Nữ sĩ Xuân Quỳnh và một "Gác Gôn thơ" ở Báo Văn nghệ

Thứ Bảy, 13/06/2009, 11:00
Thời ấy, tổ thơ báo Văn nghệ gồm ba nhà thơ nổi tiếng: Vĩnh Mai, Phạm Hổ, Xuân Quỳnh. Phạm Hổ bị bệnh hen. Xuân Quỳnh trẻ tuổi nhất. Vĩnh Mai vịnh bốn câu:

Tổ thơ một bố một con

Bố thì lẩm cẩm, con còn ngô nghê

Lại thêm Phạm Hổ mới về

Hổ là hổ giấy "khò khè" quanh năm

Có lẽ Xuân Quỳnh là nhà thơ ít tuổi nhất trong tổ, cho nên Vĩnh Mai dùng hai chữ "ngô nghê". Thật ra, Xuân Quỳnh không ngô nghê. Lúc này chị là một trong những nhà thơ nổi nhất của thế hệ thơ chống Mỹ. Trinh Đường cùng làm việc với chị một thời gian. Theo anh, Xuân Quỳnh thẩm thơ rất tinh, đọc thơ không những chị nhận ra cái hay cái dở, mà còn nhận ra cái đúng cái sai (ý Trinh Đường muốn nói cái đúng cái sai về chính trị).

Năm 1977, tôi về báo Văn nghệ cùng tổ thơ với Xuân Quỳnh. Hai năm sau, có thêm Phạm Tiến Duật.

Ngày nào báo Văn nghệ cũng nhận được hàng chục bản thảo lai cảo, nhiều nhất là thơ. Cả nước, trong Nam, ngoài Bắc dồn thơ về đây. Thơ nhiều vô kể. Xuân Quỳnh đọc sơ bộ để loại những bài yếu. Tôi đọc lại tập bài chị đã loại bỏ để xem có "cứu" được bài nào không.

Đúng như chị đã thẩm định: không "cứu" được bài nào cả. Những bài tôi chọn cuối cùng để nộp cho Tổng biên tập đưa in vào các số tới đều có chữ ký của hai người. Thông thường, những bài tôi đã ký thì Xuân Quỳnh cũng ký. Chúng tôi dễ thống nhất với nhau trong việc chọn thơ in.

Một lần, Tổng biên tập Nguyễn Văn Bổng đưa cho tổ thơ mấy bài di cảo của một nhà thơ quá cố nổi tiếng từ thời Tự lực văn đoàn và trong kháng chiến chống Pháp. Nội dung mấy bài thơ đó là khóc vợ. Tôi không thích, nhưng vẫn ký để xếp vào số tới vì hai lẽ: 1) Thơ của một thi sĩ nổi tiếng trong làng thơ Việt Nam. 2) Bài trong tập di cảo do gia đình nhà thơ giữ và trực tiếp gửi cho Tổng biên tập.

Xuân Quỳnh không ký và nói với tôi: "Mấy bài thơ này yếu quá. Khóc vợ như thế này thì chỉ cười chứ không khóc được".

Tôi vẫn nộp bài cho Thư ký tòa soạn. Tổng biên tập Nguyễn Văn Bổng gặp lại tổ thơ: "Sao không có chữ ký của Xuân Quỳnh?". Xuân Quỳnh trình bày ý kiến của mình một cách thẳng thắn. Anh Bổng cầm về nhà và đọc lại kỹ càng. Cuối cùng anh gặp chúng tôi: "Tôi chịu thua cô Xuân Quỳnh".

Làm biên tập ở báo Văn nghệ, một trong những công việc choán khá nhiều thời gian là tiếp cộng tác viên, nhất là cộng tác viên thơ. Mỗi cộng tác viên lại có một kiểu "hách" khác nhau. Nhà thơ lão thành thì nói như quát: "Thơ tôi thế này mà không in được à!".

Người ở chiến trường ra: "Tôi phải vào sinh ra tử mới làm được mấy bài thơ này". Có người thành thật, khẩn khoản: "Tôi vừa mới về hưu, không biết làm gì. Tôi làm thơ. Nhờ tòa soạn in để động viên tuổi già tôi". Có người ngồi hàng tiếng đồng hồ. Thậm chí có người ngồi cả buổi. Phải kiên nhẫn tiếp khách.

Về cái khoản này thì Xuân Quỳnh không kiên nhẫn được. Chị thường "đẩy" cho tôi, nhất là khi gặp cộng tác viên khó tính.

Nhà thơ N. làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã từng được đề cao trong thời kỳ Văn nghệ Giải phóng miền Nam, liên tục gửi bài cho báo Văn nghệ. Nhưng bài được in rất ít. Đã có lần anh to tiếng với Xuân Quỳnh.

Lần ấy, vừa thấy bóng nhà thơ N. ở cổng tòa soạn, Xuân Quỳnh đã lẩn trốn. Một mình tôi tiếp. Thỉnh thoảng Xuân Quỳnh lại thoáng qua cửa để xem thái độ anh N. thế nào. Chẳng thấy anh to tiếng, mà lại cười nói vui vẻ... Sau khi tôi tiễn anh N. ra về, Xuân Quỳnh chạy đến gặp tôi: "Ông đã cứu tôi một bàn thua trông thấy. Cách đây mấy hôm, tôi nhận được bài của anh N., ngoài phong bì ghi đích danh tên tôi. Không dùng được bài nào cả...".

