Những biểu tượng thất truyền

Thứ Năm, 24/12/2015, 12:22
Mấy ngày trước, trường nhạc mà nhạc sỹ Đức Trí hiện nay đang giảng dạy, và đảm nhận vai trò hiệu trưởng - Trường MPU -, đã có một buổi trình diễn từ thiện tuyệt vời ở TP Hồ Chí Minh. Những nghệ sỹ trình diễn trong buổi hoà nhạc Giáng sinh ấy bao gồm các ngôi sao chuyên nghiệp và cả các học sinh trong trường MPU. 

Rất nhiều người đã xuýt xoa khen ngợi chất lượng đêm diễn, với sự xuất hiện của dàn nhạc lớn, dàn hợp xướng tạo không khí âm nhạc sang trọng nhưng vô cùng gần gũi. Và một trong những lý do mà người ta ấn tượng với đêm nhạc đó là bởi hiếm khi khán giả được thưởng thức một dàn nhạc lớn, có nhiều người phải vài năm mới được xem, nghe dàn nhạc lớn một lần.

Từ đêm diễn của Đức Trí, một vấn đề bắt đầu lộ diện mà không hẳn ai cũng có thể dễ dàng để ý đến nó. Ấy là với đà này, rất có thể chỉ mươi mười lăm năm nữa thôi, ở Việt Nam sẽ không thể có nổi một dàn nhạc giao hưởng đúng nghĩa, khi có nhiều những nhạc cụ quan trọng trong dàn nhạc giao hưởng bói không ra người học hoặc bói không ra nhạc cụ để người đam mê theo học nó tới cùng.

Trò chuyện với tôi, nhạc sỹ Hoàng Điệp, giảng viên nhạc viện TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại chỉ có đúng 5 sinh viên nhạc viện học đàn Harps và tất cả đều phải vào nhạc viện tập đàn chứ ở nhà không có đàn. Điều đó có thể lý giải rằng Harps là một nhạc cụ vô cùng đắt tiền nhưng có những nhạc cụ rẻ tiền khác thì lại không có người học và rất hiếm có ở Việt Nam luôn.

Ví dụ như bass clarinet, gần như không có một cây bass clarinet nào và dù cho có những nghệ sỹ thổi clarinet có thể thổi bass clarinet đi nữa thì cũng chẳng kiếm ra được nhạc cụ để sử dụng. Hoặc Oboes cũng vậy. Đó cũng là nhạc cụ không còn mấy người tìm học nữa. Và 3 nhạc cụ kể trên thuộc diện những nhạc cụ vô cùng quan trọng đối với dàn nhạc giao hưởng. Chính vì thế, đã xảy ra tình trạng nhiều nghệ sỹ nước ngoài sang Việt Nam muốn dựng tác phẩm mới với dàn nhạc giao hưởng nhưng đành phải bó tay vì vừa không có người chơi những nhạc cụ kể trên, vừa không có cả những nhạc cụ ấy tồn tại nữa.

Một trong những nguyên nhân khiến ít người tìm học có thể kể đến là tính ứng dụng của nó không đa dạng nên không ai dám đánh đổi cả cuộc đời cho một thứ nhạc cụ như thế, nhất là với những người trẻ hôm nay, vốn hiện đại và thực tế. Nhưng nếu chúng ta thoả hiệp với lý giải đó, điều đó có nghĩa rằng sẽ đến một lúc nào đó, nền âm nhạc kinh viện của Việt Nam sẽ phải đối diện với rất nhiều biểu tượng thất truyền, tức là có những nhạc cụ mà cả Việt Nam không còn ai có khả năng chơi được nữa. Và tương lai ấy sẽ không xa. Với những gì đang diễn ra hôm nay, khả năng chỉ mươi mười lăm năm nữa thôi, nguy cơ sẽ thành hiện thực.

Một dàn nhạc giao hưởng có thể chỉ là một dàn nhạc mà thôi, nhưng nhiều khi nó cũng đủ là bộ mặt đại diện của một nền văn hóa. Vậy thì đã đến lúc cơ quan quản lý văn hoá phải có trách nhiệm để bảo tồn nó, để không bao giờ chúng ta phải đối diện nguy cơ của những biểu tượng thất truyền nữa.

Đan Anh
.
.