Cửa sổ văn nghệ

Nỗi buồn "truy tặng"

Thứ Năm, 02/05/2013, 08:05

Báo Thể thao & Văn hóa, trong bài "Vì sao nghệ sĩ Văn Hiệp chưa được phong NSƯT?", tác giả Minh Duy cũng có cách giải thích tương tự: Trước khi nghệ sĩ Văn Hiệp mất vài tháng, tại Hà Nội, trong cuộc họp lấy ý kiến anh em nghệ sĩ về dự thảo Nghị định, quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, trường hợp của nghệ sĩ Văn Hiệp đã được đưa ra "mổ xẻ" và tại cuộc họp này, Hội đồng xét duyệt đã lý giải việc Văn Hiệp không được phong danh hiệu NSƯT vì ông là "diễn viên nghiệp dư", vì thế mà thiếu huy chương để đủ tiêu chuẩn bình xét...

Có hai chuyện buồn xảy ra cách nhau chưa đầy một tuần trong làng Điện ảnh nước nhà: Ngày 3/4, trong Nam, diễn viên Hồ Kiểng từ trần; ngày 9/4, ngoài Bắc, diễn viên Văn Hiệp cũng lên đường theo tiên tổ. Điều lạ là cả Hồ Kiểng và Văn Hiệp đều có những điểm giống nhau: Họ là những nghệ sĩ thuộc diện nghèo, thậm chí rất nghèo. Cả cuộc đời, họ tham gia rất nhiều bộ phim, song hầu hết là vào những vai phụ. Họ được công chúng mến mộ, song không mấy khi được vinh danh bằng những giải thưởng này, danh hiệu nọ. Đặc biệt, với Văn Hiệp, ông còn thua thiệt Hồ Kiểng ở chỗ: Trong khi Hồ Kiểng được phong danh hiệu NSƯT thì Văn Hiệp mãi mãi chỉ là "lính trơn". Chính bởi vậy mà khi nghệ sĩ Văn Hiệp nằm xuống, vấn đề tại sao ông không được phong tặng một danh hiệu gì đã được một số tờ báo xới lên…

Báo Vietnamnet, trong bài "Vì sao nghệ sĩ Văn Hiệp không có danh hiệu gì?", tác giả Hoàng Vy dẫn lời NSND Khải Hưng: "Thủ tục vẫn là thủ tục bởi nếu không có nó, chúng ta sẽ rơi vào tranh luận, sa lầy không đúng nguyên tắc. Thực tế anh Văn Hiệp không ở đoàn thể nào nên rất thiệt thòi. Anh ấy từ Nhà hát Kịch đi ra, là diễn viên tự do, không tham gia vở diễn gì mà dự hội diễn để có huy chương mà theo đúng luật, có huy chương thì mới được xét danh hiệu nghệ sĩ. Nhưng cũng chính vì thế mà Văn Hiệp rất oan dù anh ấy xứng đáng được trân trọng. Vì anh ấy không đóng vai chính kịch nên không có huy chương nhưng điều lớn nhất là những vai diễn của Văn Hiệp đi vào lòng người. Văn Hiệp rất xứng đáng là nghệ sĩ của nhân dân".

Báo Thể thao & Văn hóa, trong bài "Vì sao nghệ sĩ Văn Hiệp chưa được phong NSƯT?", tác giả Minh Duy cũng có cách giải thích tương tự: Trước khi nghệ sĩ Văn Hiệp mất vài tháng, tại Hà Nội, trong cuộc họp lấy ý kiến anh em nghệ sĩ về dự thảo Nghị định, quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, trường hợp của nghệ sĩ Văn Hiệp đã được đưa ra "mổ xẻ" và tại cuộc họp này, Hội đồng xét duyệt đã lý giải việc Văn Hiệp không được phong danh hiệu NSƯT vì ông là "diễn viên nghiệp dư", vì thế mà thiếu huy chương để đủ tiêu chuẩn bình xét.

Như vậy, chỉ vì sự máy móc mà những người có trách nhiệm đã bỏ sót việc tôn vinh một tài năng nghệ thuật đích thực, người từ nhiều năm nay luôn được coi là "nghệ sĩ của nhân dân".

Dường như để "bù đắp" cho những thiệt thòi mà nghệ sĩ Văn Hiệp phải gánh chịu khi còn sống, NSND Khải Hưng cho biết, sắp tới, ông sẽ đứng lên vận động các nghệ sĩ khác ký vào lá đơn đề nghị Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu cho nghệ sĩ Văn Hiệp. Chưa rõ hiệu quả tới đâu nhưng tôi tin, việc đề xuất một sự tôn vinh nào đó dành cho người đã khuất bao giờ cũng "thuận" hơn là đề xuất cho người đang còn trên dương thế. Ngạn ngữ Pháp có câu "Người ta thường ưu ái với người đã chết hơn là với người đang còn sống". Thực tế đã có nhiều ví dụ minh họa cho việc này (trong danh sách giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật vừa qua, có những tác giả khi sống thì tay không, chỉ khi chết rồi mới nhận được sự tôn vinh). Tuy nhiên, lúc ấy, mọi sự nếu gọi là "an ủi" thì chỉ là an ủi thân nhân người đã khuất mà thôi, chứ với bản thân nghệ sĩ, sự tôn vinh ấy còn ý nghĩa gì nữa. Với họ, chết là hết mà. Nói điều này để chúng ta quan tâm tới nhau hơn, đừng giở bài "nguyên tắc" với nhau. Chí ít thì cũng xử sự như với trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên trong đợt xét giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2012. Có thế chúng ta mới không hối hận vì đã để lỡ một cơ hội tôn vinh một nhạc sĩ có nhiều cống hiến cho nền âm nhạc cách mạng

Tường Duy
.
.