Nữ già làng duy nhất ở Tây Nguyên

Thứ Năm, 24/01/2008, 14:00
Từ giữa năm 2001, ở làng K'Rông (Chư Prông, Gia Lai) có một già làng là phụ nữ. Bà Ksor H'Lâm - Người đàn bà duy nhất Tây Nguyên làm già làng! Cái điều hiển nhiên ngàn đời ở Tây Nguyên, già làng là một người đàn ông cao tuổi, minh mẫn, có uy tín... và điều hành việc làng theo luật tục, tưởng không bao giờ thay đổi nay đã khác...

Tây Nguyên - vùng đất bazan huyền thoại, giàu truyền thống đấu tranh Cách mạng. Nhưng còn một Tây Nguyên nữa - Tây Nguyên của già làng và chế độ mẫu hệ ngàn đời. Trong nhà, con gái bắt chồng và con cái mang họ mẹ. Người đàn bà làm chủ gia đình.

Nhưng lạ thay! Ngoài làng, bàn bạc quyết định số phận từng thành viên trong cộng đồng lại thuộc về đàn ông. 100 năm trước, đàn ông đã làm già làng. 1000 năm trước, đàn ông cũng đã làm già làng. Già làng là một người cao tuổi, minh mẫn, có uy tín... và điều hành việc làng theo luật tục.

Cái điều hiển nhiên ngàn đời ấy ở Tây Nguyên, tưởng không bao giờ thay đổi. Vậy mà từ giữa năm 2001, ở làng K'Rông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai có một già làng là phụ nữ. Người đàn bà duy nhất Tây Nguyên làm già làng!

Bà Ksor H'Lâm được bầu làm già làng! Vì sao?

Câu hỏi ấy cứ canh cánh trong lòng trước khi chúng tôi về làng K'Rông, xã Ia Mơr. Thời chống Mỹ, người dân Ia Mơr một tấc không đi, một ly không rời, nhịn ăn nhường cơm, sẻ muối cho bộ đội, cùng bộ đội rào làng đánh giặc.

Ksor H'Lâm đi theo cách mạng, học chữ, làm giao liên, gùi gạo, gùi đạn cho bộ đội. Cái chân Ksor H'Lâm vững bước theo các nẻo đường mặt trận thì cái đầu Ksor H'Lâm cũng sáng ra nhiều ngay từ dạo ấy. Thời chiến tranh, Ia Mơr đánh giặc giỏi, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nhưng thời bình, trằn lưng lên rẫy vào rừng mà vẫn nghèo.

Thời gian qua đi, cái nghèo vẫn đeo bám người Jơ Rai làng K'Rông. Rồi già làng, một người đàn ông, tuổi nhiều, không lo nổi việc buôn làng xin nghỉ. Người Jơ Rai làng K'Rông đứng trước sự lựa chọn: Ai sẽ đảm đương chức già làng?

Nhưng họ còn có một mong muốn thầm kín cháy bỏng mà chưa ai dám nói ra: Già làng không chỉ lo việc làng theo luật tục mà còn giúp dân có lúa đầy rẫy, có bắp có gạo đầy nhà, có trâu đầy chuồng...

Bà H'Linh làng K'Rông, xã Ia Mơr nói với chúng tôi: "Ksor H'Lâm có cái chữ Bác Hồ trong đầu. Cái miệng nó biết nói lời hay. Nó lại biết nuôi bò đầy chuồng, biết trỉa thóc đầy rẫy. Chúng ta bầu nó làm già làng".

Hóa ra, cuộc bầu già làng ở K'Rông là tự nguyện. Bà Ksor H'Lâm - người phụ nữ đã qua chiến tranh, biết nhiều chữ Bác Hồ nhất làng, biết lao động sản xuất giỏi là sự lựa chọn duy nhất của cộng đồng Jơ Rai làng K'Rông.

Làm già làng, bà Ksor H'Lâm hành xử việc làng theo luật tục rất thạo. Bà cùng với thôn trưởng làm việc nước cũng ngon. Nhưng bà chỉ có thể làm giàu cho gia đình chứ vào thời điểm đó Ksor H'Lâm chưa giúp dân làng K'Rông cùng giàu như mình.

