Ca sĩ, NSƯT Đức Long:

Phải biết quảng gánh lo đi mà vui sống

Thứ Năm, 23/10/2014, 08:00
NSƯT Đức Long đã chia sẻ rất chân thành: "Tôi đã vào tuổi xế chiều rồi. Tôi vẫn bước đi một cách bình thản, không quá lo âu hay buồn phiền về những điều chưa đến. Còn sống ngày nào tôi vẫn chọn cách sống vui vẻ, yêu mến cuộc đời và sẽ hát đến khi nào còn sức..."...

"Tôi đi giữa hoàng hôn" là tên một album của ca sĩ, NSƯT Đức Long phát hành cách đây mấy năm. Chọn bài hát "Tôi đi giữa hoàng hôn" của Văn Phụng làm tựa đề album - như NSƯT Đức Long chia sẻ - là một sự tình cờ, song không hiểu sao tôi vẫn cứ có cảm giác anh đang hát về chính mình, về những năm tháng đầy vơi mà anh đang đi tới. Vốn là người sống nhẹ nhàng, vui vẻ và lạc quan, song trong cuộc trò chuyện này, NSƯT Đức Long đã chia sẻ rất chân thành: "Tôi đã vào tuổi xế chiều rồi. Tôi vẫn bước đi một cách bình thản, không quá lo âu hay buồn phiền về những điều chưa đến. Còn sống ngày nào tôi vẫn chọn cách sống vui vẻ, yêu mến cuộc đời và sẽ hát đến khi nào còn sức...".

- Thưa NSƯT Đức Long, theo quan sát của riêng tôi, hàng chục năm nay nom anh chẳng già đi?

+ Nói như thế là hơi quá khen, ưu ái tôi rồi. Có thể một phần là do ở lứa tuổi của tôi, nhiều nghệ sĩ đã không còn lên sân khấu thường xuyên nữa. Thành ra việc tôi xuất hiện nhiều, quen mặt nên có lẽ bạn cũng như khán giả không có cảm giác là tôi già đi chăng?

- Tuổi tác xem ra không làm cho giọng hát của anh bị ảnh hưởng? Bằng chứng là mấy năm gần đây anh không chỉ liên tục ra album "Tôi đi giữa hoàng hôn" và "Có một ngày", mà còn liên tục nhận "sô" trong Nam ngoài Bắc. Anh có thấy ngạc nhiên với chính mình?

+ Với tôi, hát là niềm đam mê bất tận. Tôi chưa bao giờ có khái niệm dừng lại, bởi vì với tôi khái niệm đỉnh cao luôn ở phía trước và khát vọng, đam mê với âm nhạc là điều tôi chưa bao giờ cầm nắm được, nó luôn chạy trước tôi, vì thế tôi vẫn cứ phải đuổi theo nó.

- Điều anh vừa nói có thể hiểu là anh chưa bao giờ hài lòng với những việc mình làm, chưa bao giờ cho rằng mình đạt được mục tiêu hay đỉnh cao trong sự nghiệp?

+ Đúng như vậy. Khi người ta hài lòng với những việc làm của bản thân hoặc nghĩ rằng mình đã lên tới đỉnh là người ta sẽ dừng lại, thỏa hiệp, ngừng việc cố gắng và tất nhiên là sẽ đi xuống.

- Thời gian gần đây thấy anh đi hát ở khá nhiều nơi, trong đó có các phòng trà ở Hà Nội. Thật lòng mà nói, tâm trạng của một người khi hát trong phòng trà với hát trên các sân khấu hoành tráng có khác nhau không?

+  Tôi cho rằng, một người làm nghề thực thụ thì hát ở chỗ nào cũng giống nhau thôi, một khi người ca sĩ lấy khán giả làm trung tâm. Tôi chỉ kỵ nhất là phải hát trong khi các khán giả đang... ăn nhậu, trong tiếng ly, tiếng bát. Thật ra, hát ở phòng trà cũng có cái hay ở chỗ là mình được làm những gì mình muốn, được hát những bài hát mà khán giả thích và yêu cầu, được cởi mở tấm lòng mình trước khán giả, còn hát trên các sân khấu lớn nhiều khi lại là hát theo... chỉ định, tùy thuộc vào mục đích mà chương trình cụ thể ấy đang hướng tới.

- Nhưng trong cuộc đời làm ca sĩ của mình, anh đã có tới trên 35 năm làm ca sĩ hát theo... chỉ định. Có khi nào anh cảm thấy chán nản muốn từ giã cuộc đời làm "ca sĩ công chức" để trở thành một người hát tự do?

+ Thực ra, tôi vẫn là một người hát tự do mà, chưa lúc nào tôi cảm thấy mình bị bó buộc trong một khuôn khổ chật hẹp nào cả. Theo đuổi dòng nhạc trữ tình nhưng không vì thế mà tôi bỏ qua các ca khúc cách mạng từng là yêu cầu của thời cuộc đòi hỏi nó phải vang lên trong từng ngõ phố, làng quê. Xã hội xoay chuyển thế nào thì mình cũng xoay chuyển theo thế, không thể đứng tách riêng một mình.

- Thế hệ của anh đã phải trải qua những năm tháng có nhiều khó khăn khi chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, khiến nhiều nghệ sĩ từng phải giải nghệ. Anh có từng phải cân nhắc về điều này?

+ Rất may những năm tháng khó khăn ấy tôi lại ngập chìm trong công việc giảng dạy ở Học viên Âm nhạc Quốc gia. Việc giảng dạy mang đến cho tôi rất nhiều niềm vui, hứng khởi và cũng khiến tôi một lần nữa thêm yêu nghề. Đến nay, nhiều ca sĩ do tôi đào tạo về công tác ở các đoàn đã trở thành NSƯT rồi đấy!

