Những người thầy dạy tôi viết văn

Thứ Năm, 23/05/2013, 08:00
Nhà thơ Xuân Diệu từng nói: "Anh vẫn không nghiêm túc trong văn chương như hồi anh đến hỏi tôi về thơ Hán Nôm Nguyễn Trãi. Thể lệ cuộc thi là ba bài thơ. Vậy mà anh nộp một bài. May bài thơ "Người đứng giữa ước mơ và người thực hiện ước mơ"của anh có chất lượng nên tôi cũng như ban giám khảo cho anh giải khuyến khích. Tôi hy vọng từ giờ anh nên sửa chữa những khuyết điểm tôi đã chỉ ra nếu anh muốn tiến xa trong văn nghiệp"...

Nhà văn Nguyễn Công Hoan: Vừa nhắc nhở vừa động viên…

Tôi tốt nghiệp khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1970. Dạo đó tôi nuôi nhiều tham vọng về văn chương. Trong hai năm 1970, 1971, tôi viết tập 1 tiểu thuyết "Những tháng năm tuổi trẻ" hơn 700 trang chép tay. Từ bút pháp, kết cấu đến số lượng hơn 200 nhân vật trẻ gồm đủ các ngành nghề mô phỏng tuyệt tác "Chiến tranh và hòa bình" của Lép Tônxtôi. Tôi đưa bản thảo đến NXB Thanh Niên. Biên tập viên Thanh Bình không biết đọc thế nào mà cứ vài hôm lại gọi tôi đến bắt chữa vài đoạn. Sau hơn một năm không thấy ông nói gì, tôi bắt đầu nản. Chương trình Công Nhân của Đài Tiếng nói Việt Nam có tiết mục "Thợ xây kể chuyện". Đây là tiết mục ăn khách dạo đó, với những tiểu phẩm hóm hỉnh phê phán những điều ngang trái trong cuộc sống. Vì mới vào nghề nên tôi không được viết mục "cao cấp" này. Nổi máu tự ái, tôi giở lại luận văn tốt nghiệp đại học với đề tài "Tính hài trong truyện ngắn của Môpátxăng và Sêkhốp". Sau đó tôi viết hàng loạt truyện ngắn hài nhưng không đưa cho Đài mà tập trung lại định in thành sách. Vào đầu thập kỉ 70 của thế kỉ trước, việc một cây bút vô danh như tôi thì khó có thể có sách in. Cuối cùng tôi liều gửi qua bưu điện bản thảo ba truyện ngắn hài của mình cho nhà văn Nguyễn Công Hoan (tôi ký bút danh Thụy Phương, là tên làng tôi). Không ngờ chỉ một tuần sau, tôi đã nhận được thư của bác Hoan. Mừng quá nên sau khi đọc ngốn ngấu, tôi lập tức viết cho bác theo giọng hài, kể rằng: "Cháu đi tàu điện mua sách của bác về đọc. Không ngờ vì mải cười cháu bị mất túi đồ có cặp lồng và cuốn sổ tay". Bác Hoan viết lại cho tôi: "Anh viết hóm đấy nhưng không được tếu khi bàn về văn chương".

Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết cho tôi cả thảy ba lá thư. Tiếc do mấy lần chuyển nhà tôi đã đánh mất hai lá. Nay tôi còn giữ được lá thư thứ ba. Thư này bác gần như tổng kết lại những gì bác phê phán cách viết và dạy tôi cách viết hài phải như thế nào. Bác Hoan viết: "Truyện của anh có ưu điểm là ngắn… Lâu nay người ta quên mất ưu điểm của viết ngắn…. Ưu điểm thứ hai là vấn đề anh chọn để viết đều có thể gọi là vấn đề cả…". Bác dặn tôi: "một khuyết điểm nên tránh xa là đặt câu dài quá. Câu dài thì dễ lủng củng, nặng nề. Câu ngắn thì nhanh nhẹn, nhẹ nhõm. Người đọc được nghỉ luôn, họ sẽ không thấy mệt. Họ không thấy mệt thì họ có thiện cảm với người viết. Đọc câu dài thì họ phải nhịn thở cho đến lúc hết câu, họ sẽ mệt. Người viết nên đo câu mình viết bằng hơi thở của mình. Đọc một truyện không thấy mệt lại còn được tiếng và ý dí dỏm để mà cười, toàn câu chuyện còn nói lên được ý của người đọc, làm cho người ta thỏa mãn, thì người ta nhớ chuyện, nhớ tên người kể…". Bác Hoan động viên tôi: "Vậy việc anh viết những truyện châm biếm ngắn là hợp thời. Nó phục hồi lối châm biếm bằng những truyện ngắn rất ngắn. Lối viết này sẽ lôi kéo một số người cùng viết. Nhưng trước hết, về anh, là người phục hồi đầu tiên phải có những truyện mang những đề tài có tầm vóc cao lớn hơn, và về hình thức diễn tả, thì cách hành văn phải già dặn hơn…".

Thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan gửi nhà văn Nguyễn Hiếu (bấy giờ ký bút danh Thụy Phương).

Nhớ lời dặn của nhà văn lớn, tôi bắt đầu thử sức mình trong việc viết những tiểu phẩm hài ở dạng truyện rất ngắn cho mục "Chuyện trong mỗi nhà" của Báo An ninh Thủ đô. Đến năm 1984, tôi sửa chữa và tập hợp lại trong tập truyện ngắn hài "Chuyện cái vòi nước" do NXB Hà Nội in. Cũng năm này, NXB Tác phẩm mới (nay là NXB Hội Nhà văn) cho ra mắt bạn đọc tập truyện hài "Những người thích đùa" của Azít Nêxin. Nhà thơ Vũ Cao, Giám đốc NXB Hà Nội động viên tôi: "Cái cười của Nguyễn Hiếu gần gũi hơn". Bìa của cuốn "Chuyện cái vòi nước" do danh họa Bùi Xuân Phái vẽ sau đó được phóng to dựng trước cửa Nhà hát Lớn trong Hội nghị những người viết văn trẻ năm 1985 nhưng tác giả lại không được mời tham gia.

Xuân Diệu mắng và Chế Lan Viên dạy tôi làm thơ như thế nào?  

Khóa luận năm thứ ba đại học tôi chọn đề tài "Thơ Hán Nôm của Nguyễn Trãi". Mặc dù thầy hướng dẫn khóa luận không bắt buộc, nhưng tôi vẫn nhất quyết tìm đến nhà thơ Xuân Diệu để mong ông chỉ bảo những ý kiến quý báu xung quanh đề tài này. Tôi cũng xem đây là dịp may hiếm có để tiếp xúc với nhà thơ lớn. Tôi đến nhà ông ở 24 Cột Cờ (phố Điện Biên Phủ ngày nay) theo câu ca dao chắc ông đọc khi vui "Nhà tôi 24 Cột Cờ/ Ai yêu thì đến, hững hờ thì qua…". Người giúp việc thấy tôi vào, bảo đợi một lúc vì nhà thơ đang bận. Tôi dựa xe cố tạo dáng đứng chéo chân, tựa vào gốc cây hoa đinh lăng. Không dè vừa mở cửa thấy tôi, nhà thơ Xuân Diệu "giáng" ngay một câu khiến tôi nhớ đời vì ngượng: "Trong tình yêu và trong văn chương không thể đứng chéo chân như thế. Đứng như thế chứng tỏ anh là người không cẩn thận, chỉn chu trong văn chương". Sau đó, mặc dù ông cung cấp cho tôi rất nhiều kiến thức và nhận định về thơ Hán Nôm Nguyễn Trãi, nhưng vì ngượng nên sau lần đó, tôi không dám đến thăm ông nữa. 5 năm sau, vào năm 1973, tôi trúng giải khuyến khích thơ trong cuộc thi văn học về ngành Nội thương. Cuộc trao tặng tổ chức tại nhà hàng Bôđêga sang trọng. Giải thưởng là một cái phích Trung Quốc, một cái cặp da bộ trưởng (theo cách gọi ngày ấy) và 60 đồng (lương cán sự ba hồi đó là 63 đồng). Nhìn thấy tôi, nhà thơ Xuân Diệu nhận ra ngay. Vừa trao phần thưởng cho tôi, ông vừa nói: "Anh vẫn không nghiêm túc trong văn chương như hồi anh đến hỏi tôi về thơ Hán Nôm Nguyễn Trãi. Thể lệ cuộc thi là ba bài thơ. Vậy mà anh nộp một bài. May bài thơ "Người đứng giữa ước mơ và người thực hiện ước mơ"của anh có chất lượng nên tôi cũng như ban giám khảo cho anh giải khuyến khích. Tôi hy vọng từ giờ anh nên sửa chữa những khuyết điểm tôi đã chỉ ra nếu anh muốn tiến xa trong văn nghiệp".

