Những chú dê bước chân vào... kiệt tác

Thứ Sáu, 06/03/2015, 08:00
Trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine (1621-1695) xuất hiện rất nhiều con vật, từ sư tử, chó sói, hươu, nai, mèo, ngựa đến thỏ, rùa, ếch, chuột…v.v và v.v… Đặc biệt, với một con vật khá gần gũi với đời sống của người dân quê như con dê, văn hào Pháp cũng không quên dành cho một dung lượng thích đáng...

Từ lâu, truyện ngụ ngôn La Fontaine và truyện cổ Grimm đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của hàng triệu, hàng triệu độc giả trên khắp hành tinh, trong đó có Việt Nam. Những câu chuyện ngắn gọn, sinh động, mang màu sắc triết lý thâm thúy, tập trung phản ánh đời sống của các thành phần cư dân trên thế giới, nhiều khi được biểu tượng qua các con vật... đã chinh phục sự say mê của nhiều thế hệ độc giả. Nhân dịp năm mới Ất Mùi, xin được điểm lại những câu chuyện xoay các... chú dê - "nhân vật chính" trong không ít tác phẩm của văn hào Pháp La Fontaine và anh em nhà văn người Đức Jacob Grimm và Wilheim Grimm.

Trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine (1621-1695) xuất hiện rất nhiều con vật, từ sư tử, chó sói, hươu, nai, mèo, ngựa đến thỏ, rùa, ếch, chuột…v.v và v.v… Đặc biệt, với một con vật khá gần gũi với đời sống của người dân quê như con dê, văn hào Pháp cũng không quên dành cho một dung lượng thích đáng.

Theo như cuốn "Truyện ngụ ngôn La Fontaine" do NXB Mỹ thuật ấn hành quý I năm 2004, mặc dù số trang mỏng mảnh thôi song cũng có 3 truyện tác giả đưa những chú dê lên hàng… nhân vật chính. Và tùy từng nội dung, tác giả đã đưa ra những bài học xử thế khác nhau.

Chân dung văn hào Pháp La Fontaine.

Đầu tiên là truyện "Cáo và dê". Tác giả viết về một chú dê "hiền lành nhưng chẳng biết nhìn xa trông rộng". Đối lập với chú là một con cáo "xưa nay vốn thừa giảo hoạt, lừa lọc ở dạng bậc thầy". Kịch tính xảy ra khi cả dê và cáo đều khát nước, phải cùng xuống một cái giếng để uống. Sau khi đã uống no nê, bấy giờ mới là lúc cả hai tính đường trèo lên. Cáo bảo dê: "Anh hãy vươn chân cao lên và cả đôi sừng nữa. Anh đứng tựa vào thành giếng để tôi trèo lên mình anh, anh dùng sừng đưa tôi lên cao. Tôi lên trước rồi sẽ kéo anh lên sau nhé".

Không chút phân vân suy tính, dê đáp ứng ngay yêu cầu ấy của cáo, để rồi sau khi leo lên khỏi miệng giếng, cáo đã "bỏ mặc người bạn đồng hành của mình ở lại", không quên gửi theo lời nhắn  đầy mai mỉa: "Giá trời ban cho anh trí tuệ nhiều như râu dưới cằm thì anh đã chẳng nhẹ dạ leo xuống giếng này. Thôi hãy bình tĩnh tự leo lên nhé, tôi chẳng có trách nhiệm phải kéo anh lên".

Truyện "Hai con dê" lại đặt ra một tình huống: Cả hai con dê đối mặt nhau trên một cây cầu hẹp, bên dưới là dòng nước chảy xiết. Vì "ai cũng tự hào về dòng giống tôn quý của mình và ai cũng muốn giành vinh quang như trong truyện thần thoại nên chẳng ai chịu lùi. Cuối cùng cả hai cùng rơi tõm xuống dòng nước sâu".

Đây là câu chuyện rất được lưu truyền trong đời sống và hầu như người Việt nào cũng biết. Còn nhớ, ở thời bao cấp, có lần một cô giáo trẻ xuống sinh hoạt văn nghệ với tập thể lớp chúng tôi. Trước khi trình bày một ca khúc, cô dí dỏm kể chuyện hai con dê tranh nhau qua cầu. Chẳng con nào chịu nhường con nào nên rốt cuộc, chúng đã húc nhau và cùng lăn tòm xuống dòng kênh. Kể đến đây, cô giáo trẻ thêm phần "vĩ thanh": Cùng rơi xuống kênh nhưng cả hai chú dê đều không chết đuối.

"Các em có biết vì sao không?" - Cô hỏi cả lớp. Trong khi mọi người còn ngơ ngác, cô với tay cầm micrô "Là vì…". Rồi cô nghiêng người, hất đầu và… bất thần cất tiếng hát "Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua". Cả lớp ồ lên, vỗ tay ran. Đó là câu mở đầu của ca khúc "Con kênh ta đào" của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Tôi nhắc lại tình tiết vui này để nói về tính phổ biến của câu chuyện "Hai con dê qua cầu". 

Nếu như ở hai câu chuyện nhắc tới trên, La Fontaine cho ta thấy sự ngây thơ, thậm chí là sự ngu xuẩn, không biết nhìn xa trông rộng của các chú dê, thì ở truyện "Sói, dê mẹ và dê con", ông lại giới thiệu với chúng ta một "nhân vật" dê con rất đáng yêu. Tuy nhỏ tuổi song chú ta đã rất biết cảnh giác. Dê mẹ đi vắng, dặn con phải nhớ câu mật hiệu "Diệt chết tên sói và họ hàng nhà nó". Hễ ai gọi cửa, phải nói đúng câu mật hiệu này mới được mở. Chẳng ngờ, một con sói đi ngang cửa đã nghe lỏm được lời dặn của dê mẹ với dê con. Chờ cho dê mẹ đi rồi, nó giả giọng dê mẹ, bảo dê con mở cửa, đồng thời nói ra câu mật khẩu nọ.

