Phải biết nói không với thị hiếu tầm thường

Thứ Hai, 27/04/2009, 14:45
Giải Cánh diều Vàng năm 2008 của Hội Điện ảnh đã thành sự kiện, thành "vấn đề" gây tranh luận sôi nổi trên công luận, giới điện ảnh, cả những người đam mê bộ môn nghệ thuật thứ bảy này. Rầm rộ hơn cả là chủ đề "ăn khách" và "nghệ thuật".

Và có lẽ không chỉ riêng điện ảnh, các bộ môn khác như ca nhạc, sân khấu, hội họa... cũng luôn đứng trước thách thức: ăn khách và nghệ thuật. Phải chăng ăn khách thì không nghệ thuật, và ngược lại, nghệ thuật thì không ăn khách?

Thị hiếu lung lạc nghệ thuật đích thực

Trở lại điện ảnh của ta hôm nay. Giải Cánh diều Vàng 2008 chỉ có hai bộ phim "Trăng nơi đáy giếng" và "Huyền thoại bất tử" được tặng thưởng đồng giải Cánh diều Bạc. Không ít các bộ phim khác do các hãng phim tư nhân sản xuất đã công chiếu dịp tết vừa qua phải nói là rất ăn khách, thu bộn tiền, như "Đẹp từng centimet", "Giải cứu thần chết"... nhưng rốt cuộc đứng ngoài khung giải thưởng.

Mặc dù đã cố gắng nhiều về kỹ thuật, kỹ xảo điện ảnh, được lớp khán giả trẻ chằm bặp, nhưng xem thấy cười đấy, thích thú đấy, nhưng ra ngoài rạp là... quên hết, không để lại mối bận tâm nào (tuy nhiên so với các phim kiểu như "Khi đàn ông có bầu" hoặc "Hồn Trương Ba.." trước kia, đã tiến bộ hẳn một bậc).

Bình luận về phim "Đẹp từng centimet", phim có nhiều cảnh nóng, khoe "hàng" đủ kiểu (cả cảnh khoe nội y của nữ diễn viên chính), có ký giả nói thẳng thừng: "Nếu mục đích kiếm tiền thì làm phim loại ấy, chứ còn làm nghệ thuật thì... xin lỗi!".

Trên màn ảnh truyền hình cũng nhan nhản những phim mà khán giả trên mạng không dằn lòng được đã phải thốt lên là "ngấy đến tận cổ", nhưng nhà đài vẫn không dừng, tiếp tục chiếu cho đến hết hàng trăm tập. Lại chiếu vào giờ Vàng! Sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch hàng đêm diễn ra ở vô số các điểm văn hóa, các nhà hát ở các thành phố lớn.

Ở các thị trấn cũng trong hoàn cảnh tương tự. Dường như chương trình nào cũng có những bài ca não tình, đại loại như các ca khúc chỉ đọc tựa đề thôi người ta có thể đoán định, như: "Người ấy và con cha phải chọn", "Đời vợ bé", và một lô bài mở đầu bằng từ "Kiếp" như: "Kiếp dại gái", "Kiếp ban đêm", "Kiếp đẹp trai", "Kiếp đánh đề"... cùng những tấu hài thọc lét, chọc cười, là những món ăn nghệ thuật quen thuộc không thể thiếu.

Những nghệ sĩ, những nhà sản xuất chương trình không hề vô tình chút nào, họ đã hết sức chiều theo thị hiếu của khán giả, lấy việc "ăn khách" (thực chất là kiếm tiền, càng bộn tiền càng... sướng) bất kể hiệu quả đối tượng tiếp nhận ra sao. Hoặc nói cách dân gian, thị hiếu mặc bay, tiền ta bỏ túi.

Ấy vậy đã có người lớn tiếng cho rằng: Phim (hay kịch) thị trường là của công chúng, còn phim (kịch) nghệ thuật chỉ dành cho những cuộc Liên hoan rồi đóng gói vào kho, vô bổ! Cực đoan hơn là ý kiến: Phim ảnh, sân khấu ăn khách chỉ có tư nhân làm được, còn loại để "cúng cụ" (chỉ những tác phẩm chính luận, có giá trị nghệ thuật) dành cho các đơn vị nhà nước.

