Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến:

Phải biết lắng nghe và sẵn sàng "chịu trận"

Thứ Hai, 29/09/2014, 08:00
Đại hội của giới văn nghệ Việt Nam sắp bắt đầu, chuyện nhân sự hiển nhiên được người ta quan tâm nhiều nhất. Từ trước đó vài tháng, việc bầu người lãnh đạo mới nào cũng được bàn luận sôi nổi. Cuộc trò chuyện dưới đây giữa phóng viên với nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến nêu ra một cách nhìn mới về một người lãnh đạo thời mở cửa.

- Thông thường, làm lãnh đạo, người ta thường chỉ thích những lời khen mà chẳng ai muốn nghe những lời phàn nàn, trách móc, lời góp ý? Ông có thấy như vậy?

+ Ông Hữu Thọ có nhận xét là con người bản năng vốn chỉ thích động viên, thích được khen và lời động viên ấy có quá lên, có phỉnh nịnh quá lên thì cũng dễ nghe hơn những lời phê bình. Lời phê phán nhận xét nào cũng nặng và khó nghe như thuốc đắng. Nếu muốn "giã tật" thì người lãnh đạo phải nghe và trân trọng các ý kiến của cấp dưới mình.

- Nếu người lãnh đạo lại có nhiều khuyết điểm thì sao?

+ Cũng phải xem nhiều, ít, là so với cái gì? Làm nhiều, tìm cách làm mới, xông pha nhiều thì dễ có nhiều thiếu sót. Làm ít hoặc không làm gì cả, chỉ chăm chăm giữ ghế, ngại va chạm thì dù có ít thiếu sót đấy nhưng cũng chẳng có lợi gì cho sự phát triển. Khi đánh giá công tác lãnh đạo, điều quan trọng là giữa cái hay, cái tốt và cái thiếu sót, cái nào nhiều hơn?

Thiếu sót, sai lầm của người quản lý cũng từ nhiều lý do: Từ cách làm, cách tổ chức công việc chưa phù hợp hay từ động cơ cá nhân? Phải làm rõ. Một người quản lý sơ hở do thiếu kinh nghiệm để thất thoát 10 đồng chưa hẳn đã có "tội" to bằng việc anh ta cố tình đút vào túi 1 đồng, tức là tham ô. Thông thường, người lãnh đạo nào chạy theo thành tích, khoa trương thường không muốn được tiếp nhận góp ý phê bình. Họ không tạo ra những cơ chế để dân chủ hoá những nhận xét, những lời phản biện từ cấp dưới.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến.

- Vậy theo ông, hình thức phản biện, trả lời chất vấn như đã có vài năm nay ở các kỳ họp Quốc hội có nên áp dụng vào các hội chuyên ngành nghệ thuật?

+ Nên thực hiện ngay. Ngân sách dành cho các hội văn nghệ tuy nhỏ nhưng phải được rõ ràng minh bạch. Các quyết định, các quy chế hoạt động phải được thông qua và thực hiện theo điều lệ. Ban lãnh đạo đòi hỏi hội viên tạo ra nhiều tác phẩm mới, thì hội viên cũng có quyền đòi hỏi người lãnh đạo hết mình, làm lợi cho phong trào. Hội viên văn nghệ sống ở nhiều nơi, tuổi hội khác nhau, cuộc sống khác nhau, nguyện vọng cá nhân cũng khác nhau nên có cách nhìn cách đánh giá khác nhau. "Chủ nhà" là lãnh đạo hội nên định ra thời gian để gặp họ, lắng nghe và giải đáp mọi thắc mắc. 

Ở Việt Nam có thông lệ dở là cứ gần đến kỳ đại hội sắp bầu bán mới đem nhau ra "mổ xẻ". Tại sao không đặt ra qui định cứ 2 năm 1 lần lấy phiếu thăm dò uy tín của người lãnh đạo, cả chủ tịch, phó chủ tịch? Các uỷ viên các ban chấp hành cũng đều được lấy phiếu tín nhiệm? Ai bị mất uy tín nhiều nên tự xem xét lại mình: có thể từ chức hoặc bị miễn nhiệm. Tôi tin là người lãnh đạo nào thật sự vì lợi ích chung, biết mình là ai, tự trọng cao thì đồng tình thực hiện việc này.

