“Nữ hoàng truyện trinh thám” khởi nghiệp từ ngành An ninh

Thứ Bảy, 16/07/2005, 07:09

Aleksandra Marinina được mệnh danh là “Nữ hoàng tiểu thuyết trinh thám” hiện đại ở Nga. Mới đây bà đến thăm Trường Viết văn ở Moskva và có cuộc trò chuyện với giảng viên và sinh viên của trường về quá trình viết văn của mình.

Một lần, thời kỳ còn đang làm việc tại Bộ Nội vụ, Marinina đã đăng một bài báo khá gay gắt trên tạp chí “Công an”, ký bằng tên thật của mình, lại còn ghi địa chỉ nơi làm việc. Và sau đó bắt đầu một vụ scandal, rất giống với những vụ hay diễn ra trong giới văn học.

Thủ trưởng phê bình Marinina và nói rằng, nếu bà không biết viết thì đến ông ta dạy cho. Ông này là người Gruzia, đã sống ở Nga 40 năm, nhưng nói tiếng Nga vẫn chưa sõi, thậm chí còn sai ngữ pháp. Dù sao, Marinina cũng rất “ngại” thủ trưởng của mình. Kể từ đó, bà thề rằng sẽ không bao giờ in bài bằng tên thật, trừ những trường hợp đặc biệt.

Sở dĩ có “sự cố” như vậy là vì - theo Marinina thổ lộ - “Lãnh đạo của chúng tôi chuyên bóc lột lao động của các nhân viên cấp dưới để viết luận án tiến sĩ và gây dựng tên tuổi của mình trong khoa học. Không ai dám nói thẳng ra điều đó. Tôi đã thử làm và bị phê phán. Lúc bấy giờ tôi nảy ra một ý tưởng: Nếu mình viết về điều đó dưới hình thức tác phẩm nghệ thuật thì sao? Thế rồi tôi đã viết và mang bản thảo tới tạp chí “Công an”, họ nhận bản thảo của tôi. Chuyện xảy ra vào năm 1992”.

Sự nghiệp văn học của Marinina bắt đầu từ năm 1995, khi ông tổng biên tập nhà xuất bản “EKSMO” gọi điện thoại cho bà, nói rằng ông đã đọc các bài viết của bà trên tạp chí “Công an”, và ông ta rất thích. Rồi ông hỏi Marinina có phản đối không, nếu nhà xuất bản in thành sách bìa cứng và trả nhuận bút đàng hoàng. Thời bấy giờ Marinina sẵn sàng in không cần nhuận bút.

Cuốn sách đầu tiên của bà, tiểu thuyết “Kẻ sát nhân miễn cưỡng”, được xuất bản. Sách bán rất chạy, nhưng không phải vì Marinina viết hay đến mức như vậy. Thực ra là vì  nó được in trong tủ sách “Con mèo đen” rất nổi tiếng lúc bấy giờ.

Bà kể: “Sau đó người ta đề nghị ký một hợp đồng với điều kiện tôi phải viết 5 cuốn sách mỗi năm. Nhuận bút tăng lên gấp đôi. Nhưng đã xuất hiện một vấn đề: viết vào lúc nào, nếu tất cả thời gian rỗi bạn đều phải làm việc? Hơn nữa, bất cứ lúc nào các nhân viên công an chúng tôi cũng có thể bị chuyển sang chế độ đặc biệt, có khi phải làm việc cả tuần không nghỉ. Vì vậy, tôi đành phải từ chối hợp đồng”.

Một trong những tác phẩm của Aleksandra Marinina.

Ít lâu sau một nhà xuất bản khác đã mời Marinina viết cho họ, nhưng nhuận bút cao gấp năm lần. Điều này khiến bà phải suy nghĩ. Để có khả năng mua được một căn hộ, bà đồng ý và bắt đầu viết. Bỗng nhiên nhân viên của “EKSMO” gọi điện thoại và hỏi bà có viết không. Marinina nói thật rằng đang viết, nhưng không phải cho họ, mà cho một nhà xuất bản khác.

