Sách văn học viết về đề tài Thương binh - Liệt sĩ và Người có công:

Những "tượng đài" trên từng trang sách

Thứ Năm, 03/08/2017, 08:56
Vừa qua, Nhà xuất bản Công an nhân dân (NXB CAND) đã tổ chức gặp mặt báo chí và đại diện thân nhân gia đình thương binh - liệt sĩ trong lực lượng CAND và giới thiệu "Những cuốn sách tri ân" nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017). 


Cách đây ít lâu, Hội Nhà văn Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tổ chức trao giải một số cuốn sách tiêu biểu viết về đề tài Thương binh - Liệt sĩ và Người có công. Như vậy có thể thấy, trong những năm qua, đã có nhiều sáng tác về đề tài thương binh - liệt sĩ và người có công được xuất bản. Điều này đúng với đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, vấn đề là hoạt động cần được làm thường xuyên, liên tục và có chiến lược bài bản hơn nữa.

Sự tôn vinh cần thiết

Lần trao giải này, Ban tổ chức đã chọn ra 41 tác phẩm để vinh danh, trong đó có 38 tác phẩm được trao giải chính thức và 3 tác phẩm được nhận "Giải Tôn vinh". Những giải thưởng được trao "Giải Tôn vinh" trong cuộc vận động "Sáng tác văn học về đề tài Thương binh - Liệt sĩ và Người có công" là những tác phẩm đã trở nên quen thuộc với bạn đọc và từng có sức lan tỏa rộng lớn, đó là các tác phẩm: "Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược" của tác giả Lê Văn Ba; "Mãi mãi tuổi hai mươi" (nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc) do tác giả Đặng Vương Hưng biên soạn; "Người không cô đơn" của tác giả Minh Chuyên.

Các tác phẩm được trao giải nhất là: "Những ngôi sao của mẹ" - tác giả Hoàng Đình Quang; "Dặm đường gian truân" - tác giả Hồ Duy Lệ; "Máu và tội ác" - tác giả Nguyễn Tam Mỹ. Ngoài ra, có một số tác phẩm đoạt giải thưởng là những đầu sách quen thuộc về những tấm gương hy sinh dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ trong lực lượng CAND như "Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot d'Inville" của nhà văn Văn Phan; "Lá chắn thép" của tác giả Diệp Hồng Phương; "Trần Quốc Hương - người chỉ huy tình báo"...

Thực ra, không phải đến dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ thì mảng sách văn học về đề tài này mới được nhiều người quan tâm. Bởi lẽ, đất nước ta trong hơn một thế kỷ qua đã trải qua những trận binh đao và hai cuộc kháng chiến kéo dài đến 3 thập kỷ mới giành được độc lập, thống nhất, non sông thu về một dải.

Vì thế, không chỉ có những câu chuyện về những người lính trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận gây xúc động mạnh đối với công chúng, mà còn là số phận của những con người nơi hậu phương, số phận của bao nhiêu gia đình đã đồng hành cùng dân tộc trong cuộc kháng chiến này. Đó cũng chính là lý do khiến chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, nhưng những câu chuyện xung quanh những con người đã anh dũng hy sinh hoặc hy sinh một phần thân thể của mình vì nền độc lập tự do của dân tộc cũng như tinh thần sống, chiến đấu quả cảm của họ vẫn có khả năng gây xúc động mạnh.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương trao "Giải Tôn Vinh" cho các tác giả: Lê Văn Ba, Đặng Vương Hưng và Minh Chuyên.

Có thể kể tên 2 cuốn sách mà ai cũng nhớ tên, đó là "Mãi mãi tuổi hai mươi" và "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" - hai cuốn nhật ký khi ra mắt cách đây hơn chục năm đã tạo nên những cơn "dư chấn" trong độc giả. Nó góp phần khiến bao người cựu binh được sống lại những tình cảm, tái hiện ký ức về một thời hoa lửa hào hùng mà bi thương. Nhờ nó, các thế hệ sau biết được cha anh đã sống, đã chiến đấu và hy sinh như thế.

Và không thể  phủ nhận, cuốn sách đã tạo nên những thay đổi không nhỏ trong một bộ phận giới trẻ, học sinh sinh viên lúc bấy giờ, nhân lên phương châm "sống đẹp" noi gương hai Anh hùng liệt sĩ là Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm.

Rất tiếc, trong những cuốn sách được tôn vinh lần này chỉ thấy có cuốn "Mãi mãi tuổi hai mươi" là nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc mà không thấy có tên cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" - cuốn sách từng tạo được tiếng vang lớn và được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh nổi  tiếng "Đừng đốt" của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh.

"Những cuốn sách tri ân" của NXB CAND

Có thể nói, trong những năm qua, NXB CAND đã có nhiều đầu sách "văn học tư liệu" liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của các nhân vật lịch sử, những anh hùng liệt sĩ trong và ngoài lực lượng CAND. Với NXB CAND, đây cũng chính là một lợi thế đáng kể so với các NXB khác.

