Tản văn

Những con rối tự làm...

Thứ Năm, 04/09/2014, 08:00
Trước hiên nhà, gió thu thổi lộng, làm cho mặt nguyệt chao đi chao lại. Thế là hai tráng sĩ múa gươm rối rít. Tôi đứng ngắm hàng giờ không chán, vẻ mặt đầy thích thú. Bởi vì, không gì vui sướng, thoả thuê hơn khi ngắm nhìn một sản phẩm do mình tạo ra.

Trẻ con ở đâu, thời nào cũng đều thích đồ chơi, nhất là những đồ chơi động. Vào những năm 1959-1960, khi tôi còn là một cậu bé bảy, tám tuổi, đồ chơi của con trẻ  hầu như không có gì. Muốn có, bọn trẻ phải tự tạo ra. Thương nhất là trò chơi thi nổ pháo đất. "Pháo" ở đây là một cục đất mềm vừa lấy dưới ruộng, được nhào nặn trong lòng bàn tay để tạo ra một vật có chỗ lõm, có đáy mỏng để nổ to. Trước khi vung tay ném mạnh "pháo" xuống nền đất, lũ trẻ còn đưa lên miệng hà hơi, với hi vọng có nhiều hơi thì pháo nổ to. Pháo đất của đứa nào nổ to nhất thì thắng cuộc. Hàng loạt thứ đồ chơi tự tạo khác cũng tương tự như vậy. Trái bóng thì cuộn lá chuối khô thành một cục tròn tròn, đá được ba quả thì vỡ bung. Que khăng trong trò chơi đánh khăng thì được làm từ mấy đoạn tay tre. Con quay thì đẽo từ gỗ ổi còn tươi. Súng bắn được tạo ra từ cuộng tàu lá chuối, dùng dao khía từng miếng bật lên. Khi chơi, dùng tay kéo roạt, tạo ra tiếng nổ liên tiếp. Con trâu thì được tạo ra từ những chiếc lá đa to bản (gọi là "trâu lá đa", cũng chọi nhau phải biết!). Cỏ gà chọi nhau thì bứt ở bờ ruộng, ven sông. Quân đi trong trò chơi ô ăn quan là những viên sỏi nhỏ. Que chuyền là que tre vót nhẵn…Nhưng chính những đồ chơi tự tạo này lại giúp lũ trẻ chúng tôi có cơ hội sáng tạo và gắn bó hơn với thiên nhiên cỏ cây hoa lá.

Hồi đó, một quả bóng nhựa là niềm mơ ước của bọn con trai, một con búp bê nhựa là niềm mơ ước của bọn con gái. Còn quả bóng da, con búp bê có đôi mắt xanh, có mái tóc hoe vàng, lại biết khóc oe oe thì là những thứ quá xa xỉ.

Thời ấy, trước Rằm tháng tám (ngày Tết của trẻ con), một số ông bố bà mẹ ở quê tôi thường làm cho con vài thứ đồ chơi dân dã, phổ biến nhất là làm con rối. Tôi là đứa trẻ ít nhiều khéo tay, lại thích vẽ vời từ nhỏ, nên tôi tự làm con rối. Loay hoay đẽo gọt, cắt dán, tô vẽ một hai ngày thì cũng được một đôi con rối lính chiến treo trước hiên nhà. Thân rối làm bằng thân cây đay hoặc cây điền thanh, cho nhẹ và mềm; giấy màu cuốn ở ngoài thành một bộ giáp phục; trông rất oách. Đầu rối cũng đẽo từ gốc cây điền thanh, dán mũ mão vào, vẽ đôi mắt xếch, đôi lông mày lưỡi mác dựng đứng, râu hùm hàm én, trông thật oai hùng. Hai chân dận đôi ghệt cắt từ tấm bìa, bôi đen kịt. Hai ống tay được làm bằng cách cuộn giấy màu vào chiếc đũa, rút đũa ra được hai ống giấy, xâu sợi chỉ vào giữa. Một đầu sợi chỉ buộc vào vai, đầu kia buộc vào chuôi gươm. Tay bên kia cũng làm như vậy. Thế là tráng sĩ hai tay cầm chắc thanh gươm, có thể khua đi khua lại. Công đoạn cuối cùng là vót một thanh tre cật rất mỏng, uốn cong, một đầu cắm vào lưng con rối, đầu kia buộc sợi dây nối vào thanh gươm, giữa sợi chỉ là một mặt nguyệt dán bằng giấy màu. Hình ảnh con rối-tráng sĩ oai phong lẫm liệt đã được hoàn tất. Tôi buộc dây vào thanh tre trên đầu con rối rồi treo lên trước hiên nhà. Con rối thứ hai cũng được làm tương tự như vậy.

Trước hiên nhà, gió thu thổi lộng, làm cho mặt nguyệt chao đi chao lại. Thế là hai tráng sĩ múa gươm rối rít. Tôi đứng ngắm hàng giờ không chán, vẻ mặt đầy thích thú. Bởi vì, không gì vui sướng, thoả thuê hơn khi ngắm nhìn một sản phẩm do mình tạo ra. Từ những khúc gỗ, mảnh giấy vô tri bỗng hoá thân thành một tráng sĩ múa gươm tả xung hữu đột, một con rối như có linh hồn. Những con rối đã tạo không khí vui tươi cho ngày Tết trẻ con…Sau Rằm tháng tám, chơi thêm được vài ngày nữa thì chán. Tráng sĩ vẫn vô tư múa gươm, nhưng đứa trẻ là tôi thì không còn hứng thú nữa. Trò chơi cứ nhạt dần, nhạt dần. Sau độ một một tuần thì hai con rối được gỡ xuống, cất cẩn thận trong góc tủ chè ở nhà khách.

Hình ảnh những con rối tự làm trong những ngày thơ bé đôi khi vẫn chập chờn khuấy động tâm trí tôi. Hình ảnh sống động ấy vẫn theo tôi tới tận bây giờ…

Lê Hữu Tỉnh
.
.