Nghệ thuật sân khấu thực cảnh ở Việt Nam:

Nổi tiếng song hành cùng… tai tiếng

Thứ Sáu, 13/07/2018, 08:26
Trong vòng hơn một năm qua, đã có 3 vở diễn sân khấu thực cảnh được đầu tư hoành tráng, công phu và tốn kém lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng đã ra mắt khán giả, đó là "Thuở ấy xứ Đoài", "Tinh hoa Bắc Bộ" và "Ký ức Hội An".


Là những vở diễn thực cảnh đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam và có sự tham gia với vai trò chủ đầu tư là các tập đoàn - công ty tư nhân, nên ngay từ khi công bố dự án, các chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh này đã thu hút sự quan tâm của giới truyền thông cũng như khán giả, bởi đây thực sự là những "món ăn tinh thần" mới lạ.

Nhưng đáng tiếc là, với cả 3 vở diễn thực cảnh đã nêu ở trên đều vướng phải những lùm xùm, những tranh cãi và thậm chí là cả những... tai tiếng chưa có hồi kết.

Tháng 6-2017, khi "Thuở ấy xứ Đoài" - vở diễn với sân khấu thực cảnh đầu tiên ra mắt khán giả Việt Nam ở chân núi Sài Sơn (Quốc Oai - Hà Nội) đã nhận được sự quan tâm của đông đảo giới truyền thông cùng nhiều lời khen ngợi. Đây là vở diễn được đầu tư bởi Tập đoàn Tuần Châu, Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội với kinh phí ban đầu được công bố là 13 tỉ đồng.

Theo ghi nhận của báo chí, "Thuở ấy xứ Đoài" đã tái hiện những nét đẹp của không gian văn hóa, tín ngưỡng, sinh hoạt của vùng đồng bằng Bắc Bộ trong đó lấy những nét đặc trưng nổi bật, ấn tượng nhất của xứ Đoài làm tâm điểm, đã thực sự "ghi điểm" với khán giả và với giới truyền thông trong những show diễn đầu tiên và được xem là bước tiến mang tính đột phá gắn với tên tuổi đạo diễn trẻ đầy tài năng và cá tính Việt Tú.

Thế nhưng sau chừng 10 suất diễn, do những bất đồng, tranh chấp giữa đạo diễn Việt Tú và chủ đầu tư, dẫn đến việc hợp đồng hợp tác bị hủy bỏ. Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội đã thuê một đơn vị khác dàn dựng một vở diễn thực cảnh với tên gọi là "Tinh hoa Bắc Bộ" và lần này đạo diễn là Hoàng Hữu Nam.

Hiện nay, liên quan đến vở diễn sân khấu thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" đang được biểu diễn hàng tuần tại Sài Sơn, đang có 3 vụ kiện tụng với nhiều tình tiết rắc rối, phức tạp được triển khai. Đó là: Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội (gọi tắt là Công ty Tuần Châu) kiện Công ty cổ phần đầu tư tổng hợp truyền thông DS (gọi tắt là Công ty DS) do đạo diễn Việt Tú làm Giám đốc và yêu cầu tòa buộc ông Tú phải chuyển giao quyền sở hữu tác giả cho mình.

Sau khi được chỉnh sửa, vở diễn "Ký ức Hội An" vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Tuần Châu còn yêu cầu Công ty DS chấm dứt quảng cáo, giới thiệu và khai thác kịch bản này, đồng thời bồi thường hơn 6 tỉ đồng do vi phạm hợp đồng. Ngay sau đó, Công ty DS kiện ngược lại Tuần Châu và xác định đạo diễn Hoàng Nhật Nam là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Công ty DS yêu cầu tòa buộc Tuần Châu chấm dứt mọi hành vi xâm phạm kịch bản "Ngày xưa" của đạo diễn Việt Tú và bồi thường 400 triệu đồng do xâm phạm quyền tác giả. Cách đây ít lâu, đạo diễn Hoàng Nhật Nam lại nộp đơn khởi kiện đạo diễn Việt Tú ra TAND quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh).

Theo ông Nam, ông là đồng tác giả và là đồng sở hữu kịch bản "Tinh hoa Bắc Bộ". "Kịch bản này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận quyền tác giả nhưng ông Tú lại gửi văn bản yêu cầu tôi phải dừng tổ chức biểu diễn vì cho rằng nó được xây dựng trên ý tưởng và nội dung kịch bản "Ngày xưa".

Chưa hết, ông Tú còn phát biểu trên báo chí, mạng xã hội nói tôi sử dụng lại kịch bản của ông ấy là xúc phạm tôi" - Ông Nam cho biết. Do vậy, ông Nam đề nghị tòa tuyên buộc ông Tú cùng Công ty DS phải chấm dứt hành vi xâm phạm danh dự, uy tín của mình và công khai xin lỗi ông.

Đến nay, nhà sản xuất "Tinh hoa Bắc Bộ" khẳng định đây là tác phẩm sân khấu thực cảnh đầu tiên và đạo diễn Việt Tú cũng khẳng định "Thuở ấy xứ Đoài" (trước đó là kịch bản "Ngày xưa" mà anh nung nấu từ năm 2010) mới là vở diễn sân khấu thực cảnh đầu tiên ở Việt Nam.

Trong lúc chờ đợi những phán quyết cuối cùng của tòa án về các vụ kiện nói trên, vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" vẫn đang được nhà sản xuất là Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội tổ chức biểu diễn hàng tuần với nhiều hình thức quảng bá, liên kết hết sức tích cực.

