Những "Ngày thơ" trên quê hương Tagor

Thứ Tư, 02/04/2008, 14:30
Đệ tử của đạo Phật ở thập phương về Bồ đề đạo tràng cầu nguyện và vãn cảnh, lúc nào cũng đông nườm nượp. Chúng tôi đến lúc năm giờ sáng cho yên tĩnh mà đã thấy đặc những người là người. Ở đây còn cây bồ đề lớn, tương truyền Đức Phật thường ngồi bên gốc cây đọc kinh và tu luyện. Ai nhặt được lá bồ đề thì thật là một điều may mắn (tất nhiên người ta cấm hái lá trên cây). Ở Bồ đề đạo tràng có nhiều ngôi chùa của các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Bănglađét, Thái Lan…

Những ngày cuối tháng 1 năm 2008, khi Việt Nam ta đã trải qua gần một tuần đầu của đợt rét đậm, rét hại chưa từng thấy, thì ở Kolkata - Ấn Độ, tiết trời như cuối thu đầu đông ở ta, trời se lạnh, rất dễ chịu.

Chính trong những ngày này Liên hoan Thơ thế giới (World Poetry Festival 2008) được tổ chức tại đây. Kolkata - Thủ phủ của bang Tây Bengan - là tên mới của thành phố trước đây gọi là Cancutta vốn quen thuộc từ lâu với người Việt Nam, và được coi như một trong mấy thành phố lớn hàng đầu của Ấn Độ.

Trước khi dự Liên hoan Thơ, chúng tôi rong ruổi bằng tàu hỏa đi thăm danh lam thắng cảnh ở mấy bang phía bắc và phía nam Ấn Độ, như Bồ đề đạo tràng ở Gayana - nơi Đức Phật Thích Ca tu hành và đắc đạo - hay thành phố cổ Puri nằm bên vịnh Bengan…

Đệ tử của đạo Phật ở thập phương về Bồ đề đạo tràng cầu nguyện và vãn cảnh, lúc nào cũng đông nườm nượp. Chúng tôi đến lúc năm giờ sáng cho yên tĩnh mà đã thấy đặc những người là người.

Ở đây còn cây bồ đề lớn, tương truyền Đức Phật thường ngồi bên gốc cây đọc kinh và tu luyện. Ai nhặt được lá bồ đề thì thật là một điều may mắn (tất nhiên người ta cấm hái lá trên cây). Ở Bồ đề đạo tràng có nhiều ngôi chùa của các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Bănglađét, Thái Lan…

Ngôi chùa Việt Nam (được gọi là Việt Nam phật tự) do thiền sư Thích Diệu Huyền xây dựng và trụ trì, cách các ngôi chùa khác hơn một kilômét, ẩn trong một xóm thôn yên tĩnh, có một khuôn viên rộng với rất nhiều cây cối mà không một chùa nào có được. Bãi biển Puri không được phẳng lặng nhưng rất dài.

Vì chưa đến mùa hè nên khách đến thưa thớt. Chúng tôi luôn luôn được chèo kéo, mời chào mua những viên đá long lanh nhiều màu sắc, người ta bảo là đá quý, nhưng với những con mắt không phải của các nhà chuyên môn, chúng tôi không thể biết đó là thật hay giả!

Hai chặng tàu hỏa đi Kolkata ngược Gayana và xuôi Puri, mỗi chặng trên dưới một nghìn kilômét, tàu phóng băng băng. Không biết các chặng đường khác của Ấn Độ thì thế nào, chứ ở hai chặng này đường ray đều nằm sâu dưới đất chừng một mét, khoảng cách lại rộng, không ai có thể đi bộ từ bên nọ sang bên kia, nên không hề có tai nạn đường sắt.

Chỉ có điều đường sắt không thông báo ga đến, ga đi. Cho nên đêm đi tàu từ Kolkata đến Gayana chúng tôi đã quá mất một ga (dễ đến gần một trăm kilômét). Khách lên tàu đòi chỗ mới biết. Thế là phải xuống tàu, chờ mất hai giờ mới có tàu ngược trở lại!

