Những nghịch lý ở một nhà thơ lớn

Thứ Tư, 17/08/2011, 08:07
Trông vào đa phần các bức tượng của nhà thơ Nga vĩ đại Vladimir Mayakovsky được dựng sừng sững tại một số quảng trường, hầu như bao giờ ta cũng bắt gặp ông trong trạng huống: Một cái nhìn cau có, cặp môi bặm lại, tay thủ trong túi áo. Nhưng rồi, năm tháng qua đi, nhiều hồi ký của bè bạn đương thời đã đưa nhà thơ về đúng con người thực của mình...

Trong "Con người, năm tháng, cuộc đời", Ilya Erenburg chẳng đã phải than phiền: "Cũng không may là Mayakovsky, một người chuyên đả phá những huyền thoại, rốt cuộc lại bị biến thành nhân vật huyền thoại một cách chóng vánh không ngờ", và: "Bức tượng không có gì giống con người mà tôi biết".

Sinh thời, Mayakovsky từng được Stalin đánh giá cao, xem như "nhà thơ ưu tú nhất của chủ nghĩa xã hội", trong khi Lênin lại tỏ ra dè đặt khi đánh giá về cái hay trong tác phẩm của ông. Một lần, Lênin đến thăm một ký túc xá sinh viên. Dọc đường, trông thấy câu thơ của Maykovsky kẻ làm khẩu hiệu trên một bức tường: "Chúng ta bắn trời với bêtông cốt sắt", Lênin phê: "Sao lại bắn trời trong lúc chúng ta đang cần bê tông cốt sắt dưới đất". Một lần khác, Lênin dự buổi hòa nhạc ở điện Kremlin. Ban tổ chức bố trí Lênin ngồi ở hàng ghế trên cùng. Và, khi một nghệ sĩ vừa ngâm hai câu thơ của Mayakovsky: "Chúa của chúng ta là cuộc chạy đua/ Tim chúng ta là một chiếc trống" vừa tiến đến sát gần Lênin, như thể ông là nhân vật chính của câu thơ đó, thì Lênin lập tức cảm thấy ngượng ngùng ra mặt. Phải cố lắm Người mới giấu được sự khó chịu.

Đối với Lênin, thơ Mayakovsky là loại thơ "đọc khó vào". Và Lênin từng khuyên sinh viên: Đó là thứ thơ không nên đọc, vì "Đơn giản, đó không phải là thơ".

Mặc dù thái độ của Lênin đối với thơ Mayakovsky là vậy, song - như một "nghịch lý", khi Lênin mất đi, chính Mayakovsky lại là nhà thơ có những vần thơ khóc Lênin một cách xúc động, thống thiết nhất. Không chỉ vậy, Mayakovsky còn sáng tác cả một bản trường ca để ca ngợi vị lãnh tụ vĩ đại. Có thể nói đến nay, trong văn học Nga và thế giới, chưa có bản trường ca nào lại thấm thía, lại có tầm vóc như vậy về Lênin như bản trường ca "V.Lênin" của Mayakovsky (viết năm 1924). Nhân cách và tài năng của Mayakovsky đã giúp ông làm nên một tác phẩm lớn.

Mayakovsky từng "tự tin" đến mức: Trong một cuộc tranh cãi với nhà viết kịch A.Lunasarsky tại quán cà phê mang tên "Quán cà phê của các nhà thơ", ông hùng hồn tuyên bố: "Rồi sau này người ta sẽ dựng tượng tôi ở ngay tại đây, tại chính quán cà phê này", nhưng rồi cũng chính Erenburg chứng kiến được một lần Mayakovsky sang sảng đọc những dòng thơ đanh thép của mình trong một cuộc sinh hoạt thơ ca, nhưng khi rời diễn đàn, lui vào phòng, ông ôm chầm lấy Erenburg, hỏi: "Nói thực lòng thơ tôi có hay không?"

Nguyễn Dương
.
.