Ứng viên số 1 giải Nobel văn học 2012 - nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami:

Nói trước, bước có qua?

Thứ Ba, 16/10/2012, 08:00

"Tôi không nghĩ mình là một nhà văn. Tôi thấy mình đơn giản chỉ là một người có thể viết sách mà thôi" - Tác giả "Rừng Nauy" đã mở đầu cuộc trò chuyện của mình với phóng viên tờ Guardian như vậy.

Vậy là, chỉ còn một tháng nữa, công chúng yêu văn học trên toàn thế giới sẽ biết tên chủ nhân của Giải Nobel văn học 2012. Vẫn biết, đây là một giải thưởng được xét chọn với qui trình vô cùng nghiêm ngặt và hết sức bí mật, vẫn biết ở giải thưởng này, đã có nhiều bất ngờ vượt ra ngoài dự đoán của những "thợ săn tin" thính nhạy nhất, và vẫn biết, đây không phải lần đầu tiên nhà văn Nhật Bản nổi tiếng Haruki Murakami được đặt nhiều kỳ vọng, song căn cứ vào tỉ lệ cá cược được công bố trên trang web nổi tiếng của nước Anh Ladbrokes.com, ta có thể thấy hiện Murakami vẫn đang dẫn đầu danh sách những ứng viên sáng giá nhất của giải Nobel văn học 2012, vượt trên hai đối thủ nặng ký khác là nhà văn Cees Nooteboom của Hà Lan và Mạc Ngôn của Trung Quốc...

Khởi đầu là… ngẫu hứng

"Tôi không nghĩ mình là một nhà văn. Tôi thấy mình đơn giản chỉ là một người có thể viết sách mà thôi" - Tác giả "Rừng Nauy" đã mở đầu cuộc trò chuyện của mình với phóng viên tờ Guardian như vậy.

Tác phẩm đầu tay của Murakami là tiểu thuyết "Lắng nghe gió hát" được ông viết năm 29 tuổi. Murakami kể, ý định viết cuốn sách đến với ông rất đột ngột, khi ông đang xem một trận bóng chày giữa hai đội Yakult Swallows và Hiroshima Carp ở sân vận động Jingu. Khi cầu thủ người Mỹ lên đánh được trái thứ hai, Murakami bỗng nhận ra mình có khả năng sẽ viết được một câu chuyện. Tối ấy, về nhà, ông bắt tay ngay vào việc…viết. Cứ thế, cứ thế, tác phẩm được hoàn thành sau vài tháng và khi Murakami gửi bản thảo tới một cuộc thi văn học dành cho các tác phẩm ngắn, nó đã được trao giải nhất.

Với cuốn tiểu thuyết nổi đình nổi đám như "1Q84" (đã ra mắt bạn đọc năm 2009), ý định sáng tác nảy ra trong đầu Murakami khi xe của ông đang mắc kẹt trong đám tắc đường ở Tokyo. "Tôi linh cảm đây sẽ là một tác phẩm lớn" - Ngay từ lúc đó, Murakami đã tiên lượng được tầm vóc của cuốn sách.

Murakami nhiều lần thổ lộ, rằng trước khi viết, ông không vạch ra cho mình một đề cương nào cả. Khi viết tiểu thuyết "Biên niên ký chim vặn dây cót", ông thấy mình như đang trong một giấc mơ. "Tôi có thể kéo dài giấc mơ của mình hàng sáng" - Murakami cho biết. Ông bảo, con người ông rất kỳ lạ. Sau khi rời cây bút, ông trở về là một người đàn ông "rất bình thường".

Vòng quanh… tên sách

Murakami là người thực sự đam mê âm nhạc. Ông từng tuyên bố: "Tôi yêu sách, tôi yêu âm nhạc và tôi yêu mèo. Đến nay, ba tình yêu đó đều chưa từng thay đổi".

Một cảnh trong phim "Rừng Nauy" chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Murakami.

