Nơi hội tụ những tác phẩm chuyên nghiệp

Thứ Ba, 14/09/2010, 08:30

Để thiết thực chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, từ ngày 21 đến 30/9 tới, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ II. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với NSND Đoàn Dũng - thành viên Ban Giám khảo; Đạo diễn, NSND Hoàng Dũng và Đạo diễn, NSND Lan Hương, các tác giả có vở diễn tham gia liên hoan.

NSND Đoàn Dũng, thành viên Ban Giám khảo: Hào hứng chờ ngày khai mạc

- Thưa Đạo diễn, NSND Đoàn Dũng, được biết, ông được mời làm Ủy viên Ban Giám khảo trong đợt Liên hoan  Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND". Hiện ông đã có trong tay danh sách của các vở tham gia, vậy nhận xét ban đầu của ông về cuộc Liên hoan Sân khấu này như thế nào?

+ Tôi được mời tham gia lần này không phải với tư cách là một diễn viên đứng trên sâu khấu mà với tư cách là một thành viên Ban Giám khảo, vậy mà vẫn thấy hồi hộp như thể chuẩn bị đến lớp diễn của mình như ngày xưa vậy. Thú thực, đợt Liên hoan lần này có rất nhiều ý nghĩa vì đúng vào dịp đất nước có nhiều kỷ niệm lớn... Tôi thấy đây là dịp thuận lợi để các nghệ sĩ tôn vinh những thành quả Lực lượng Công an đã đạt được trong phòng chống tội phạm cũng như những vất vả, những hy sinh thầm lặng của họ trong công cuộc bảo vệ bình yên trên từng thôn xóm. Nhìn qua đội ngũ các kịch bản tham gia Liên hoan lần này cũng như các thành viên Ban Giám khảo, tôi nhận thấy rằng, đây là một kỳ Liên hoan có chất lượng cao, có uy tín không chỉ bó gọn trong ngành Công an mà nó mang tầm cỡ Quốc gia. Giám khảo là các nghệ sĩ gạo cội trong ngành sân khấu như GS.TS. NSND Đình Quang, nhà biên kịch Lê Duy Hạnh, NSND Thế Anh, NSND Lê Ngọc Cường, GS.TS Nguyễn Thị Minh Thái... Bản thân tôi xin hứa rằng,  ở vị trí của một giám khảo, tôi sẽ luôn thận trọng để suy xét thật công bằng. Đánh giá đúng chất lượng nội dung nghệ thuật để tôn vinh một cách công minh các tác phẩm xuất sắc...

- Xin cảm ơn ông!

Đạo diễn, NSND Hoàng Dũng: Giúp người dân hiểu hơn về người chiến sĩ Công an

- Thưa đạo diễn, NSND Hoàng Dũng! Được biết anh là một trong các tác giả có vở diễn tham gia Liên hoan Nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" lần thứ II, anh có thể nói sơ qua về vở kịch của mình?

+ Ban đầu vở kịch "Trái tim trong trắng" (tác giả Lưu Quang Vũ) có tên "2000 ngày oan trái" nhưng tôi quyết định đổi tên sau khi có sự góp ý của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước. Tôi thấy đây là một tựa đề phù hợp và trẻ trung, đúng với tính chất của cốt truyện. Thực ra, vở diễn này đã được tôi dàn dựng cho đoàn kịch Hà Tây cách đây 2 năm, trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhà thơ, nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ. Vở kịch nói về một đôi vợ chồng trẻ công tác trong Lực lượng Công an. Trong một lần va chạm, một đồng đội thân thiết của người chồng bị giết hại và thủ phạm đã bỏ trốn. Trong nỗi thương tiếc bạn vô hạn, người chồng đã truy tìm thủ phạm và chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã bắt được thủ phạm là một thanh niên trẻ. Tuy nhiên, người thanh niên này lại một mực kêu oan. Dù thế, với những chứng cứ thu thập được, người chồng vẫn khẳng định, đây chính là thủ phạm. Với linh cảm của phụ nữ, khi gặp người thanh niên bị kết án, người vợ của anh đã nghĩ rằng, có điều gì đó khúc mắc trong vụ án này và chị ra sức đi tìm manh mối vụ việc. Một mặt, trong trại giam, người thanh niên đã gặp những người bạn tù, cũng là những người chẳng may lầm lỡ, giúp kêu oan. Một thời gian sau, vụ án được mở lại. Sau thời gian tĩnh tâm trở lại, người chồng đã lật lại hồ sơ và lần này, anh đã bắt đúng đối tượng, là một nhóm những kẻ nát rượu đã giết chết bạn mình. Kết thúc câu chuyện, người công an đã nhận lỗi với người tù oan: "Ở đời, ai chả mắc phải những lỗi lầm, cái quan trọng là phải biết nhận lỗi để sửa chữa những khuyết điểm. Đây cũng là một bài học cho các cán bộ chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ, không nên quá xúc động vì những mất mát của những người thân yêu mà nóng vội trong công việc. Bởi vì, chỉ một quyết định sai có thể sẽ làm ảnh hưởng đến cả một cuộc đời phía trước...". Vở diễn khép lại với cảnh người công an và người tù ôm lấy nhau đầy cảm thông, chia sẻ... Trong quá trình dàn dựng, bản thân tôi nhận thấy rằng, đây là một vở diễn nhân văn và xúc động.

