Những món hàng “đồng nát” và quán trưng bày “thời bao cấp”

Thứ Bảy, 18/06/2005, 07:27
Quán “Cà phê báo” ở 62 phố Trần Quốc Toản được khá nhiều người  biết  đến không phải vì sự yên ả và không gian thoáng đãng hiếm thấy ở khu vực nội thành Hà Nội. Người ta đến vì ở đây có một số thứ “đồng nát” của một thời mà mua một mớ rau muống cũng phải xếp hàng, một lạng thịt cũng phải có phiếu... của một ông chủ cũng khá đặc biệt – Ngọc Tiến, phóng viên báo “Hà Nội Mới Chủ nhật”...

1. Đầu năm 1989, Nhà nước ta bắt đầu bỏ chế độ tem phiếu. Thời kỳ bao cấp đã chấm dứt. Mới có 16 năm nhưng ai cũng cảm thấy thời kỳ này chấm dứt cách đây mấy chục năm rồi.

 Ông Nguyễn Ngọc Tiến, người hiện giữ khoảng hơn 3.000 món đồ thời bao cấp, kể rằng: “Tôi sưu tầm những thứ đồng nát này bắt đầu từ câu chuyện của một người bạn ôn nghèo kể khổ với con cái rằng thời bao cấp sau giờ đi làm về mẹ phải ra đầu phố bán thêm bánh rán. Con chị không mủi lòng thương mẹ mà chúng reo lên: “Mẹ siêu quá!”. Tôi chợt nghĩ một thời kỳ nghèo khó nhưng con người sống với nhau đẹp đẽ nhưng lớp trẻ không biết. Cũng có thể khẳng định rằng thời bao cấp là giai đoạn lịch sử đặc biệt của nước nhà. Thế là tôi quyết định đi tìm lại những thứ người ta đã rũ bỏ nó.

Đó là cái mốc năm 2000.

Bộ sưu tập của ông Tiến gồm những thứ cần cho cuộc sống thường nhật như cái mâm đồng sứt sẹo, những cái bát ăn cơm với men xấu xí và thô kệch. Những chiếc cặp lồng đựng cơm và thức ăn mà thời đó là vật bất ly thân cho cán bộ, công nhân và cả sinh viên nếu học hai buổi. Ông Tiến cũng còn tìm lại được cả những tờ đăng ký sử dụng đài, không có đăng ký thì phải nghe lậu và nếu công an xã phát hiện thì bị tịch thu luôn. Song độc đáo nhất có lẽ là bộ tem phiếu, ngoài tem phiếu của Hà Nội, ông còn có cả tem phiếu mua thịt, đường, vải của các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình, Hải Phòng... phát hành từ năm 1968. Tùy theo là cán bộ, công nhân hay đơn vị hành chính sự nghiệp mà được hưởng tiêu chuẩn theo quy định. Ví dụ như với cán bộ, công nhân thì 1 năm được cấp phiếu mua 5 mét vải, mỗi tháng được 0,5 kg thịt, 4 lít dầu hỏa...

Với đối tượng là nhân dân thì tiêu chuẩn đường, nước mắm, thịt... thấp hơn cán bộ, công nhân, ví dụ như 1 người chỉ có 4 mét vải/ năm. Ngoài tem phiếu thì sổ gạo cũng là thứ độc đáo. Gạo bán ngoài chợ đen vô cùng hiếm mà cũng không có tiền để mua vì nó vượt quá khả năng thu nhập của người ăn lương Nhà nước. Mất sổ gạo thì cả nhà chỉ còn nước đi vay hàng xóm cả tháng, vì việc cấp sổ mới cần khá nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê. Mà đi vay thì cũng chỉ vay mỗi nhà một ít, vì có phải nhà nào cũng dư nhiều đâu. Chính vì thế người ta có câu: “Mặt nghệt như... mất sổ gạo” - ông Tiến nói. Trong hàng chục quyển sổ gạo mà ông sưu tầm được có những quyển từ năm 1975. Giấy đen và sổ hết chỗ ghi, chủ hộ còn đóng thêm giấy để khỏi phải đi đổi.

Trong quyển sổ của gia đình ông Nguyễn Đức Dương ở A6, tập thể Khương Thượng, người ta ghi rõ ông và vợ ông là cán bộ được tiêu chuẩn 15 kg. Ông Tiến bảo thời đó sinh viên được tiêu chuẩn 17 kg, nhân dân 13 kg, công nhân là 21 kg... Thế nhưng gạo phần lớn là gạo cũ và hầu như có thời kỳ phải độn ngô hay mì sợi khô. Có người không may mua phải những bao gạo quá mục hay mì quá đen và hôi cũng phải chấp nhận vì cửa hàng không cho đổi mà cãi nhau thì không được vì chỉ có thế. Thời đó nhà có con gái mà làm ở ngành thương nghiệp hay thực phẩm thì tha hồ đắt chồng.
 