Thời trẻ, để mưu sinh, Murakami từng xin vào làm tại một cửa hàng băng đĩa, nơi mà Watanabe Toru - một trong những nhân vật chính của "Rừng Nauy" - đã làm việc. Từ năm 1974 đến 1982, Murakami mở một tiệm cà phê chơi nhạc jazz có tên "Peter Cat" tại Kokubunji, Tokyo. Nhiều tiểu thuyết của ông đã lấy bối cảnh âm nhạc và tựa đề cũng nói đến một bản nhạc nào đó, gồm có "Dance, Dance, Dance" của ban nhạc The Steve Miller, "Rừng Nauy" của The Beatles và "Phía nam biên giới, phía tây mặt trời" (câu đầu là tựa đề bài hát của Nat King Cole).

Cũng theo Murakami cho hay, khởi đầu, cuốn tiểu thuyết trứ danh "1Q84" của ông (đã ra mắt bạn đọc năm 2009 và gây nên một cơn sốt xuất bản) được ông dự kiến đặt tên là "Năm 1985". Sau này, qua tìm hiểu, ông biết một nhà văn người Anh tên là Anthony Burgess cũng đã có tác phẩm có cái tên như trên. Sau một thời gian suy nghĩ, cân nhắc, ông đổi tên cuốn tiểu thuyết thành "1Q84". Vậy mà khi tra cứu trên internet, ông phát hiện thấy nhà văn Asada Akira cũng đã có cuốn sách mang tên y chang như thế. Vì đã mất quá nhiều công sức quảng bá, đến nước này thì Murakami đành quyết định cứ giữ cái tên sách như vậy…  

Kỷ lục phát hành

Thuở chưa có tuổi tên, Murakami từng có lần bị một đơn vị xuất bản "bắt nạt" tới độ yêu cầu phải cắt bớt trong bản thảo của mình 25.000 chữ. Họ cho rằng, một người "vô danh" như Murakami lúc bấy giờ không đáng để họ in sách dày. Vậy mà sau này, nói như một dịch giả, nếu Murakami có vứt bản thảo của ông xuống toilet thì người ta cũng sẵn sàng mò lên để đưa in.

Tên tuổi Murakami thực sự được biết đến rộng rãi kể từ khi ông cho xuất bản tiểu thuyết "Rừng Nauy" (năm 1987). Tới nay, cuốn sách đã phát hành được tới hơn chục triệu bản tại Nhật và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Sau "Rừng Nauy", các sách của Murakami hầu hết đều trở nên rất ăn khách, được xếp vào loại bestseller. Với cuốn "1Q84", trong lần xuất bản đầu tiên, NXB Shinchosha dự kiến in 380.000 cuốn, vậy nhưng do đơn đặt hàng quá tải, họ đã phải tăng thêm 100.000 cuốn để đáp ứng nhu cầu độc giả. Hiện tại, lượng phát hành của "1Q84" - chỉ tính riêng ở Nhật - đã lên tới hơn 3 triệu bản. Trang online của The New Yorker từng bị nghẽn khi đăng tải trích đoạn của "1Q84" vì lượng bạn đọc truy cập quá lớn, tới cả triệu lượt.

Phát biểu sau một lần hay tin mình lại tiếp tục vuột tay khỏi giải Nobel, Murakami nói giải thưởng quan trọng nhất với ông chính là sự yêu mến của độc giả. Lại nhớ, cách đây 3 năm, trong một dịp tới thăm Barcelona (Tây Ban Nha), Murakami đã được chứng kiến những pha thể hiện tình cảm hết sức đặc biệt của độc giả. Tại buổi lễ phát hành "1Q84", hay tin có tác giả tới trực tiếp ký tặng sách, độc giả - đặc biệt là độc giả nữ - đã xếp hàng dài chờ mong được gặp Murakami. Đám đông có  tới cả nghìn người, vậy mà, chị em nào cũng muốn được… hôn nhà văn. Murakami đã phải dành ra tới gần hai tiếng đồng hồ để… đáp ứng đòi hỏi mà ông cho là "rất chính đáng" kể trên. Sau này nhắc lại, nhà văn của "Rừng Nauy" vẫn chưa nguôi niềm hứng khởi: "Tôi từng tham gia nhiều buổi ký tặng sách tại nhiều thành phố trên thế giới, duy nhất chỉ ở Barcelona là có tiết mục đòi… hôn mà thôi. Chỉ nội việc này đã cho tôi thấy đây là một thành phố tuyệt diệu đến nhường nào. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc…". 