- Anh đã trải qua một tuổi thơ khó nhọc, thiệt thòi khi cha mẹ mất sớm, phải cùng chị gái bươn chải, mưu sinh. Có khi nào anh thử tưởng tượng ra mình sẽ là ai, sẽ như thế nào nếu vẫn là một anh thợ lái máy chứ không phải là ca sĩ Đức Long được nhiều người biết đến?

+ Tôi cũng chưa thử bao giờ. Có điều, tôi luôn cho rằng dù tôi có là ai, có làm nghề gì thì tôi cũng sẽ làm tốt nhất phần việc mình làm. Nếu làm công nhân, tôi cũng sẽ là một người công nhân loại giỏi. Trong những năm tôi làm công nhân, tôi luôn được xếp vào tốp đầu: lương, thưởng lúc nào cũng cao nhất.

- Từ lúc nào anh phát hiện ra mình có giọng hát đặc biệt?

+ Thật ra, tôi chẳng phát hiện ra được mình có cái gì cả, do... xã hội phát hiện ra ấy chứ. Tình cờ có lần cơ quan tổ chức giao lưu với Đoàn Ca múa Phòng không - Không quân, mọi người cử lên hát một bài, thế là hát. Sau đó thì thấy cán bộ của đoàn gặp và ngỏ ý mời lên Hà Nội công tác, thế là xách ba lô đi thôi.

- Thưa NSƯT Đức Long, anh có một giọng hát trầm ấm, trữ tình nhưng cũng đôi lúc nghe lại như có cả tâm trạng buồn man mác. Liệu những tổn thương, mất mát trong đời sống riêng tư của anh có ảnh hưởng tới tâm trạng của anh khi hát hay không?

+ Tôi nghĩ là không. Ngay từ khi đến với âm nhạc, tôi đã xác định rằng mình phải có con đường riêng, phong cách riêng, ấn tượng riêng với khán giả. Điều bạn vừa nói có thể chỉ là một trong những "cái riêng" mà tôi đã để lại trong lòng mọi người.

- Cuộc hôn nhân đầu tiên của anh tan vỡ cũng đã khá lâu rồi, gần đây, anh đã tìm được người bạn  nào "nâng khăn sửa túi" cho mình chưa hay vẫn đi về lẻ bóng?

+ Bạn bè thì lúc nào cũng có, đông vui là khác. Nhưng một người "nâng khăn sửa túi" cho riêng mình thì tôi nghĩ mình phải tu thêm vài kiếp nữa. Chuyện tình cảm của tôi thì xưa như trái đất rồi, tôi không nhắc lại nữa đâu.

- Khi chọn bài hát "Tôi đi giữa hoàng hôn" làm tựa đề cho album của mình, anh có mối liên tưởng nào với cuộc sống thực tại của anh không?

+ Thực ra, nó đơn thuần là nghệ thuật thôi. "Tôi đi giữa hoàng hôn" là một bài hát của Văn Phụng mà tôi rất thích nên đã dùng nó để đặt tên cho album của mình. Nó cũng đúng với tuổi xế chiều của tôi bây giờ. Tôi vốn là người sống đơn giản nên cũng không nghĩ sâu xa như vậy đâu. Tôi cho rằng với một người như tôi, cuộc sống như thế là quá ưu ái tôi rồi.

- Cô đơn gần như là một đặc tính của nhiều nghệ sĩ nhưng việc sống độc thân tuổi xế chiều có khi nào khiến anh rơi vào cảm giác bị nỗi cô đơn bủa vây?

+ Tôi lúc nào cũng sống vui, luôn thấy yêu cuộc sống và mọi người xung quanh nên tôi không thấy mình bị rơi vào cảm giác đó. Thực lòng, nếu tôi cứ bị nỗi cô đơn bủa vây, thì đâu còn tôi của ngày hôm nay.

- Nghe nói, đến giờ anh vẫn là một "nghệ sĩ nghèo". Có khi nào anh cảm thấy mình lạc lõng trong thế giới người ta đang chạy đua kiếm tiền bằng mọi cách này?

+ Như tôi đã nói rồi đấy, tôi luôn thấy rằng cuộc sống, xã hội và khán giả đã quá ưu ái tôi rồi. Và tôi là người có nhu cầu không cao, lại có hai lương: lương Nhà hát trả và lương Nhạc viện trả, lại vẫn có thể đi hát được trả tiền, tôi thấy như thế là đủ với tôi rồi. Tôi không bao giờ thấy người khác có cái gì về nhà mình cũng phải cố để mua bằng được cái đó. Nhưng tôi là người biết hưởng thụ thành quả lao động của mình.

- Cho đến bây giờ, có điều gì đã qua khiến anh day dứt, tiếc nuối?

+ Tôi đã chôn chặt điều ấy đi từ lâu rồi và bây giờ tôi không muốn nhắc lại nữa. Ngày hôm qua đã dừng lại ở đấy rồi và cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, không nên níu giữ những gì đã ở ngoài tầm tay mình. Phải biết "quẳng gánh lo đi mà vui sống" và hài lòng với những gì mình có chứ!

- Theo nhận định chủ quan của anh, anh cho rằng mình còn lên sân khấu được đến bao giờ?

+ Đến bao giờ không lên được nữa thì thôi. Cái này không thể nói chủ quan được, hôm nay tôi đang ngồi với bạn thế này, biết đâu ngày mai không dậy nữa thì sao? Thế nên mình còn thở ngày nào, còn bước đi được ngày nào thì hãy cứ vui trọn vẹn ngày đó, đừng lo điều ngày mai chưa tới...

- Xin cảm ơn NSƯT Đức Long!

Nguyệt Hà (thực hiện)
.
.