Nỗi niềm táo quân

Thứ Năm, 27/01/2011, 08:54
Trước giao thừa chào đón năm mới, chương trình Gala cười "Gặp nhau cuối năm" với màn hài kịch đặc sắc "Táo quân" có lẽ là một trong những chương trình được khán giả cả nước chờ đợi nhất. Hiện món ăn tinh thần chào đón Xuân Tân Mão này dẫu chưa được nhà Đài tiết lộ, song hẳn về cơ bản vẫn là câu chuyện của các Táo quân chầu trời, "tâu" lại với Ngọc Hoàng Thượng đế những vấn đề được và chưa được của đời sống xã hội trong một năm qua...

Trước thềm năm mới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với các nghệ sĩ có mặt trong đêm Gala cười chào đón tất niên và những nỗi niềm "nhà Táo" bây giờ mới kể.

Nghệ sĩ Vân Dung: Diễn mà chỉ lo... con ốm!

- Thưa nghệ sĩ Vân Dung, có lẽ, chương trình hài kịch cuối năm cũng như câu chuyện Táo quân chầu trời chắc chắn không thể thiếu gương mặt của "Táo bà" Vân Dung. Năm con Mèo này, liệu sự xuất hiện của Vân Dung trên sân khấu có gì mới so với những năm trước?

+ Thực ra, mới hay không thì không hoàn toàn phụ thuộc vào diễn viên mà còn phụ thuộc rất nhiều vào kịch bản, đạo diễn. Mà kịch bản thì diễn viên không được phép tiết lộ rồi, chỉ đến khi xem chương trình khán giả mới biết nó mới và khác như thế nào so với những năm trước. Tất nhiên, dù thế nào thì bản thân tôi vẫn luôn làm việc hết khả năng của mình để có thể mang lại cho khán giả những giây phút sảng khoái nhất. Và, thêm một điều bật mí này, năm nay sẽ là một năm có nhiều ý nghĩa đối với tôi vì tôi cũng là người tuổi Mèo (Ất Mão), chính vì vậy tôi sẽ cố gắng để có một năm "đầu xuôi đuôi lọt"...

- Tham gia đến lần thứ 5 trong vai trò là "Táo bà", có kỷ niệm nào mà chị cảm thấy tâm đắc?

+ Để có được 45 phút khán giả xem trên truyền hình tròn trịa, chúng tôi đã vượt qua được một chặng đường không hề phẳng lặng gì. Thú thật, không chỉ tôi mà hầu hết các diễn viên tham gia chương trình đều có một cảm giác chung là: Sợ! Cái sợ đầu tiên của tôi là: Sợ con ốm. Như là một cái "dớp" hay sao ấy, cứ đến thời điểm tôi tập chương trình Tết là con trai tôi lăn ra ốm. Suốt nửa tháng trời, tôi vừa lo lắng cho con mà vẫn thường xuyên phải tập luyện từ 10h đêm hôm trước cho đến 5h sáng hôm sau mới nghỉ. Trong khi đó, ban ngày vẫn phải lo việc chung, việc riêng, hoàn thành việc ở cơ quan. Mà chương "Táo quân chầu trời" đã thuộc lời là phải thuộc từng câu, từng chữ, từng con số thống kê chính xác. Mỗi Táo "phụ trách" một Bộ, Ban, Ngành, phải nắm được con số chính xác đã thống kê lên báo cáo với Ngọc Hoàng.

Có lần, đã sắp đến giờ biểu diễn mà tôi như bị "tẩu hỏa nhập ma", trong đầu trống rỗng chẳng còn nhớ gì. Lúc đó bèn cầu cứu anh Quang Thắng "nhắc vở" cho mình. Ai dè, khi ra sân khấu thì câu chữ ở đâu cứ tuôn ra ầm ầm, còn anh Quang Thắng vì mải nhớ thoại để nhắc cho tôi, lại quên chính thoại của mình, phải đứng "phỗng" một lúc trên sân khấu. Sau này anh còn đùa là bị tôi "xỏ"! Nhưng, anh em nghệ sĩ hài chúng tôi là vậy, "cứu" nhau là chuyện bình thường và luôn tung hứng với nhau trên sân khấu để đêm lại tiếng cười cho khán giả...

NSƯT Chí Trung - vai Táo Giao thông (ảnh trái) và Nghệ sĩ Vân Dung - vai Táo Cộng đồng trong chương trình Gala "Gặp nhau cuối năm" 2010.

- Khi xem chị biểu diễn trên truyền hình, những người thân của chị có ai nhận xét gì không?

+ Ông xã tôi thì gần như không xem vợ diễn rồi. Con trai thì thấy mẹ là nhảy cẫng lên sung sướng, còn bố mẹ tôi thì cũng ít khi nhận xét về con mình. Về cơ bản thì thấy mọi người cười khi mình diễn hài, có nghĩa là mình có sự thành công nhất định rồi. Sợ nhất là mình diễn hài, diễn viên thì cười mà khán giả mặt cứ... tỉnh queo!

- Chị là một trong số nữ diễn viên hài thành đạt hiếm hoi trên đất Bắc. Khán giả yêu cách chị pha trò vừa đanh đá, vừa chao chát… Vậy, khi rời sân khấu, trở về với đời thường, có lúc nào chị cảm thấy cô đơn ngay cả khi giọng nói của mình có lẽ đang lanh lảnh đâu đó trên tivi?