Theo chia sẻ của Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc NXB CAND, trong đợt tổng kết và trao giải cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Thương binh - Liệt sĩ và Người có công nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ do Hội Nhà văn và Bộ Lao động Thương binh và xã hội tổ chức vừa qua, NXB CAND vinh dự là đơn vị xuất bản và phát hành 6 cuốn sách có giải, đó là: "Những vì sao của mẹ" của tác giả Hoàng Đình Quang (Giải Nhất Văn xuôi); "Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo" (Giải Nhì Văn xuôi) của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải; "Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot d'Inville" (Giải Ba Văn xuôi) của tác giả Văn Phan; "Thượng tướng Lê Thế Tiệm - Dấu ấn thời gian"(Giải Ba Văn xuôi) của tác giả Võ Bá Cường; "Lá chắn thép" (Giải Ba Văn xuôi) của tác giả Diệp Hồng Phương. Và đặc biệt là chùm tác phẩm "Mãi mãi tuổi 20" (Giải Tôn vinh) do nhà văn Đặng Vương Hưng biên soạn được NXB CAND tái bản nhiều lần.

Trong những cuốn sách đoạt giải cao, "Những vì sao của mẹ" là cuốn truyện ký của nhà văn Hoàng Đình Quang viết về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Rành, nhiều thế hệ cháu con vẫn quen gọi với tên trìu mến "Má Tám Rành", người mẹ đã hy sinh 8 người con trai và 2 cháu nội, ngoại khi Tổ quốc cần và là một trong những biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần hy sinh cao cả của người phụ nữ; cuốn "Trần Quốc Hương - người chỉ huy tình báo" của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, viết về nhà chỉ huy tình báo tài giỏi, "kiến trúc sư" của một mạng lưới tình báo tầm cỡ, với tầm nhìn sâu sắc, toàn diện và tinh tế về thế mạnh, khả năng làm tình báo và phẩm chất của những nhân vật tình báo nổi tiếng như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn…; truyện ký "Lá chắn thép" của nhà văn Diệp Hồng Phương là cuốn sách văn học về lực lượng An ninh Tây Ninh và An ninh Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước gắn với tên tuổi nhiều Anh hùng của lực lượng CAND; "Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot d' Inville" của Đại tá - nhà văn Văn Phan là một cuốn sách viết về chiến công đánh đắm thông báo hạm Amyot d' Inville của tổ điệp báo A13 huyền thoại gắn với tên tuổi nữ điệp báo anh hùng Nguyễn Thị Lợi từng gây được tiếng vang lớn ngay từ lần đầu ra mắt và cũng được tái bản nhiều lần.

 Thời gian gần đây, NXB CAND đã phối hợp cùng với Viện Lịch sử CAND, Bảo tàng CAND tổ chức in ấn một loạt cuốn sách giới thiệu những kỷ vật của các thương binh, liệt sĩ và người có công với đất nước trong lực lượng CAND, đó là những cuốn sách: "Kỷ vật lịch sử CAND (1945-1954)", “Kỷ vật lịch sử Công an nhân dân (1954-1975)", "Kỷ vật lịch sử CAND (1975-2015)", "Kỷ vật lịch sử của các liệt sĩ, thương binh CAND". Cùng với những cuốn sách viết về những kỷ vật vô giá ấy, NXB CAND cũng ấn hành những cuốn sách ý nghĩa: "Những ngày ở chiến trường" (tập 1,2,3), "Những lá thư thời chiến Việt Nam",  "Những lá thư thời chiến CAND"... Bên cạnh đó cũng có một số cuốn sách kết hợp cùng với gia đình thân nhân liệt sĩ tìm lại trong những di cảo hoặc qua ký ức bạn bè, người thân, đồng đội để xây dựng thành sách về các liệt sĩ CAND như "Gửi lại mai sau" của liệt sĩ Nguyễn Hải Trường, "Một nén hương thơm vạn tấm lòng" viết về liệt sĩ Nguyễn Văn Bảo... NXB CAND cũng quan tâm, đầu tư xuất bản những cuốn sách viết về những người có công như cuốn "Những tháng năm thương nhớ", "Thượng tướng Lê Thế Tiệm - Dấu ấn thời gian" và "Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo"...

 Đại tá Nguyễn Hồng Thái chia sẻ: "Những cuốn sách thuộc đề tài này vẫn là mảng sách quan trọng mà NXB CAND đã, đang và sẽ còn khai thác, xuất bản để không sự hy sinh nào bị lãng quên. NXB CAND luôn coi việc xuất bản những cuốn sách này vừa là công việc, là nhiệm vụ chính trị, song cao hơn nữa là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng mà những người làm sách phải góp phần ghi lại và công bố rộng rãi về những chiến công của các thương binh, liệt sĩ, người có công với đất nước. Đó chính là những việc làm góp phần xây dựng những "tượng đài trên từng trang sách" nhằm hướng về những giá trị lịch sử và truyền thống tốt đẹp, để từ đó khơi dậy niềm tự hào của thế hệ trẻ CAND đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống nhân dân. Đồng thời cũng là để bạn đọc nhiều thế hệ không quên lịch sử, không quên những đóng góp to lớn của lớp lớp thế hệ cha anh đã hy sinh tuổi trẻ, xương máu, vì độc lập, tự do của đất nước, vì sự bình yên của sống hôm nay...".

Nguyệt Hà
.
.