Nghệ sĩ Duy Thanh:

Những ngày yêu sống

Thứ Năm, 01/10/2015, 08:00
Lần lữa mãi chúng tôi mới nhấc máy gọi cho nghệ sĩ Duy Thanh vì biết lâu nay sức khỏe ông không được tốt. Bất ngờ khi bắt gặp ở đầu dây bên kia, một giọng nói rất vui vẻ: "Mai mình đi quay ở Ninh Bình, khi nào về sẽ gặp nhé"...

Lâu nay, nghệ sĩ Duy Thanh vẫn là một gương mặt quen thuộc với khán giả yêu điện ảnh, truyền hình. Những vai diễn chân thực của ông trong nhiều bộ phim chính luận như "Đất và người", "Bão qua làng"... đã in đậm trong tâm trí người xem. Gần đây, vẫn thấy ông liên tục xuất hiện trong một loạt phim đang phát sóng "Chạm tay vào nỗi nhớ", "Khi đàn chim trở về" (phần 3), "Câu hỏi số 5"... Có lẽ ít ai biết rằng, người nghệ sĩ ấy dù đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư từ hơn hai năm qua nhưng chưa bao giờ ngơi tay với tình yêu nghệ thuật.

Dù qua điện thoại, chúng tôi ngỏ ý rằng ông ở đâu thì chúng tôi sẽ qua nhưng nghệ sĩ Duy Thanh vẫn chủ động tới chỗ hẹn để tiện cho phóng viên. Thấy chúng tôi ngại ngần vì đã để ông đi một chặng đường, ông cười xòa: "Nhà mình ở bên khu Gia Lâm nên những ngày không có lịch quay phim, mình thường thong thả sang bên Hà Nội (cách nói của ông chỉ nội thành - PV) ăn sáng rồi ngồi uống cà phê cùng với những người bạn.

Nghệ sĩ Duy Thanh (bên trái) trong bộ phim mới nhất mà ông đang đóng “Bên bờ sông Vức”.

Được cái, thời điểm này, sức khỏe của tôi cũng tạm ổn nên chuyện đi lại không thành vấn đề gì". Nhìn da dẻ, sắc mặt của nghệ sĩ Duy Thanh khá khỏe khoắn ngoại trừ những cơn ho thường xuyên kéo đến khi ông nói chuyện. Ông giải thích: "Hiện tại, một bên phổi của tôi đã bị xẹp nên mỗi khi nói nhiều, lượng ôxi phổi cung cấp không đủ sẽ gây phản ứng ho''. Rồi ông tâm sự, năm 2012, khi đang ở trong miền Nam đóng phim "Đam mê" thì ông bị tai nạn. Vào viện chữa vết thương tiện thể khám bệnh luôn thì bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư phổi. Thế là chống chọi với bệnh tật cho tới giờ.

''Tôi giờ là bệnh viện trả về rồi đấy chứ'', nghe cách nói chuyện lạc quan, tếu táo của ông khiến ít ai hình dung người nghệ sĩ ấy đã phải trải qua gần 20 đợt truyền hóa chất với đủ mọi tác dụng phụ của nó. Hỏi nghệ sĩ Duy Thanh rằng ông đã mất bao nhiêu thời gian để vượt qua cú sốc tâm lý ấy, để lấy lại được tinh thần, để lạc quan và yên tâm chữa bệnh như ngày hôm nay? Ông thực lòng: "Tôi mất 6 tháng, sau khi có kết quả khả quan của lần truyền hóa chất đầu tiên. Và quan trọng nhất là phải tin tưởng vào sự tiến bộ của y học, sự tận tâm, nhiệt tình của những người thầy thuốc".

Nếu không có cánh báo chí yêu quý ông viết bài, hẳn nhiều khán giả không biết ông mắc bệnh hiểm nghèo bởi phim ông đóng vẫn phát sóng đều đều. "Nếu không có sự cố bệnh tật, sau "Đam mê", tôi sẽ tham gia "Bí mật tam giác vàng". Hình như tôi chỉ nghỉ đóng phim khoảng 6 tháng, đó là thời gian tôi đi chụp chiếu, xét nghiệm rồi truyền hóa chất. Vừa trải qua một đợt chữa bệnh, đang ở nhà nghỉ ngơi thì đạo diễn Vũ Hồng Sơn mời tham gia một bộ phim về đề tài Công an là "Chạm tay vào nỗi nhớ". Tôi có trao đổi với đạo diễn về tình trạng bệnh tật, cả chuyện tóc tôi bị rụng hết...