Rất may, dê con không chỉ tin vào lời nói không thôi, chú còn rất chịu khó quan sát. Nhìn qua khe cửa, chú nghi ngờ, đoạn lên tiếng bảo: "Hãy đưa chân trắng muốt ra xem nào, nếu không ta không mở cửa đâu". Họ hàng nhà sói vốn dĩ hầu hết là chân đen, chính vì thế mà trước thái độ cương quyết của dê con, sói ta chỉ biết tiu nghỉu ra về.

Qua câu chuyện này, tác giả muốn đặt vấn đề: "Chuyện gì sẽ xảy ra với dê con nếu như chú ta chỉ dựa vào việc nghe lời mật hiệu mà sói đã vô tình biết được", từ đó nhắn gửi một thông điệp: Cẩn tắc vô áy náy.

Tranh minh họa truyện "Chú sói và bảy chú dê con" của anh em nhà Grimm.

Cũng tương tự trường hợp La Fontaine, trong những truyện cổ tích mà anh em nhà văn người Đức Jacob Grimm (1785-1863) và Wilheim Grimm (1786-1859) sưu tầm, biên soạn, rất nhiều nhân vật được đề cập là các con vật vốn dĩ thân thuộc, gần gũi, gắn bó với đời sống con người, trong đó có các chú dê.

Trong cuốn "Truyện cổ Grimm" do Hữu Ngọc dịch, NXB Kim Đồng ấn hành năm 2005 có 3 truyện liên quan trực tiếp đến các chú dê, đó là các truyện "Chó sói và bảy chú dê con", "Bàn ơi, trải khăn ra, sắp thức ăn đi" và "Cô Một Mắt, cô Hai Mắt và cô Ba Mắt".

Tương tự trường hợp La Fontaine (truyện ngụ ngôn "Sói, dê mẹ và dê con"), truyện "Chú sói và bảy chú dê con" của anh em nhà Grimm cũng đặt ra tình huống dê mẹ dạy dê con cách đối phó với con sói hung ác khi dê mẹ đi vắng: "Thằng quỷ sứ ấy hay trá hình lắm, nhưng các con cứ nghe thấy cái giọng ồ ồ và thấy cái chân đen là nhận diện được nó ngay". Tuy nhiên, con sói trong truyện của anh em nhà Grimm tinh khôn và kiên quyết hơn con sói trong truyện của La Fontaine: Sau khi bị lộ tẩy "chân đen", nó biết tìm ra mẹo để hóa trang cho đôi chân chuyển sang màu trắng, nhằm đánh lừa bầy dê con. Sau khi được bầy dê con mở cửa cho vào nhà, con sói hung ác đã lần lượt nuốt chửng 6 (trong số 7) chú dê con. Chú dê út nhờ nhanh chân ẩn được vào hộp đồng hồ quả lắc nên không bị sói phát hiện.

Dê mẹ ở rừng về, thấy nhà cửa mở toang, bàn ghế đổ lổng chổng đã bàng hoàng nhận ra sự tình. Đến khi được gặp cậu con út duy nhất thoát nạn, nghe con kể chuyện chó sói đã ăn thịt tất cả các anh chị của mình ra sao, dê mẹ vô cùng đau xót. Dê mẹ đã khóc những đứa con xấu số của mình đến hết nước mắt.

Tuy nhiên, câu chuyện này lại là một câu chuyện có hậu: Con chó sói trong truyện vì quá háu ăn nên khi bắt gặp bầy dê, nó đã nuốt chửng mà không kịp nhai. Chính vì vậy mà trong bụng sói, bầy dê vẫn còn sống. Bắt gặp con sói sau khi ăn uống no nê nằm ngủ say bên gốc cây trên đồng cỏ, dê mẹ đã bảo dê con chạy về nhà lấy kéo và kim chỉ.

"Dê mẹ rạch bụng con quái vật. Vừa rạch một nhát, một chú dê con đã ló đầu ra. Rạch nhát nữa thì sáu chú dê con lần lượt nhảy ra. Cả sáu con đều sống, không can gì, vì chó sói háu ăn quá đã nuốt chửng không nhai. Mừng ơi là mừng. Dê con vuốt ve dê mẹ, nhảy nhót tung tăng". Liền sau đó, dê mẹ sai các con đi lấy đá nhét vào bụng sói trong khi nó còn ngủ. Tỉnh dậy, con sói thấy họng khô khát, muốn ra suối uống nước. Nó chợt phát hiện trong bụng có tiếng gì lạo xạo. Nó đến suối quỳ xuống, thì đá nặng kéo nó xuống nước. Nó chết đuối một cách thê thảm.

Chuyện "Bàn ơi, trải khăn ra, sắp thức ăn đi" lại xây dựng hình tượng một con dê cái có tật xấu là hay nói dối: ăn no rồi song lại vờ vịt nói là chưa ăn, là bị người bỏ đói. Để rồi, sau khi bị phát hiện, nó đã bị ông chủ "lấy dao cạo, xà phòng vào đầu dê, cạo nhẵn thín. Rồi bác nghĩ, đánh bằng thước chả bõ bẩn thước, bác lấy roi ngựa quật cho một trận nên thân, dê nhảy lên chồm chồm chạy mất".

Có thể nói, cả La Fontaine và anh em nhà Grimm đều gặp nhau ở một điểm, dù ngắn dù dài thì ở mỗi câu chuyện của họ đều đặt ra một bài học xử thế với những hàm ý triết lý thâm thúy.

Nguyễn Tiến Thành - Xuân 2015
.
.