"Ông kiểm lâm Tây" trên đất Hòn Hèo

Thứ Hai, 21/04/2008, 10:00
Những năm đầu gặp người săn bắt thú rừng, Sinh Vi hỏi mua cho bằng được, kể cả những con vật nhỏ như: cu ly, chồn, sóc, thỏ... để rồi thả lại vô rừng. Không ít người thấy việc làm của Sinh Vi tấm tắc khen ông là người có ý thức bảo vệ rừng. Nhưng cũng có kẻ cho rằng: "Gã Tây này hâm".

Trong một chuyến về thăm anh bạn cũ cùng sống, chiến đấu những năm chống Mỹ ở đường Trường Sơn, điều ngạc nhiên khi tôi vừa đặt chân lên mảnh đất Ninh Phước (huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã nghe bà con ở đây bàn luận sôi nổi về một ông Tây có tên là Sinh Vi Na Ma (gọi tắt là Sinh Vi), quốc tịch Canada rằng: "Ông ấy là người Tây mà yêu mảnh đất này đáo để, yêu quý Hòn Hèo hơn cả người dân ở Hòn Hèo". Bà con gọi ông là: "Ông kiểm lâm Tây".

Mới thoạt nghe, tôi cứ ngỡ như một chuyện tiếu lâm nhưng lại có thực. Theo anh bạn tôi cho biết, đã có lần Sinh Vi ngỏ lời với hạt kiểm lâm huyện Ninh Hòa cấp cho ông một bộ đồ trang phục kiểm lâm để ông tham gia công việc bảo vệ rừng. Đương nhiên đề nghị đó không được đáp ứng. Nhưng đã bao năm nay ông Tây này vẫn gắn bó với rừng núi Hòn Hèo, ngăn chặn được nhiều vụ lâm tặc. Đặc biệt là Sinh Vi có công lớn phát hiện, bảo vệ loài Vọt Trà Vá chân đen, một loại động vật hoang dã quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Nghe được câu chuyện của ông Tây này, tôi tò mò muốn được gặp trò chuyện. Anh bạn tôi với Sinh Vi khá thân nhau bởi hai người cùng có chung tâm nguyện bảo vệ rừng. Bạn tôi vốn là lính Trường Sơn mà. Anh bạn chở tôi trên chiếc xe Honda cà tàng đi đến khu du lịch Goong Bích - Xixoac ở xã Ninh Phước do ông cùng vợ người Việt - chị Đinh Thị Loan làm chủ. Qua lời giới thiệu của bạn tôi, Sinh Vi hồ hởi mời chúng tôi vô nhà.

"Sinh Vi hôm nay không lên Hòn Hèo sao?" - Bạn tôi hỏi. Sinh Vi đưa tay chỉ ra ngoài nói: "Hôm nay trời u ám, không thuận cho việc chụp hình nên ở nhà". Ngoài việc kinh doanh ở khu du lịch, Sinh Vi vẫn thường xuyên dành thời gian leo núi Hòn Hèo ngắm cảnh và chụp ảnh các loài thú. Suốt mười bốn năm sống ở Việt Nam, trong đó có mười năm sống ở Hòn Hèo nên Sinh Vi nói tiếng Việt khá lưu loát.

Ông kể: "Năm 1994, lần đầu tiên tôi sang Việt Nam vào đúng dịp tết cổ truyền của Việt Nam để đi du lịch, nhưng cũng để chạy trốn cái rét âm 300oC ở Canada. Không ngờ sang đây tôi bị hút hồn bởi cảnh đẹp thiên nhiên. Đặc biệt ở Nha Trang - Khánh Hòa. Liền ba năm sau đó, năm nào tôi cũng sang đây đón tết và tự mình khám phá tới những vùng đất hoang sơ ở Khánh Hòa.

Tôi nhận ra Hòn Hèo là vùng đất nằm lọt thỏm giữa núi rừng và biển cả, ý tưởng xây dựng một khu du lịch sinh thái đã nảy ra trong đầu và thôi thúc tôi thuê xuồng dạo biển, chèo lách đến những nơi heo hút tìm hiểu kỹ vùng đất Hòn Hèo. Trở về Nha Trang, tôi liên lạc với người anh trai ở Canada bằng e-mail, bày tỏ với anh rằng: Mình sẽ ở lại Việt Nam, chọn nơi này là quê hương thứ hai. Ông anh tôi tán đồng ngay".