- Ông đã nhiều khoá tham gia ban lãnh đạo hội, vấn đề nào khiến ông băn khoăn nhất?

+ Vào khoảng cuối năm 2004, khi chuẩn bị Đại hội lần thứ 6 Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn của một đài truyền hình ở Trung ương, tôi đề nghị phải nên có hình thức tranh cử. Tranh cử chương trình hành động cụ thể. Nếu trúng cử thì sẽ làm gì mới? Ví dụ: Nếu trúng phụ trách Hội đồng nghệ thuật sẽ tổ chức việc thẩm định ra sao? Nếu trúng uỷ viên chấp hành phụ trách khu vực thì sẽ làm gì có lợi cho khu vực ấy? Sau khi trúng vào ban chấp hành khoá mới mà người ra tranh cử không thực hiện được những lời đã hứa thì phải giải trình, nêu lý do, nếu thấy không đủ sức, không chịu được áp lực của công việc nữa thì xin từ chức. Rất tiếc khi phát sóng, những ý kiến này của tôi đã bị người biên tập chương trình truyền hình lược bỏ đi.

- Cho nên đâu vẫn hoàn đó!

+ Thẳng thắn, sòng phẳng, sẵn sàng chịu trận là tác phong sống làm việc hiện đại và hợp thời. Không nên để tái diễn tình trạng có vị lãnh đạo mới được bầu sau đó ốm nhiều năm, hoặc không làm gì vẫn cứ tồn tại. Một năm đi họp vài lần. Ngồi họp không ý kiến gì. Ông ta hy vọng được vào tiếp khoá sau bởi không có sai sót gì,… Ông ta hầu như không bị "hò vè", bị nêu trong các thư nặc danh, bởi ông ta có làm gì đâu?

- Lại nói chuyện thư nặc danh, ông có ý kiến gì việc này?

+  Đơn thư nặc danh không có giá trị pháp lý, nhưng mỗi người lại có thái độ khác nhau khi đọc những thư như vậy. Cầu thị, tỉnh táo xem xét lại mình và cố tìm xem trong đó có "cái nhân hợp lý" nào không dù rất nhỏ? Các cụ có câu hay "cây ngay không sợ chết đứng" nhưng đừng vì thế mà coi thường dư luận. Người hèn mới nặc danh, bịa đặt. Nhưng nếu các hội không tạo nhiều cơ chế cho việc phê bình, góp ý của anh em hội viên thì chuyện hò vè nặc danh chắc vẫn không thể hết được…

- Trở lại một ý kiến ông đã nói. Nếu nhà quản lý nào cũng sẵn sàng dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng chịu trận, dám nhận lỗi khi sai, quyết tâm làm khi đúng, thì xem ra không phải ai cũng dám ra ứng cử hoặc giữ tên mình trong danh sách đề cử?

+ Qua cách làm của Quốc hội, tôi thấy làm bộ trưởng thời nay thật không dễ dàng, chịu nhiều áp lực lắm. Nhưng được có mặt trong ban lãnh đạo các hội văn nghệ chuyên ngành, trúng cử vẫn là ao ước của không ít người. Trước thời gian diễn ra đại hội, do không có tranh cử nên những người này thường là né tránh những va chạm, không bày tỏ chính kiến, bởi họ cần có nhiều bạn để có thêm nhiều lá phiếu. Dĩ hoà vi qúy, nói cho cùng thì cũng xuất phát từ mục đích cá nhân mà thôi.

- Ông có tiếp tục tham gia vào ban lãnh đạo Hội Nhiếp ảnh Việt Nam khóa tới ?

+ Sự nghiệp và uy tín của một người làm văn nghệ không phụ thuộc vào chức vụ và quyền lực. Là hội viên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam thì còn phải đóng góp, phấn đấu. Nhưng không nhất thiết là phải tìm cách có mặt trong ban chấp hành của hội

PV (thực hiện)
.
.