Những góc nhìn nhân văn về cuộc sống

Thứ Ba, 24/10/2006, 14:00

Với 70 truyện ngắn của 36 tác giả, hai tập “Truyện ngắn hay An ninh” do NXB Công an nhân dân vừa ấn hành thực sự là những góc nhìn độc đáo và nhân văn về cuộc sống. Các biên tập viên quả đã kỳ công trong khâu tuyển chọn khi có truyện ra đời cách đây tới hai chục năm và hầu hết các tác giả đều là những cây bút đã trở nên quen thuộc với bạn đọc.

“Truyện ngắn hay An ninh” - cái tên thoạt nghe có thể khiến nhiều người nhầm tưởng đây là những truyện ngắn viết về Lực lượng An ninh của Công an nhân dân Việt Nam - nhưng thực ra cụm từ “an ninh” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là “an ninh trật tự” hay “an ninh Tổ quốc”. Nó chính là sự cụ thể hóa đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” được Bộ Công an phát động và được nhiều cây bút trong và ngoài Lực lượng Công an hưởng ứng trong hàng chục năm qua.

Hơn 30 tác giả với những quan niệm, những trải nghiệm và cách lý giải cuộc sống khác nhau đã tạo nên sự đa dạng trong phong cách thể hiện của mảng đề tài này. Nhà văn “gạo cội” Ma Văn Kháng với những năm tháng gắn bó cùng đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc đã vẽ nên bức tranh “San Cha Chải” với những vấn để nổi cộm về an ninh trật tự trong đời sống thường ngày nơi đây. Bên cạnh đó, “Một cuộc đuổi bắt”, “Người đánh dậm đồng chiêm” là những câu chuyện gần gũi mà tác giả muốn sẻ chia cùng những chiến sĩ công an phải ngày đêm đối diện với những hiểm nguy, hi sinh, mất mát.

Truyện ngắn “Trở về” của Hồ Mậu Đường là lời trần tình của một người đàn ông dân tộc M’Nông đã nhẹ dạ nghe theo lời kẻ xấu trốn vào rừng theo FULRO, để rồi sau đó may mắn tìm về được với con đường chính nghĩa. Nhà văn trẻ Nguyễn Đình Tú lại có lối thu hút độc giả khi anh luôn “đẩy” nhân vật của mình đến những điểm nút bất ngờ bên cạnh triết lý của nhà Phật như truyện “Bên ấy là cuộc đời”.

Đằm thắm, đôn hậu nhưng không kém phần quyết liệt là những cây bút nữ như: Thu Trang với “Tuột xích”, “Cúc từ bi”, “Những bông hồng biết nói”; Nguyễn Thị Như Trang với “Đêm tháng chín”, “Người trong vùng địch”; Nguyễn Thị Diệp Mai với “Một ngày của anh công an khu phố”); Đoàn Phương Nhung với “Những trang nhật ký dưới nắng”; Ngô Phương Hạnh với “Phía cuối con đường”, “Lá rụng ngoài thềm”…

Điều dễ nhận thấy là đa phần các truyện ngắn trong tuyển tập “Truyện ngắn hay An ninh” đều mang tính xung đột cao như bản chất công việc mà các chiến sĩ công an vẫn đang ngày đêm gánh vác.  Chính vì thế, qua bộ sách bạn đọc có thể nhận biết muôn mặt cuộc sống với đầy rẫy những mâu thuẫn, xung đột, những mặt đối lập muôn đời giữa sự sống và cái chết, giữa sự lương thiện và bất lương, giữa cái thấp hèn và điều cao thượng... Trong những hoàn cảnh có sự “va đập” mạnh mẽ ấy, hình ảnh người chiến sĩ công an xuất hiện với đầy đủ những nét tính cách, đặc thù của công việc và tâm sự thật nhất của họ… Tuy nhiên, đậm nét hơn cả vẫn là tính nhân văn cao đẹp trong từng câu chuyện với cách lý giải riêng của các tác giả về mỗi số phận, mỗi cuộc đời, mỗi hành động của nhân vật. Và dường như, kết thúc mỗi câu chuyện trong “Truyện ngắn hay An ninh” đều có sự giải tỏa: Người cầm bút đã hóa giải những mâu thuẫn, một nỗi oan khiên, một mối thù hận hay cách hóa giải nỗi đau của một kiếp người…

Hình ảnh chiếc thòng lọng treo trên cây đại sân chùa trong “Bên ấy là cuộc đời” là một trong những câu chuyện như thế. Cởi những nút thắt tưởng chừng là “định mệnh” với các nhân vật đã thể hiện cái nhìn bao dung, nhân hậu của các nhà văn đối với những con người có thời lầm lạc khi mà họ biết ăn năn hối cải, đang tìm cách trả “nợ đời” để trở về cuộc sống lương thiện đời thường. Sự hóa giải trong “Truyện ngắn hay An ninh” cũng bởi vậy mà trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với người đọc.

Có lẽ vì hầu hết các tác giả của “Truyện ngắn hay An ninh” là những người đã và đang tại ngũ trong Lực lượng Công an như các nhà văn Ngôn Vĩnh, Văn Phan, Mai Vũ, Phùng Thiên Tân, Nguyễn Xuân Hải... nên những trang viết của họ đều chân thực, xúc động.

Nhiều truyện ngắn trong bộ sách này đã từng được các biên tập viên của báo Văn nghệ Công an lựa chọn, giới thiệu cùng bạn đọc cả nước như: “Người ở bến Tầm Xuân” của nhà văn Phan Quế;  “Măng trúc”, “Màu hoa phượng thắm”, “Tiếng khóc của con sáo” của nhà văn Nguyễn Xuân Hải; “Cuộc truy đuổi nghiệt ngã” của nhà văn Nguyễn Hồng Thái; “Cỏ miên hương” của nhà văn Mai Vũ; “Lá rụng ngoài thềm” của cây bút trẻ Ngô Phương Hạnh… Có thể nói, Văn nghệ Công an là nơi góp phần chuyển tải cho những sáng tác của các tác giả viết đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” đến với đông đảo bạn đọc trong cả nước

Việt Hà
.
.