Paris những ngày rong ruổi...

Thứ Tư, 03/08/2011, 08:10

Hẹn mãi rồi cũng có một ngày được thấy Paris. Trước đây chỉ là đọc sách, xem phim, nghe kể chuyện. Giờ thì là đang trong một chuyến đi…

Có một nơi đã làm đẹp cho sông Seine, đưa niềm tự hào của nghệ thuật và tri thức Pháp lên tầm cao - đó là tháp Eiffel. Từ cầu Alexandre III đi bộ theo dòng sông Seine, tôi đã gặp một đôi cây duy nhất biết tên soi bóng bên dòng nước. Đó là cây bồ đề. Đi bộ để cho mắt được dần dần nhìn thấy tháp Eiffel từ xa. Khi đến gần thì thấy nó kỳ vĩ quá. Một không gian nô nức người xếp hàng, lấy vé lên tháp. Đằng sau tháp là một bãi cỏ thoáng rộng với hai hàng cây cao xén phẳng trông như bức thành xanh. Trên thảm cỏ là người ngồi, người nằm tắm nắng. Nhiều nhóm nhạc, nhóm múa đường phố biểu diễn tự nhiên trên bãi cỏ. Ngôi nhà kính có in nhiều loại chữ "Hòa Bình" của các quốc gia khác nhau như một thông điệp an lành. Tượng ông Eiffel khiêm tốn dựng dưới chân tháp. Từ dưới chân tháp nhìn lên mới thấy công trình thật đồ sộ. Một kết cấu  hình tháp giăng mắc vào nhau làm nên một thiên nghệ thuật tuyệt hảo về vật liệu xây dựng bằng kim loại. Nghe nói cứ sau 7 năm tháp được sơn lại một lần. Thời gian sơn là hai năm và tốn tới 42 nghìn tấn sơn. Chỉ biết trầm trồ trong nỗi ngạc nhiên về một Paris cổ kính với tháp Eiffel cao trên 300 mét, dựng đã lâu rồi mà không hề cũ đi trước hiện tại cho dù lúc mới làm bị không ít lời ta thán. Năm tháng đã chiêu tuyết cho công việc đi trước thời gian ấy của một tài năng nước Pháp.

Vợ chồng tác giả trong Bảo tàng Louvre.

Bảo tàng Louver cao rộng đồ sộ về hình khối kiến trúc. Khoảng không được lợp kính dựng theo hình khối của Kim Tự Tháp như ngụ ý cho vốn quý của nhân loại được lưu trữ trong lòng tháp. Một không gian xây dựng được khép kín đảm bảo khí hậu ổn định cho nơi lưu giữ những giá trị văn hóa không bị thời gian làm hư hỏng. Đi trong bảo tàng, du khách như bị cuốn đi và choáng ngợp giữa các hình khối to nhỏ đủ loại màu sắc. Tượng và tranh là những giá trị tiêu biểu quán xuyến ở nơi đây. Nghệ thuật Pháp, nghệ thuật Ý, nghệ thuật Hy Lạp, nghệ thuật Ai Cập, nghệ thuật châu Á… như món của hồi môn quý giá của thế giới giao cho bảo tàng. Những bức tranh sơn dầu khổ lớn thiên về tả thực, những bức tượng đá mềm mại giàu tín ngưỡng Thiên Chúa giáo, các đồ sứ của châu Á, châu Âu, gian nội thất sang trọng của Napoleon Đệ Tam. Người đến đông và nhìn ngắm lâu là bức tranh sơn dầu vẽ nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci, tượng Thần Vệ nữ Milo. Tranh vẽ nàng Mona Lisa để trong lồng kính, chỉ được ngắm từ xa mà cảm về đôi mắt và khóe miệng như có thần của người đẹp. Người vẽ của ngày xưa, tranh đã cũ lại khổ hẹp nhưng tên tuổi và tầm vóc của nó như muốn bao trùm. Ngước mắt lên trần nhà bảo tàng ta nhận ra các bức tranh vẽ của các họa sĩ vừa kỳ lạ vừa gấm vóc bởi hình và sắc màu. Người ta bảo nếu xem mỗi tác phẩm chỉ trong một phút thôi ta phải mất tới hàng mấy tháng trời mới có thể tạm thưởng thức hết vốn liếng nghệ thuật ở đây. Cái đẹp thật khó cắt nghĩa cho trọn vẹn, còn cái cảm thì vô bờ khi nó giúp ta tự hào hơn và tin tưởng hơn vào những giá trị văn hóa được làm ra bởi những tài năng.

