Những thế hệ thiếu kỹ năng mềm

Thứ Sáu, 04/12/2015, 08:14
Cuối cùng thì Quốc hội cũng đã làm việc hết mình để môn Lịch sử không bị tích hợp vào cùng các môn học khác. Nhưng điều đó không thể coi là một thắng lợi của sự đóng góp xã hội cho hệ thống giáo dục Việt Nam hiện đại. Bởi vì có giữ lại môn Lịch sử đi nữa, nền tảng giáo dục vẫn không thay đổi. Nói nôm na, hệ thống giáo dục vẫn tiếp tục với những đứa trẻ trong những chiếc hộp, và tạo ra những con người học chỉ với mỗi một mục đích: để chứng tỏ mình có đi học.

Nếu bạn thử làm một cuộc khảo sát nho nhỏ bằng cách dành trọn một ngày đi khắp các trường học các cấp từ phổ thông cơ sở cho tới phổ thông trung học ở địa phương mình đang sống, đặc biệt là ở các đô thị lớn, bạn sẽ nhận ra một điều rất rõ ràng rằng, trẻ em hôm nay đúng là những đứa bé trong những chiếc hộp. Đơn giản, sinh hoạt tại gia đình vốn dĩ đã đóng khung trong 4 bức tường, thiếu không gian hoạt động thể chất; sinh hoạt tại trường học cũng đóng khung trong những bức tường luôn, khi trường học không có không gian cho các hoạt động ngoại khóa cho học sinh của mình.

Cách đây mấy năm, có những ý kiến từ các liên đoàn thể thao cho rằng ngành giáo dục nên phát triển thể thao học đường bởi đó chính là một nền tảng tốt cho một nền thể thao chuyên nghiệp. Nhưng đáp lại các ý kiến ấy là quan điểm của ngành giáo dục, đại ý rằng "Việc của các anh, các anh làm không tốt, các anh lại định dồn trách nhiệm sang cho ngành giáo dục nữa". Không hẳn ý kiến của ngành giáo dục là sai, bởi nó chỉ ra cái yếu kém của ngành thể thao. Nhưng ý kiến ấy cũng không thể xem là đúng bởi đã từ quá lâu rồi, chúng ta bỏ qua việc giáo dục ngoại khoá, thứ sẽ xây dựng những con người hữu dụng trong tương lai. Nói tóm lại, ngành giáo dục mấy chục năm nay vẫn giậm chân tại chỗ trong việc đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh và từ đó, biến Việt Nam thành một quốc gia với các thế hệ kế tiếp nhau không hề có kỹ năng mềm.

Một buổi hoạt động ngoại khóa của các em học sinh (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Vậy, kỹ năng mềm là những kỹ năng gì và tại sao thiếu kỹ năng mềm thì các thế hệ được đào tạo ra đều trở nên không hữu dụng? Kỹ năng mềm là những kỹ năng như đọc, nói, viết, sống, trình bày, biểu đạt, giao tiếp, tổ chức, thuyết phục… Một giáo sư Vật lý học - Giáo sư Nguyễn Ái Việt - cho biết, kỹ năng mềm ấy cần phải được thiết lập cho trẻ em từ tuổi mẫu giáo và chính ông cũng nhận thấy rằng, trong những năm ông sống ở nước ngoài (23 năm), ông luôn thấy mình thua thiệt so với bạn bè về kỹ năng mềm và lúc nào cũng phải cố gắng vật lộn để san bằng khoảng cách với họ nhằm hoà nhập vào đời sống dễ dàng hơn. Chính việc thiếu kỹ năng mềm đã khiến nhiều trường hợp du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đã bị trầm cảm, tự kỷ và thậm chí có những du học sinh bị bệnh về thần kinh.

Thực tế, mỗi chúng ta đều muốn con cái mình trưởng thành một cách tự lập nhưng rất ít người hiểu rõ được rằng, để con cái trưởng thành tự lập, chúng phải được xây dựng những kỹ năng mềm từ lúc còn nhỏ. Đọc như thế nào để không phải là đọc vẹt, học vẹt; nói như thế nào để vừa ngắn gọn, dễ hiểu, truyền tải đầy đủ ý niệm của mình; viết thế nào cho mạch lạc; giao tiếp thế nào cho đúng đắn, tự tin… là những thứ không phải cứ lớn lên là tự khắc sẽ nắm bắt được mà nó yêu cầu có sự trui rèn từ lúc còn nhỏ. Tại sao trẻ em phương Tây tự tin đến thế còn trẻ em Việt Nam thì không?

Rất đơn giản, ví dụ như bài học văn, bài học sử chẳng hạn. Thay vì chỉ là thầy giảng, trò chép, nếu chúng ta biến chúng thành các bài tập tình huống, tự để các em xây dựng thành hoạt cảnh, vượt thoát ra khỏi khuôn khổ giáo dục bục giảng - học đường, để học sinh hoà vào môi trường thiên nhiên nhiều hơn, chắc chắn các em sẽ có nhiều cơ hội phát triển các kỹ năng mềm hơn.

Có lẽ, chúng ta không lạ lẫm gì khi gặp một tân cử nhân đại học có tiếng vào làm việc cùng với trình độ chuyên môn cực giỏi nhưng lại không thể biểu đạt nổi ý tưởng của mình bằng một bài thuyết trình hoặc không thể soạn thảo một cái công văn cho ra hồn. Đó là còn chưa nói đến chuyện giao tiếp, thiết lập mạng lưới giao tiếp xã hội ra sao cho hiệu quả, thứ đòi hỏi làm chủ những kỹ năng mềm một cách tuyệt vời. Cái rào cản lớn đối với phát triển của Việt Nam nằm ở chính những kỹ năng ấy. Chúng ta không thiếu người giỏi chuyên môn nhưng chúng ta không có những người biết áp dụng kỹ năng mềm để chuyên môn được phát huy tốt hơn. Chính vì thế, để phát triển, chúng ta luôn bị lỡ nhịp, lỡ thời cơ so với bạn bè quốc tế.

Đã đến lúc không thể tiếp tục tạo ra những thế hệ thiếu kỹ năng mềm nữa. Và hãy nhớ rằng, với kỹ năng mềm, con người ta sẽ tự tin hơn rất nhiều khi bước ra đời sống. Vậy thì, phải chăng, chúng ta xưa nay vẫn hay có bệnh "sợ Tây" cũng chỉ bởi chính ta thiếu tự tin vào bản thân mình, do phần lớn từ thiếu những kỹ năng mềm mà ra.

Hà Quang Minh
.
.