Cuối năm 2001, Trung đoàn Kinh tế - Quốc phòng 710 thuộc Binh đoàn 15, được thành lập, đóng quân ở xã Ia Mơr, với nhiệm vụ xây dựng kinh tế góp phần phát triển văn hóa xã hội, xây dựng thế trận an ninh quốc phòng, giữ yên biên giới Tổ Quốc. Vừa may, đúng thời điểm ấy, người dân Jơ Rai và già làng Ksor H'Lâm đang dò dẫm tìm đường thoát khỏi đói nghèo.

Vậy là sự có mặt của các anh bộ đội thật đúng lúc. Phên dậu biên giới vững chắc thì phải không có vùng trắng, phải có dân bám đất. Bám đất đồng nghĩa với việc người dân phải được ăn no, mặc ấm, có của ăn của để; có người được làm công nhân trong nông trường. Bám đất cũng có nghĩa là phải có nhiều làng quân nhân sống sum vầy, thân mật với làng của bà con dân tộc nơi đây.

Lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 710 đã gặp già làng Ksor H'Lâm. Già làng chân thành bộc bạch hết nỗi lòng mình, mong muốn làng K'Rông giàu có, trẻ con được đến trường học chữ Bác Hồ thì mới không bỏ làng du canh du cư. Người lính kinh tế - quốc phòng hiểu thấu điều đó và lặng lẽ đứng bên già làng, làm tham mưu cho chính quyền và xắn tay áo trực tiếp tổ chức cuộc sống cho dân làng K'Rông.

Già làng họp dân để nói những điều tai nghe mắt thấy ở những nơi bà đã đi tham quan, học tập. Bà kể, chính mắt bà đã nhìn thấy những ngôi làng mà thóc lúa chín vàng rực nương rẫy, bò đầy chuồng. Nhiều gia đình đã có tivi, xe máy. Các a cay không còn trên lưng mẹ mà ngồi xe công nông, xe máy đến trường mầm non học...

Tất cả là nhờ việc trồng cao su, cà phê, nhờ làm công nhân nông trường. Người dân tộc thiểu số ở Đức Cơ, ở Ia Giai theo bộ đội làm giàu được thì người Jơ Rai ở làng K'Rông cũng làm giàu được!

Nhưng lúc ấy không phải ai cũng tin ngay già làng. Ngập ngừng. Nghe ngóng. Dân làng K'Rông chưa ai làm theo cách già làng gợi ý. Tập quán, phương thức sản xuất "chặt, đốt, hốt, trỉa" ngàn đời còn đeo bám không dễ gì gỡ ra được.--PageBreak--

Không nản! Già làng Ksor H'Lâm và chính quyền bàn với bộ đội nông trường giúp cho người dân hiểu dần ra. Người dưới xuôi có câu: "Vạn sự khởi đầu nan", "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", Trung đoàn 710 hỗ trợ 100 triệu đồng quy hoạch 20 ha cho người dân làng K'Rông trồng lúa nước. Màu áo xanh của người lính trung đoàn bên sắc màu thổ cẩm. Cuốc đất, lật cỏ. Đào hố trồng điều. Ươm dần màu xanh cao su.

Ngạn ngữ có câu: "Cho người cái cần câu quý hơn cho con cá". Người lính Trung đoàn 710 đã mang "cái cần câu" đến tặng đồng bào. Họ phổ biến mô hình, cách thức trồng lúa nước: làm đất, cấy, bón phân, chăm sóc, thu hoạch...

Người lính cùng già làng làm thử cho đồng bào xem. Một nhà, hai nhà, rồi ba nhà thu hoạch nhiều lúa. Cái đói ra đi, cái no trở lại. Thế rồi tất cả học làm theo. Cả làng K'Rông như biến thành một trường trung cấp nông nghiệp. Cả làng K'Rông như hóa thành một trang trại khổng lồ.

