Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài:

Như phun nước hoa lên trời

Thứ Sáu, 28/11/2008, 10:00
Một cuộc hội thảo với sự tham gia  của  gần 200 đại biểu là các nhà làm  ngoại giao và văn hóa vừa được tổ chức tại Hà Nội. Đây là "sự kiện" được chính người đứng đầu ngành ngoại giao khẳng định là "nốt nhạc dạo đầu" của "Bản giao hưởng năm 2009 - năm ngoại giao văn hóa". Tại cuộc hội thảo này, đã có ý kiến ví von cách chúng ta quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài lâu nay giống như "phun nước hoa lên trời". Sự thật, liệu có đúng như thế?

Giữa tháng 9/2008, Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga được tổ chức tại Moskova và St.Peterburg. Hơn 50 nghệ sĩ biểu diễn mang theo trên 20 tiết mục nghệ thuật; 3 nghệ sĩ điện ảnh tháp tùng 4 bộ phim ("Sống trong sợ hãi", "Rừng đen", "Áo lụa Hà Đông", "Chuyện của Pao"); một dàn 5 người mẫu với các bộ sưu tập áo dài, áo yếm; rồi triển lãm ảnh về Việt Nam; chương trình quảng bá xúc tiến du lịch rất... hoành tráng.

Đáng tiếc là sự nhiệt tình của các nghệ sĩ Việt đã không làm "nóng" được nước Nga những ngày đầu thu với cái lạnh xuống đến 3 độ. Nguyên do là công tác quảng bá không tốt.

Tại cuộc họp báo ngay sát giờ khai mạc “Những ngày Văn hóa Việt Nam” tại Moskova, vấn đề này đã được chính các nhà báo Nga "chất vấn" lãnh đạo Bộ Văn hóa Nga, rằng sao lại không có chiến lược cung cấp thông tin cho báo chí, dẫn đến việc không có một tờ báo nào của Nga thông tin về sự kiện này.

Không quảng bá nên người Nga không biết để đi xem đã đành, công tác quảng bá và tổ chức của cơ quan đại diện Việt Nam ở Nga cũng… chưa ổn. Nên,  mặc dù rất "khát" chương trình nghệ thuật trong nước nhưng phấn lớn cộng đồng người Việt ở Moskova đã không đến được các buổi chiếu phim, cũng như đêm khai mạc.

Bùi Quyên, một chủ kinh doanh ở chợ Vòm (Moskova) nói: "Chỉ cần thông tin cho cộng đồng người Việt, chúng tôi sẽ lấp đầy các ghế trống và làm "nóng" các buổi biểu diễn. Mặt khác, chúng tôi sẵn sàng  tài trợ cho các chương trình và hỗ trợ nghệ sĩ về phương tiện đi lại trong thời gian đoàn ở Nga".

Chung ý nghĩ với Bùi Quyên, Phạm Văn Cường, chủ nhà hàng Đông Dương ở St.Perterburg có may mắn được đón đoàn Việt Nam đến giao lưu với cộng đồng người Việt  tại cố đô, bày tỏ sự nuối tiếc: "Nếu được nhập cuộc sớm, các doanh nghiệp Việt Nam tại St.Peterburg sẽ hỗ trợ đoàn Việt Nam với tinh thần cao nhất và các buổi biểu diễn cũng như chiếu phim sẽ không còn ghế trống. Hy vọng, vấn đề này sẽ được cải thiện ở lần tổ chức vào năm 2010".

Trước khi chia tay St.Peterburg, nhóm nhạc thính phòng  bao gồm các nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam đã có buổi biểu diễn tại Bảo tàng Puskin. Trời rất lạnh, khán phòng rộng, ánh sáng chan hòa nên các nghệ sĩ phần nào thấy chống chếnh khi phía dưới sân khấu chỉ khoảng trên dưới 10 khán giả đang dõi lên. Chống chếnh, nhưng rồi các nghệ sĩ cũng nhanh chóng lấy lại… tinh thần.

Dường như trong cái buổi chiều lạnh giá ấy, NSND Trần Thu Hà, NSƯT Ngô Văn Thành, NSND Trần Thị Mơ và các nghệ sĩ Quốc Hưng, Bùi Công Duy, Bích Thủy, Ngọc Linh đã "cháy hết mình" trong những giai điệu.

