Những ký tự không màu…

Thứ Sáu, 01/07/2016, 08:23
Tôi, có lẽ là người rất duy mĩ, thế nên, thích tất cả những cái gì thuộc về ĐẸP. Tranh của họa sĩ Đào Hải Phong - một trong những họa sĩ của hội họa đương đại Việt Nam có tranh bán chạy nhất hiện nay, và cũng bị chép tranh nhiều nhất hiện nay. Tựa như những bài thơ được ký tự bằng hình khối và màu sắc, những tác phẩm của anh, những đứa con sinh ra từ đôi bàn tay tài hoa và tâm hồn mẫn cảm của anh, tất cả dường như đều đẹp, đều quyến rũ. Nhưng phía sau tất cả những vẻ đẹp rực rỡ ấy, tôi thoáng thấy còn có những ký tự không màu...


1.Tôi có may mắn đến xưởng vẽ của một số họa sĩ nổi tiếng. Tôi vô cùng thích thú được ngắm nhìn những họa sĩ mà mình yêu mến và ngưỡng mộ trong chính cái không gian sáng tạo của họ. Ở đó người họa sĩ, chân dung nhân vật của tôi được hiện lên một cách sống động, chân thực, trong chính đời sống sáng tạo của cá nhân họ. Họ vẽ, vui buồn với những gam màu, trăn trở tìm tòi với những bố cục, hay mơ mộng với những nét cọ phóng túng….

Ở đó, tôi nhìn thấy họ rõ nhất trong bức tranh của chính mình, trong hoan lạc hạnh phúc, hay trong tận cùng của hành trình cô đơn đi tìm kiếm gương mặt mình, tâm hồn mình…

Nếu như Hoàng Phượng Vĩ có thể biến phòng khách của mình thành xưởng vẽ bất kỳ, giống như chất của Vĩ, lộn xộn, mê đắm … và ào ạt... Những bức vẽ to uỳnh, vật vã sau những cơn mê của Vĩ lúc nửa đêm về sáng, lúc Vĩ say nhất, cũng là lúc Vĩ điên cuồng với tỉnh táo nhất.

Những bức vẽ sáng tạo trong "sự - tỉnh - táo - của - cơn - say" nằm ngổn ngang la liệt trong phòng vẽ, tràn ra giữa phòng khách như nói lên cái tâm hồn cuồng nộ của Vĩ với giấc mơ tìm kiếm lại tuổi thơ đã mất đi đâu đó quá lâu trong hành trình "suy đồi" của đời sống; thì Trịnh Tú lại chầm chậm, biếng nhác trên cái gác xép áp mái với những bức vẽ lãng đãng khói sương, lãng đãng những giấc mơ không thỏa của tuổi trẻ, hay những nuối tiếc của thời gian.

Họa sĩ Đào Hải Phong và nhà báo Việt Hà tại xưởng vẽ của mình.

Trịnh Tú vẽ không nhiều, chậm, và lơ đãng với những nét cọ ngỡ như buông thả, nhưng lại chứa đựng nhiều chăm chút. Xưởng vẽ, hay nói đúng hơn phòng vẽ của Trịnh Tú đơn sơ, giản dị và những đứa con tinh thần của Trịnh Tú cũng không nhiều. Trong một ngõ phố tĩnh lặng, Trịnh Tú sống trầm mặc chậm rãi, cổ xưa bên giá vẽ...

Với họa sĩ Phạm Luận, xưởng vẽ là hẳn hoi một căn hộ chung cư trong tòa chung cư đắt đỏ ở vị trí đất vàng Hồ Tây Hà Nội. Bước vào xưởng vẽ của "quý ông hội họa" Phạm Luận, bạn sẽ như lạc vào miên man xúc cảm. Tranh của Phạm Luận chủ yếu là khổ lớn, đa phần là vẽ phong cảnh. Nếu như bên ngoài, Phạm Luận mộc mạc, giản dị, chân chất bao nhiêu thì cái thế giới tâm hồn trong hội họa của Phạm Luận lại phong phú, tinh tế, cầu kỳ bấy nhiêu. Hội họa của Phạm Luận ung dung đưa ông từ một nhà giáo vô danh đến một quý ông toàn cầu, đủ cả sang trọng, hào hoa, lịch lãm.

