Những day trở về thế phận...

Thứ Năm, 12/12/2013, 08:00
Đọc "Chiều mưa hai đứa đợi tàu", tập thơ của Nguyễn Hưng Hải, NXB Quân đội nhân dân, 2013.

Tôi biết Nguyễn Hưng Hải sau cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1983 - 1984, khi chúng tôi cùng được giải thưởng ở cuộc thi đó. Nguyễn Hưng Hải được tặng giải ba với bài "Trở lại Trường Sơn", đồng hạng với Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Đạo. Đây là bài thơ hồi nhớ con đường ra trận, như là một dấu hiệu của con mắt luôn muốn "nhìn lại", soi lại những gì đã đi qua…

Dường như bất kỳ trước một hiện tượng đời sống, một mối quan hệ nào cũng có thể làm cho Nguyễn Hưng Hải "động lòng trắc ẩn". Đến nỗi nó thường đặt anh vào trạng thái phân tâm, tự mâu thuẫn với chính mình, muốn thế này lại e thế kia, rất điển hình: "Tháng ngày trong nỗi mung lung/ muốn mong con lớn lại mong từ từ". Ấy là viết cho con gái, mong con mau lớn, nhưng con lớn rồi sẽ đi lấy chồng, sẽ sang nhà người mà hoang mang về sự xa cách, sự "tách tổ" một ngày nào đó. Viết về tình yêu, trong một "Chiều mưa hai đứa đợi tàu" cũng vậy: "Sao em cứ nghĩ mung lung/ Muốn tàu đến sớm lại mong muộn tàu".

Típ tình cảm, sự mẫn cảm và trạng huống tinh thần trên như một đường dẫn cột Nguyễn Hưng Hải vào những ngờ vực ở mọi hiện tượng, các mối quan hệ, kể cả những huyền thoại, thần tượng một thời, cho đến cả thần thánh, đền chùa… Đó là cái nhìn săm soi, lật lại những giá trị, tưởng như không có vùng cấm nào cản trở anh. Ấy là cách tư duy khám phá, trải nghiệm: "Vào chùa mới biết sân chùa lắm rêu" (Đêm Thị Màu). Anh cũng không nề hà hỏi cả tượng người vệ sĩ đứng canh đền: "Lúc trao gươm Vua đã nói câu gì/ người đang đứng ở đâu trong đói khát/ sao vệ sĩ ngàn năm không đổi gác/ nét mặt nhìn không một chút ưu tư".

Mặc dù gần đây Nguyễn Hưng Hải có vẻ định chuyển hướng, song những bài thơ để lại nhiều ngẫm ngợi của anh lại là những bài còn bịn rịn âm hưởng truyền thống, đặc biệt là ở khá nhiều bài thơ lục bát như: "Giá trị một thời", "Đêm Thị Màu", "Chiều ba mươi tết", "Tôi đi", "Viết cho con gái", "Mưa Thành cổ", "Phơi áo", "Dặn con", "Khi con lớn khôn"… Đây chưa hẳn là những bài thơ điêu luyện, xuất sắc của thể loại lục bát nhưng là những bài thơ khá nhuần nhuyễn, thành công của Nguyễn Hưng Hải.

Anh viết về thân phận người phụ nữ thời hậu chiến: "Chân trời bia mộ vòng quanh/ lưng còng đổ xuống mà thành mái tăng/ che làm sao được tháng năm/ cứ mưa như chỉ sống bằng cơn mưa…" (Mưa Thành cổ). Một bài thơ khác về hậu chiến cũng khá xúc động, bài "Phơi áo", anh viết: "Ướt đâu mà áo mang phơi/ phơi là phơi lại cái thời Trường Sơn/ phơi là phơi nỗi cô đơn/ bao năm ai mất, ai còn ở đâu/...". Ấy là cách hong lại ký ức về một thời gian lao, quá nhiều đau thương, mất mát. Hong lại nghĩa tình, nhắc nhớ sự ứng xử, tri ân của những người trở về với đồng đội, của hậu thế với lớp cha anh trong chiến tranh giải phóng đất nước.

Con mắt nghệ thuật và mối quan tâm về thế phận của Nguyễn Hưng Hải như đã trình bày, là cái nhìn có hệ thống khá tập trung. Bắt đầu từ những hình ảnh, hiện tượng, hành động… trong đời sống tự nhiên hoặc xã hội để gửi gắm tâm sự, niềm day trở, soi chiếu lại những giá trị đạo đức, giá trị của đời sống. Có thể đó là lối sống "tầm gửi", sống "ký sinh" trên cơ thể khác, giá trị khác: "Cây tầm gửi không chịu làm tầm gửi/ thản nhiên trèo lên cổ, lên vai/… cứ tươi tốt trong hao mòn kẻ khác…", là những cuộc "đi đêm", phe cánh, lợi ích nhóm… có thể làm thui chột mọi chính kiến, sáng tạo, kiểu như: "Khi cây đã gật đầu/ lá và gió cãi nhau vô tích sự" (Thơ hai câu).

Lo xa trước những gì sẽ đến, dù vậy, Nguyễn Hưng Hải vẫn thống nhất trong sự lựa chọn cách sống, nó bộc bạch trong những lời dặn ân cần, tâm huyết với đứa con yêu dấu: "Núi cao trước mặt đừng ghê/ sông sâu biết lội, gốc quê biết tìm/ đừng mang hết cả quả tim/ trao cho ai lúc nửa tin nửa ngờ" (Dặn con).

Sự thức tỉnh và cảnh giác ấy được chưng cất từ chính những đổ vỡ, những cả tin, những va đập của một tâm hồn thơ đa cảm, đa thanh. Và vì vậy, ta càng thấy rõ hơn, sáng hơn một Nguyễn Hưng Hải âm thầm, bền bỉ mang ngọn nến cuộc đời mình soi chiếu trên hành trình "Tôi đi" của thơ anh. Sự đóng góp ấy không chỉ có giá trị làm phì nhiêu nội hạt đời sống văn học ở vùng đất cội nguồn Phú Thọ…

Trần Quang Quý
.
.