Cách làm này nếu bàn thảo sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Việc các chương trình biểu diễn ăn khách, thu bộn tiền như thế là có thật, ta không phủ nhận. Nhưng vấn đề nhức nhối hơn cả là họ đã tạo ra một thị hiếu tầm thường. Chiều theo thị hiếu người xem nhưng nguy hại thay họ đã bóp méo thị hiếu, tạo ra một thứ thị hiếu rẻ tiền. Một thị hiếu đã ăn vào tiềm thức, thành tập quán thẩm mỹ cho công chúng, nhất là lớp khán giả trẻ.

Mới rồi trong chương trình "Khi người ta trẻ" truyền hình trực tiếp trên sóng VTV6, nghệ sĩ trẻ Linh Nga tiết lộ một điều nghe mà xót xa cho... thị hiếu thời nay. Chương trình nghệ thuật "Vũ" do NSƯT Đặng Hùng làm Tổng đạo diễn, biên đạo và dàn dựng.

Hai vợ chồng nghệ sĩ Đặng Hùng - Vương Linh cùng cô con gái Linh Nga sau 9 năm tu nghiệp bên Trung Quốc trở về cùng biểu diễn với các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen TP Hồ Chí Minh với sự góp mặt của hai nghệ sĩ đến từ Trung Quốc Wu Hoan và Liu Xi. Chương trình hoành tráng, kể câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam bằng ngôn ngữ múa tuyệt vời, được đầu tư công phu, nghiêm túc và khá tốn kém.

Sau khi biểu diễn ở TP HCM họ đã ra biểu diễn tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Hay tin, không ít khán giả, nhiều tuổi có, trẻ tuổi có cứ hỏi "sát sàn sạt": Thế chương trình có ca nhạc không, có tấu hài không? Các nhà tài trợ cũng hỏi vậy. Khi được biết chỉ có múa thôi, khán giả và cả nhà tài trợ đều lắc đầu từ chối.

Đêm diễn chương trình "Vũ" đã chiếm được sự ngưỡng mộ, trân trọng, yêu mến của đông đảo khán giả thủ đô, hầu hết là khán giả có "văn hóa xem", có thị hiếu thưởng thức nghệ thuật đích thực. Nhưng điều Linh Nga bộc bạch khi khán giả hỏi, chương trình có ca nhạc, có tấu hài không, thì không những nữ nghệ sĩ trẻ mới về nước được 6 tháng tròn mắt ngạc nhiên, mà không ít người trong chúng ta cũng phải thở dài ngao ngán. Bóp méo thị hiếu, sản sinh ra một thứ thị hiếu thấp kém, rẻ tiền khá là phổ biến hiện nay, nguyên do từ đâu? Khán giả? Nghệ sĩ? Nhà quản lý nghệ thuật? Hay "cộng hưởng" cả ba?

Phải biết nói "không" với thị hiếu tầm thường!

Tuy nhiên nhìn toàn cảnh, bức tranh nghệ thuật đâu chỉ có màu xám mà nhiều mảng màu rất xanh tươi. Những bộ phim truyện như: "Áo lụa Hà Đông", "Dòng máu anh hùng", "Sống trong sợ hãi", "Đời cát", "Những người thợ sẻ"... là những tác phẩm nghệ thuật nghiêm túc (dẫu rằng chưa đến với quảng đại công chúng).

Gần đây, bộ phim "Bao giờ cho đến tháng mười" của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã được CNN bình chọn là một trong những phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Bộ phim giàu tính nghệ thuật, thấm đẫm bản sắc con người Việt Nam đã thu hút đông đảo người xem trong và ngoài nước suốt từ khi ra đời cho tới nay là một minh chứng hùng hồn cho dòng phim nghệ thuật.

Điện ảnh trong giải Cánh diều Vàng 2008, ngoài "Trăng nơi đáy giếng", "Huyền thoại bất tử", đáng ghi nhận còn có "Cú và chim se sẻ", "Chuyện tình xa xứ", phim truyện video ngắn có "Khí phách anh hùng". Phim truyền hình như: "Chạy án", "Gió làng Kình", "Ma làng"... chẳng đã nhận được sự đánh giá cao của đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ đấy sao?

