Những dấu tích nhỏ nhoi của phận người

Thứ Ba, 23/01/2007, 15:00

“T  mất tích” là cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Thuận, sau hai cuốn tiểu thuyết được đánh giá khá thành công “Chinatown-Phố Tàu” và “Paris ngày 11 tháng 8”. Tính cả “T mất tích” thì ba cuốn tiểu thuyết của Thuận đều được in ở “nội địa”, mặc dù tác giả hiện đang sống và viết ở Paris.

“T mất tích” - đúng như tên gọi của nó là một sự mất tích bất ngờ của nhân vật nữ tên T. Cũng có thể làm một phép đoán định rằng T là cái tôi cá thể, là Thuận - nhà văn. Nhưng, quả tình, tôi không thích làm phép đoán định như thế, dù biết cũng có thể đúng với “ý đồ” của tác giả.

T là ai?. Với tôi, đơn giản đấy là một nhân vật nữ tên T, thế thôi. Như cách đặt tên của cuốn tiểu thuyết thì T là nhân vật chính, tuy nhiên suốt cả mấy trăm trang sách, T xuất hiện rất nhạt nhòa, thậm chí có thể nói là không tồn tại. Mà cũng phải, T đã mất tích ngay từ đầu, đã đột nhiên biến mất khỏi đời sống này; T đi đâu, làm gì, vì sao lại rời bỏ gia đình có đứa con nhỏ của mình?!... Không ai biết, không thể nào biết, trừ T. Nhưng T đã không nói điều gì, không để lại bất cứ điều nhắn gửi nào, ngoài việc âm thầm thu xếp hành lý “chuồn” khỏi nhà và sau đó gửi vào tài khoản của người chồng 10.000 euro. Số tiền ấy, tạm thời xem như số tiền T gửi cho người chồng để anh ta nuôi con, đồng thời ngầm thông báo rằng đấy là số tiền dùng để “mua chuộc” sự ra đi vĩnh viễn của mình. “Đừng tìm tôi trong cuộc đời này. Xin hãy để tôi yên” -T ra đi không nói gì cả, nhưng câu nói (hình dung) ấy cuối cùng dường như cũng đến được với người chồng. Và, anh ta hiểu. Hay là vẫn chưa hiểu gì cả.

Cuốn sách đã đọc đến trang cuối mà như vẫn chưa thể kết thúc. T mất tích. T là ai?; vì sao T mất tích?; T không hài lòng điều gì ở đời sống? T có rơi vào tình cảnh oái ăm, éo le nào chăng? T đi về đâu? v.v… Những câu hỏi như thế cứ dồn dập, day trở người đọc, đặt trước mặt, đẩy vào bên trong chúng ta những “công án” tu tập của đời sống(!)…

T mất tích là kết thúc hay chỉ mới bắt đầu. Với T, với Thuận có thể là kết thúc, chấm hết, không muốn nói thêm, lôi thôi gì nữa. Nhưng, với nhân vật anh chồng của T thì cuộc sống như đang bắt đầu những điều mới. Anh ta hốt hoảng, rối loạn không phải vì sự cố T mất tích mà vì những trục trặc nho nhỏ của đời sống hằng ngày. Một cuộc chất vấn bình thường của người cảnh sát cũng làm anh ta lo lắng, nhấp nhổm không yên. Nhìn hình vẽ những vòng lò xo của đồng nghiệp khi nghe điện thoại anh ta cũng liên tưởng liên miên những điều kỳ dị. T mất tích nhưng anh ta cũng không thể bỏ việc một ngày, vì nếu như thế thì sẽ bị tống cổ khỏi công ty.