Giao thông ở thành phố Kolkata rất đa dạng. Dưới đất có tàu điện ngầm. Trên đường thì có xe buýt, xe điện không đường ray, và rất nhiều taxi, thứ taxi do Ấn Độ sản xuất từ lâu, sơn toàn một màu vàng; thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe máy. Đường phố không rộng, thường chỉ đủ cho năm, sáu làn xe đi, nhưng đều trật tự.

Các ngã tư, đèn đỏ dừng khá lâu, thường là vài ba phút, có khi đến bốn, năm phút, lái xe phải tắt máy, người ngồi khá sốt ruột, nhưng bù lại, không bao giờ phải lo tắc đường. Lái xe ở đây tuyệt đối không uống rượu, bia. Suốt nửa tháng, đi nhiều nơi, chúng tôi cũng không thấy một quán bia nào.

Đi tham quan… thoải mái rồi chúng tôi trở lại Kolkata dự Liên hoan Thơ thế giới, vốn là hoạt động chính của Đoàn Nhà văn Việt Nam trong chuyến đi Ấn Độ này.

Đăng cai chính của Liên hoan là Ban tổ chức Liên hoan Thơ thế giới của bang Tây Bengan, cùng với sự tham gia của Ủy ban Liên lạc văn hóa Ấn Độ, Thư viện Quốc gia và Viện Hàn lâm mang tên Sahytia.

Thật không ở một nơi nào có ý nghĩa hơn, khi Liên hoan thơ thế giới được tổ chức ở Ấn Độ, mà lại tổ chức ở Kolkata.

Chúng tôi vốn đã biết từ lâu rằng Ấn Độ là nước có một nền văn minh lâu đời, có những trường ca nổi tiếng thế giới như "Ramayana" và "Mahabharata", có những nhà thơ kiệt xuất như Rabindranath Tagor - ông sinh trưởng và làm việc rất lâu ở thành phố Kolkata này và Kolkata lại được coi như một thành phố văn hóa của Ấn Độ, hơn nữa còn là một thành phố mà "mỗi người dân là một nhà thơ" như các bạn văn Ấn Độ thường nói vui với chúng tôi.

Nhân nói đến Tagor, bất giác tôi nhớ lại một chuyện tình cờ thật thú vị. Lúc chúng tôi đặt chân xuống sân bay Kolkata thì đã nửa đêm về sáng. Các bạn ở Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam cùng với Tổng thư ký Geetesh Sharma đưa về khách sạn Diplomat ở số 10 phố Sudder.

Sớm mai thức dậy, vừa bước ra khỏi cửa đã thấy một bức tượng bán thân Tagor dựng ở hè phố bên kia đường. Thì ra, người ta dựng tượng nhà thơ để kỷ niệm những ngày ông đã từng ở và làm thơ trong ngôi nhà số 10 Sudder này. Dưới bức tượng Tagor, một ông già ngồi bán chuối, sát vỉa hè dựng một chiếc xe kéo tồi tàn…

Tôi thích nhà thơ sống trong cảnh lam lũ ấy hơn là đứng ở một chỗ nào cách bức với cuộc sống của những người lao động. Bây giờ, nhà số 10 Sudder đã thành năm, sáu căn hộ; chỗ là khách sạn, chỗ là nơi đổi tiền, chỗ là nơi bán hàng; chỗ thì photocopy… Dẫu sao, các nhà văn Việt Nam rất vui vì đã được ở đúng số nhà ngày xưa Tagor từng ở.

Liên hoan Thơ thế giới 2008 diễn ra tại hội trường Thư viện quốc gia. Tham dự Liên hoan lần này, ngoài ấn Độ, có 20 nhà thơ, nhà văn các nước: Pakixtan, Bănglađét, Thái Lan, Việt Nam, Na Uy, Anh, Mỹ và Ôxtơrâylia. Ấn Độ có gần 200 nhà thơ đến từ 25 bang và 4 hạt. Các nước khác, nước một người, nước hai ba người; đoàn nhà văn Việt Nam là đông hơn cả.

