Những vần thơ nặng tình hạt lúa

Thứ Ba, 23/08/2011, 08:10
Ở một đất nước mà đến nay, nông nghiệp vẫn là một mặt trận quan trọng thì hiện tượng - nói như Chế Lan Viên "những kẻ quê mùa cũng thành trí thức" là một hiện tượng không phải không phổ biến.

Hàng năm, những cổng trường đại học vẫn rộng mở chào đón học sinh từ khắp các miền đồng quê trong cả nước đổ về. Cái cảm thức "Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò" là nỗi ám ảnh của những người đặt chân nơi phố thị mà lòng không mấy nguôi quên về miền quê thời ấu thơ, nơi còn đó bà mẹ già một nắng hai sương và bát cơm ăn nặng tình củ khoai, hạt lúa.

Với nhiều nhà thơ, ruộng đồng là nơi họ gửi gắm tình cảm, với những sẻ chia, nhớ thương day dứt.

Ngay trước Cách mạng, trong bài "Lời con đường quê", nhà thơ Tế Hanh đã muốn hóa thân thành con đường đất để:

San sẻ cùng người nỗi ấm no
Khi mùa màng được. Nỗi buồn lo
khi mùa màng mất. Tôi vui cả
với những tình quê, buổi hẹn hò

Tuy nhiên, giai đoạn thơ ca lãng mạn 1932-1945 ấy, không phải ai, dù xuất thân là con nhà nông - cũng dám "chân lấm tay bùn" mà đưa vào thơ những hình ảnh này. Phải chờ tới khi Cách mạng thành công, làm thay đổi nhận thức và sinh hoạt của nhiều người, trong đó có các nhà thơ, thì hình ảnh ruộng đồng, hình ảnh củ khoai, hạt lúa mới trở nên "phấp phới" trong các sáng tác của họ. Nhà thơ Chế Lan Viên - người từng giam hãm mình trong những Tháp Chàm âm u thuở "Điêu tàn" - trong những tháng ngày kháng chiến, đi sâu đi sát với dân, đã bừng tỉnh mà nhìn lại trước tác của mình:

Suốt một đời ăn hạt gạo nhân dân
Lần thứ nhất nhà văn đi học cấy
Bỗng hối tiếc nghìn câu thơ nước chảy
Chửa "vì người" bằng một bữa cơm ăn.

Mùa gặt.

Ngay đến Xuân Diệu - con người kiêu sa "sang trọng như một ông hoàng" cũng cảm thấy khuynh hướng thẩm mỹ của mình bấy giờ có phần khác xưa rồi:

Ngày xưa thi sĩ mơ công chúa
Mơ khói trầm lên cuộn mỹ nhân
Thi sĩ ngày nay bên ruộng lúa
Muôn lần ca ngợi gái nhà dân

Không có tinh thần lao động, làm sao có sản phẩm để tạo nên cái hương vị quyến rũ trong thơ "Tây tiến" của Quang Dũng:

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi - con người lịch lãm, hào hoa và thơ ca thì… không chút "bụi bặm" - khi ca hát về quê hương đất nước thì tiếng hát ấy cũng cất lên từ đồng lúa:

Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Tất nhiên, đã quý trọng những vần thơ ngợi ca cây lúa, ta lại càng biết quý trọng những vần thơ ngợi ca những người làm ra lúa gạo. Bài thơ "Cấy đêm" của nhà thơ Lê Anh Xuân đã dựng nên một quang cảnh cấy đêm thật đặc biệt (có thể nói là ngàn lần vất vả): Cấy trong sự rình rập của bom đạn địch. Vậy mà những hình ảnh lưu lại trong trí nhớ anh thật đẹp:

Nhớ sao những buổi cấy đêm
Tiếng cười nho nhỏ, ánh đèn lung linh
Hỡi em tay cấy nhanh nhanh
Có anh cầm súng đứng canh xóm ngoài.

Việc nhân loại tìm ra cây lúa là một sự kỳ diệu có ý nghĩa hết sức trọng đại đối với quá trình phát triển của xã hội. Và tôi thiết nghĩ, ý thức về giá trị của cây lúa cũng là dấu hiệu của sự trưởng thành. Nhà thơ Trần Đăng Khoa - người ở tuổi thiếu nhi từng có những bài thơ hay viết về thiên nhiên, đã thực sự có dấu hiệu "người lớn" ở bài thơ "Hạt gạo làng ta" nổi tiếng. Có thể cách liên tưởng "băng đạn - vàng như lúa đồng" còn là cách nhìn trẻ thơ, nhưng khi cậu bé 11 tuổi đặt bút viết:

Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi hôm nay
cậu đã có những suy tư của "người lớn".      

Thực tế, cùng với ca dao dân ca, mảng thơ viết về nhà nông, nghề nông của các nhà thơ đương đại là một mảng thơ khá phong phú, sâu rộng, chiếm vị trí đáng kể trong số lượng ấn phẩm đã được xuất bản. Điều này dễ hiểu, các tác giả khi đến với đề tài này đã được hậu thuẫn khá tốt. Đó là những độc giả chân lấm tay bùn rất biết nâng niu quý trọng cái nghề lao động câu chữ của họ. Để kết bài này và để chứng minh cho nhận định trên, tôi xin dẫn ra đây bài thơ "Mẹ dân dã" của Chế Lan Viên, để thấy chúng ta từng có những người mẹ - có thể do điều kiện tiếp cận văn hóa chưa tốt, thậm chí, mẹ còn chưa biết chữ, nhưng rất biết quý trọng từng trang bản thảo của con mình:

Hồn thơ con chính mẹ đem cho
Mẹ dân dã câu Kiều chẳng biết
Khi rón rén đến gần trang viết
Mẹ thêm dầu sợ bấc đèn lu

Trần Huy Thuận
.
.