Sau khi T mất tích, lần đầu tiên sau sáu năm chung sống với nhau, anh ta rơi vào một cuộc ngoại tình “bất đắc dĩ” với cô y tá từng chính là nhân tình của ông bố. Nói tóm lại, T mất tích nhưng mọi người thì vẫn sống. Thậm chí, nếu T có chết đi thì cũng không phải là điều gì ghê gớm cả. Cuốn tiểu thuyết với tiết tấu nhanh, như cứ cuốn đi, mà nhiều khi lại như dừng lại ở những khúc quặn thắt nỗi buồn. Mỗi một con người, dù cuộc sống có “hoành tráng” đến đâu, cuối cùng vẫn chỉ còn lại những dấu tích nhỏ nhoi của phận người(!)

So với hai cuốn tiểu thuyết trước “Chinatown - Phố Tàu” và “Paris ngày 11 tháng 8” thì có thể nói “T mất tích” là một bước tiến vững chắc của Thuận. ở đây, tính chất và tư chất một nhà văn - một cây bút tiểu thuyết đã dần đầy và tràn sáng trên trang viết của Thuận. Vẫn lối viết khai thác về đời sống thị dân, với “cái nhìn kỹ” trộn lẫn với sự chiêm nghiệm mang tính hiểu biết và khám phá. Vẫn lối viết “lạnh” nhiều khi như dửng dưng và xen lẫn sự cười cợt. Tuy nhiên, có thể thấy trong “T mất tích” cái nhìn kỹ của Thuận được tiết chế, chọn lọc gần như đến mức tối đa; còn cái cười cợt nhiều khi mang tính chất “gài độ” đã dần bỏ qua để hướng đến một “cái cười” lớn hơn của đời sống.

Nếu nói về cái chưa “đạt yêu cầu” của cuốn tiểu thuyết này, thì nói như Cao Việt Dũng: “Thuận chưa tìm được lối viết tối ưu để diễn đạt điều muốn diễn đạt”. Tôi cũng đồng ý với nhận xét này. Khi T mất tích ngay từ trang sách đầu tiên, thì nhân vật tôi không phải là T nữa mà là anh chàng kế toán-chồng T. Diễn biến cốt truyện, cái nhìn tác giả, từ  đó “quán chiếu” theo anh chàng kế toán kia. Tuy nhiên, trong nhân vật tôi - đàn ông này, nhiều khi Thuận đã không kiểm soát được, đã vô tình biến thành một nhân vật tôi-phụ nữ. Nói như vậy, để thấy khi cho T mất tích ngay từ đầu, Thuận bắt đầu một thử thách lớn chưa từng có. Do vậy, cuốn tiểu thuyết có chỗ chưa hoàn hảo, dù vẫn khiến người đọc bị mê hoặc và tìm thấy sự giao cảm sẻ chia.

Nhà văn Lê Văn Thảo: “Tôi thích cách viết của Thuận”

Tôi đang đọc cuốn “T mất tích”. Đọc chưa xong, nên không bình luận gì được nhiều. Nhưng, có thể nói, tôi thích cách viết của Thuận. Trước đây, vì ở trong Ban giám khảo xét giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn, nên tôi có dịp đọc Thuận một cách kỹ lưỡng hơn. Tôi thích cuốn “Paris ngày 11 tháng 8” nên bỏ phiếu cho cuốn đó. Nhiều nhà văn khác cũng thích cuốn này, nhưng có người lại bảo: “Thuận đang ở nước ngoài, nên ưu tiên trong nước”. Với tôi thì không nghĩ như vậy. Thuận ở Pháp, tiếp cận lối viết hiện đại, nhưng nói chung vẫn là cách nghĩ, tâm hồn người Việt.

Trở lại cuốn “T mất tích”, tôi thấy đây là cuốn đọc rất lôi cuốn, lối viết thông minh, dí dỏm. Cuốn sách này đã tạo được văn phong tiểu thuyết chứ không phải là “truyện kéo dài”. Rõ ràng, các nhà văn trẻ hôm nay viết rất có nghề. Họ không ôm đồm nhiều thứ trong một tác phẩm, không đặt ra ngổn ngang nhân vật; mà mỗi tác phẩm chỉ vài nhân vật, giải quyết rốt ráo một vấn đề. Đấy là con đường đi đúng của tiểu thuyết, vì nhà văn cũng nên biết giới hạn của mình, biết phát huy mình…

Theo tôi Thuận là cây bút tiểu thuyết đáng chú ý hiện nay!