Lễ khai mạc Liên hoan Thơ diễn ra vào bốn giờ chiều 23/1/2008. Nghi thức đầu tiên là các quan khách lần lượt châm lửa đốt nến. Tôi đoán, chắc là người ta muốn gợi một không khí linh thiêng cho thơ, như ở đền, ở chùa (hay còn là để lấy lại nguồn ánh sáng đã gần gũi với thơ từ xa xưa).

Ngoài những tiết mục ca nhạc dân gian Ấn Độ được biểu diễn xen kẽ góp vui, Liên hoan có ba hoạt động chính: Một số chuyên gia nói về các vấn đề thời sự của thơ trong và ngoài Ấn Độ, giới thiệu trình tự các bước cần thiết để tìm hiểu và phân tích một bài thơ; một số nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình đọc tham luận về những vấn đề đặt ra cho thơ; và nhiều thời gian nhất dành cho việc đọc thơ.

Hầu như tất cả các nhà thơ trong và ngoài Ấn Độ đến Liên hoan đều được sắp xếp để tự trình bày một (hoặc hai) bài thơ tâm đắc của mình. Có người chỉ đọc bốn câu. Có người đọc đến 40 - 50 câu. Tuy nhiên, thời gian cũng đủ cho hơn 200 người đọc.

Các nhà thơ thường đọc bằng tiếng Anh. Có những nhà thơ Ấn Độ lúc thì đọc bằng tiếng Anh, lúc cao hứng lên lại đọc bằng tiếng Hinđu; cũng có người chỉ đọc bằng tiếng Hinđu.

Việc tiếp nhận thơ qua tiếng mẹ đẻ vốn đã không đơn giản, qua các ngôn ngữ khác lại càng khó khăn, nhưng dù vậy người nghe không thạo tiếng Anh hay tiếng Hinđu cũng hiểu được phần nào qua âm điệu, tiết tấu của thơ và qua cách trình bày của tác giả.

Các nhà thơ diễn đạt có phần "chân phương", từ tốn, như phần nhiều các nhà thơ Việt Nam ta đọc thơ, thỉnh thoảng cũng có người ngâm thơ gần như hát, và rất được thoải mái, tự do, nhưng không hề thấy ai "hò hét" - dù có không ít các nhà thơ trẻ.

Thính giả đến dự Liên hoan Thơ không nhiều, nhưng đều là những người yêu thơ một cách nồng nhiệt (trong đó có hai nữ sinh viên người Anh trẻ trung, xinh đẹp, đang ở Kolkata nghiên cứu về văn hóa Ấn Độ). Họ đều đúng giờ và ngồi suốt cả buổi, nghe chăm chú, say mê, đôi khi xin đứng dậy hỏi một nhà thơ nào đó về một vấn đề nào đó.

Phải nói, Liên hoan Thơ lần này ở Ấn Độ được tổ chức rất công phu, chu đáo. Trước Liên hoan khá lâu, Ban tổ chức đã yêu cầu các nhà thơ tham dự liên hoan gửi bản tiếng Anh các bài thơ sẽ đọc. Khi bước vào hội trường, trên tay mỗi người đã có sẵn quyển sách trong đó có in thơ mình; sách giấy trắng và in rất đẹp.

Tặng phẩm kỷ niệm trao cho khách nước ngoài tuy giá trị kinh tế không cao nhưng khá nhiều và rất có ý nghĩa. Nào là huy hiệu của Liên hoan và những bức tượng tinh xảo; nào là những chiếc bút, những chiếc túi xách có ghi dấu kỷ niệm của Liên hoan... Ban tổ chức còn chu đáo đến mức tặng cả ảnh chụp khách đọc thơ hay phát biểu trên diễn đàn.

Chúng tôi rời Ấn Độ về nước, kịp đón tết Mậu Tý, mang theo ấn tượng hết sức tốt đẹp trước tình cảm của các bạn trong Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam, của Ban tổ chức Liên hoan Thơ thế giới, của các nhà văn nhà thơ Ấn Độ và các nước khác

Hồng Diệu
.
.