Các thầy giáo của lớp học "Lập công chuộc tội" ở Trại Tân Lập:

Những người “gạn đục, khơi trong”

Thứ Tư, 01/10/2008, 15:15
Câu đầu tiên của người thầy giáo nói với các học viên "đặc biệt" ở lớp học "Lập công chuộc tội" của Trại Tân Lập này là: "Các anh là người có tội, có nợ với Nhà nước, với nhân dân. Vì thế "lập công chuộc tội" là nguyên lý của cuộc sống. Các anh có thành khẩn, có khai báo được những thông tin có lợi cho cộng đồng thì lương tâm sẽ được thanh thản và sẽ được sự khoan hồng của Nhà nước...".

6 giờ, kẻng vang lên, lớp học bắt đầu. Có khoảng 30 học viên, cũng giấy bút, bảng đen... Chỉ khác rằng, ở lớp học "Lập công chuộc tội" của Trại Tân Lập, các học viên mặc đồng phục áo kẻ sọc của tù nhân và có độ tuổi khác nhau, người mới đôi mươi, người mái đầu đã chớm bạc. Trên bục giảng hôm nay là người thầy giáo mặc quân phục Cảnh sát, Trung tá Cao Mạnh Cảnh, Đội trưởng Đội trinh sát của Trại Tân Lập.

Câu đầu tiên của người thầy giáo nói với các học viên "đặc biệt" này là: "Các anh là người có tội, có nợ với Nhà nước, với nhân dân. Vì thế "lập công chuộc tội" là nguyên lý của cuộc sống. Các anh có thành khẩn, có khai báo được những thông tin có lợi cho cộng đồng thì lương tâm sẽ được thanh thản và sẽ được sự khoan hồng của Nhà nước...". 

Gần 30 cái đầu của học viên lặng lẽ cúi xuống, suy ngẫm. Họ là những phạm nhân mới vào trại, có án tù cao, có nhiều tiền án tiền sự nên được lựa, đưa vào học tại lớp "Lập công chuộc tội".

Ở ngoài xã hội, những phạm nhân đó bị coi là kẻ ác. Mà họ cũng ác thật, kẻ giết người không ghê tay, kẻ cầm đầu băng cướp gây nên nỗi sợ hãi cho cộng đồng, kẻ đi gieo rắc cái chết trắng cho bao người khác... Vì thế, để thay đổi nhận thức trong cái đầu ẩn chứa cái ác của họ, khiến họ làm những việc có ích cho xã hội hơn quả là không đơn giản.

Mà đa phần trong số đó lại có trình độ văn hóa thấp, vì thế giáo trình cho lớp học cũng được Ban Giám thị và các cán bộ của Trại soạn thảo rất kỹ lưỡng, đơn giản, dễ hiểu, gần gũi và dễ đi vào lòng người.

Trước hết các phạm nhân được học 4 tiêu chuẩn thi đua chấp hành án tù; pháp lệnh thi hành án phạt tù; nội quy, quy chế trại giam... Phần tiếp theo, các phạm nhân được giảng về đạo lý làm người, về việc khai báo những thông tin tố giác tội phạm trong trại và ngoài xã hội để "lập công chuộc tội"...

Dạy các phạm nhân thuộc diện "cứng đầu" như vậy đâu có dễ thu được kết quả ngay. Mỗi ngày, các thầy giáo (luân phiên gồm Ban Giám thị trại, Đội trinh sát, Quản giáo) cứ lên lớp giáo dục, "mưa dầm thấm đất" đối với những tâm hồn tội phạm có vẻ như đã chai cứng. Rồi từ đó, cố gắng "gạn đục, khơi trong", khơi gợi dần những cái thiện còn sót lại, đang ẩn khuất ở đâu đó trong tâm hồn họ.

Các phạm nhân được động viên viết các bản thông tin tố giác tội phạm, những người không biết chữ thì đọc cho cán bộ viết thay. Viết một lần chưa được, các thầy giáo động viên viết lần hai, lần ba...

