15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá:

Niềm vui lớn, nỗi lo nhiều

Thứ Ba, 17/09/2013, 08:00
Một nỗi lo lớn nữa nỗi lo về sự lãng phí trong lĩnh vực văn hóa. Trước hết là lãng phí trong lễ hội. Những năm qua là những năm mà lễ hội ở nước ta được tổ chức nhiều nhất. Cứ vào ngày lễ, ngày cuối tuần thì các kênh truyền hình chen đầy những truyền hình trực tiếp về lễ hội. Mà chỗ nào cũng tổ chức hoành tráng. Lãng phí trong xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa thì đến nay khó có ai mà tính cho hết được...

Nhìn bức tranh thực tế cuộc sống hiện nay, ta dễ dàng nhận thấy những thành quả của 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) "về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Trước hết, đó là diện mạo văn hóa nước ta đã có những thay đổi vượt bậc. Mức hưởng thụ văn hóa của người dân cũng tăng lên rất nhiều. Sự phát triển của kinh tế là một yếu tố quan trọng kéo theo văn hóa phát triển. Trước đây, người dân ở vùng sâu, vùng xa được xem một bộ phim coi như là chuyện lạ. Còn bây giờ, mọi chuyện đã khác, ngồi trong nhà bật tivi lên là xem được những gì mình thích. Những tàn dư của các hủ tục lạc hậu so với trước đây giảm đi rất nhiều. Nhiều tập tục ma chay dẫn đến giết người man rợ đã mất hẳn… Cũng từ góc đó nhìn rộng ra, ta có thể thấy văn hóa trên các lĩnh vực như giáo dục, du lịch và ngay cả văn hóa tâm linh…, từ cơ sở hạ tầng đến những sản phẩm làm ra đã có những thay đổi đi lên. Có thể nói đó là dấu mốc quan trọng nhất về thành tựu 15 năm qua.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức (Hà Nội ngày 8/8/2013).

Nhưng bên cạnh niềm vui ấy thì ai cũng mang trong mình những nỗi lo. Nỗi lo văn hóa ngoại đang có xu hướng lấn át văn hóa nội. Phim ảnh, sách báo không chọn lọc từ ngoài vào nhiều đang góp phần làm xáo trộn lối sống đạo đức, văn hóa của chúng ta. Tuy ta không bị "hòa tan" trong hòa nhập nhưng nhiều bài viết cũng đã cảnh báo về sự xuống cấp về đạo đức, lối sống. Đó là nỗi lo có thật. Bên cạnh nhiều gương tốt xuất hiện trên nhiều lĩnh vực như dũng cảm đấu tranh chống tội phạm, cứu người trong mọi hiểm họa thiên tai, thương yêu, đùm bọc giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn… thì kèm với đó là những biểu hiện của những lối sống cực đoan đến quái đản, đang gây mầm nguy hại cho nền tảng gia đình và xã hội. Trước đây, những chuyện đánh nhau thành thương là chuyện lớn rồi, anh em, vợ chồng, cha con giết nhau là chuyện hiếm hoi thì nay đang có chiều hướng gia tăng. Mà đâu có phải là xuất phát từ những nguyên nhân sâu sắc gì. Bạn học có khi nhìn "đểu" nhau một cái là đã dẫn đến nhát dao đâm chết người. Tính mạng con người nhiều lúc đã trở nên quá đỗi mong manh…

Một sự suy thoái khác cũng đáng sợ không kém đó là tính chân thực của con người. Sự đua chen, vụ lợi làm cho con người phải mượn tới cái "chiêu" làm ảo thuật với nhau (như người dân Nam bộ thường nói đùa: Nói "dậy" mà không phải "dậy"). Gian lận, chạy chọt là hiện tượng thường thấy trong nhiều hoạt động của khu vực các cơ quan công sở. Khi con người mất đi tính chân thật, tính trách nhiệm, tình thân thiện thì dẫu cho chủ trương chính sách có đúng đến bao nhiêu thì rồi nó cũng bị bóp méo, biến dạng. Điều này chính là một yếu tố làm suy giảm hiệu lực quản lý của nhà nước, gây xói mòn lòng tin của nhân dân.