Phàm là sinh viên khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp, chẳng ít thì nhiều anh chị nào cũng làm thơ. Tôi cũng vậy. Ba năm sơ tán trên Đại Từ không ngày nào tôi không viết thơ. Ngay sau khi ra trường vào năm 1970, tôi chọn lọc, tập hợp các bài thơ đã viết thành tập nhan đề "Thơ gửi ra chiến trường" cùng một tập truyện ngắn gửi đến NXB Văn học. Hai tháng sau, tôi có giấy gọi của NXB đến trao đổi bản thảo. Tiếp tôi là một người đàn ông lớn tuổi mặt vuông chữ điền, da trắng. Ông tự giới thiệu: "Tôi là Chế Lan Viên. Tôi đã đọc tập bản thảo của anh và thấy có nhiều cái cần trao đổi, nhưng tôi muốn anh gửi cho tôi những bài thơ anh mới viết gần đây để tôi hiểu thêm thơ anh. Lúc đó tôi sẽ có những ý kiến thỏa đáng". Quá mừng rỡ vì sự ưu ái của nhà thơ mà tôi ngưỡng mộ ngay khi còn trong trường, tôi về nhà và  chọn 6 bài thơ "Cờ của nước Việt Nam", "Mùa thu và tình yêu", "Những ràng buộc", "Dưới cửa sổ nhà”, "Có lẽ nào khi hết chiến tranh", "Cho đến bao giờ anh cởi lá nguỵ trang" hăm hở mang đến. Nhà thơ Chế Lan Viên mỉm cười nhìn tôi rồi hẹn "Một tuần nữa anh đến". Đúng hẹn tôi trở lại. Nhà thơ đang ngồi trên chõng kê ngoài sân khu tập thể 51 Trần Hưng Đạo. Ngồi chưa nóng chỗ thì có một người cao lớn, mặc quần soóc ka ki vàng đi vào. Nhà thơ Chế Lan Viên nói luôn: "Đây là nhà thơ Hoàng Trung Thông". Rồi hỏi: "Anh có công nhận tôi là người thông minh nhất Hội Nhà văn Việt Nam không?". Nhà thơ Hoàng Trung Thông mỉm cười, im lặng gật đầu. Chế Lan Viên chỉ tôi nói: "Đây là một anh viết trẻ. Anh có những câu thơ khiến tôi giật mình "Tiếng bom nổ làm méo cả vành trăng", nhưng sau đó lại có những câu thơ quá dở". Ông quay sang tôi, giọng cao hơn: "Anh đừng cho mình là đàn ông mà làm thơ thoải mái. Anh nên học Lý Phương Liên ấy. Cô ấy nhiều ý lạ nhưng viết rất chỉn chu. Còn với anh, tôi đọc rất kĩ mấy bài thơ và viết những nhận xét của tôi. Về đọc và cố làm theo nếu muốn tiếp tục làm thơ. Tôi nói khái quát. Với anh thì mỗi khi có tứ thơ xuất hiện anh cần làm dàn bài thật kĩ trước khi viết".

Mang bản thảo thơ về, mặc dù đang là mùa đông mà tôi thấy người nóng rực trước những dòng chữ phê phán dữ dội của Chế Lan Viên. 6 bài thơ của tôi được nhà thơ lớn đọc rất kĩ. Nhiều câu thơ trong từng bài thơ là những dòng gạch, đánh dấu, ghi nhận xét rất rõ. Tôi chỉ xin trích một số đoạn tiêu biểu. Nào là "Văn tây"; "Ý anh định nói gì, tôi không rõ"; "những bài thơ chính trị phải nói rõ về ý. Ca tụng cái gì, diễn đạt cái gì"; "Khá+"; "Xa xôi quá"; "Có tứ"; "Có tứ nhưng diễn đạt ngô nghê"; "Bài thơ sặc mùi suy nghĩ giả tạo. Lời văn ngô nghê. Nếu thế này cả thì nguy lắm. Anh cẩn thận"… Rồi những hình tam giác mà đỉnh là những khái niệm trong thơ tôi, những kí hiệu A=B; B=A. Xin được trích đoạn góp ý cuối cùng như một lời nhận xét tổng hợp: "Nếu không tự đề phòng, anh sẽ rơi vào tư tưởng Nhân văn đấy… Anh là một người làm thơ có một số ý độc đáo, sáng tạo nhưng tâm trạng anh có cái gì rối rắm, có khi tối mò, nhiều lúc ngô nghê - văn viết rất ẩu. Nhiều ý thơ có khi dễ thành biểu tượng xấu. Tôi chưa hiểu anh lắm nên nhận xét có thể sai. Nhưng tôi đề nghị:

- Đầu tiên, anh phải làm cho ý anh rõ.

- Phải giữ thật trong sáng, chống các suy nghĩ lệch có thể xen vào.

- Viết rất lao động, đừng ẩu.

Với các bài trên, nhược điểm quá nặng. Anh không tự vượt mình thì khó tiếp tục lắm".

Dưới những dòng này là chữ H hoa (tên thật của Chế Lan Viên là Phan Ngọc Hoan) đơn giản.

Tôi - một sinh viên văn khoa 22 tuổi vừa ra trường thực sự choáng khi đọc những câu phê phán của nhà thơ lớn về thơ mình. Nhưng khi đưa cho bố tôi - một Thiếu tá Công an, một cựu học sinh trường Chu Văn An, thì cụ bảo tôi: "Con nên nghe theo chú Chế Lan Viên". Mặc dù nghe bố nhưng từ đó tôi không đến gặp nhà thơ lớn nữa, tuy vẫn lẳng lặng làm thơ. Đến nay gần 50 năm cầm bút, càng ngày tôi càng nhận ra những lời "dạy" chát chúa của nhà thơ Chế Lan Viên ít nhiều ngấm vào tôi không chỉ trong sáng tác thơ.

Quỳnh Mai, 30/4/2013

Nguyễn Hiếu
.
.