Nhưng có một xưởng vẽ thật đáng yêu trong một căn hộ tập thể cũ nằm trên phố Lê Thanh Nghị với cửa sắt hoen gỉ, chiếc xe đạp dựng bên ngoài, bộ bàn ghế độc mộc đặt ở ban công cơi nới của một thời bao cấp, một vòm cây leo quấn quýt lâu năm với màu xanh rợp bóng. Đây khi xưa vốn là ngôi nhà gắn với tuổi trẻ của Đào Hải Phong. Ở đó lưu giữ rất nhiều ký ức về một không khí Hà Nội thời bao cấp.

Dưới lòng con phố Lê Thanh Nghị rộng thênh và sầm uất, bước vào căn hộ tập thể cũ ở tầng 2, tôi như lạc vào một không gian xưa, yên tĩnh đến kỳ lạ. Những khu tập thể Hà Nội cũ có một đời sống đặc biệt của nó, như không hề liên quan đến phố xá ồn ào.

Đào Hải Phong mỗi sáng vẫn thường thong thả đạp xe đạp qua xưởng vẽ để làm việc. Dựng chiếc xe đạp ở cửa, bước vào nhà với những đồ vật xưa cũ thân thương.... Trong một không gian bình yên đầy ký ức và hoài niệm, trong một đời sống đủ đầy và thanh bình của riêng anh, Đào Hải Phong vẽ về những ngôi nhà và cái cây như một niềm an tựa vào hạnh phúc.

2. Nếu không phải những cái cây tỏa bóng lớn bên những ngôi nhà nhỏ bé tựa lưng vào nhau, úp mặt vào nhau, lô xô vào nhau trong một buổi chiều hoàng hôn đỏ đậm, hay trong những ban mai xanh biêng biếc... thì sẽ không có một tên tuổi Đào Hải Phong sáng rỡ trong hội họa hiện đại.

Tranh của anh đẹp và bán với giá cao, tên của anh đủ nổi tiếng cả ở trong nước và nước ngoài. Nhưng Đào Hải Phong thuộc về những ngôi nhà và những cái cây. Tôi mặc định thế bởi xét cho cùng, con người ta khi thiếu thứ gì thì sẽ khát vọng về thứ ấy, hay người ta có gì, hiểu gì, yêu gì nhất, thân thuộc gì nhất thì sẽ tràn ra trong tâm cảm của mình thứ ấy.

Đào Hải Phong ở vế thứ 2, vẽ về những gì mình sở hữu, mình tự hào về nó và tất nhiên là thứ mà anh yêu nhất. Đôi khi ký họa ra trên toan những thứ mà thiếu nó, hẳn Đào Hải Phong sẽ cô đơn, sợ hãi... Một nỗi cô đơn của kẻ trong chăn ấm đôi khi còn mông lung, diệu vợi hơn nỗi cô đơn của người đi dưới trời mưa lạnh một mình.

Tôi yêu những ngôi nhà và cái cây trong tranh Đào Hải Phong. Nó đẹp đến nao lòng, chạm vào niềm rung cảm của người xem, mang tới cho họ những xúc động. Màu của Đào Hải Phong cũng thật lạ, rực rỡ, mạnh và đẹp.  Nhìn vào những ngôi nhà bên bờ sông, bên mặt hồ, và những cái cây sum suê tán lá, thấy khát khao run rẩy một sự bình yên. Thấy tạ ơn cuộc đời, tạ ơn những bão giông đâu đó ở phía trời xa đã không chạm đến nơi này.