Hồng Sơn nói với tôi: "Miễn là sức khỏe của anh ổn, còn tóc không quan trọng. Em để nhân vật của anh đầu trọc luôn". Chính vì thế, tôi có một ngoại hình khá lạ ở phim này. Từ đó đến nay, tôi vẫn đóng phim đều, chỉ có điều mình nghe ngóng sức khỏe để chọn phim phù hợp. Phim nào dài tập hoặc quay ở nơi xa quá tôi không dám nhận vì sợ sức khỏe của mình không tốt lại ảnh hưởng tới đoàn làm phim.

Thời gian này, tôi đang vào vai ông Hòa, Chủ tịch doanh nghiệp trong phim "Bên bờ sông Vức" dài 34 tập của đạo diễn Vũ Hồng Sơn. Chắc khoảng tháng 10 phim sẽ đóng máy. Thực sự đóng phim giúp tôi thấy khỏe khoắn và lạc quan hơn đấy!".

Không chỉ những ngày tháng này, công việc rong ruổi cùng đoàn làm phim, hóa thân vào những vai diễn khác nhau giúp ông tìm thấy niềm vui, sự lạc quan trong suy nghĩ mà gần 40 năm qua, nghiệp diễn đã trở thành máu thịt với ông rồi. Vừa cầm sổ hưu cách đây mấy tháng, cũng có nghĩa là từng ấy thời gian gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ, gắn bó với nghiệp diễn mà với ông: "Nếu không làm nghề ấy, tôi không biết làm gì".

Nhớ lại cách đây gần 40 năm, nếu không chiều theo đam mê của mình, Duy Thanh đã yên phận làm công nhân tại Nhà máy chế tạo động cơ. "Năm 1973 tốt nghiệp phổ thông, tôi đi học nghề rồi làm việc tại Nhà máy chế tạo cơ khí tại số 10 Hai Bà Trưng. Năm 1978, Nhà hát Tuổi trẻ tuyển sinh lớp diễn viên ''vừa học vừa làm'' đầu tiên tại Nhà hát Lớn ngay sát nơi tôi làm việc. Sẵn đam mê ấp ủ trong người, tôi liều đăng ký tham gia. Không ngờ vượt qua khá đông người dự thi, tôi trở thành một trong hơn 40 người của lớp cùng với những nghệ sĩ Chí Trung, Lan Hương…

Ngày ấy, nếu ở lại nhà máy, tôi thuộc diện được đưa đi đào tạo ở nước ngoài. Nhưng tôi biết, nếu có đi nước ngoài về, tôi vẫn sẽ chuyển nghề nên tôi nghỉ ngay từ đầu để tạo cơ hội cho người khác. Dù nhà ngay Hà Nội nhưng tôi vào ở tập thể cùng các bạn trong đoàn".

Từ bỏ cơ hội ở một công việc khác để trở thành diễn viên là quyết định mà chưa khi nào Duy Thanh hối hận. Khởi điểm là hơn 40 người, qua 3 năm học, 24 người tốt nghiệp nhưng thực sự làm nghề chỉ còn khoảng 10 người. Nghệ thuật luôn khắc nghiệt. Chỉ có năng khiếu và sự đam mê mới níu giữ được người với nghề. Trở thành diễn viên nhà hát trẻ trung, năng động vào bậc nhất của phía Bắc, Duy Thanh như cá gặp nước và có những tháng ngày làm nghề hăng say đúng nghĩa.

Từ những ngày đầu, khi Nhà hát mới chỉ dựng những vở diễn để phục vụ thanh thiếu nhi như "Chú ve màu hạt cườm", "Hoàng tử học nghề", "Hòn đá cháy"…đến sau này, khi nhà hát phục vụ cả những khán giả lớn tuổi thì Duy Thanh cũng đều góp mặt. Ông cùng những đồng nghiệp của mình đã cống hiến ở giai đoạn sân khấu thực sự là thánh đường. Với ông, dù là diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn hay sân khấu đơn sơ giản dị khi đi lưu diễn thì mỗi lần diễn vẫn là một lần sáng tạo không ngừng của nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Duy Thanh (bên phải) vai ông Thủ trong phim “Đất và người”.

