Nữ diễn viên Iran Leila Hatami: Đau đầu vì một cái hôn

Thứ Tư, 18/06/2014, 08:00
Hiện tại, Hatami đang phải đau đầu đối phó với "bão táp" dư luận chỉ bởi hành động hôn lên má ông Gilles Jacob - Chủ tịch Liên hoan phim Cannes lần thứ 67 diễn ra tại Pháp hồi tháng 5 vừa qua - một hành động vốn dĩ được xem là lịch thiệp, là mang tính xã giao ở nhiều nước Âu Mỹ, nhưng lại là điều cấm kị đối với phụ nữ Iran từ bao đời nay.

Là một diễn viên thuộc hàng nổi trội ở Iran, Leila Hatami từng gây ấn tượng đặc biệt với khán giả khi tham gia một vai nữ chính trong "A Separation" (Cuộc chia ly) - bộ phim từng giành giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất năm 2012. Vậy mà hiện tại, Hatami đang phải đau đầu đối phó với "bão táp" dư luận chỉ bởi hành động hôn lên má ông Gilles Jacob - Chủ tịch Liên hoan phim Cannes lần thứ 67 diễn ra tại Pháp hồi tháng 5 vừa qua - một hành động vốn dĩ được xem là lịch thiệp, là mang tính xã giao ở nhiều nước Âu Mỹ, nhưng lại là điều cấm kị đối với phụ nữ Iran từ bao đời nay.

Một quan chức của Bộ Văn hóa Iran bày tỏ quan điểm: "Các công dân Iran một khi đã tham gia vào các sự kiện mang tính quốc tế cần phải đặc biệt lưu ý tới những hành xử của mình. Họ là người đại diện cho thuần phong mỹ tục của người Iran nên không được phép gây ra những hình ảnh phản cảm về phụ nữ Iran trong mắt cộng đồng thế giới". Theo vị quan chức này, từ trước tới nay, phụ nữ Iran luôn là biểu tượng của sự trong trắng, trinh bạch. Chính bởi vậy mà việc hôn lên má một người "đàn ông xa lạ" của Hatami tại Liên hoan phim Cannes vừa qua là một "hành động không thể chấp nhận được".

Cái chạm má giữa Leila Hatami và Chủ tịch Liên hoan phim Cannes Gilles Jacob đã khiến nữ diễn viên này phải hứng chịu bao búa rìu dư luận.

Cao hơn sự lên án, hiện một nhóm gồm 50 phụ nữ Iran thuộc lực lượng Baseej - lực lượng tình nguyện bán vũ trang được điều hành bởi Quân bảo vệ Cách mạng Hồi giáo - đang đòi nhà chức trách phải "mạnh tay" với Hatami, theo đó, nữ diễn viên này phải bị phạt 74 roi và phải bị tống giam 10 năm vì tội "hủy hoại hình ảnh của phụ nữ Iran". Họ không chỉ phản đối việc Hatami "cố tình hôn má" ông Gilles Jacob, mà còn lấy làm giận dữ khi phát hiện ra: Lúc Hatami thực hiện hành vi nói trên, cô quấn đầu bằng một chiếc khăn nhưng cổ lại để hở. Đây cũng là một điều "không thể chấp nhận" đối với phụ nữ ở một đất nước theo đạo Hồi.

Leila Hatami năm nay 42 tuổi. Sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Tehran (Iran), Hatami từng có thời gian theo học đại học ở Thụy Sĩ và Pháp. Mặc dù chuyên ngành cô theo đuổi không liên quan chút nào tới điện ảnh, song có lẽ do có gen nghệ thuật trong người (cả bố và mẹ cô đều là diễn viên) nên sau khi tốt nghiệp về nước, Hatami đã theo nghiệp diễn. Thoạt đầu, cô tham gia những vai phụ nhỏ trong phim của bố.

Bộ phim đầu tiên khiến tên tuổi Hatami trở nên nổi tiếng là phim "Leila" (1996). Cả khán giả và giới phê bình Iran đều lên tiếng khen ngợi bộ phim. Từ đây bắt đầu cho chuỗi thành công liên tiếp của Hatami. Cô nhận được nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá. Vai nữ chính trong phim "A Separation" đã đưa Hatami lên vị trí một diễn viên có tầm vóc quốc tế. Có lẽ đó chính là lý do khiến Hatami được mời làm thành viên Ban giám khảo của Liên hoan phim Cannes 2014.

Trở lại với cách hành xử của Hatami tại lễ khai mạc Liên hoan phim Cannes diễn ra tại Pháp trong tháng 5 vừa qua. Theo biện giải của Hatami thì khi ấy, chính ông  Gilles Jacob đã chủ động hôn má cô và cô chỉ biết đáp lại hành động của ông một cách lịch sự, dù rằng cô luôn ghi nhớ việc phải tuân thủ các luật lệ của Iran về hành vi xử sự nơi công cộng. Hatami cho biết, cô rất xấu hổ khi phải đưa ra lời giải thích này, song đó là sự thật mà cô có nghĩa vụ phải nói lại với mọi người. Hatami tâm sự, với cô, Chủ tịch Gilles Jacob luôn là "một người ông đáng kính".

Về phần mình, vị Chủ tịch của Liên hoan phim Cannes 2014 cũng đã có lời "thưa chuyện" trên mạng xã hội rằng, chính ông mới là người hôn Hatami: "Khi cô ấy xuất hiện, tôi coi cô ấy là đại diện của cả nền điện ảnh Iran và đã chào đón thật nhiệt tình. Vậy mà…". Cũng theo bậc trưởng lão hiện đã 83 tuổi thì hành động của ông hoàn toàn dựa trên tục lệ giao tiếp thông thường ở phương Tây, và vì thế không thể coi nó là hành vi "băng hoại đạo đức"

Lã Khắc Hoan
.
.