Nếu như họa sĩ Phạm Luận, Hồng Việt Dũng, tranh phong cảnh của họ có nhiều  bức không người, thì cảm giác hiện hữu về một nỗi cô đơn lại không hề thấy trong tranh Phạm Luận, có mơ hồ hơn ở tranh Hồng Việt Dũng, nhưng lại hiện hữu rõ rệt ở tranh Đào Hải Phong. Một nỗi cô đơn vô lý, không biết đến từ đâu ngự trị trong bóng những nếp nhà lô xô nhau trong ráng chiều màu đỏ, hay ban mai màu xanh...

Một lần mục sở thị xưởng vẽ của họa sĩ Đào Hải Phong.

Dù gam màu rực rỡ, bảng màu mạnh, mọi thứ không nhàn nhạt bảng lảng sương khói, và dù những ngôi nhà hiện lên rõ nét, ấm áp, đủ đầy những ngọn đèn, dưới ánh sáng rực rỡ của ban ngày, và những cái cây như những bầu trời chở che tổ ấm thì tôi vẫn nhìn thấy ở phía sau đó là một nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn ấy như những ký tự không màu, nhưng trong vô thức vẫn hiển lộ.

Tôi gọi đó như nỗi cô đơn của kẻ trong niềm hạnh phúc tột cùng bỗng nhận ra một khoảng trống vô nghĩa. Nỗi cô đơn của kẻ đủ đầy, chợt thấy tẻ nhạt vì không tìm ra thứ mình khao khát. Nỗi cô đơn của người bỗng thấy sợ về một nỗi cô đơn ở đâu đó phía sau mình, nỗi cô đơn không thể nào nắm bắt... Có lẽ trong muôn vàn nỗi cô đơn, thì đáng sợ nhất vẫn là nỗi cô đơn từ phía nào đó trong tâm hồn mình, cứ mặc nhiên mà tỏa ra, mà xâm lấn mình một cách vô lý.

Xem tranh của Đào Hải Phong, tôi đã tự hỏi vì sao, vì sao... trong quý ông hội họa kia, trong cuộc sống đủ đầy kia, trong hạnh phúc viên mãn kia, trong nền tảng thẩm mỹ chắc chắn và đẹp đẽ kia, vẫn có bóng dáng của nỗi cô đơn.

Thật ra người nghệ sĩ nào mà không cô đơn. Bản chất của đời sống mỗi cá nhân trong vũ trụ này là sự cô đơn. Với người họa sĩ, sáng tạo của họ là một sáng tạo đơn độc, không chia sẻ. Trên thế giới từ cổ chí kim, không ít những danh họa xuất sắc nhất, tài năng nhất, siêu đẳng nhất không phải đã từng gục chết trong nỗi thống khổ của mình đấy sao?...Van Gốc là một ví dụ... Nếu người nghệ sĩ không có nỗi cô đơn làm bạn thì hẳn là một nghệ sĩ bất hạnh. Nỗi cô đơn là thứ chưng cất lên những chất men kỳ diệu để tạo ra những thành công trong sáng tạo nghệ thuật.

Quay trở lại với  trường hợp của Đào Hải Phong, đôi khi tôi thấy anh đi tìm kiếm chính thứ mà anh không có trong đời sống hiện tại. Đôi khi sự đủ đầy quá của một hạnh phúc cũng làm cho con người ta hay hình dung về một nỗi cô đơn nằm ngoài chính bản thân mình. Và tôi gọi đó là những ký tự không màu phía sau bức tranh của chính người họa sĩ.

Đào Hải Phong sinh tại Hà Nội năm 1965, và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1987. Là con trai của Họa sĩ Đào Đức -  họa sĩ thiết kế đầu tiên và tài năng bậc nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Tranh của Đào Hải Phong thường có màu sắc tươi và trong sáng. Hoạ sĩ đã tham gia rất nhiều triển lãm trong nước và nước ngoài như ở Anh (1994), Hong Kong (1996), Mỹ (1997, 2001) và Italy (1997).

Là một trong những họa sĩ nổi tiếng của hội họa đương đại Việt Nam có tranh bán chạy hiện nay.

Bình Hà
.
.