Đến làng K' Rông vào những ngày cuối năm này, trước mắt chúng tôi là đàn bò vàng cả một sườn đồi. Chúng tôi cảm nhận được đây là màu vàng của sự no đủ. Ksor H'Lâm trích tiền lương hưu cựu chiến binh, bộ đội trích quỹ đơn vị cho đồng bào vay vốn mua bò. Bộ đội hướng dẫn làm chuồng trại, làm xa nơi người ở. Làm chuồng xa nơi người ở, tưởng chừng rất giản đơn, nhưng là sự thay đổi một thói quen cố hữu cả ngàn đời.

Bộ đội hướng dẫn trồng cỏ xanh trên vùng đất hoang hóa. Đàn bò ở làng K'Rông sinh sôi nảy nở như nấm trong rừng gặp mưa tháng ba. Trước kia cả làng chỉ có vài ba con bò, không chăn nuôi mà chỉ thả hoang. Bây giờ, nhiều gia đình có từ 15 đến 20 con bò. Nhà già làng Ksor H'Lâm có đến 18 con. Từ chỗ thả rông đến chăn nuôi công nghiệp là một bước nhảy vọt trong sản xuất ở làng K'Rông. Đồng bào ai cũng vui.

Đi qua chiến tranh. Đi qua năm tháng thời gian của đời người. Chúng tôi cảm nhận được dấu vết nhọc nhằn in hằn lên gương mặt già làng Ksor H'Lâm với bao kỷ vật và ký ức thời chiến tranh không mờ phai. Nhưng cho đến nay bà Ksor H'Lâm vẫn sống một mình. Bà không có gia đình nhỏ của riêng mình. Bà tìm thấy hạnh phúc từ đại gia đình là làng K'Rông - nơi bà đã sinh ra, lớn lên và cả "gia đình" Trung đoàn 710 nữa.

Bà mừng vui vì những việc mình làm. Bà hạnh phúc vì những người lính Trung đoàn 710 luôn ở bên cạnh, luôn thủy chung, chia ngọt sẻ bùi với bà và dân làng. Bây giờ các cháu thanh niên thường đến quây quần bên bà. Hai thế hệ một già - một trẻ như là chở che, như là nối tiếp.

Ở xã Ia Mơr, ai cũng biết vợ chồng Rơ Mah Duân và Rơ Mah Dim làng K'Rông bắt được bọn vượt biên trái phép. Hôm chúng tôi đến, vợ chồng anh đang bên ngọn lửa ấm trong ngôi nhà bình yên của mình.

Rơ Mah Duân kể: Một lần đi rừng gặp bọn xấu, chúng dụ dỗ, phỉnh nịnh Rơ Mah Duân vượt biên sang Campuchia tìm cuộc sống "thiên đường". Nhưng nghe già làng Ksor H'Lâm dặn dò từ trước, anh rất cảnh giác, khéo léo ghìm chân chúng lại rồi tìm cách báo cho công an xã và bộ đội biên phòng đến bắt gọn. Ở làng K'Rông có nhiều thanh niên cũng học theo Rơ Mah Duân.

Chúng tôi có một đêm lửa hội ở làng K'Rông.

Đêm đốt lửa cho đất trời bừng sáng. Đêm đốt lửa cho vòng tay nối những vòng tay. Có niềm vui nào hơn niềm vui này. Chúng tôi như sống lại thời trai trẻ nơi trận mạc mấy chục năm trước. Đã qua rồi những tháng ngày ăn đói mặc rách. Cuộc sống mới đang hiện ra. Chuyện đổi đời ở làng K'Rông xã Ia Mơr như huyền thoại.

Tôi chợt nghĩ: Trong số các cô gái mang sắc màu thổ cẩm và các chàng trai mặc áo lính đang hát múa quanh đống lửa hồng này, sẽ có nhiều đôi nên vợ nên chồng. Mười năm, hai mươi năm sau, con cháu họ - những chủ nhân mới vùng biên giới này, chắc sẽ còn nhớ mãi hình ảnh già làng Ksor H'Lâm hôm nay, sẽ còn nhớ mãi những người lính Trung đoàn 710 đã một thời mang màu xanh bình yên phủ lên làng K'Rông...

Sương Nguyệt Minh
.
.