Nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20-10

"Nữ thủ lĩnh" của ba nhà hát

Thứ Ba, 28/10/2014, 08:00
Ba "nữ thủ lĩnh" mà bài viết này sẽ đề cập nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 đều là những nghệ sĩ rất nổi tiếng của làng sân khấu Việt Nam: NSƯT Thanh Ngoan là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSƯT Thúy Mùi là Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, NSƯT Minh Hằng là Giám đốc Nhà hát kịch Quân đội. Họ đều là mẫu phụ nữ "giỏi việc nước" cả, bởi công việc chèo lái một nhà hát gồm hàng trăm nghệ sĩ, mỗi người một cá tính khác nhau trong bối cảnh sân khấu gặp nhiều khó khăn như hiện nay, thực sự là một việc làm chẳng dễ dàng gì...

1. NSƯT Thanh Ngoan: Sức hút kỳ lạ

Dù đã giữ cương vị Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam được hai năm nay, nhưng tên tuổi của NSƯT Thanh Ngoan vẫn có sức hút kỳ lạ với các sô diễn. Chị tâm sự rằng, từ ngày tiếp quản cương vị mới, chị rất bận rộn vì không chỉ phải "đối nội" với rất nhiều công việc sự vụ hằng ngày mà còn phải "đối ngoại" nữa. Nhưng có nhiều hợp đồng biểu diễn, phía đối tác vẫn nêu yêu cầu phải có đích danh "nữ giám đốc" tham gia biểu diễn thì họ mới chịu. Vì thế, dù bận rộn thế nào, NSƯT Thanh Ngoan vẫn phải sắp xếp công việc cho hợp lý để tham gia biểu diễn cùng với anh chị em nghệ sĩ trong đơn vị khi đi biểu diễn ở các địa phương cũng như khi biểu diễn định kỳ tại rạp Kim Mã. Theo nghệ sĩ Thanh Ngoan, đó cũng chính là cách anh chị em trong một nhà hát chung sức chung lòng vượt qua những khó khăn chung. Biểu diễn vừa là cách để nghệ sĩ rèn nghề, giữ ngọn lửa đam mê với nghề, vừa là cách để cải thiện thu nhập vốn khá eo hẹp của các nghệ sĩ theo đuổi bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống.

Tiếp quản cương vị Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam trong lúc nhà hát gặp nhiều khó khăn về tài chính và sân khấu nước nhà vẫn đang trong cơn khủng hoảng chưa tìm được hướng đi, nghệ sĩ Thanh Ngoan cũng có rất nhiều trăn trở. Đầu tiên, chị kêu gọi sự đoàn kết, chung sức chung lòng, nâng cao kỷ cương, trách nhiệm trong "ngôi nhà tập thể" nhà hát chèo với 160 con người. Là phụ nữ, nên NSƯT Thanh Ngoan luôn quan tâm, sát sao hơn đối với những vấn đề của đời sống. Bên cạnh những khó khăn cũng có những thuận lợi riêng khi một người "đầu tàu" là nữ giới như sự tình cảm, dễ gần, dễ thấu hiểu những tâm sự, khó khăn của anh chị em nghệ sĩ trong nhà hát để đồng cảm, chia sẻ, động viên nhau. Nghệ sĩ Thanh Ngoan cũng cho biết thêm: "Có lần trong một buổi làm việc với lãnh đạo Bộ, khi nghe tôi là nữ giới trình bày những khó khăn cụ thể mà nhà hát đang gặp phải, lãnh đạo cấp trên không  chỉ rất thông cảm mà còn thương! Nhờ thế mà nhà hát cũng được quan tâm, đầu tư hơn về tài chính, cơ sở vật chất để nhà hát có thêm nhiều hoạt động như khôi phục các chiếu chèo truyền thống, chiêu sinh, đào tạo lớp nghệ sĩ kế cận...".

Nghệ sĩ Thanh Ngoan dường như đóng đinh với những "vai mụ" nanh nọc chua ngoa như mụ Sùng trong "Quan âm thị Kính", mụ Kim trong "Trương Viên" hay các vai "đào lệch" như Hoạn Thư trong "Kiều", chủ quán Hồng Châu trong "Hồ Xuân Hương"... Nhưng ngoài đời, chị là một người phụ nữ cởi mở, tình cảm, dễ gần. Cuộc sống cũng đã mỉm cười với Thanh Ngoan khi sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ, chị đã tìm thấy hạnh phúc, sự sẻ chia và điểm tựa tin cậy với một người đàn ông yêu thương chị và yêu cả bộ môn nghệ thuật mà chị dành cả cuộc đời để theo đuổi, dấn thân.

2. NSƯT Minh Hằng: Luôn là "người tiếp lửa"

Đại tá, NSƯT Minh Hằng trở thành Giám đốc Nhà hát kịch Quân đội từ năm 2010 sau hơn 30 năm gắn bó. Trưởng thành từ một nghệ sĩ lính nên lúc nào NSƯT Minh Hằng cũng giữ phong thái giản dị, hoạt bát đầy chất lính. Nghệ sĩ Minh Hằng "có danh" từ khá sớm, 18 tuổi đã được đạo diễn - NSND Nguyễn Đình Nghi giao cho vai Giang trong vở kịch "Tổ quốc" (Kịch bản: Đào Hồng Cẩm - Xuân Đức) nhưng chị được đông đảo khán giả biết đến và yêu thích qua vai Nhâm trong vở "Điều không thể mất" (Kịch bản: Lưu Quang Vũ - Đạo diễn: NSND Nguyễn Đình Nghi). Vai diễn ấy được yêu mến tới mức, đi đâu NSƯT Minh Hằng cũng được gọi là "cô Nhâm", thậm chí có những người lính khi viết thư cho chị cũng gọi chị là "cô Nhâm" chứ nhất định không gọi bằng tên thật. Với chị, đó thực sự là một niềm hạnh phúc không có tiền bạc nào mua nổi. Vai diễn này cũng để lại cho nghệ sĩ Minh Hằng những ấn tượng, tình cảm và kỷ niệm không thể nào quên, dù đến bây giờ trong sự nghiệp diễn xuất của mình, NSƯT Minh Hằng đã có nhiều vai diễn lớn, có trong tay với 6 Huy chương Vàng tại các kỳ Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp cấp quốc gia.

