Những xúc cảm lớn lao từ một cuộc chia ly

Thứ Ba, 14/09/2010, 08:36
Nhân đọc bài thơ "Chia tay trong đêm Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi.

Em đi với anh trong đêm Hà Nội
Qua những phố hè quen thuộc yêu
 thương
Dọc hàng cây ánh đèn pha cuốn bụi
Từng đoàn xe cao xạ chạy rung đường 

Pháo đang bắn trời ngoại ô gió thổi
Đạn đỏ lòe xa trong ánh trăng
Em đi bên anh tóc xòa bay rối
Nhỏ nhắn vai em khoác súng trường 

Nhìn em anh hãy còn bỡ ngỡ
Như sợ bất ngờ em biến đi đâu
Pháo vẫn bắn chân mây đầy chớp lửa
Anh lại nhìn em lòng xôn xao 

Trăng soi gương mặt nghìn yêu dấu
Ngày mai hai đứa đã hai nơi
Hai đầu đất nước trong giông bão
Cùng chung chiến đấu hai phương trời 

Đêm nay trong vườn hoa ngổn ngang
ụ súng
Bên ven hồ lốm đốm trăng xanh
Nghe quanh ta đêm hè nóng bỏng
Mắt bồi hồi em đi bên anh 

Em đi với anh qua bến xe đông chật
Bao gia đình vội vã lúc ra đi
Em nhìn những mái nhà cao thấp
Đã bao lần thấy những cuộc chia ly 

Kìa xa xa một cụm đèn lấp lánh
Giữa trời đêm như đang vẫy đang chào
Chiếc máy bay ta lượn vòng nghiêng
cánh
Bay qua vầng trăng điểm mấy ngôi sao 

Em nhìn bên dãy tường sập đổ
Xưởng thợ lò than vẫn rực hồng
Nhà máy vẫn rì rầm không ngủ
Lập lòe đèn hàn điện bên sông 

Em đi với anh trên đê cao vắng
Một tiếng còi xe lửa huýt dài xa
Gió đưa khúc nhạc em yêu văng vẳng
"Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm mãi
 lòng ta"           

Trên gác nhỏ đèn dầu ai vẫn thức
Em vẫn đi và vẫn lặng yên
Có tiếng ru đứa trẻ nào đang khóc
Đêm đã khuya trong phố cũ êm đềm 

Anh nắm cánh tay em và đứng lại
Ôi anh không còn biết đang ở đâu
Nhớ nhau chân cứng đá mềm em nhé
Hẹn đánh Mỹ xong sẽ về tìm nhau 

Chào Hà Nội của ta sáng đẹp
Giữa đêm trăng trong biếc mênh mông
Thành phố tình yêu thành phố thép
Ta chào trái tim đất nước anh hùng
          

Em
Anh ôm chặt em và ôm cả khẩu súng trường bên vai em.
 

Nguyễn Đình Thi là người có nhiều duyên nợ với Hà Nội. Thời kỳ đầu kháng Pháp ông có bài "Sáng mát trong như sáng năm xưa" (sau này tác giả sửa chữa, nâng cấp lên thành bài "Đất nước"). Ngày thủ đô giải phóng, ông viết thơ "Ngày về". Và vào cao điểm của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông có "Chia tay trong đêm Hà Nội". Có thể nói, đó là "bộ tam" ghi dấu được những giai đoạn lịch sử quan trọng của thủ đô Hà Nội. Để thấy được không khí tháng năm này, thật không thể không nhắc tới những bài thơ kể trên của Nguyễn Đình Thi.

Bài thơ khá dài, vừa chẵn 50 câu. Tác giả viết "tặng người bạn trẻ đi tiền tuyến". Bài thơ có hai lần nhà thơ ghi chụp hình ảnh cô gái với khẩu súng trường quàng vai: "Em đi bên anh tóc xòa bay rối/ Nhỏ nhắn vai em khoác súng trường" và ở câu thơ cuối cùng. Đó là hình ảnh thật đẹp: mềm mại và cương nghị. Đó cũng là hình ảnh tiêu biểu của nữ nhi Việt Nam trong thời chiến. Vả chăng, với Nguyễn Đình Thi, "em" vừa là em nhỏ bé, thân thương, vừa là quê hương đất nước đau thương và kiên dũng ngàn đời. Nhà thơ đã bộc bạch ý này không ít lần: "Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần (bài "Đất nước"); "Em đứng bên đường/ như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường (bài "Lá đỏ"). Cảm hứng về cái bi hùng (có thể nói là đẹp và buồn) đã khiến Nguyễn Đình Thi có được những câu thơ này. Nó góp phần tôn cao phẩm chất con người và tính thâm trọng của chiến tranh.