- Cơ duyên nào đưa ông đến được với cô Loan, một phụ nữ xinh đẹp của quê tôi? - Bạn tôi hỏi.

Sinh Vi nở nụ cười sảng khoái:

- Giữa năm 1997, trong một chuyến ra thăm lại Hòn Hèo, tình cờ tôi gặp cô Loan trong khi cô ấy cũng đi thăm thú Hòn Hèo cùng với mấy người bạn. Từ buổi đó, Loan thường vô Nha Trang, khách sạn Viễn Đông nơi tôi ở, thăm tôi. Chúng tôi tìm hiểu và sau đó một năm, chúng tôi làm lễ thành hôn.

Đinh Thị Loan kết hôn với một ông Tây, nhiều người thân tỏ ra ngạc nhiên khi chàng rể Tây không đưa vợ về Canada, cũng không sinh sống ở chốn đô thị phồn hoa mà lại đưa nhau về Hòn Hèo - chốn  hoang sơ đầy nắng và gió lập nghiệp.

Người dân ở Ninh Phước lấy làm lạ khi thấy ông Tây lưng trần, chân đất giống hệt một người nông dân Việt, hàng ngày xúc cát, bốc xếp gạch, đá phụ việc cho thợ xây dựng. Sau một thời gian ngắn, một ngôi nhà chừng 20m2, mái tranh hiện lên. Liên tiếp những tháng sau đó họ thấy ông Tây dầm mình trong mưa nắng, cuốc đất trồng cây quanh khu vườn rộng khoảng 2.000m2. Cũng thời gian đó, chị Loan vợ ông vất vả ngược xuôi đi liên hệ với các cơ quan chức năng trong tỉnh làm thủ tục xin thành lập doanh nghiệp tư nhân có tên là Hoa Sen.

Sinh Vi cùng con gái.

Sau một năm, khu du lịch sinh thái Hoa Sen hiện ra với những ngôi nhà lá xinh xắn ẩn mình dưới tán lá cây thơ mộng, gây nên sự chú ý cho bà con Ninh Phước. Mức giá dịch vụ ở đây vừa phải, hợp với khách tới lưu trú. Vì vậy có rất nhiều nhóm "Tây balô" tìm đến để đắm mình vào thiên nhiên hoang sơ. Sinh Vi trở thành ông chủ du lịch sinh thái, có người làm công và có cả vệ sĩ canh gác.

Là ông chủ nhưng ngày nào Sinh Vi cũng cùng  vợ ra vườn vun sới, chăm tỉa cây cảnh, cuốc đất trồng hoa, trồng rau xanh. Không chỉ bằng lòng với một công việc đã trở thành thói quen thường ngày mà Sinh Vi còn có ý nguyện bảo vệ rừng và bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Suốt mấy năm nay lên núi Hòn Hèo, Sinh Vi phát hiện có người đốt than, đẵn gỗ và ông đã ra tay ngăn chặn. Có lần lâm tặc tấn công kiểm lâm nhưng khi chạm trán với "ông Tây" này, bọn chúng cũng phải chào thua.

Những năm đầu gặp người săn bắt thú rừng, Sinh Vi hỏi mua cho bằng được, kể cả những con vật nhỏ như: cu ly, chồn, sóc, thỏ... để rồi thả lại vô rừng. Không ít người thấy việc làm của Sinh Vi tấm tắc khen ông là người có ý thức bảo vệ rừng. Nhưng cũng có kẻ cho rằng: "Gã Tây này hâm".

Nhiều lần thấy dân trong xã đốt rừng làm nương rẫy, "ông kiểm lâm Tây" huy động nhân viên của mình lên núi dập lửa và kiên quyết ngăn chặn. Cách đây một năm, khi nhìn thấy một người dân Ninh Phước đánh bẫy được một con cu ly bằng bắp chân, Sinh Vi hỏi mua, người nông dân không bán.

