Nghệ sĩ Trần Thị Xuân

Nhường sân khấu cho những "nhân vật chính"

Thứ Tư, 10/12/2014, 08:00
Nghệ sĩ Trần Thị Xuân là người bạn đời của GS. NSND Trần Bảng, là mẹ của NSƯT Trần Lực - những cái tên quá nổi tiếng trong giới sân khấu, điện ảnh. Bà vốn là một trong số những nghệ sĩ chèo đầu tiên của Việt Nam trưởng thành từ đoàn văn công Tiền phương được thành lập trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng bà đã lựa chọn cách sống khiêm nhường, lặng lẽ phía sau chồng con. Tự nhận mình chỉ là "cái bóng", hài lòng với vai trò "cái bóng" của hai người thân yêu, song với GS. NSND Trần Bảng và NSƯT Trần Lực, bà Trần Thị Xuân đích thực là cái bóng mát trong ngày hè và là ngọn lửa ấm giữa đêm đông trong cuộc đời họ.

Tôi gọi điện thoại cho nghệ sĩ Trần Thị Xuân để xin được viết bài về bà. Thoạt đầu "lão nghệ sĩ" từ chối vì: "Bác ngại lên báo chí lắm. Cứ viết về bác Trần Bảng với anh Trần Lực là coi như đã viết về bác rồi!". Tôi phải nhờ đến NSND Trần Bảng thuyết phục thì bà mới chịu cho gặp. Đã có quá nhiều bài báo viết về cặp bố - con nổi danh ấy rồi, nhưng về nghệ sĩ Trần Thị Xuân thì chưa. Tên bà chỉ thường được nhắc tới thoảng qua trong các bài viết về chồng, con. Cuộc gặp gỡ và trò chuyện với nghệ sĩ Trần Thị Xuân khiến tôi có một niềm tin vững chắc rằng, nếu không có bà đứng làm hậu phương, chắc hẳn trong làng sân khấu đã không có một tên tuổi như GS. NSND Trần Bảng. Và phía sau những đóng góp không nhỏ trong giới điện ảnh của NSƯT Trần Lực đều có hơi ấm bàn tay ấm áp, dịu dàng đầy yêu thương của mẹ...

Nghệ sĩ Trần Thị Xuân là con gái Vĩnh Phúc. Tuổi chưa đến hai mươi, bà tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, do yêu cầu cấp trên thành lập một đoàn văn công Tiền phương phục vụ chiến dịch, bà là người được chính nghệ sĩ Trần Bảng lựa chọn. Gương mặt đẹp, vóc dáng chuẩn và giọng hát chèo cuốn hút đã không chỉ khiến nghệ sĩ Trần Bảng bị thuyết phục mà còn khiến trái tim ông xao xuyến suốt dọc hành trình lên Điện Biên. Nhưng đến ngày hòa bình, về lại Hà Nội họ mới cưới nhau và sớm có con trai đầu lòng. Tuổi xuân sắc, nghệ sĩ Trần Thị Xuân đã vào nhiều "vai mẫu" nổi tiếng như vai Thị Kính trong vở chèo cổ nổi tiếng "Quan Âm thị Kính", vai nàng Ba trong "Lọ nước thần", vai mụ Quán trong "Súy Vân"; vai Ngát trong vở chèo hiện đại "Máu chúng ta đã chảy"... Là diễn viên chèo thế hệ đầu tiên từ sau giải phóng, nên nghệ sĩ Trần Thị Xuân có may mắn được các thầy cô lão luyện trong làng chèo thuở ấy như cụ cả Tam, cụ Năm Ngũ, cô Dịu Hương, cô Minh Lý... truyền dạy kỹ càng. Bà đã tiếp thu được những giá trị tinh hoa, bài bản từ những bậc thầy đáng kính. Bà cũng là bạn diễn ăn ý của những nghệ sĩ vang danh như NSND Chu Văn Thức, NSND Mạnh Tuấn, NSƯT Bạch Tuyết...

Vợ chồng GS.NSND Trần Bảng - Nghệ sĩ Trần Thị Xuân.