Với số sách phát hành thuộc loại kỷ lục, hiển nhiên Murakami là nhà văn có cuộc sống rất sung túc. Ông nói, hiện ông không biết trong túi mình có bao nhiêu tiền: "Nếu bạn thuộc diện giàu có, điều tốt nhất là bạn có thể cho phép mình không nghĩ về tiền bạc. Nghĩ về những thứ như thế thật mệt. Tôi có tài khoản ngân hàng và để vợ trông coi. Bà ấy không phải thông báo gì với tôi hết. Tôi chỉ có mỗi việc là viết thôi".

Giải Nobel văn học - đừng chỉ là mong ước…

Theo Chủ tịch Viện Hàn lâm Thụy Điển Peter Englund, năm 2012 này, trong số 210 tác giả được đề cử giải Nobel văn học, có 46 người lần đầu tiên có mặt trong danh sách. Theo qui chế, các nhà văn từng đoạt giải Nobel đều có quyền đề cử các ứng viên và điều đáng nói là, số lượng tác giả được đề cử năm nay đã bất ngờ tăng vọt.  

So với nhiều nước châu Á khác, trong lịch sử của mình, đất nước mặt trời mọc  từng có hai trường hợp đoạt giải Nobel văn học, đó là nhà văn Kawabata Yasunari (năm 1968) và Kenzaburo Oe (năm 1994). Sau 18 năm, nhiều nhà văn, nhà phê bình Nhật đã đặt trọn niềm tin vào Murakami và cho rằng, ông là người rất xứng đáng đại diện cho văn học Nhật Bản nhận thêm một giải Nobel nữa. Chính Kenzaburo Oe, nhà văn Nhật thứ hai được trao giải Nobel đã phát biểu rằng: "Murakami đang là niềm hy vọng của người dân Nhật, là nhà văn đương đại có công đầu đưa văn học Nhật đến với thế giới".

Tất nhiên, từ mong ước tới hiện thực không hề đơn giản.

Nhiều bạn yêu văn học đã biết, năm 2006, khi Murakami giành giải thưởng danh giá Franz Kafka với tác phẩm "Kafka bên bờ biển",  thiên hạ ai cũng kỳ vọng ông sẽ được nhận giải Nobel vì là người đầu tiên ở khu vực châu Á được trao giải thưởng Kafka (trước đó, hai tác giả từng nhận giải thưởng Franz Kafka là Harold Pinter và Elfriede Jelinek cũng đã được trao tặng giải thưởng Nobel). Cuối cùng, một chuyện bi - hài đã xảy ra: Một sớm thức dậy, Murakami bất ngờ nhận được rất nhiều lời chúc tụng. Bạn bè, đồng nghiệp báo cho ông biết họ đã hay tin ông được trao giải Nobel. Murakami nghe mà ngạc nhiên. Hóa ra đó là chuyện "bé cái lầm": Hệ thống trang chủ của thư viện ở Ashiya - quê nhà của ông đã gặp sự cố nên đã dẫn tới sự sai sót đó.

Tới năm 2009, Murakami bứt lên, thành ứng viên giải Nobel có tỉ lệ đặt cược cao nhất. Rốt cục, giải Nobel năm đó đã về tay nhà văn, nhà thơ người Đức Herta Müller

Hoàng Ngọc Thọ
.
.