ giá trị của mình, đồng thời thể hiện thái độ tôn trọng công việc, tôn trọng cộng đồng. Mong sao ở mọi nơi, trong mọi lĩnh vực, có lúc sự "biết từ chối" trở thành một phản xạ văn hóa

Nguyễn Hưng
.
.