Hết ngày học, các thầy giáo thu lại các bản tố giác tội phạm, đêm về, họ lại chong đèn luận những dòng chữ nguệch ngoạc của phạm nhân, tìm kiếm những thông tin có giá trị. Hết một tuần học tại lớp, các phạm nhân được đưa trở về các phân trại, tham gia lao động cải tạo. Nhưng công việc của các thầy giáo thì còn kéo dài đến hàng tháng. Họ lọc ra những bản khai có giá trị, gặp gỡ trực tiếp từng phạm nhân viết bản khai đó để động viên, khai thác tiếp.

Bản khai thứ nhất, phạm nhân tố giác trong đợt thăm nuôi của gia đình vừa qua, có đối tượng cùng phòng nhận quà là bánh chưng, bên trong gia đình có nhét tiền mặt...

Bản khai thứ hai tố cáo hai phạm nhân trong phòng giam đang mâu thuẫn, chuẩn bị "xử lý" nhau...

Bản khai thứ ba lại tố giác có gia đình đã chuyển tiền cho phạm nhân bằng cách rạch đế dép, cho tiền vào trong rồi dính kéo lại...

Bồi hồi lật giở những bản khai ấy, Đại tá Nguyễn Duy Cầm, Giám thị trại nhớ lại trường hợp của phạm nhân Mai Danh Sinh, sinh năm 1962, bị giam về tội cướp giật tài sản. Trong bản khai của Sinh đã bộc lộ một chút sự chán nản, oán trách đồng bọn bỏ rơi.

Nắm bắt thông tin đó, đồng chí Nguyễn Hữu Kỷ, nay là Phó giám thị của trại đã chỉ đạo các cán bộ của Đội trinh sát đến gặp trực tiếp phạm nhân Sinh để giáo dục, cảm hóa, thuyết phục anh ta nói lên sự thật và những điều còn ẩn khuất trong lòng. Có những buổi trò chuyện, các anh vừa là người thầy, vừa là người anh, người bạn tâm giao.

Và trong một buổi chiều mưa rơi tầm tã, có lẽ thời tiết càng làm lòng người buồn thảm hơn, khi cán bộ trinh sát xuống đến nơi và khơi chuyện gia đình, phạm nhân Sinh đã thở vắn than dài về chuyện gia đình mỗi người một nơi tan nát, bạn bè ngoài xã hội bỏ rơi, không một lần vào thăm nuôi dù lúc ở bên ngoài chúng đã uống rượu ăn thề ai bị bắt cũng không được khai, người bên ngoài có trách nhiệm thăm nuôi và lo cho gia đình người đó.

Và trong buổi chiều ấy, Sinh đã khai nhận hết với các cán bộ Trại về hành vi tội ác của mình và đồng bọn bên ngoài xã hội mà hàng chục năm vẫn chưa bị phát hiện.

Đó là vào năm 1979, Sinh đã dùng lưỡi lê AK đâm chết anh Nguyễn Văn Long ở Trung Phụng (Đống Đa, Hà Nội), sau đó y xảo quyệt che giấu tội ác bằng cách xin đi bộ đội và lẩn trốn làm vụ án rơi vào bế tắc.

Sau khi xuất ngũ, Sinh và đồng bọn là các tên Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Tuấn Khanh đột nhập vào một nhà ở phố Hàng Bút (tên gọi trước đây), ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đánh chết một cụ già và một cháu nhỏ, sau đó lục soát đồ đạc, lấy tiền và vàng. Dã man hơn, Sinh còn phủ chăn, đổ dầu lên, châm lửa thiêu cháy hai bà cháu để phi tang. Vụ án đó, ngọn lửa cũng đã xóa hết các dấu vết, khiến Cơ quan Công an chưa thể tìm ra thủ phạm.