- Trong Liên hoan Nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" lần thứ I, anh xuất hiện với vai trò là một diễn viên. Lần này, trong vai trò đạo diễn, ắt hẳn, mối lo của anh sẽ nhiều hơn?

+ Tất nhiên, một người diễn viên thì chỉ chịu trách nhiệm làm tròn nghĩa vụ của mình khi đứng trên sân khấu. Còn ở vai trò là đạo diễn thì tôi như một cái đầu tàu kéo theo phía sau rất nhiều toa tàu và phải chắc rằng, nó vận hành tốt trên đường ray. Bản thân tôi là một người từng tham gia đóng vai Công an trong khá nhiều bộ phim truyền hình, đặc biệt trong seri Cảnh sát hình sự của Đài Truyền hình Việt Nam nên cũng có chút ít kinh nghiệm về Lực lượng Công an. Và, nói gì thì nói, cá nhân tôi nỗ lực chưa đủ, cả êkíp tham gia chương trình đang nỗ lực tập luyện hết mình chờ ngày khai mạc.

- Là một nghệ sĩ có nhiều kinh nghiệm trong các Liên hoan Sân khấu trên toàn quốc, anh có kỳ vọng gì về đợt Liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" lần này?

+ Đây là một kỳ liên hoan nhìn bên ngoài thì tưởng rằng nó chỉ phục vụ cho Lực lượng Công an, nhưng kỳ thực không phải vậy. Nó là một liên hoan chuyên nghiệp, có độ chuyên sâu về nội dung lẫn nghệ thuật. Hầu hết các nghệ sĩ tham gia đều là những người "có nghề". Tôi hy vọng rằng, qua liên hoan lần này, cá nhân tôi cũng như những nghệ sĩ tham gia sẽ mang những hiểu biết, những tâm huyết của mình để thông qua hình tượng nghệ thuật, giúp người dân hiểu và cảm phục hơn về người chiến sĩ Công an trên tận tuyến bảo vệ An ninh Tổ quốc.

- Xin cảm ơn anh!

NSND Lan Hương: Gắn hình tượng người chiến sĩ Công an với kịch hình thể

- Thưa NSND Lan Hương, lâu nay, Đoàn kịch hình thể (Đoàn 3) của Nhà hát Tuổi trẻ, mà chị, với vai trò là đoàn trưởng đã có những thành công ban đầu khi đưa thể loại kịch hình thể chưa có nhiều công chúng lên sâu khấu. Mạnh dạn hơn, lần này, chị đã gắn hình tượng người chiến sĩ Công an với kịch hình thể vào trong vở kịch "Từ một ngã tư". Có vẻ như đây là một vở kịch sẽ có nhiều điều bất ngờ?

+ Thực ra, ban đầu tôi cũng lo ngại vì kịch hình thể, thực chất là một thể loại kịch câm, dùng ngôn ngữ cơ thể thay cho ngôn ngữ lời nói để biểu đạt những ý tưởng của mình. Bình thường đây là một thể loại kịch đã khó tiếp nhận, khi gắn nó vào hình tượng người chiến sĩ Công an thì càng khó hơn. Tuy nhiên, tôi cũng đã khéo léo sử dụng các bài hát nói về giao thông để làm nền cho vở kịch, vì thế nó cũng mềm mại hơn. Theo tôi được biết, các vở kịch tham gia Liên hoan lần này đều hướng đến những đề tài về tội phạm hình sự, ma túy... mà chưa có vở kịch nào đề cập đến các chiến sĩ cảnh sát giao thông nên tôi và tác giả Nguyễn An Ninh đã cùng nhau xây dựng một kịch bản vừa phù hợp với kịch hình thể mà vẫn lột tả được hình tượng đẹp của người công an. Đặc biệt, tôi cũng đưa vào kịch một vài chi tiết hài hước nhằm làm cho người xem hiểu được rằng, chiến sĩ cảnh sát họ không phải là những người cứng nhắc mà rất hài hước và thông minh.

- Lần đầu tiên chị thử sức trong đề tài an ninh, trật tự. Chị có cảm nghĩ gì đặc biệt không?

+ Tôi có dịp đến các đội cảnh sát, kể cả Đội Cảnh sát Cơ động để tìm hiểu lấy tư liệu và tôi hiểu thêm được rằng, trong công việc, các chiến sĩ Công an vất vả hơn nhiều so với những gì người ta nhìn thấy. Những đồng chí cảnh sát giao thông, cứ tưởng công việc của họ nhàn nhã, nhưng kỳ thực có hàng trăm tình huống xảy ra bắt buộc họ phải ứng phó kịp thời. Có những người đã phải hy sinh đến cả tính mạng để bảo vệ bình yên của từng nẻo đường, con phố. Qua tìm hiểu, tôi thấy được rằng, thế giới của những chiến sĩ Công an rất phong phú và tôi tin rằng, trong tương lai tôi sẽ còn gắn bó với đề tài này.

- Vâng, xin cảm ơn chị!

Thiên Kim (thực hiện)
.
.