Theo nghiệp diễn được chừng hơn 10 năm, khi Trường Sân khấu Điện ảnh tổ chức chiêu sinh khóa đào tạo diễn viên chèo đầu tiên, nghệ sĩ Trần Thị Xuân chuyển sang làm công tác giảng dạy, truyền thụ những kiến thức quý về chèo cổ đã được học từ những người thầy đáng kính. Những "vai mẫu" như thị Kính, mụ Quán được bà dạy cho nhiều thế hệ học sinh và đã có người thành danh trên sân khấu chèo như học trò cưng - NSƯT Minh Thu - là con gái của đồng nghiệp, NSND Mạnh Tuấn. Đến khi Nhà hát chèo Việt Nam chiêu sinh đào tạo lớp diễn viên chèo mở tại nhà hát, nghệ sĩ Trần Thị Xuân lại về phụ trách lớp diễn viên này và chủ yếu gắn bó với công tác giảng cho đến lúc nghỉ hưu.

Nhắc lại những kỷ niệm với sân khấu chèo của một "thời xa vắng", đôi mắt nghệ sĩ Trần Thị Xuân ánh lên niềm vui. Tâm huyết với chiếu chèo, song bà đã sớm nhận ra rằng, một khi trong nhà đã có hai nghệ sĩ, thì một người phải chấp nhận lui vào "cánh gà" để nhường sân khấu lớn cho "nhân vật chính". NSND Trần Bảng - người bạn đời của bà từ sớm đã bộc lộ những tài năng đặc biệt với sân khấu. Bà lựa chọn một lối sống bình dị, gần như là cách "xuống một nấc thang", an lòng với vai trò làm hậu phương, làm vợ, làm mẹ để cho người đàn ông của mình tỏa sáng. Có những năm tháng gần như mọi tâm huyết, sức lực, tài năng và thời gian ông đều dành trọn cho sân khấu. Ngoài công việc sưu tầm, nghiên cứu chèo, làm đạo diễn sân khấu, giảng dạy... ông còn là người sáng tác kịch bản. Hết công việc nhà nước, sau đêm diễn cũng đã khuya, về đến nhà ông lại viết kịch bản nên chẳng còn lúc nào để ý gì đến việc nhà. Mọi việc trong gia đình đều do một tay bà quán xuyến: từ miếng ăn cái mặc của con cái trong thời kỳ bao cấp khó khăn (trong khi chồng thường xuyên vắng nhà), đến việc học hành, dạy dỗ các ba con, trong đó Trần Lực khi còn nhỏ học hành thì giỏi giang nhưng cũng là "tay nghịch cự phách", lúc nào bà cũng phải để tâm, theo sát. Bản thân bà cũng nhiều lần phải đi công tác hàng tháng trời, con cái nhiều khi  phải gửi về nhà ngoại ở Vĩnh Phúc trông nom. Nghệ sĩ Trần Thị Xuân tâm sự: "Nhiều lúc cũng cáu ông ấy lắm! Nhưng giận rồi lại hết giận thôi! Là vì ông ấy quá bận, một mình ông ấy mà làm lượng công việc bằng mấy người làm chứ. Được cái ông nhà tôi là người tình cảm, sống có trách nhiệm với gia đình, yêu thương vợ con và rất biết đùa khi tôi giận nên lại chóng lành...".

Và NSND Trần Bảng còn luôn bận rộn như thế cho đến tận lúc về già, trước khi có một trận ốm nặng tưởng chừng không qua khỏi. Cú ngã đó khiến ông phải nằm một chỗ suốt một thời gian dài, lúc nặng còn chẳng nhận biết được gì. Thời gian đó, bà Xuân cũng vất vả nhiều. Bà bỏ hết các thói quen, cả thói quen hàng ngày đi tập thể dục với các bà, các cô trong khu phố để ở nhà chăm sóc chồng. Nhắc lại chuyện này, NSND Trần Bảng tếu táo chia sẻ: "Đận ốm ấy không có bà ấy phục vụ thì gay to. Bà ấy phục vụ tôi suốt từ thời trẻ cho đến tận bây giờ đấy. Chắc là kiếp trước bà ấy mắc nợ gì tôi nên tôi mới được thế...".