Một nỗi lo lớn nữa nỗi lo về sự lãng phí trong lĩnh vực văn hóa. Trước hết là lãng phí trong lễ hội. Những năm qua là những năm mà lễ hội ở nước ta được tổ chức nhiều nhất. Cứ vào ngày lễ, ngày cuối tuần thì các kênh truyền hình chen đầy những truyền hình trực tiếp về lễ hội. Mà chỗ nào cũng tổ chức hoành tráng. Lãng phí trong xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa thì đến nay khó có ai mà tính cho hết được. Xã nào, huyện nào cũng có nhà văn hóa, có quần thể văn hóa hoặc cụm các công trình sinh hoạt văn hóa mà đâu có hoạt động hết công sức? Nhiều bảo tàng, sân vận động có vốn đầu tư cao nhưng khi đưa vào sử dụng lại kém hiệu quả. Hàng ngàn, hàng vạn khu di tích, địa danh lịch sử, các hạng mục di sản văn hóa đã được xếp hạng, chỗ nào cũng được trùng tu, nâng cấp và còn mở rộng với hy vọng thu hút du khách, nhưng kết quả là số có thể duy trì thu hút khách chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Điều ấy cho thấy: Khi triển khai thực hiện Nghị quyết về văn hóa, chúng ta nặng về đầu tư cơ sở hạ tầng, nặng về phô trương hình thức mà nhẹ về giáo dục đạo đức, nhân cách con người. Đầu tư để nghiên cứu để rồi từ đó hình thành và hoàn thiện đạo đức nhân cách của con người Việt Nam trong thời kì phát triển chưa được quan tâm đúng mức. Có chăng mới dừng lại ở những lý luận rất chung chung, những lời kêu gọi như là những khẩu hiệu.

Ở đây xin nêu ra hai ví dụ để chúng ta tham khảo:

Cách đây hơn một năm, một trận động đất tạo nên sóng thần khủng khiếp phá tan hoang một vùng rộng lớn của nước Nhật. Những gì mà sóng thần đã gây ra cho đất nước này là quá sức tưởng tượng. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh đầy khó khăn ấy, thế giới cũng chứng kiến nước Nhật với những con người vô cùng tuyệt vời. Họ dũng cảm, bình tĩnh, đoàn kết thương yêu, tự tin. Và họ đã bất chấp khó khăn hiểm nguy, làm hết sức mình để tái tạo lại đất nước… Người ta nói nước Nhật từ lâu đã nuôi dưỡng được những tinh thần và phẩm chất cao quí văn hóa cho nên khi bị cuốn vào cơn sóng thử thách thì những phẩm chất đẹp được hiện lên như một hào quang.

Trường hợp thứ hai tôi muốn nói đến là Triều Tiên, một đất nước trong hình dung của chúng ta hiện nay có phần "khép kín"; thường được biết tới là nơi đời sống người dân còn khó khăn; đói kém xảy ra thường xuyên; một nước có những đầu tư rất lớn về quân sự. Vậy mà gần đây, trong con mắt của những người khám phá thì có những nét văn hóa của nước ấy làm cho chúng ta ngạc nhiên. Tàu điện ngầm có độ sâu nhất thế giới; làm công trình nào cũng to lớn bền vững và hấp dẫn. Nghệ thuật đỉnh cao cũng có những cái vươn lên số 1 của thế giới như những màn trình diễn nghệ thuật tập thể. Bóng đá bóng chuyền họ đều có tên trong bảng xếp thứ hạng của thế giới và châu Á. Những dịp họ sang thi đấu ở Việt Nam, chúng ta đều thấy tính kỉ luật và quyết tâm cao vì danh dự của đất nước. Chỉ cần như vậy thôi cũng đủ cho không ít nhà quan sát bắt đầu có những thay đổi khi nhìn nhận về đất nước và con người của họ mà văn hóa là sự thể hiện trước tiên. Điều đó càng khẳng định thêm rằng, đạo đức lối sống của con người là cốt lõi của văn hóa mà chúng ta cần xây dựng. Đó cũng là mong muốn cho sự ra đời một Nghị quyết mới về văn hóa của chúng ta

Phạm Văn Thạch
.
.