Nhà văn Phong Điệp: “Giọng văn tinh tế mà hài hước”

Tôi thường được nhà văn Thuận “chia sẻ” các bản thảo mới gần như ngay khi chúng vừa được hoàn thành. Và mỗi khi đọc chúng, trước đây là “Paris ngày 11 tháng 8” và bây giờ là “T mất tích”, tôi luôn nhìn thấy ở đằng sau chúng một sự vận động không ngơi nghỉ của người cầm bút...

Chính điều ấy khiến tôi luôn hào hứng khi đọc một tác phẩm mới của chị. “T mất tích” cũng không nằm ngoài cảm xúc ấy. Nhân vật chính trong “T mất tích” thậm chí không có được một cái tên cho đàng hoàng. Mọi thông tin cũng chỉ ở dạng phỏng đoán. Câu chuyện cứ thế mà hình thành... Và  cuốn sách đã thực sự lôi cuốn người đọc bởi các vấn đề đặt ra trong đó, bởi giọng văn tinh tế mà hài hước, bởi sự chuyển động của các tuyến nhân vật, bởi thể loại tâm lý hình sự mà lần đầu tiên chị thử sức đã tạo ra những thú vị nhất định cho cho tác phẩm... Đây cũng là lần đầu tiên nhà văn Thuận sử dụng người Pháp làm nhân vật chính và xã hội Pháp làm toàn bộ bối cảnh của tiểu thuyết. 

 Tôi nhớ trong một cuộc trò chuyện, nhà văn Thuận tâm sự: “Quả thực, tôi mong độc giả quên đi một Thuận ngày trước. “T mất tích” hay Thuận mất tích, xin đừng mất công tìm kiếm bởi cả T lẫn Thuận đều đã tình nguyện bỏ đi.” Điều này chẳng phải đáng để người cầm bút chúng ta phải suy nghĩ ư?

Nhà văn Phan Hồn Nhiên: “Viết như Thuận rất vất vả...”

Tôi đã đọc Thuận từ “Chinatown - Phố Tàu, đến Paris ngày 11 tháng 8”… Theo tôi Thuận là một trong số ít nhà văn Việt Nam có ý thức đưa những thủ pháp hiện đại vào trang viết. Những đề tài của Thuận, với những “độc giả bình thường” có lẽ là không được hấp dẫn lắm và cũng không phải là sự lựa chọn tốt nhất. Thuận là một cây bút kén độc giả. Thuận không theo một đề tài hấp dẫn số đông thông thường, mà theo một “dải cá nhân” rất cô độc, ráo riết. Nhưng với tôi, và có lẽ với những người viết khác muốn hướng đến những điều mới mẻ, cũng như muốn trở thành một nhà văn thực sự, thì Thuận là sự lựa chọn để đọc.

Theo tôi, nhà văn có hai dạng. Một dạng viết theo kiểu “bức xúc”, để cho cảm xúc dâng trào với muôn vàn nhân vật. Dạng khác có ý tưởng, với những hoạch định cụ thể, và dùng chi tiết để “phục vụ” ý tưởng đó. Thuận là dạng nhà văn thứ hai. Tuy nhiên, văn của Thuận thú vị không phải ở chỗ triết luận “lên gân” mà đưa vào đó cái trực giác cảm quan rất sắc sảo cùng với nhiều chi tiết phong phú. Khi chi tiết “đầy lên” thì nó nói hộ tâm tình, tư tưởng của tác giả chứ không cần biện giải nhiều. Viết như Thuận quả thật rất vất vả, nhưng tôi nghĩ cũng rất sảng khoái.

Tôi đã có cuốn “T mất tích” trong tay, và chắc chắn là tôi sẽ thu xếp để đọc nó ngay trong thời gian tới

Trần Nhã Thụy - Việt Trần
.
.