Những người quanh tôi

Thứ Tư, 19/10/2005, 08:15

Không phải ngẫu nhiên, truyện ngắn đầu tiên tôi được in là truyện về một nữ liệt sĩ cơ yếu và chuyện một bà má miền Nam suốt nhiều năm trời đã gìn giữ tài liệu mật mã cho người liệt sĩ này. Và cũng không phải ngẫu nhiên, truyện ngắn được xếp in đầu tiên trong tập “Đối mặt” là truyện “Quà tặng của thời gian khổ” lại cũng viết về một nữ cơ yếu công an.

Năm 2000, tôi được Nhà xuất bản Công an nhân dân cho in tập truyện ngắn “Đối mặt” gần 300 trang. Mỗi lần cầm tập truyện trên tay tôi bỗng  bồi hồi nhớ về 9 năm làm việc ở Cục Cơ yếu ngành Công an.

Hình như đối với tôi, những ngày tháng làm việc ở Cục Cơ yếu luôn luôn đầy ắp những ấn tượng, những khắc khoải, suy ngẫm về số phận con người. Tôi đã chứng kiến và lặng lẽ tìm hiểu cuộc đời của nhiều cán bộ, chiến sĩ cơ yếu, thời chiến cũng như thời bình, họ nghèo túng, thua thiệt, nhưng luôn ẩn chứa bên trong đức hy sinh trong sáng như cuộc đời sinh ra để cống hiến cho bí mật của Đảng, cho sự nghiệp cách mạng vậy.

Và tôi đã xa. Càng xa cái nôi đầu tiên của cuộc đời công tác càng có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nghề, nhiều người, tôi càng nhận ra chân giá trị, phẩm chất tuyệt vời của nghề Cơ yếu. Có chút vốn liếng về nghề văn, tôi tự nhủ mình hãy viết một điều gì về những con người làm nghề này, hãy khám phá về bí mật của cuộc đời họ để có thể cắt nghĩa được tại sao họ lại giàu lòng hy sinh đến thế.

Nguyễn Hồng Thái là cây bút đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn mang tên Cây Bút vàng do Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức năm 1998. Giải thưởng văn học “Vì ANTQ và Bình yên cuộc sống” của Bộ Công an (1995-2005). Anh sinh năm 1961, tại Diễn Hồng, Diễn Châu, Nghệ An; từng học Trường chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An và Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, hiện công tác tại Báo Công an nhân dân.

Các tác phẩm đã xuất bản: “Đối mặt” (Tập truyện ngắn, NXB CAND, 2000); “Đất nóng” (tiểu thuyết, NXB Thanh niên – 2005); “Trở về” (kịch bản phim truyện viết chung với nhà văn Lê Lựu, Điện ảnh CAND 8-2005).

Trong những người cơ yếu mà tôi từng được cùng làm việc, được gặp, luôn luôn ám ảnh trong tôi là những người phụ nữ. Tôi cứ nghĩ rằng, thời nào cũng thế, có lẽ người phụ nữ bao giờ cũng trải nhiều đau khổ nhất. Đặc biệt là thời chiến tranh, thì người phụ nữ phải gánh trên vai biết bao là trách nhiệm, là thiên chức. Suy cho cùng, chính người phụ nữ đã gánh trên vai mình cả cuộc chiến tranh. Họ nhỏ nhoi, dịu dàng mà vĩ đại. Có lẽ vì thế mà Đảng, Nhà nước và dân tộc ta đã suy tôn một danh hiệu cao quý, trên thế giới này chỉ duy nhất có ở Việt Nam: Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Những người từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” chẳng hề thua đấng nam nhi. Mà thời ấy họ còn trẻ lắm, ở độ tuổi mười chín, đôi mươi, vui đùa nhí nhảnh đi vào cuộc chiến tranh giữ nước như cuộc hành hương tìm về hạnh phúc. Chính những người chị ấy hằng ngày làm việc thường nhật với tôi ở thời bình này. Ai từng gặp họ thời ấy thì thương lắm. Hồi bao cấp, gạo muối còn thiếu huống chi là cá thịt, cứ mỗi lần gặp mặt những người đi chiến trường về, tôi nhìn màu da của chị Điệp, chị Mỳ, chị Thanh, chị Thu, chị Cần, chị Lựu… sao cứ thấy xa xót.