Chia tay St.Peterbur, điệp khúc "mì tôm" giải "cơn đói"  trên tàu về Moskova của nhiều nghệ sĩ khiến không ít người chạnh lòng. Rõ ràng, chúng ta đang làm văn hóa đối ngoại trong điều kiện rất tùng tiệm, rất eo hẹp về kinh phí. Đó là lý do vì sao hầu hết các chương trình văn hóa đối ngoại lâu nay không kéo được các "sao" tham gia.

Cũng vì "eo hẹp" nên các chương trình dù được đầu tư cũng không thể độc đáo, mới lạ khác biệt với những chương trình đã từng "đem chuông đi đấm xứ người" trước đó.

NSND Trần Bình than thở: "Đi biểu diễn nước ngoài mà bồi dưỡng chỉ 15 USD/ ngày nên dù ở Nga hay ở Mỹ, dù ở Nhật hay ở Pháp… thì điệp khúc "mì gói" vẫn là chuyện thường ngày của nghệ sĩ Việt Nam. Nơi nào Ban tổ chức quan tâm đến nghệ sĩ thì còn đỡ, có những nơi nghệ sĩ được đưa đến nơi biểu diễn trước giờ diễn nửa ngày, tập luyện trong nhiều giờ đồng hồ nhưng cũng chỉ có chút nước hoa quả lót dạ trước khi vào biểu diễn…".

Khẳng định, đã từng chứng kiến những buổi  biểu diễn của ta không bán vé, cửa mở toang nhưng rất ít người xem; có những buổi chiếu phim thì phải "đóng cửa" để những khán giả nào đã vào… không thể về, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói tại cuộc Hội thảo chủ đề "Ngoại giao văn hóa vì một bản sắc Việt Nam trên trường Quốc tế phục vụ hội nhập và phát triển bền vững". "Làm văn hoá đối ngoại trong giai đoạn hiện nay, ta phải đối mặt với nhiều đối thủ mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Để có hiệu quả, cần phải rà soát làm rõ nội dung và phương thức đối ngoại văn hóa phù hợp với giai đoạn hiện nay. Theo đó phải hiểu nhu cầu của khán giả mỗi nước cần gì để cung cho phù hợp. Nên chọn lọc những gì tinh túy của văn hóa truyền thống để giới thiệu kết hợp với  tinh hoa của thế giới chứ đừng giới thiệu xô bồ, cũng đừng đưa những cái quá nguyên sơ khiến khán giả khó tiếp thu".--PageBreak--

Cũng nói về việc nên đưa cái gì đi để "gõ" ở xứ người, ông Bạch Ngọc Chiến, Q. Trưởng ban Đối ngoại VTV4 (Đài Truyền hình Việt Nam) qua kinh nghiệm tổ chức Lễ hội Mekong Festival tại Mỹ năm 2007 kể: Nếu làm một show ca nhạc cho Việt kiều ở Mỹ thì tốt nhất là mời các ca sĩ dòng nhạc thị trường như Đàm Vĩnh Hưng hơn là NSND A, B nào đó và các ca khúc thể hiện trong chương trình nên thuộc dòng nhạc xanh, vàng, hip hop, pop rap hơn là nhạc đỏ.

Nếu phục vụ  khán giả gốc Nam thì phải chọn cải lương chứ không phải chèo, tuồng. Còn với khán giả Mỹ thì những gì độc đáo dân tộc hơn là mang dòng nhạc hiện đại; nên chọn đàn bầu thay cho piano.

Một trong những ví dụ cần tham khảo về tính hiệu quả chính là Lễ hội Mekong Festival tại Mỹ 2007. Đã có hơn 2 triệu lượt người Mỹ đến với Lễ hội này. Họ thực sự thích thú khi được biết về món bánh xèo Thủ Thiêm, nghề đẽo thuyền độc mộc ở Tây Nguyên, các điệu hát bội, hát tuồng, biểu diễn cồng chiêng của Việt Nam.