Đọc bài thơ, nếu để ý kỹ ta sẽ nhận thấy: giữa câu cuối khổ 5 và câu thơ đầu khổ 6 như có một vết nối. Thật ra, bài thơ có thể dừng ở khúc: "Đêm nay trong vườn hoa ngổn ngang ụ súng/ Bên ven hồ lốm đốm trăng xanh/ Nghe quanh ta đêm hè nóng bỏng/ Mắt bồi hồi em đi bên anh". Kết ở đấy là vừa xinh. Thật gọn ghẽ một bài thơ tình yêu. Nhưng, như trên đã nói, hình như trong những bối cảnh như vậy, với Nguyễn Đình Thi, "em" vừa là em của anh một cách cụ thể, lại vừa là hiện thân của đất nước. Ông muốn nới rộng chủ đề ra ngoài phạm vi tình yêu. Đúng ra, ông muốn bài thơ kết hợp được cả chất tình ca lẫn chất anh hùng ca vốn rất sẵn trong tâm hồn ông. Đấy cũng phần nào làm nên nét cao cả của thơ Nguyễn Đình Thi, cũng như dễ khiến một số bài thơ của ông chia ra nhiều mảng, mảng nọ đặt cạnh mảng kia, tuy vẫn trong một từ trường cảm xúc (như Vũ Quần Phương đã có lần nhận xét).

Có thể thấy: từ "Mắt bồi hồi em đi bên anh" cho đến "Em đi với anh qua bến xe đông chật", bài thơ đã chuyển mạch. Tác giả thật biết chọn lựa chi tiết dù trái tim ông vẫn muốn ôm đồm. Đường phố, mái nhà, bầu trời, mặt đất, nơi ồn ào tàu xe, nơi mênh mông quạnh vắng, ngọn đèn nhỏ bình yên và tiếng ru êm trong phố cũ - tất cả đều lần lượt diễu hành qua con mắt người đi xa. Ở đây, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã gặp nhà tiểu thuyết Nguyễn Đình Thi. Bài thơ thành bức tranh quý lưu lại dáng nét Hà Nội một thời.

Đọc thơ Nguyễn Đình Thi ta thấy lời thơ của ông thường dung dị. Chẳng hạn ở bài này ta có thể bắt gặp những câu thơ tạo dáng rất đẹp: "Đạn đỏ lòe xa trong ánh trăng/ Em đi bên anh tóc xòa bay rối", hoặc: "Chiếc máy bay ta lượn vòng nghiêng cánh/ Bay qua vầng trăng điểm mấy ngôi sao". Nhưng vẫn không phải là những câu thơ có trang sức của ngôn ngữ. Nói vậy nghĩa là, cái đẹp trong thơ Nguyễn Đình Thi thường không biểu hiện ở sự tô điểm mà phát lộ trong cốt cách. Thơ ông sang vì thế. Thử xem, với những câu: "Trăng soi gương mặt nghìn yêu dấu/ Ngày mai hai đứa đã hai nơi/ Hai đầu đất nước trong giông bão/ Cùng chung chiến đấu hai phương trời", hay như ở bài "Nhớ": "Anh yêu em như anh yêu đất nước/  Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần/ Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn", ý tưởng có mới mẻ gì đâu, ấy vậy mà Nguyễn Đình Thi viết ra nghe cao sang, đọc lên thấy cảm động, mà người khác viết thì rất dễ thành sáo ngữ, hoặc đại ngôn. Tôi cho rằng tìm hiểu sâu vấn đề này rất có ý nghĩa. Vì chỉ một số ít những nhà thơ như Nguyễn Đình Thi là làm được điều đó

Hà Khải Hưng
.
.