Sân khấu kịch có nhiều tín hiệu đáng mừng. Sau hai vở diễn quy mô lớn  "Kim Vân Kiều", "Chiếc áo Thiên Nga", gần đây Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh đã đầu tư tiền tỉ cho vở "Tả quân Lê Văn Duyệt". Nữ đạo diễn Minh Nguyệt cùng các nghệ sĩ Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần dàn dựng vở "Cánh đồng bất tận" chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, khán giả nồng nhiệt tới coi. Sân khấu thành phố hơn 7 triệu dân này đâu chỉ có những vở "mua vui"? Một hướng đi rất đáng khích lệ.

Tại thủ đô, Nhà hát Chèo Hà Nội sau thành công vang dội của vở "Nàng Sita" đã thừa thắng xốc tới cho ra mắt vở mới "Oan khuất một thời" về hình tượng Nguyễn Trãi, đầu tư cũng tiền tỉ đang gây chú ý trong khán giả thành đô. Sự đầu tư thật không uổng. Sắp tới sẽ là "Đêm hội Long Trì" chào mừng đại lễ Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi.

Nhà hát Cải lương Hà Nội đã bừng sáng với vở diễn "Lễ mở xiêm áo"- khúc tráng ca đang "ăn khách". Xin thưa là, những vở diễn trên không những có sự đầu tư lớn về kinh phí mà còn là "bước ngoặt" của các nghệ sĩ trong sáng tạo, lao động nghệ thuật nghiêm túc. Vở diễn sang trọng với ánh sáng, trang phục của những chuyên gia hàng đầu về thiết kế sân khấu tham góp đã lấy lại sự tin cậy, trân trọng, ưu ái của đông đảo công chúng với sân khấu truyền thống giữa thời buổi bão giá này.

Mới rồi, chuẩn bị cho cuộc triển lãm "Những con chữ", một cuộc triển lãm đánh dấu quá trình sáng tạo nghệ thuật cần mẫn nhiều năm, thấm đẫm trải nghiệm của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (con gái nhà văn Kim Lân, người có ảnh hưởng nhiều tới quan điểm sáng tác của chị).

Khi được hỏi vai trò của nghệ sĩ với công chúng, nữ họa sĩ bộc bạch: "Người nghệ sĩ phải đứng trước sự lựa chọn, hoặc sáng tác những tác phẩm thời thượng, thương mại, được quần chúng thích ngay, nhưng chỉ qua vài năm là nó biến vào dĩ vãng; hoặc là chấp nhận sáng tác vì nghệ thuật, chân thật với chính mình, sáng tạo, tìm tòi trong sự tự do nhất để nghệ thuật được thăng hoa, tác phẩm của mình hôm nay không dẫm chân lên cái ngày hôm qua mình đã sáng tạo.

Và theo tôi... nghệ sĩ phải biết nói "không" với thị hiếu tầm thường, không chiều theo thị hiếu tầm thường. Đã là nghệ sĩ thì người đó phải mang sứ mệnh tiên phong, chấp nhận trả giá để chỉ cho quần chúng những quan điểm về cái đẹp thông qua kĩ thuật của đặc thù loại hình nghệ thuật mà mình thể hiện". Những lời trần tình thật tâm huyết, tâm đắc.

Nghệ thuật và thị hiếu là mối quan hệ tương tác, có ảnh hưởng qua lại, thậm chí có khi cái này quyết định "vận mệnh" cái kia. Nghệ thuật thế nào, thị hiếu ấy. Về phần chủ thể sáng tạo, nghệ sĩ phải biết nói "không" với thị hiếu tầm thường. Đó là xu hướng tích cực, nhất là khi Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã mở ra hướng phát triển mới đối với văn học, nghệ thuật trong nước.

Nghệ thuật đích thực sẽ tạo nên thị hiếu nghệ thuật lành mạnh, cao đẹp. Cái Đẹp là mục tiêu tối thượng của sáng tạo nghệ thuật. Cái Đẹp cũng hướng đến thị hiếu nghệ thuật chuẩn mực của cuộc sống hôm nay

Vũ Hà
.
.