Chúng tôi thuộc thế hệ đàn em, lớn lên trong thời bình học đại học, ra công tác, chỉ một vài năm quân hàm đã cấp úy suýt soát bằng các chị, tự nhiên như cảm thấy mình có lỗi. Thế nhưng các chị không có vẻ buồn, coi chuyện quân hàm, lương thưởng là chuyện của quy luật. Có chị còn nói: “Ừ thì các chị đi chiến trường, để các em các cháu sau này có hòa bình để ăn học chứ sao”. Nói cứ tỉnh bơ! Mà nhiều chị cứ lỡ cỡ, vì chiến tranh lại bận bịu chuyện gia đình chồng con, có mấy ai theo học đại học được đâu. Thì ra, lòng hy sinh cao cả cho cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc, chẳng phụ thuộc vào học vấn cao thấp tí nào.

Đến bây giờ, tôi không thể nào quên hình ảnh chị Trương Thị Hồng Thanh. Chị thuộc lớp nữ cơ yếu công an đầu tiên chi viện cho An ninh miền Nam. Sau chiến tranh, tôi được chị cho xem bức ảnh chụp đoàn của chị đang nghỉ ăn cơm trên đường Trường Sơn. Trong ảnh chị còn trẻ lắm, đang bê bát cơm, cười tươi, hàm răng trắng bong. Sau này chị về công tác ở Trường Cơ yếu. Gặp chị lúc nào cũng xởi lởi, cười nói nhộn nhã, làm ai cũng vui lây. Chị đã có gia đình, tuổi đã cao, nhưng mãi mà không thấy sinh con. Hồi ấy tôi biết, anh em Cục Cơ yếu, anh em Trường Cơ yếu, từ lãnh đạo đến cán bộ, chiến sĩ ai cũng thương vợ chồng chị Thanh, mong anh chị có một đứa con. Thế nhưng đợi mãi, đợi mãi mà chưa thấy tin vui… Lãnh đạo Trường Cơ yếu còn cho xe ôtô, chiếc xe Gát duy nhất cũ kỹ do anh Cải lái đưa chị Thanh đi nhiều vùng miền núi Hòa Bình tìm thầy lang, thầy thuốc dân tộc để chữa chạy bệnh hiếm muộn cho chị. Ai mách ở đâu có thầy thuốc giỏi là trường cho xe chở anh chị đi. Chị đã uống nhiều thuốc, nhiều cây lá lắm, đi nhiều bệnh viện, nhiều vùng lắm, nhưng trời không thương, hạnh phúc vẫn chưa về với chị. Hồi ấy nhiều người đã nghĩ có thể chị mắc một căn bệnh nào đấy của chiến tranh như chất độc da cam chẳng hạn. Nhưng không ai dám nói thành lời.--PageBreak--

Nghe chuyện, lại được gặp chị nhiều lần, tự nhiên trong tôi trào lên một cảm xúc thương thương, kính trọng và cảm phục chị quá. Suy nghĩ mãi, tôi cầm bút viết truyện ngắn “Quà tặng thời gian khổ”. Truyện lấy hình ảnh chị Thanh làm nguyên mẫu.Trong chuyện tôi đổi tên là chị Hà. Chị Hà là nữ cơ yếu chi viện cho An ninh miền Nam. Sau chiến tranh, chị bị ảnh hưởng chất độc da cam. Trong một lần sinh nở không thành, lúc chị bị mê man đuối sức, các bác sĩ đã đặt vào lòng chị một  bé gái mà một người mẹ nào đấy đã từ chối. Chị Hà lẳng lặng nuôi con, sau này cháu trở thành một họa sĩ nổi tiếng. Tốp y bác sĩ ngày xưa bàn nhau không cho chị Hà biết chuyện này. Nhưng thực ra, mẫn cảm của một người phụ nữ đã giúp chị biết điều đó. Thế nhưng, chị tự hào về con, thương yêu, nuôi dạy cháu như con đẻ.

Khi viết truyện ngắn này, tôi ao ước có một điều may mắn tương tự sẽ đến với chị Thanh giống như trường hợp chị Hà trong truyện. Truyện ngắn này tôi viết xong được in trên Báo Người Hà Nội ngày 10/9/1991, sau đó được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc lại trong chương trình đọc truyện đêm khuya, sau lại được Tạp chí Phụ nữ đối ngoại dịch ra tiếng Anh phát hành ra nhiều nước. Mấy năm sau đó, điều ao ước của tôi trong truyện ngắn, tình thương của cán bộ, chiến sĩ cơ yếu nói riêng và bè bạn nói chung đã không cứu được chị Thanh. Chị đã bị chứng căn bệnh hiểm nghèo cướp đi sự sống khiến biết bao người đau xót...