Nhắc đến NSƯT Trần Lực, trái tim bao dung của người mẹ ấy vẫn không khỏi ngậm ngùi "Thương nó cứ lận đận thế nào!", dù bây giờ "bến đỗ" của Trần Lực được coi là khá ổn với 3 đứa con kháu khỉnh. Bà vẫn nhớ y nguyên hình ảnh đứa con trai lần đầu tiên trở về sau 8 năm xa nhà sang Hungari học đạo diễn. Chàng thanh niên Trần Lực ngày ấy đã trở về với hình ảnh trước ngực địu đứa cháu nội gần 2 tuổi mà ông bà chưa biết mặt. Cuộc hôn nhân đầu tiên của Trần Lực kết thúc chóng vánh trong tiếng thở dài của mẹ. Bà Trần Thị Xuân lại thay Trần Lực nuôi con nhỏ cho anh để anh dấn thân vào con đường phim ảnh chứ không an phận làm công chức như ý định ban đầu của cha. Bà dành dụm từng đồng quà tấm bánh, yêu quý nâng niu cháu còn hơn cả con mình hồi bé dại. Bà cháu quấn nhau như sam, đi đâu cũng có nhau. Con trai NSƯT Trần Lực nay đã trưởng thành, là bạn, là đồng nghiệp của bố nhưng bà nội vẫn là người có vị trí đặc biệt. Chàng thanh niên ấy thuở bé thơ thèm tiếng mẹ nên thường gọi bà nội là mẹ, khiến bà vừa xúc động lại vừa thương con, thương cháu. Bà tâm sự: "Đến khi Lực nó đứt gánh lần thứ 2, tôi không ăn không ngủ được vì buồn, vì thương con, lo cho con mà không biết nói thế nào với con. Đành tự an ủi là do số phận. Trần Lực đi làm phim ảnh suốt như thế, tiếp xúc với toàn diễn viên trẻ đẹp, cả siêu mẫu nữa nhưng là người hết sức nghiêm túc trong chuyện tình cảm. Đến giờ, chuyện gia đình của Trần Lực coi như "tạm ổn" nhưng cũng vẫn chưa thực sự hết lo đâu. Nhưng vui nhất là có một đàn cháu. Mỗi lần chúng về thăm ông bà là nhà cửa rộn ràng cả lên. Chúng nó thường ào tới như một cơn bão...".

Nghe người bạn đời nói vậy, NSND Trần Bảng thủng thẳng: "Bà cứ lo thế thì có mà chỉ có đến chết mới hết lo thôi. Tôi đã bảo rồi, nó hơn 50 tuổi rồi chứ còn bé bỏng gì mà nó ho hắng cũng phải gọi điện thoại hỏi han. Ngày nào cũng gọi điện thoại cho con, rồi cho cháu như vậy có khi chúng nó còn khó chịu, nó cáu cho ý chứ!". Nghe vậy, nghệ sĩ Trần Thị Xuân cười xuề xòa: "Nhưng cứ phải nghe thấy giọng chúng nó tôi mới yên tâm!".

Lặng lẽ mà bao dung, ấm áp mà ân tình, nghệ sĩ Trần Thị Xuân đúng là hiện thân của mẫu hình người vợ, người mẹ suốt đời hi sinh vì chồng, vì con. Tôi có đánh tiếng hỏi nghệ sĩ Trần Thị Xuân rằng, với 2 Huy chương Vàng từng đạt được, lại có bề dày công lao trong công tác giảng dạy, tại sao bà chưa được phong danh hiệu NSƯT? Nghệ sĩ Trần Thị Xuân cười đôn hậu: "Cũng có nhiều người bảo tôi làm hồ sơ vào các đợt xét danh hiệu, nhưng tôi không làm. Trước còn đi làm thì chưa có việc xét danh hiệu, sau lại nghĩ thôi để nhường cho các bạn trẻ có cơ hội cống hiến, phấn đấu. Chỉ cần người đời nhớ, nhắc đến tôi là vợ của NSND Trần Bảng, là mẹ của NSƯT Trần Lực là tôi cũng đủ mãn nguyện lắm rồi...".

Nguyệt Hà
.
.