Ông Văn nghệ đây rồi

Thứ Hai, 29/05/2017, 13:49
Nhà thơ Nguyễn Duy, sinh năm 1948 tại Thanh Hoá, nhập ngũ năm 1966 tại Bộ tư lệnh Thông tin. Hồi đó ông còn là lính binh nhất đang đóng quân tại Hải Phòng, giữ đường dây liên lạc quân sự thành phố Cảng. 


Tuy là chiến sĩ mới nhập ngũ được vài tháng, Nguyễn Duy có những hoạt động sôi nổi trong công tác Đoàn, có thành tích chiến đấu, phục vụ chiến đấu tốt với cương vị Bí thư Chi đoàn, nên anh được đơn vị bầu chọn là nhân vật điển hình về bảo vệ đường dây liên lạc thông suốt trong bối cảnh các trận oanh kích ác liệt của không quân Mỹ. Nhà thơ, nhà văn Trang Nghị lúc đó làm ở Báo Văn nghệ về đơn vị Nguyễn Duy viết bài. Được gặp Trang Nghị, Nguyễn Duy mừng quýnh lên:

- Chào ông Văn nghệ! Ối trời ơi, thế là tôi tóm được ông Văn nghệ đây rồi!

Thế là Nguyễn Duy trút hết bầu tâm sự với nhà thơ Trang Nghị, nào gửi nhiều thơ về toà soạn mà không đăng. Trang Nghị cũng thẳng thắn bộc bạch: "Thơ chú mày dở ẹc". Nguyễn Duy từ tốn thưa: "Tôi đề nghị anh cho tôi bí quyết làm sao cho thơ hay lên được".

Nhà thơ Trang Nghị gãi gãi vành tai, nói thản nhiên như không: "Dễ thôi mà, mày cứ đọc Báo Văn nghệ ba năm là thơ của mày sẽ hay lên liền". Nói xong, Trang Nghị cười hơ hớ như nửa đùa, nửa bỡn...

Theo lời khuyên của Trang Nghị, Nguyễn Duy làm bạn đọc tích cực của Báo Văn nghệ. Vừa đọc Báo Văn nghệ, cộng với vốn sống, năng khiếu... Nguyễn Duy liên tục viết, liên tục gửi bài cho Báo Văn nghệ, cứ tới tấp từng chùm, từng chùm thơ như hoa vừa độ nở, quả vừa độ chín. Đùng một cái, năm 1973, Báo Văn nghệ tổ chức cuộc thi thơ, Nguyễn Duy đoạt giải A dành cho chùm thơ với các bài: "Tre xanh", "Hơi ấm ổ rơm", "Bầu trời vuông". Khi Nguyễn Duy về Hà Nội lĩnh giải thưởng, gặp lại nhà thơ Trang Nghị có hỏi: "Anh có nhớ tôi không?".

Nhà thơ Trang Nghị đáp: "Không".

Nhà thơ Trang Nghị giơ tay lên trán mình gõ gõ... rồi chợt nhớ ra thốt lên:

- Tao nhớ ra rồi... Tao nhớ ra rồi, đúng rồi. Tao phải đãi chú mày một chầu bia hơi mới được!

Miệng nói, nhà thơ Trang Nghị kéo Nguyễn Duy ra quán bia hơi góc đường Trần Hưng Đạo - Phố Huế, lấy nắp hầm làm mâm bày lên mấy vại bia sủi bọt cùng một đĩa lạc rang húng lìu. Cả hai thầy trò cùng ngồi xổm vừa uống bia vừa ôn lại cái thời Hải Phòng bị giặc Mỹ oanh tạc... Khi mấy vại bia... đã cạn, nhà thơ Trang Nghị như sôi nổi hẳn lên, nhìn Nguyễn Duy nói: "Mày thấy chưa, anh mày nói có đúng không nào, cứ đọc Báo Văn nghệ ba năm là nên người". Chừng như tâm đắc với sự tiên đoán được kết quả của đọc Báo Văn nghệ của Nguyễn Duy, lại một lần nữa nhà thơ Trang Nghị cười hơ hớ.

Chẳng có thế, Nguyễn Duy được giải A thơ Báo Văn nghệ mà ba năm sau Nguyễn Duy lại cùng Trang Nghị làm việc cho Tạp chí Văn nghệ Giải phóng cùng ở một chung cư tại thành phố Hồ Chí Minh. Khi Văn nghệ Giải phóng sáp nhập với Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Duy chuyển sang làm phóng viên, đại diện của Báo Văn nghệ ở phía Nam cho đến lúc nghỉ hưu.

Một người có tài thơ, nhất là thơ lục bát, từng xuất bản 13 tập thơ, 3 tập bút ký, 1 tiểu thuyết và năm 2007 đoạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, vậy mà trong một bài viết tưởng niệm khi nhà thơ Trang Nghị qua đời (1933-1998) đăng trên Báo Văn nghệ số 30 ra 25-7-1998, Nguyễn Duy đã tôn vinh nhà thơ Trang Nghị là người thầy đầu tiên dạy anh làm thơ.  

Lê Hồng Thiện
.
.