NSƯT Minh Hằng có một may mắn đó là có người bạn đời là đạo diễn, NSƯT Hoàng Mai cùng công tác trong một đoàn. Hai người thấu hiểu và chia sẻ được nhiều điều trong công việc và trong đời sống gia đình để cùng vượt qua những năm tháng khó khăn khi cả hai đều phải đi công tác xa nhà liên miên. Sau mỗi chuyến đi công tác xa lâu ngày, trở về với gia đình nhỏ của mình, NSƯT Minh Hằng vẫn luôn cảm thấy áy náy và chị muốn chăm sóc, bù đắp nhiều hơn cho gia đình mình. Nghệ sĩ Minh Hằng tâm sự rằng, là người đi lên từ một người lính, nên chị rất hiểu tâm tư tình cảm của các nghệ sĩ trẻ, những người mới chân ướt chân ráo vào nghề. Ngoài việc chỉ bảo tận tình, truyền cho các em, các cháu những kinh nghiệm quý báu trong nghề nghiệp, những trải nghiệm trong cuộc sống thực tế mà mình đã đi qua, chị còn truyền cho thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê đối với sân khấu, trong đó có cả sự hi sinh với nghề mà bản thân chị chính là một ví dụ cụ thể, sinh động.

3. NSƯT Thúy Mùi: Dám nghĩ, dám làm!

Không chỉ thành công với nhiều vai diễn trên sân khấu của Nhà hát chèo Hà Nội, đến nay NSƯT Thúy Mùi còn được thừa nhận là nhà quản lý tài ba. Nhờ sự nhạy bén, năng động, dám nghĩ dám làm của chị và Ban giám đốc trong việc "marketing" các chương trình nghệ thuật của nhà hát, đến nay Nhà hát chèo Hà Nội là một trong số không nhiều nhà hát trên địa bàn Hà Nội "đỏ đèn" thường xuyên và nhận được nhiều hợp đồng biểu diễn với các đơn vị, địa phương ngoài địa bàn Hà Nội. Nghệ sĩ Thúy Mùi tâm sự rằng, xưa nay nghệ sĩ ở ta chưa có thói quen "tiếp thị" sản phẩm nghệ thuật của mình với công chúng, cứ "giữ ý" sợ làm như thế sẽ mang tiếng này nọ không hay.

Thực tế trong bối cảnh hiện nay, không thể ngồi đợi khán giả tìm đến mình mà phải chủ động đi tìm kiếm khán giả thì mới bán được thứ "hàng hóa" mình có. Từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ, ngần ngại với việc gõ cửa một cơ quan, một doanh nghiệp, một trường học để "tiếp thị" một vở diễn, một chương trình nghệ thuật mà nhà hát mới dàn dựng, đến nay công tác truyền thông của nhà hát đã được làm rất chuyên nghiệp, hiệu quả.

Từ ngày tiếp quản vị trí lãnh đạo nhà hát, nghệ sĩ Thúy Mùi đã mạnh dạn đổi mới cách làm, nâng cao chất lượng các vở diễn, các chương trình nghệ thuật, tăng cường bổ sung vào lực lượng dàn diễn viên trẻ đẹp, tài năng. Ngoài những đêm diễn tại rạp Đại Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội còn có nhiều hợp đồng diễn xuất với các tỉnh, các đơn vị, trường học nên anh chị em nghệ sĩ ở đây luôn bận rộn, được làm nghề lại có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

NSƯT Thúy Mùi cho hay: "Phụ nữ làm quản lý cũng có những thuận lợi riêng chứ! Sự mềm mỏng, tình cảm, có lý, có tình của người phụ nữ cũng chính là thành công bước đầu trong một lần tiếp xúc, giao dịch rồi! Cũng có khi chúng tôi giành được sự ưu ái đặc biệt từ phía các đối tác cũng bởi lý do có sự cảm thông, chia sẻ với những người phụ nữ "chân yếu tay mềm" vừa là nghệ sĩ lại vừa là lãnh đạo phải lo cơm áo gạo tiền cho anh em...".

Dù đã trở thành nhà quản lý đã lâu, song nghệ sĩ Thúy Mùi vẫn luôn là một diễn viên xông pha. Bất cứ khi nào cần, chị đều có thể lên sân khấu diễn thay một diễn viên nghỉ đột xuất, nhập vào dàn múa, hát phụ họa khi thiếu người, thậm chí trở thành một người nhắc vở sau cánh gà... Với chị, dù ở cương vị nào thì sân khấu chèo cũng vẫn là niềm đam mê bất tận. Gần đây, nghệ sĩ Thúy Mùi còn say mê với một vai trò mới: vai trò đạo diễn. Tự tin, mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm không ngại khó, không ngại khổ, không sợ thất bại... đã làm nên một Thúy Mùi nghệ sĩ, một Thúy Mùi lãnh đạo đầy bản lĩnh và thành công như hôm nay

Hà Anh
.
.