Sau đó người của “EKSMO” lại gọi điện thoại cho bà nói rằng đã thỏa thuận với nhà xuất bản thứ hai cùng in sách của bà. Hơn nữa, họ còn hứa sẽ tăng nhuận bút lên gấp đôi. Marinina thấy mình không hiểu gì về công việc xuất bản và mất khả năng kiểm soát tình hình. Ít lâu sau bà đem chuyện này kể với thủ trưởng của mình.

Ông quyết định: công việc của bà là viết, còn tất cả  các mối quan hệ với nhà xuất bản ông ta đảm nhận hết, tất nhiên, với một phần thù lao nhất định. “Sao lại không nhỉ? - Marinina tâm sự - ít ra là tôi không phải nghe những lời phê bình. Khi các nhà xuất bản gọi điện thoại lại, tôi đề nghị họ trực tiếp trao đổi với người đại diện văn học của mình. Họ rất ngạc nhiên, bởi lúc bấy giờ còn chưa có thông lệ đó, mà ngay cả khái niệm cũng còn mới”.

Thường thì nhân vật chính trong các tác phẩm của Marinina là phụ nữ, song trong cuốn sách mới xuất bản của bà “Đánh tráo đối tượng”, nhân vật lại là đàn ông, một công an khu vực. Bản thân cuốn sách có thể cuốn hút nhiều người, vì trong đó bà trình bày ba tuyến nội dung. Có cái gì đó cho những người đàn ông ở độ tuổi từ 35 đến 45, có cái gì đó cho những người phụ nữ trẻ, đồng thời cũng có cốt truyện trinh thám.

Nhiều nhân vật trong tác phẩm của Marinina có nguyên mẫu từ cuộc sống. Vậy họ phản ứng ra sao khi đọc tiểu thuyết của bà và nhận ra mình trong đó? Theo Marinina cho biết thì một số có phản ứng tích cực. Đôi khi đến mức họ còn mời bà lấy tên của mình đặt cho nhân vật mới, thậm chí nhân vật tiêu cực. Một số không thích.

Ví dụ, chỉ cần bà mô tả tình huống chồng nói với vợ là chuẩn bị đi công tác, nhưng thực chất là đến gặp nhân tình, là ngay lập tức xuất hiện nhiều gã Casanova (nhà văn Italia, nổi tiếng về các cuộc phiêu lưu tình ái) tỏ ra bất bình. Bà mô tả tình huống điển hình, nhưng thế nào cũng rơi vào hoàn cảnh của một ai đó. Nói chung, số lượng kẻ thù của nữ nhà văn này tăng lên từ cuốn sách này đến cuốn sách khác. Còn khi cuốn “Bộ mặt sáng sủa của thần chết” ra đời, thì bà gặp rắc rối  to trong công việc.

Trong các cuốn sách của mình Marinina đề cập tới nhiều lĩnh vực khác nhau của con người: y học, ẩm thực, âm nhạc. Có cái bà lấy từ kinh nghiệm cá nhân. Nhưng đôi khi phải tìm sự giúp đỡ của các chuyên gia. Ví dụ, khi viết về cuộc sống của giới ca sĩ, bà phải đến gặp một nam ca sĩ quen biết và anh ta kể cho bà nghe nhiều điều lý thú.

Ví dụ, hóa ra, sau giấc ngủ, dây chằng họ còn tiếp tục ngủ ba giờ nữa. Vì vậy, buổi sáng sớm ca sĩ không thể hát hò gì được. Sau đó bà xem bộ phim “Khúc serenata”, nơi người ta mời một ca sĩ đến hát vào lúc 9h sáng. Nghĩa là đạo diễn không có cố vấn rồi. Không ai nói với ông ta rằng vào thời gian đó ca sĩ không thể hát được

Trần Hậu
.
.