Do sân khấu nằm trong khuôn viên của Tổ hợp văn hoá và giải trí Baara Land với nhiều địa điểm vui chơi giải trí và có cả phòng nghỉ nên có vẻ như cũng thu hút sự chú ý của không chỉ khách du lịch lần đầu đến với Hà Nội, đặc biệt là với khách du lịch nước ngoài mà cả với khán giả yêu nghệ thuật của Thủ đô.

Với tư cách là một khán giả chưa xem "Thuở ấy xứ Đoài" và không quan tâm đến những vụ kiện tụng nhiêu khê nói trên, tôi thấy rằng "Tinh hoa Bắc Bộ" thực sự là món ăn tinh thần bổ ích, ấn tượng với mọi lứa tuổi. Và quả thực, nó sẽ là niềm tự hào của người Việt Nam, của những người con sinh ra và lớn lên ở đồng bằng Bắc Bộ khi vở diễn này được giới thiệu rộng rãi với khách du lịch nước ngoài đến với Việt Nam cũng như khán giả truyền hình thế giới thông qua hình ảnh mà "Tinh hoa Bắc Bộ" xuất hiện trên các kênh truyền hình quốc tế.

Trong vòng 60 phút vận hành liên tục, giữa nền âm thanh và ánh sáng cùng với những thiết bị sân khấu hiện đại, những giá trị cổ điển của kho tàng các nghệ thuật trình diễn đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ như chèo, các làn điệu dân ca như quan họ, ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu..., đặc biệt là nghệ thuật múa rối nước mà vùng đất Sài Sơn được coi là nơi phát tích và Ngài Từ Đạo Hạnh được coi là tổ sư được trình diễn trong khung cảnh những nếp sinh hoạt truyền thống của những làng quê Bắc Bộ hay chốn Kinh kỳ: cảnh dân chài nhộn nhịp trên sông nước, cảnh đồng áng của dân quê, cảnh đô hội chốn thị thành, cảnh trường thi của sĩ tử, cảnh rước kiệu trong hội làng xen lẫn các trò chơi dân gian của trẻ thơ hay tích truyện người đẹp trong tranh gắn với các nàng tố nữ trong tranh Đông Hồ....

Quả thực, nếu không có những tranh chấp, lùm xùm, tai tiếng chưa phân định được đúng - sai như đã kể ở trên, thì "Tinh hoa Bắc Bộ" hẳn là vở diễn rất đáng nhận được những lời khen ngợi dành cho nhà sản xuất đã có con mắt tinh anh và tâm huyết của những nghệ sĩ - dù là các nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp hay những người nông dân tại đất Sài Sơn đã được êkíp sản xuất tuyển mộ lên sân khấu.

Mặc dù không vướng vào việc "đáo tụng đình" như "Thuở ấy xứ Đoài", "Tinh hoa Bắc Bộ" nhưng chương trình sân khấu thực cảnh "Ký ức Hội An" cũng vướng phải những tai tiếng ngay từ khi mới khởi dựng công trình xây dựng sân khấu biểu diễn trên cồn nổi sông Hoài với những lo ngại ảnh hưởng đến cảnh quan phố Hội.

Để đưa được chương trình "Ký ức Hội An" vào biểu diễn, chủ đầu tư là Công ty cổ phần du lịch và kinh doanh Gami Hội An đã phải bỏ ra vô khối tiền của (nghe nói có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng) để xây dựng sân khấu thực cảnh và mời đạo diễn nổi tiếng Mai Soái Nguyên (người Hong Kong) sang dàn dựng. Nhưng ngay khi ra mắt, "Ký ức Hội An"  không nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ của khán giả và giới truyền thông như trường hợp của "Thuở ấy xứ Đoài" hay "Tinh hoa Bắc Bộ", mà vấp phải những phản ứng khá dữ dội từ phía khán giả có trình độ, đặc biệt là những nhà văn hóa, nhà nghiên cứu...

Ngoại trừ sự hoành tráng, xa hoa, choáng ngợp của sân khấu được xây dựng, đầu tư lớn, thì người ta không nhận ra một thông điệp nào rõ nét về lịch sử, văn hóa, con người Hội An trong tác phẩm này. Đó là chưa kể đến những yếu tố tiểu tiết không phù hợp, mang tính "lai căng" trong các phần trình diễn kéo dài 1 tiếng 15 phút.

Vấp phải những phản ứng dữ dội từ phía dư luận, êkip thực hiện chương trình đã có những động thái tiếp thu, chỉnh sửa và đã cho ra mắt báo chí "Phiên bản Ký ức Hội An 2.0" theo cách gọi của đại diện nhà sản xuất vào tối 6-7 vừa qua.

Thế nhưng mặc dù đã được chỉnh sửa, cắt bỏ những chỗ được cho là không phù hợp, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, qua vở diễn ấy hiện lên vẫn... không phải là Hội An. Mặc dù được đầu tư công phu, hoành tráng đến thế, nhưng "Ký ức Hội An" ở đây vẫn rất xa lạ và dường như không ăn nhập gì với một Hội An cổ tích và sâu lắng mà nhiều người yêu thương, giữ gìn. Vì thế, nếu vở diễn thực cảnh hoành tráng này được đưa vào các chương trình du lịch chính thống như hứa, chắc chắn sẽ là điều tiếp tục làm dấy lên những băn khoăn, nghi ngại.

Nguyệt Hà
.
.