+ Có chứ, tôi cũng... đồng bóng lắm, có những lúc chẳng ai làm gì mình mà bỗng dưng òa lên khóc, khóc tức tưởi một lúc rồi thôi. Tôi nghĩ rằng, càng làm việc nhiều, càng pha trò nhiều thì khi trở về với chính mình càng cô đơn, có khi cô đơn ngay giữa đông người mà chẳng lý giải nổi. Nhưng tôi cũng là người phụ nữ mạnh mẽ, cho nên những giây phút ấy qua nhanh thôi và khi lấy lại được thăng bằng thì tôi lại lao vào một núi công việc còn dang dở.

- Vâng, xin cảm ơn chị!

Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung: Táo Giao thông ngậm ngùi thời gian khó

- Thưa NSƯT Chí Trung, tuy không phải năm nào các Táo cũng lấy được nhiều tiếng vỗ tay của khán giả, song rõ ràng, vai trò của Táo Giao thông luôn là tâm điểm chú ý của khán giả. Ngoài yếu tố kịch bản, phải chăng dấu ấn cá nhân của nghệ sĩ là một điều rất quan trọng làm nên nhân vật?

+ Rõ ràng, mỗi nghệ sĩ phải tìm tòi một cách thể hiện để làm tốt chức năng của mình. Tôi cho rằng "Gặp nhau cuối năm" được nhiều người yêu thích vì ở đây, những cái xấu, những tồn đọng của một năm được đúc kết ngắn gọn, được nói thật, nói thẳng một cách hài hước và mang tính xây dựng nên không khiến cho những người nghe mất lòng. Tôi cũng là người tham gia giao thông và thường xuyên để ý đến những cái gọi là vấn nạn hiện nay như tắc đường, không chấp hành Luật Giao thông, những kẻ điên cuồng chống người thi hành công vụ trên những tuyến phố. Thực ra, nhức nhối chung của toàn xã hội khó giải quyết ở chỗ, nhiều người trong số chúng ta không phải ai cũng có ý thức tham gia giao thông, điều này thực sự là một thực trạng đáng buồn mà những người nghệ sĩ như chúng tôi chỉ có thể góp tiếng nói rất nhỏ thông qua tiếng cười vào đêm giao thừa chuyển giao năm mới.

- Nếu tổng kết một năm đã qua, bản thân "Táo Giao thông" Chí Trung đã làm được điều gì đáng nhớ cho riêng mình cũng như giúp cải thiện tình hình giao thông ?

+ Có hai việc: Một hay, một dở. Chuyện dở là: Trong chuyến lưu diễn ở Hải Phòng, vì muộn giờ nên tôi chạy xe trên đường 5 vượt quá tốc độ quy định 15 km. Khi bị các chiến sĩ Công an tuýt còi thì tôi phân trần và bị mắng: "Ông là Táo Giao thông còn vi phạm luật thế này thì người đời sao mà chấp hành được" (cười). Còn chuyện vui là trong dịp Tết dương lịch vừa rồi, đoàn nghệ sĩ hài của Việt Nam gần 20 người được Cộng đồng người Việt mời sang biểu diễn ở ba nước Ba Lan, Đức, CH Séc. Chúng tôi đã có 3 đêm biểu diễn ở 3 nhà hát lớn nhất của thủ đô 3 nước với lượng khán giả kín rạp hát 2.500 chỗ ngồi với vở hài kịch "Táo quân vi hành". Tôi tiếp tục đảm nhiệm Táo Giao thông đi học hỏi kinh nghiệm giao thông của các nước. Trở về, Táo Giao thông muôn tâu Ngọc Hoàng là chúng ta không thể học hỏi được vì giao thông các nước thực sự lạnh lẽo, không ai nói chuyện với ai, đường phân luồng thì quá dài, quá sạch sẽ nên nếu có buồn đi… tiểu tiện cũng không có… gốc cây nào thích hợp. Giao thông ở đấy không có sự ấm nóng tình người vì ai đi đâu biết đường người nấy, không chạm mặt nhau để vừa đi vừa chuyện trò hỏi thăm sức khỏe, không va quệt nhau ở những chỗ dừng đèn xanh, đèn đỏ, không có đánh nhau khi va chạm giao thông vì họ quá thừa lời xin lỗi…

Theo tôi, sự "phản biện" này cũng là một việc có ích cho những người tham gia giao thông. Còn với bản thân những người làm sân khấu như chúng tôi thì rất hạnh phúc vì biết rằng, khi ra nước ngoài, thay vì diễn ở một nhà văn hóa nào đó, chúng ta đã có thể diễn ở những rạp hiện đại bậc nhất với giá thuê rạp lên tới 40.000 USD/ 1 tối.

- Trước khoảnh khắc giao thừa, nhiều người chờ đợi để xem "Gặp nhau cuối năm". Còn bản thân anh, thường thì anh nghĩ tới điều gì trong những khoảnh khắc chào đón Giao thừa bước sang năm mới?

+ Tôi không phải là người hoài cổ, song, có những dấu ấn đi sâu vào cuộc đời mình, đó là vào quãng những năm 1984, 1985, còn nghèo nên tôi phải đi làm thêm để kiếm tiền. 11 giờ 30 phút đêm Giao thừa, tôi vẫn phải đi lắp tivi cho khách hàng. Hồi ấy, ai mà có cái tivi 14 inh là oách lắm. Lắp xong gần 12 giờ đêm, tôi đạp xe về nhà trong sương mù lạnh giá của mùa đông, đi trên đường đã nghe tiếng pháo nổ râm ran chào năm mới. Tôi về xông nhà năm mới luôn cho chính nhà mình trong nỗi mừng vui của vợ con… Giờ nghĩ lại thấy cái thời khắc ấy quá xa rồi nhưng lòng vẫn thấy lâng lâng cảm xúc.

- Vâng, xin cảm ơn anh!

Thiên Kim (thực hiện) - VNCA Xuân 2011
.
.