Hôm nay, viết lại những dòng này tôi chỉ có điều ao ước như một nén hướng thắp cho người chị kính mến. Và tôi tin rằng, mỗi lần ai đó quen biết đọc truyện ngắn “Quà tặng của thời gian khổ” của tôi, sẽ thấy hình ảnh của chị Thanh còn sống mãi. Và các bạn sẽ thấy bức tranh của con gái chị Hà tặng người bác sĩ chính là niềm hạnh phúc của một thời gian khổ chắt chiu lại, tặng ta và nhắc nhở ta về cuộc đời ta đang sống như lời nhân vật của tôi độc thoại.

Trong truyện ngắn nói trên, có một chi tiết tôi kể về nhân vật Hà sống ở địa đạo Củ Chi, Đồng Tháp Mười đã phải ăn cả cóc, nhái, lá rừng để tiếp tục sống, chiến đấu và mã dịch điện. Có thời kỳ lũ lụt, sông nước mênh mông, chị Hà phải leo lên cây sống đến 6 tháng trời. Lúc nước rút, chị leo xống đất mà chân đi không vững nữa. Có lúc địch đánh rát quá, chị và cơ quan phải chạy dạt sang đất bạn Campuchia, chị Hà vừa chạy vừa mã dịch điện. Những chi tiết trên không liên quan đến nguyên mẫu là chị Thanh. Đó là những chi tiết tôi lấy “nguyên mẫu” từ chị Nguyễn Thị Cần - cán bộ cơ yếu Công an Tp.HCM.

Tôi đã gặp chị Cần dăm ba lần, lúc ở Hà Nội, lúc ở Tp.HCM. Chị Cần là người Nam Định, chi viện cho An ninh T4, trụ ở Củ Chi nhiều năm, sau giải phóng thì ở lại công tác luôn ở Công an Tp.HCM. Chị đã yêu, mà con gái khi yêu làm sao còn cảnh giác, nhất là ở chiến trường. Vậy là sau chiến tranh một nách ba con, chị Cần vừa làm mẹ vừa phải làm luôn thiên chức của một người bố, thế mà các con chị rất ngoan và học giỏi, biết thương mẹ và giúp mẹ được nhiều việc. Hôm nọ tôi có được xem Đài Truyền hình Việt Nam phát chương trình nhỏ về chị Cần, tự nhiên thấy tự hào về người cơ yếu công an. Những người phụ nữ chiến sĩ như chị Cần, chị Thanh đã sống hết mình như một thanh củi quý cháy tới tận cùng mà vẫn giữ hòn than ấm cho cuộc đời.

Rồi chị Điệp nữa, mới 22 tuổi, chị rời mảnh đất Phú Thọ - nơi có rừng cọ đồi chè, xuyên rừng Trường Sơn chi viện cho An ninh khu 5. Gần 5 năm ở chiến trường, sau chiến tranh màu da của chị lúc nào cũng tai tái như sốt rét. Chị gặp anh, người lính bảo vệ Khu ủy, rồi họ yêu nhau, cưới nhau ở chiến trường. Chị có thai ở chiến khu, lại vượt Trường Sơn ra sinh con ở miền Bắc. Nay chị đã nghỉ hưu, mừng là tuy không giữ chức vụ, chị vẫn được Bộ phong quân hàm thượng tá vì có thời gian ở chiến trường. Hôm nhận được tin chồng chị lặng lẽ về cõi vĩnh hằng do một căn bệnh hiểm nghèo, chúng tôi đến tiễn đưa anh lại gặp nhiều đồng đội cơ yếu! Có cả những người tóc bạc đã về hưu như các Phó Cục trưởng Hồ Chí Hướng (đã mất), Nguyễn Thành, anh Trương Quang Hơn, chị Nhung... có cả những người lính, một thời vượt Trường Sơn như anh Phạm Đức Hạnh, Ngô Xuân Quý. Con người Cơ yếu là thế, hầu như luôn nghèo túng thua thiệt, nhưng thủy chung, thương nhau ít ai bằng. Hình như đây là ngọn lửa cháy âm ỉ luôn sưởi ấm những tấm lòng, những cuộc đời đơn chiếc để giữ niềm tin với Đảng, với cuộc đời, để tiếp tục giữ trọn bí mật nghề mật mã cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay. Phẩm chất ấy thật kỳ lạ và tuyệt vời làm sao!

Chẳng biết viết về những người xung quanh mình liệu có trở thành nhà văn được không? Nhưng tôi vẫn tự nhủ mình, sẽ tiếp tục viết, sẽ tiếp tục sáng tạo văn học về hình ảnh người nữ cơ yếu công an, những đồng đội xung quanh mình. Họ sẽ chẳng bao giờ nguôi ngoai trong tâm trí tôi

.
.