Nhận được tin báo của Trại giam Tân Lập, Công an TP Hà Nội đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra và tiến hành bắt khẩn cấp thêm 3 đối tượng tham gia gây án với Sinh, đó là Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Tuấn Khanh và Trần Kim Tuyến. Ngoài vụ trọng án ở phố Hàng Bút, các đối tượng này còn gây ra 2 vụ cướp tài sản khác tại Hà Nội, sau đó một số đứa xảo trá, tự phạm một tội nhỏ để được vào... tù lẩn trốn những tội ác tày đình kia.

Cũng trong một lớp học "Lập công chuộc tội" như thế, Trung tá Cao Mạnh Cảnh và cán bộ trinh sát Trần Quang Luân đặc biệt chú ý đến phạm nhân Phạm Văn Thành, đối tượng bị kết án tù chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Khi các cán bộ giảng dạy về vấn đề luật pháp công bằng với tất cả công dân, Thành lại đế vào với thái độ bức xức: "Cuộc sống vẫn có những bất công, có người có tội, còn nguy hiểm hơn cháu, đầu trùm hơn cháu nhưng vẫn sống đàng hoàng ở bên ngoài xã hội". Thái độ nói đế của Thành bị thầy giáo nhắc nhở ngay, nhưng lời nói của anh ta thì in đậm trong tâm trí các anh.

Những hôm sau, anh Cảnh, anh Luân và các cán bộ của Trại luân phiên gần gũi, trò chuyện với Thành. Anh ta băn khoăn rằng: "Nếu cháu khai thì những người kia liệu có bị bắt không, vì họ có tiền và có người có quyền chức? Hay cháu lại chuốc họa vào thân?", rồi "Vụ án của cháu đã xét xử rồi, nếu cháu khai tiếp thì có bắt và xét xử mọi người tiếp không?"...

Những thắc mắc của Thành được các cán bộ Trại gỡ dần. Các anh khẳng định với Thành rằng: "Vụ án đã xét xử, nhưng chưa xong thì phải làm tiếp đến khi nào tìm ra lẽ phải mới thôi. Mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. Nếu Thành khai báo thành khẩn thì sẽ được pháp luật bảo vệ và được hưởng lượng khoan hồng...".

Những lý lẽ của các thầy giáo trong Trại Tân Lập đã khiến Thành nhiều đêm mất ngủ, anh ta cứ trằn trọc, nghĩ ngợi. Diễn biến tâm lý của Thành luôn được các quản giáo và các thầy giáo của lớp nắm bắt kịp thời để động viên, khích lệ.

Các anh biết chắc và chờ Thành lên khai báo về đồng bọn trong đường dây mua bán ma túy của mình mà chưa bị bắt, đó là vợ chồng Chu Văn Hiếu - Trần Thị Lý, Bùi Đức Thiện...Từ đây, đường dây mua bán ma túy cực lớn do Trần Thị Nhớn và Chu Văn Hiếu cầm đầu đã được Cơ quan điều tra của Bộ Công an làm rõ. Tổng cộng 7 án tử hình và gần 20 án tù chung thân đã được tòa án tuyên trong 2 giai đoạn xét xử... 

Ở trại Tân Lập, mọi sự thưởng phạt đều rõ ràng và công bằng. Những phạm nhân quyết tâm lập công chuộc tội được thưởng bằng nhiều hình thức như được tăng giờ gặp, gặp vợ con qua đêm, xét giảm án, đặc xá...

Khi chia tay lớp học "Lập công chuộc tội" của Trại Tân Lập, tôi vẫn nhớ đôi mắt sáng rỡ của một số phạm nhân có thành tích được các thầy giáo thông báo cho tăng giờ gặp gia đình. Dẫu họ đã từng gây tội ác, nhưng trong sâu thẳm, họ vẫn có tính thiện, vẫn hướng về một góc, nơi có gia đình, có bố mẹ, vợ con...

Và tôi biết rằng, với giáo án lên lớp được soạn từ các quy định của pháp luật và những bài học làm người như thế, mô hình lớp học "Lập công chuộc tội" của Trại Tân Lập đã thu được nhiều thành công, được Cục Quản lý Trại giam và Tổng cục CSND đánh giá cao

Trần Thu Hòa
.
.