Nữ văn sĩ Thiết Ngưng: “Thiên vị” người cùng giới?

Thứ Hai, 07/04/2008, 15:00
Nhiều tác phẩm của Thiết Ngưng thành công trong việc miêu tả vẻ đẹp của phụ nữ. Đó không phải là vẻ đẹp yếu đuối của những người con gái kiểu xưa mà là vẻ đẹp khỏe khoắn.

Nữ văn sĩ Trung Quốc Thiết Ngưng sinh năm 1957 tại Bắc Kinh. Từ năm 1996, bà là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc và năm 2005 là Chủ tịch (trẻ nhất từ trước đến nay). Thiết Ngưng từng đoạt nhiều giải văn học toàn Trung Quốc về truyện ngắn và truyện vừa.

Nhiều truyện của bà được chuyển thể thành kịch bản phim. Tác phẩm của bà được dịch ra nhiều thứ tiếng như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Việt Nam v.v… Đến nay bà đã có 4 trường thiên tiểu thuyết, trong đó có 3 truyện "Cửa hoa hồng", "Thành phố không mưa" và "Những người đàn bà tắm" đã được dịch ra tiếng Việt.

Nhiều tác phẩm của Thiết Ngưng thành công trong việc miêu tả vẻ đẹp của phụ nữ. Đó không phải là vẻ đẹp yếu đuối của những người con gái kiểu xưa mà là vẻ đẹp khỏe khoắn. Trong tác phẩm "Cửa hoa hồng", tác giả thông qua cái nhìn của bé gái Tô Mi, miêu tả vẻ đẹp của Trúc Tây khi đang tắm như sau:

"Bầu vú của mợ, khi để bé Bảo bú, nó như cái bình chỉ có sữa mà trẻ nhỏ không rời nổi. Nhưng lúc này, nó không như thế, nó là hai quả bóng đang nhảy nhót kích thích bạn đùa giỡn với nó. Mợ giơ tay lau lưng, hai quả bóng nhảy tưng tưng".

Từ những năm 90 trở đi, ý tưởng thẩm mỹ và hình thức biểu hiện nghệ thuật của Thiết Ngưng lại một lần nữa thay đổi. Truyện vừa "Đối diện" dùng góc nhìn của nam giới mô tả một người đàn ông nhìn trộm sinh hoạt thầm kín của người đàn bà, khiến cho người đàn bà đó lên cơn đau tim mà chết. Đành rằng ở đây có sự phê phán thói nhìn trộm của nam giới, nhưng cái mà Thiết Ngưng muốn phơi bày, không chỉ là những không gian cá nhân của nữ giới bị xâm phạm mà muốn nói không gian cá nhân của quần thể xã hội cũng bị xâm phạm.

Đó là tội ác khá phổ biến của nhân sinh, nhưng tác phẩm dưới tiền đề thừa nhận tội ác đó, cổ vũ người ta cố gắng "làm cho mình tốt lên tí chút". Như vậy, một lần nữa, Thiết Ngưng lại miêu tả vẻ đẹp thanh tân thuần phác của người con gái. Đó là sự trở lại của tự ngã, nhưng là sự trở lại ở một tâm hồn cao hơn, mới hơn.

Tiếp tục viết về đề tài nữ tính, năm 2000, Thiết Ngưng cho ra đời cuốn tiểu thuyết "Đại dục nữ" mà bản tiếng Việt dịch là "Những người đàn bà tắm". Chữ "dục" trong "Đại dục nữ" phải dịch là tắm gội. Lấy ý tưởng từ tranh "Những người đàn bà tắm" của họa sĩ người Pháp P. Cézanne, tác giả Thiết Ngưng muốn nói về quá trình "tắm gội" trưởng thành của những người đàn bà Trung Quốc trong cuộc sống xã hội đầy sóng gió.

Trong "Đại dục nữ", ngoài việc ca ngợi vẻ đẹp thuần phác thanh tú và miêu tả dục vọng sinh tồn của những người con gái ra, tác giả tiếp tục phê phán thái độ vô trách nhiệm của những người đàn ông.

Từ những nội dung trên, có nhà phê bình cho rằng Thiết Ngưng quá khắt khe với đàn ông. Trong tác phẩm của bà dường như không có một người đàn ông lý tưởng. Bạn đọc có thể hỏi: Vậy nhân vật Trần Tại trong "Đại dục nữ", Thiết Ngưng có phê phán anh ta đâu? Đúng là Trần Tại là người bạn tốt của Khiêu, nhưng nhân vật ấy quá mờ nhạt. Cả Khiêu và Trần Tại trải qua bao sóng gió, ở cuối truyện họ lại đến với nhau.

Đáng ra, Khiêu sẽ kết hôn với Trần Tại, nhưng đến phút quyết định thì Khiêu lại rút lui, không lấy Trần Tại nữa. Hành động này thể hiện tính cách thiếu lôgíc của nhân vật Khiêu, vì trải qua cuộc "đại tắm gội" Khiêu có thể vượt qua sự an bài của số phận.

Theo tôi đó là sự rút lui của bản thân nữ văn sĩ Thiết Ngưng thì đúng hơn. Có lẽ nhà văn có cách nhìn phiến diện đối với đàn ông, nên trước việc kết hôn giữa nam và nữ, bà thường tỏ ra do dự nghi ngờ. Có lẽ đó là trải nghiệm của riêng bà?

Lê Huy Tiêu
.
.