Một lần khác, tôi tiếp Phan Hồng Khánh từ Nghệ An ra. Phan Hồng Khánh là con Tây lai, tóc xoăn, mắt xanh, râu quai nón, y hệt một ông Tây. Tưởng tôi tiếp khách nước ngoài, Xuân Quỳnh ôm bản thảo sang phòng bên cạnh. Khánh là cây bút trẻ, làm thơ lục bát khá nhuần nhuyễn. "Có bài nào mới, đọc nghe cho vui". Khánh tủm tỉm cười, rồi cất giọng:

Những lời người nói với tôi/ Xa xôi ngày ấy nào tôi biết gì/ Núi chưa vọng tiếng từ quy/ Sông chưa chảy xiết, bờ thì chưa cao/ Mùng tơi chưa bén dậu rào/ Dâu chưa nên cội, tằm nào đã ươm....

Xuân Quỳnh chạy sang, hòa vào cuộc một cách thích thú. Về sau, Quỳnh mới nói cho tôi rõ lý do: "Làm thơ lục bát khó lắm. Tôi thấy ai làm thơ lục bát hay là tôi phục. Bây giờ lại nghe một ông Tây đọc thơ lục bát nhuần nhuyễn, tôi mới chạy sang xem ông Tây này là thế nào...".

*

"Răng anh còn tốt không?" - Tôi đang ngồi đọc tập bản thảo lai cảo, Quỳnh hỏi. Tôi cứ tưởng chị muốn chiêu đãi tôi một món ăn lạ mà cứng. "Anh có gặm được xương bò không?". "Quỳnh gặm được thì mình cũng gặm được". "Tôi không tài nào xực được món này. Anh gặm được thì tôi dành cho anh gặm tất" - Quỳnh vừa nói vừa đặt trước mặt tôi mấy bài thơ lai cảo....

Tôi cầm đọc. Thì ra mấy bài thơ vô cùng khó hiểu của một nhà thơ trẻ. Dạo ấy, trong một số nhà thơ trẻ đang rộ lên xu hướng làm thơ khó hiểu, càng khó hiểu càng hay, càng tắc tị càng cao siêu. Mấy lần họp anh em thơ ở Hội Nhà văn, anh Chế Lan Viên, Trưởng ban Thơ của Hội, cảnh báo về "loại thơ tân kỳ" này. Anh Xuân Diệu thì nói: Đó là "thơ cách tân", "thơ hiện đại", "thơ hậu hiện đại". Tòa soạn báo Văn nghệ nhận được khá nhiều thơ kiểu ấy. Có lần tôi bàn với Xuân Quỳnh: "Cứ nộp vài bài lên cho ông Bổng, xem ông Bổng có xực được không?". Anh Nguyễn Văn Bổng gặp lại tổ thơ, cau mày: "Mình dốt thơ. Các cậu giải thích cho mình hai bài thơ này nói gì. Mình nói thật đấy".

Trong tổ thơ, chúng tôi quy định với nhau: Khi đọc bài lai cảo, ghi ba loại ký hiệu bên lề. Đánh dấu cộng tức là bài khá, dùng được. Đánh dấu thước thợ tức là bài có thể dùng được, có thể không dùng. Đánh dấu trừ tức là bài kém, không dùng.

Ngoài ba loại ký hiệu đó, Xuân Quỳnh còn xếp một loại bài thứ tư và ghi bên lề :"Gặm xương bò". Quỳnh diễn giải thêm: "Gặm xương bò nát cả răng mà không thấy chút tủy nào".

Sáng hôm ấy, nhà thơ T. cùng với hai nhà thơ trẻ khác thuộc "trường phái cách tân" vào tòa soạn. Bình thường, Xuân Quỳnh "đẩy" cho tôi tiếp, bỏ đi nơi khác. Nhưng không hiểu sao hôm ấy Quỳnh ngồi lại và trò chuyện vui vẻ. Ba nhà thơ hào hứng đọc một loạt bài "thơ tân kỳ". Quỳnh sang phòng bên cạnh độ dăm phút, rồi quay vào: "Hôm qua tôi thức gần trắng đêm làm được bài thơ, tôi đọc các ông xem có hiện đại bằng thơ các ông không?". Nhà thơ T. đánh đét vào đùi: "Tuyệt quá! Tuyệt quá! Đọc đi!".

Xuân Quỳnh đọc với giọng ra vẻ đầy diễn cảm:

Gửi từ phương xa/ Lúa đã chín rồi/ Sống và chết/ Tình yêu tôi là biển sóng gầm/ Đả đảo vua chúa/ Nghỉ yên dưới mộ/ Chiếc xe bốn con bò kéo/ Tiếng ta ca hát/ Buồn đau?là biển cả/ Hỡi số phận, mở trước mặt tôi/ Mây đang đè nặng/ Một ý nghĩ cứ giày vò tôi mãi/ Một ý nghĩ giày vò tôi/ Một ý nghĩ giày vò tôi....

Ba nhà thơ hết lời tán tụng: Xuân Quỳnh hiện đại quá! Xuân Quỳnh xứng đáng là thi sĩ dẫn đầu nhà thơ hiện đại!

Xuân Quỳnh mỉm cười - nụ cười kín đáo, đặt lên bàn tờ giấy chép "bài thơ" của mình. Đồng thời chị mở tập "Thơ Petofi". Thì ra "bài thơ" của chị chính là mục lục ở trang cuối tập "Thơ Petofi". Ba thi sĩ trẻ ngồi đớ người... Một cách đối đáp rất thông minh của Xuân Quỳnh!

Võ Văn Trực
.
.