Chìa khóa của thành công chính là chúng ta đã tổ chức đúng thời điểm, đúng địa chỉ và đưa ra những cái mà người Mỹ muốn xem. Điều này một phần phải nhờ chuyên gia Mỹ, những người nghiên cứu về văn hóa Việt Nam.  Họ đã tư vấn cho ta về thời gian, địa điểm tổ chức và nên mang những gì sang sẽ tạo được sức hút.

Với họ, văn hóa nằm trong cá thể mỗi con người và đôi khi một nghệ nhân dân gian lại có sức thu hút hơn cả một dàn nhạc hiện đại. Và thế là ta đã đưa sang một đoàn nghệ nhân dân gian, những  người sống với các giá trị văn hóa đặc thù vùng miền họ".

Cũng theo ông Chiến  thì  không phải cứ "hoành tráng" mới thành công. Một clip quảng bá Việt Nam 30 giây trên CNN mất 260.000 USD để được phát tổng cộng 200 lần trong  dịp ta tổ chức APEC 14.

Một clip 9 phút quảng bá về Việt Nam do NBC thực hiện trong đợt thi Hoa hậu Hoàn Vũ hết 7 triệu USD và hết đợt thi hoa hậu cũng chấm dứt phát. Trong khi đó, Travel Chanel - một kênh truyền hình về du lịch có uy tín của Mỹ đề xuất làm một chương trình Presidential với chi phí 400.000 USD để phát trong 1 năm trên kênh này và kênh PBS nhưng đã không được thực hiện vì không tìm được kinh phí.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xác định được hiệu quả  của mỗi dự án để có quyết định đầu tư? Và, làm thế nào để đánh giá được hiệu quả của mỗi dự án đã đầu tư?

Nhìn từ thực tế những Ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài những năm qua, ông Nguyễn Dy Niên, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao gợi mở: "Nếu đã nói đến tính hiệu quả của việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài (hay nói cách khác là làm đối ngoại văn hóa) cần phải bàn bạc thật kỹ để xây dựng những mô hình hành động vừa sức ta mà người nước ngoài tiếp nhận được.

Việt Nam có nhiều sản phẩm văn hóa tiêu biểu như đàn bầu, áo dài, nhã nhạc cung đình Huế, múa rối… nhưng đàn bầu của ta ra thế giới, sức hấp dẫn có phần kém đàn Si-ta của Ấn Độ; áo dài Việt Nam rất đẹp nhưng chương trình "Duyên dáng Việt Nam" tại Anh lại chưa thu hút được người xem.

Nhã nhạc cung đình Huế thì chưa được giới thiệu nhiều ở thế giới; múa rối nước độc đáo thật nhưng cũng cần phải cải tiến cách trình diễn và ngôn ngữ để khán giả quốc tế có thể tiếp nhận được…".

Xác định năm 2009 là năm đối ngoại văn hóa, Bộ Ngoại giao đang tích cực xúc tiến các chương trình hành động phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để tạo bước đột phá cho công tác quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài.

Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, những vấn đề liên quan đến chuẩn hóa ngày Việt Nam ở nước ngoài; chủ thể thực hiện công tác đối ngoại văn hóa; hành lang pháp lý và cơ chế tài chính cho công tác văn hóa đối ngoại… sẽ được Bộ Ngoại giao tiếp tục thảo luận trong Hội nghị Ngoại giao tổ chức vào tháng 12 tới.

Mặt khác, liên quan đến tính hiệu quả của việc quảng bá hình ảnh, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn. Hiện tại Bộ Ngoại giao đã triển khai việc đào tạo đội ngũ tùy viên văn hóa để bổ sung đội ngũ làm văn hóa đối ngoại ở nước ngoài.

Riêng về vấn đề kinh phí, bên cạnh nguồn lực từ Nhà nước, vấn đề xã hội hóa sẽ được đẩy mạnh, huy động các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào cuộc cùng tham gia quảng bá hình ảnh Việt Nam tới các nước.

Muốn không bị mang tiếng là đang "phun nước hoa lên trời", tất cả các dự án, chương trình quảng bá hình ảnh Việt Nam đều phải quan tâm đến tính hiệu quả, có kế hoạch trước, chuẩn hoá mô hình tổ chức. Đó là ý kiến của rất nhiều người có kinh nghiệm trong công việc quảng bá hình ảnh Việt Nam những năm qua

Chu Thu Hằng
.
.