Không chỉ nổi danh trên sân khấu kịch, Duy Thanh còn là nghệ sĩ đắt sô phim truyện nhựa. Dù ngày ấy, số lượng phim truyện được sản xuất khá hạn chế. Giờ đây, nhiều khán giả vẫn nhớ những bộ phim của điện ảnh Việt Nam mà ông góp mặt như "Vụ án đêm cuối năm", "Lầm lỗi", Ngọn đèn trong mơ", "Đêm giông", "Săn bắt cướp"…

Đã có thời điểm Duy Thanh và Lê Khanh là hai diễn viên sân khấu nhận được nhiều lời mời đóng phim nhất. Có lúc, ông tham gia tới 2 - 3 phim cùng một lúc. Vừa quay "Đêm giông" của đạo diễn Quang Vinh ở Phan Rang, ông lại về Đà Nẵng  quay "Hai năm nữa anh về" của đạo diễn Trần Phương rồi tất tả về Hà Nội quay "Đời mưa gió" của đạo diễn Đức Hoàn…

Duy Thanh là nghệ sĩ có khả năng hóa thân khá đa dạng từ nhân vật chính diện tới phản diện. Gần đây, sự hóa thân của ông vào những vai phản diện khiến khán giả đặc biệt ấn tượng. Nhiều khi khán giả quên cả tên thật ông mà thường gọi ông bằng tên nhân vật như ông Thủ (một bí thư xã nhiều mưu mô thủ đoạn trong "Đất và người"), ông Hợp - giám đốc lâm trường tham lam luôn tiếp tay cho lâm tặc trong "Khi đàn chim trở về"…

Có một kỷ niệm vui là năm 2005, khi phần 2 của phim "Khi đàn chim trở về" có tên gọi "Gió đại ngàn" vừa phát sóng, nghệ sĩ Duy Thanh đi làm chương trình 8 mục tiêu thiên niên kỷ từ Bắc vào Nam. Vừa tới cửa rừng ở Buôn Mê Thuột thì bỗng nhiên thấy một loạt người vác cuốc xẻng ra hùng hổ: "Ở đây làm gì còn rừng nữa mà ông lên". Khi ông còn đang bất ngờ thì mọi người cùng cười xòa: "Chúng tôi ghét vai ông Hợp mà ông vừa đóng lắm".

Nghệ sĩ Duy Thanh quan niệm, đóng vai phản diện mà bị ghét đến thế là thành công rồi. Với ông, vào vai quan chức, đặc biệt là vai phản diện thì yếu tố quyết định không phải là ngoại hình mà là cái thần, đặc biệt phải sử dụng tốt đôi mắt của mình. Ngoài thói quen quan sát từ đời sống để đưa vào phim, Duy Thanh còn có một bí quyết "bất di bất dịch" là hiểu lời thoại chứ không thuộc thoại. Có những đoạn thoại dài, cần sự chính xác ông còn dành thời gian viết ra giấy như một cách học thêm. Là một trong những nghệ sĩ tham gia vào sêri phim "Cảnh sát hình sự" ngay từ những tập đầu tiên, nghệ sĩ Duy Thanh luôn dành sự quan tâm và trăn trở cho dòng phim này. Ông cho rằng gần đây, một số phim chưa ấn tượng có lẽ bởi đạo diễn và diễn viên còn quá trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực phim có những đặc thù rất riêng này.

Nghệ sĩ Duy Thanh đã và đang đi một chặng đường đầy đam mê với nghệ thuật một cách hồn nhiên và trong sáng nhất. Như một số nghệ sĩ khác, đến nay, ông vẫn chưa được bất kỳ một danh hiệu gì. Nhưng đó chưa bao giờ là điều ông trăn trở. Ông có nuối tiếc một điều là mình không thạo công nghệ để có thể trao đổi trực tiếp với những phản hồi của khán giả về vai diễn của mình trên các trang mạng. Và ông tâm niệm: "Với tôi, được diễn là hạnh phúc và tôi chỉ dừng lại khi sức khỏe không cho phép thôi".

Thảo Duyên
.
.