Ông lập tức gọi điện cho kiểm lâm đến lập biên bản thu hồi con cu ly và trực tiếp Sinh Vi ôm con thú thả nó về lại với rừng. Mười năm qua, ngày nào Sinh Vi cũng dành một khoảng thời gian nhất định đặt ống nhòm hướng lên Hòn Hèo quan sát thú rừng rồi cập nhật vô sổ nhật ký theo dõi, đánh dấu những điểm thú rừng thường xuất hiện. Lúc rảnh công việc kinh doanh du lịch, Sinh Vi lại vác máy ảnh lên núi rình chụp các loài thú thường xuất hiện, lập thành bộ sưu tập lưu vào đĩa CD.

Một sáng tháng giêng năm 2002, hôm ấy tiết trời mùa xuân ấm áp, Sinh Vi mang máy ảnh đi dạo trong rừng, bỗng phát hiện con vật lạ thuộc họ khỉ đang đùa dỡn trên tảng đá trắng lớn, dưới tán cây cổ thụ. Sinh Vi liền chụp ảnh, nhanh chóng chuyển qua e-mail cho Ban Quản lý rừng quốc gia Cúc Phương và đã nhanh chóng nhận được thông báo qua điện thoại cho biết đó là Vọt Trà Vá chân đen, một loại động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam và thế giới.

Một thời gian ngắn sau khi phát hiện ra loài Vọt Trà Vá chân đen, Sinh Vi làm hướng dẫn viên tình nguyện cho ba chuyên gia cứu hộ thú linh trưởng thuộc Hội Động vật Cộng hòa Liên bang Đức công tác ở vườn quốc gia Cúc Phương vô Hòn Hèo khảo sát, đánh giá thực trạng loài Vọt Trà Vá chân đen. Khu du lịch sinh thái của vợ chồng Sinh Vi cũng là nơi đón tiếp đoàn làm phim của Đài Truyền hình Đức thực hiện phóng sự về bảo tồn loài thú linh trưởng ở Phong Nha - Kẻ Bàng và Hòn Hèo.

Tài liệu mà Sinh Vi và các chuyên gia thu thập được cho thấy ở Hòn Hèo đang tồn tại ít nhất một đàn Vọt Trà Vá chân đen với khoảng một trăm mười cá thể tập trung chủ yếu ở Dốc Hồng, Dốc Ba Ngọn, Dốc Trinh và Suối Lạnh, xã Ninh Phú; Rừng Cát, Gành Nhổng, Bãi Cá Lâm, Suối Hoa Lan, khu du lịch Hồng Hải, xã Ninh Vân. Giám đốc Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương cho biết: Vọt Trà Vá chân đen được xếp vô nhóm một, nghiêm cấm khai thác và sử dụng.

Loài thú quý hiếm này có nguy cơ diệt chủng bởi nạn săn bắn động vật hoang dã và nạn phá rừng. Trên trái đất hiện giờ có hai mươi loài thú linh trưởng. Trong số đó, ở Việt Nam có năm loài gồm: Vọt Trà Vá chân đen, Vọt Trà Vá chân xám, Vọt quần đùi trắng, Vọt mũi hếch và Vọt đầu vàng.

Trước thực trạng đó, Sinh Vi đã báo cáo cho hạt kiểm lâm huyện Ninh Hòa về nạn phá rừng, đốt than, săn bắn động vật hoang dã, đồng thời ông đã gửi thư lên UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị kêu gọi mọi người tham gia bảo vệ rừng ở Hòn Hèo.

Chia tay Sinh Vi, một người Canada nặng lòng với Hòn Hèo, tôi cứ suy nghĩ hoài một câu nói đầy trách nhiệm của ông:

- Tôi mong ước du lịch Hòn Hèo sớm được hình thành. Lúc đó tôi tình nguyện làm bảo vệ rừng và động vật hoang dã ở nơi đây. Bởi tôi yêu Hòn Hèo, yêu đất nước Việt Nam, yêu thiên nhiên Việt Nam và tất cả các loài thú tôi gặp ở Hòn Hèo. Tôi nguyện ở lại Hòn Hèo cho đến cuối đời mình.

Nha Trang, Xuân 2008

Xuân Tuynh
.
.