Đi trong bảo tàng nghệ thuật xứ người, trong nhộn nhịp bàn chân du khách bốn phương vào ra tham quan với một giá vé không hề rẻ (trên 10 euro một suất) mà thấy cái giá của những công lênh người làm nên bảo tàng. So với nơi này, các bảo tàng nghệ thuật của nước mình, những nơi tôi đã qua thăm thì còn quá khiêm tốn. Cũng nhận ra một điều: Nếu không thật sự đầu tư (kể cả tư nhân và nhà nước) một cách lâu dài với lòng yêu và hiểu nghệ thuật thật sự, chắc chắn nước Pháp sẽ không có được một Louver như thế này.

Lên đồi Montmatre leo qua bao nhiêu bậc đá gặp mái vòm và tháp chuông của nhà thờ Sacré Coeur cổ kính. Ngôi nhà thờ này xây vào thế kỷ XIX. Với mong muốn công trình được dành cho trái tim của Chúa nên cơ ngơi được đặt tên, dịch nghĩa là Trái tim thiêng liêng và được gọi gọn là nhà thờ Thánh Tâm. Tôi lặng lẽ theo dòng người vào thánh đường. Chẳng ai nói to. Tôn giáo trang nghiêm trong một kiến trúc trang nghiêm đã tạo ra sự lễ phép cho con người trong tín ngưỡng và thưởng ngoạn. Ngoài nhà thờ là những dãy phố cổ quanh đồi. Có một chợ tranh khá đông đúc. Nhiều họa sĩ đến vẽ và bán tranh của mình. Có cả những khuôn mặt họa sĩ gốc châu Á. Họ hành nghề tự nhiên và sinh sống được với nghề bằng tài năng tự thân cùng sự hâm mộ của người thưởng thức. Nhiều thiếu nữ Pháp, có lẽ cả châu Âu nữa, tuổi mới lớn ngồi cho họa sĩ vẽ chân dung. Gương mặt dậy thì của con gái xứ ôn đới thật xinh. Trước chỉ thấy qua phim ảnh, nay nhìn bằng mắt mới thấy lời khen của mọi người về vẻ đẹp của thiếu nữ châu Âu vào tuổi mới lớn quả không quá chút nào. Chỉ có thể nói là đẹp và đẹp. Lên đồi cao Montmatre còn có cái thú từ trên cao, chỗ sân nhà thờ nhìn xuống để thấy rộng dài bát ngát một góc thành Paris hoa lệ. Người Paris đã biết tận dụng chiều cao của mặt bằng để nâng cấp vẻ đẹp chiều cao của thành phố.

Đến thăm nhà thờ Đức Bà ở Paris. Nhà thờ xây dựng theo kiến trúc Gôtích. Đây là ngôi chính tòa thuộc Tổng giáo phận Paris. Cơ ngơi tôn giáo nổi tiếng này nằm trên mảnh đất được gọi là bán đảo của sông Seine. Nơi này có cột mốc số không. Nhiều khách nước ngoài đến đây đều muốn có bức ảnh chụp kỷ niệm tại mốc giới ý nghĩa này, lòng thầm mong ngày trở lại. Vào nhà thờ, lòng bâng khuâng nhớ những trang văn của đại văn hào Victor Hugo gắn bó nhiều với khung cảnh nơi đây trong cuốn tiểu thuyết lãng mạn có tên "Nhà thờ Đức Bà Paris" mà tác giả viết vào năm 1828 và xuất bản năm 1831. Như đâu đó còn thấy cả bóng dáng "gã Gù", nhân vật của tiểu thuyết, đang chuẩn bị kéo chuông báo tiếng vang cho dọc dài đôi dải sông Seine qua nhiều năm tháng.