2. Một hiện vật khác cũng gây chú ý  trong không gian quán, đó là chiếc xe máy MZ 150 cc, nguyên chủ sở hữu của ông Tạ Đình Đề. Chiếc xe to kềnh càng, được ông mua lại của một người thợ sửa xe. Chiếc xe được cấp đăng ký năm 1976 này còn nguyên giấy tờ gốc và xe vẫn sử dụng ngon lành. So với những chiếc xe máy thời nay nhìn nó thật đáng thương về hình thức.

Trong bộ sưu tập của ông Tiến bày ở quán còn có đôi dép cao su tự làm, đèn “bão”, điện thoại quay số của một vị lão thành cách mạng tặng, súng cao su, bát ăn cơm bằng sắt tráng men, ca sắt tráng men với câu khẩu hiệu “Quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”...

Có một số kỷ vật mà theo ông Tiến nó đã vượt qua giới hạn của một thời như chiếc gậy Trường Sơn của Đại tá, nhà báo Bùi Đình Nguyên; chiếc bi đông đựng nước ở chiến trường mà nhà thơ Phạm Tiến Duật tặng ông Trần Quảng, Đoàn văn công Thái Bình tại trạm 12, đường 559 năm 1970; hay chiếc lược chải tóc làm bằng xác máy bay B52 của Mỹ (mua lại của ông Vũ Ngọc Lệ, xã Liên Phương, Thường Tín, Hà Tây); chiếc gạt tàn thuốc lá làm bằng nhôm cánh máy bay trên khắc dòng chữ “kỷ niệm quân dân Nghệ An bắn rơi chiếc máy bay 900”, mà ông nì nèo mua lại trong một chuyến công tác đến thị trấn Kỳ Sơn, Nghệ An.

Còn rất nhiều những kỷ vật khác như chiếc cày 51, vật dụng thiết yếu của bà con nông dân trong HTX nông nghiệp thời đó; bừa chải, bàn là than củi, vòi nước công cộng... Có hai hòn đá mà ông không bày ở quán. Ông kể bà cô ông thời bao cấp đi đâu cũng mang theo hai hòn đá có khắc tên bà trong túi xách để cần thiết là xếp hàng mua thực phẩm. Có người thì xếp hàng bằng rổ, rá, gạch; còn bà xếp bằng đá, sở dĩ phải khắc tên vì nếu có ai định nhận bừa thì bà chỉ cần hỏi hòn đá có đặc điểm gì là người nhận nhằng chịu cứng. Thế mà không ít lần bà xếp đá ra chỗ khác mua rau đã bị người ta ném đi và chồng bà lại hì hụi khắc tên vào hòn đá khác. Có lẽ không đâu như ở Việt Nam, hòn đá vô tri cũng có tư cách pháp nhân như con người. Mỗi thứ mà theo ông, không chỉ là đồ vật, mà là cả một câu chuyện vui buồn…

3. Thời bao cấp nói chung là nghèo. Có thể cả tuần đi đổ rác cũng được vì rác thực ra chỉ là vài ba cọng rau muống. Còn thiếu thì thiếu đủ bề. Vào mùa hè, con cái muốn uống nước chanh đá thì cũng chịu vì tủ lạnh không có, mà có tủ lạnh thì cũng lấy đâu ra điện để chạy. Nhiều nhà có giếng đã đóng nước vào chai rồi thả xuống đáy mấy tiếng sau kéo lên, nước cũng hơi man mát nhưng thế cũng là quý rồi. Thế nhưng thời bao cấp người ta sống với nhau thật nghĩa tình. Nhà nào có khách ở quê lên chơi thì phải vay phiếu hàng xóm để mua thịt hay đậu phụ, vay gạo, thậm chí vay cả nước mắm và không ai từ chối. Một gia đình có con hư, cả xóm đến tận nhà góp ý mà không sợ phật lòng. Ra đường thấy xe tang rất nhiều đi đường dừng lại bỏ mũ nón...

Ông Tiến bảo: “Khó khăn lắm mới tìm được những thứ đó, vì kinh tế khá lên, người ta vứt bỏ đi cả. Người ta có thể vứt bỏ nhiều thứ, nhưng lịch sử thì vẫn còn mãi và những thứ tôi tìm lại được hẳn sẽ có ý nghĩa nào đó. Hy vọng là thế”
Trọng Hoàng
.
.