Lặng lẽ cùng dòng người vào nghĩa trang thành phố có tên là Père- La chaise. Đây là khu chôn cất nhiều nhân vật nổi tiếng của Paris từ bao năm nay. Tôi tìm đến mộ Balzac. Mộ ông nằm bên lối qua lại xây cất cũng thường như các ngôi mộ kề bên. Trên mái mộ có bức tượng chân dung của đại văn hào. Lại đi tiếp đến bên mộ của La Phontaine và Moliere, hai văn hào của nước Pháp. Hai ông nằm kề nhau, lặng lẽ, khiêm nhường, có vẻ như cô đơn. Nghe nói phần mộ của hai ông thuộc trong những công dân đầu tiên được quy tụ tại nghĩa trang này.

Cảm động khi được đứng bên mộ của nhạc sĩ thiên tài Chopin. Mộ ông có nhiều hoa. Có lá cờ Ba Lan ai đó cắm bên thành mộ. Lạ nhất là ngôi mộ của văn hào người Ireland Oscar Wilde. Nhà văn mất ở Paris. Nơi ngôi mộ của ông có rất nhiều dấu môi hôn của phụ nữ. Cửa vào lòng mộ nhiều người gài cả vé tàu. Có vé tàu đã đi rồi. Có vé tàu chưa đi. Trước mộ có nhiều hoa. Có cả đôi giày ai để lại. Được biết ông là nhà văn rất được phụ nữ ái mộ. Chính mắt tôi đã được nhìn thấy nhiều phụ nữ đặt môi hôn vào thành mộ. Tác giả này tôi chưa hiểu nhiều cũng chưa được đọc tác phẩm của ông nhưng cứ theo cách cư xử của chị em thời nay thì nghiệm ra sức hấp dẫn của văn ông và đời ông. Đây là hạnh phúc của nhà văn mà không phải ai cũng có được.

Mới đầu tôi nghĩ đây là nghĩa trang các danh nhân nhưng khi đến thì thấy không hẳn thế. Trong nghĩa trang còn có cả mộ của những người bình thường. Có ngôi mộ của người Việt và một số người nước khác sinh sống ở Pháp. Nghĩa trang rộng lớn, nằm thoai thoải theo các triền đồi, cổ thụ rất nhiều, xanh và rợp tán. Vào nghĩa trang mà như vào công viên. Người chết được "ở" như thế này thật sự mát lòng cho người sống.

Đến nơi ở xưa của vua chúa Pháp phải đi trên bốn chục phút tàu điện ngầm ra vùng ngoại ô Paris. Đó là cung điện Versailles. Một tư liệu cho biết, đây là nơi làm việc của hoàng gia triều đại các vua Louis 13, 14, 15, 16… với một khối nhà kiến trúc theo chủ nghĩa cổ điển rộng gần bảy vạn mét vuông, quy mô 200 phòng. Đây cũng là nơi hội tụ tinh hoa nghệ thuật Pháp thế kỷ XVII, XVIII. Với những nét đối xứng trong các hình khối cùng nhiều gian phòng có hành lang nhiều cột tạo nên sự bề thế và cao rộng của lâu đài. Vách tường cung điện được trang trí bằng rất nhiều tranh sơn dầu khổ lớn gắn với cuộc sống và sự nghiệp của vua. Có cả những bức vẽ hoàng hậu, các hoàng tử và công chúa. Phòng gương rộng thoáng với rất nhiều chùm đèn buông rủ. Phòng làm việc của vua có những sản phẩm nghệ thuật do  vua sưu tầm hoặc được các thân hữu lân bang tặng. Rất nhiều hiện vật gốc đã làm nên sự vô giá của nơi trưng bày. Đẹp lạ lùng là khu vườn thượng uyển ở phía sau lâu đài. Cây và nước. Những con đường và những bức tượng. Một không gian vua chúa trong kiến trúc rất gần gụi với thiên nhiên. Vé vào nơi đây khá đắt nhưng không vì thế mà lượng người đến xem giảm đi. Tôi phải xếp hàng rất lâu mới đến lượt.

Còn nhiều địa chỉ văn hóa nữa của Paris tôi vẫn chưa được đến, nhưng qua những gì tôi biết thì đây là thành phố của rất nhiều công trình nghệ thuật, những giá trị văn hóa tầm vóc nhân loại. Người Pháp ở Paris rất quý trọng những giá trị tinh thần và vật chất có được và gìn giữ, tôn tạo nó như một báu vật. Chính từ sự tận tình chăm sóc này mà Paris lâu nay đã thành một địa chỉ văn hóa lớn của thế giới

P.Q.
.
.