Nhọc nhằn chuyện đi lĩnh Nhuận bút

Thứ Hai, 14/12/2009, 08:30
Vừa rồi, nhân việc tôi gửi đăng trên Báo Công an nhân dân Cuối tuần bài bút ký "Nhà văn giỏi có sống được bằng nghề?", đã có nhiều đồng nghiệp gọi điện cho tôi, chia sẻ với vấn đề tôi đặt ra. Ai nấy đều ngậm ngùi khi biết, có những nhà văn lớn, đêm ngày vật vã với trang giấy, vậy mà nhuận bút thu về cả tháng chỉ vẻn vẹn có... 500 nghìn!

Có người thật thà: "Sao không khuyên họ viết báo kiếm tiền thêm, gọi là lấy ngắn nuôi dài, như vậy có phải là dễ sống hơn không?". Tôi nghe mà suýt bật cười, bởi thực tế, văn có cái khó của văn; báo có cái khó của báo; đòi hỏi nhà văn phải biết viết báo không khéo lại hóa chuyện bắt ngựa...đi cày.

Vả chăng, nói nghề báo dễ kiếm tiền là nói thu nhập từ lương của những nhà báo hiện đang làm việc tại một vài tòa soạn ăn nên làm ra, chứ với những người viết báo tự do, mọi thu nhập hoàn toàn trông chờ vào đồng nhuận bút "giời ơi đất hỡi" do những tờ báo đang duy trì sự tồn tại của mình theo kiểu "giật gấu vá vai" chi trả, thì cứ gọi là phải rất chật vật mới sống nổi ! Ấy là chưa kể, tiền nhuận bút tiếng là thấp, song để lấy được nó về cũng không hề là việc... dễ dàng. Chẳng đã có người phải dùng tới mấy chữ "con đường đau khổ" để nói về hành trình không kém phần... gian khó này đó sao?

Chúng ta đều biết, các nhà văn của chúng ta vốn có "truyền thống" đối lập giá trị tinh thần với đồng tiền, không xem đồng tiền là thước đo sản phẩm nghệ thuật và càng không phải là lý do để họ khởi nghiệp. Bởi vậy, thường  họ rất ngại đi lĩnh nhuận bút và càng ngại nếu phải đi lại nhiều lần. Nó không chỉ làm mất thì giờ mà còn gây cho họ cảm giác gặp lại cơ chế xin - cho ở thời bao cấp.

Thực tế, tại một số tòa báo, thời gian chi trả nhuận bút không diễn ra theo lịch làm việc bình thường của công chức mà hoàn toàn tùy thuộc vào lịch do tòa báo đặt ra. Thậm chí, có báo, do điều kiện kinh tế eo hẹp, nhân viên phát nhuận bút phải tranh thủ thời gian "chân trong chân ngoài", nên việc "truy tìm" được họ lắm lúc khó như...mò kim đáy bể.    

Anh bạn tôi làm việc tại một viện nghiên cứu nọ. Tuy bận về chuyên môn nhưng anh vẫn tích cực viết bài, cộng tác với nhiều tờ báo. Anh kể, có những tờ báo mức nhuận bút quá thấp, anh phải chờ cho đủ mươi bài mới đi lĩnh một thể. Nhưng, dễ có đến năm lần anh trở về tay không. Lần thì cô thủ quỹ đi ngân hàng, lần cô nghỉ ốm, lần thì cô chưa đến, lần thì cô "vừa mới ra phố", lần may mắy gặp được cô rồi, thì cô vẫn cắm cúi trông vào cuốn sổ thu chi, miệng lẩm nhẩm: "Hai - tư - sáu". Anh bạn tôi không hiểu, hỏi lại. Cô khoát tay chỉ lên tường. Anh nhìn tấm bảng. Tấm bảng đề khá rõ "Nhuận bút trả vào các ngày: Thứ hai, thứ tư, thứ sáu". Vậy mà đến giờ anh bạn tôi mới nhìn thấy. Anh đành chịu khó đến tiếp lần thứ sáu. Hôm ấy vào ngày thứ tư. Cô trả nhuận bút vẫn ngồi ở vị trí hôm trước. Hai bên nhìn nhau, kẻ ngượng ngùng, người có vẻ chán chường. Lúc sau, cô buông sõng một câu: "Nhuận bút chỉ trả vào buổi sáng".

Cũng trường hợp bực mình tương tự, một anh bạn khác của tôi kể: Gần đây, các tòa báo bắt đầu thực hiện việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân với những bài viết có mức nhuận bút từ 500 nghìn trở lên (phải trừ 10%). Thôi thì, việc đã định ra, mọi công dân cứ thế mà thực hiện. Điều đáng nói là khi áp dụng, có nơi lại "một mình một kiểu", chẳng giống ai.

Chẳng hạn, với trường hợp tác giả có hai bài ở hai số báo khác nhau, nhưng nếu cộng vào, mức nhuận bút bằng (hoặc vượt) 500 nghìn, họ sẽ khấu trừ 10% thuế. Phải nói, rất ít tòa báo làm theo kiểu này. Anh bạn tôi cũng đã phát biểu quan điểm vậy với nhân viên trả nhuận bút tòa báo đó. Song người này cho biết: Muốn để không phải đóng thuế, chỉ còn cách là hôm nay anh chỉ lấy nhuận bút một bài thôi, còn bài nữa thì tuần sau đến lĩnh. Không biết còn tòa báo nào khác áp dụng cách thức rất buồn cười này không? Chỉ biết rằng, anh bạn tôi đã chấp nhận đóng thuế chứ không chọn "giải pháp" mà nhân viên nọ đưa ra, bởi với số tiền chẳng nhiều nhặn gì mà phải đi lại thêm một lần nữa thì thật là quá nhiêu khê.

Tôi "may mắn" hơn hai anh bạn trên là chưa gặp phải những tình huống "giở cười, giở mếu" này bao giờ. Với tôi, những cô trả nhuận bút ở các tòa báo đều nhẹ nhàng, dễ chịu, thái độ xởi lởi. Tôi không có lý gì để phải bực mình về họ, kể cả khi tôi đến mà không được việc.

Ấy là trường hợp các cô vừa đon đả rót nước mời tôi uống, vừa lúng búng giải thích, rằng thì tờ báo của các cô có in bài của tôi thật, song các cô không được "quyền" trả nhuận bút. Rằng tôi muốn lĩnh nhuận bút thì phải chịu khó lần mò tìm gặp ông A, ông B ở cơ quan nảo cơ quan nào kia. Tôi tin những điều các cô nói vì tôi biết, có những tờ báo tiếng là của đoàn thể này, đoàn thể nọ, thực chất là đã được "bán cái" cho tư nhân. Và việc xoay tìm cho được những "nghệ sĩ ẩn danh" kia để lấy chút nhuận bút còm có họa là "một tiền gà, ba tiền thóc". 

Thiên hạ từng đúc kết "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn". Cộng tác với một số tờ báo lớn, tôi nhận thấy họ rất quán triệt phương châm này. Có những số báo vừa phát hành, tác giả đã có thể đến lấy nhuận bút (trước đó, lãnh đạo báo đã chấm nhuận bút trên bản in mẫu). Tuy nhiên, cũng có tòa báo sau vài ba tháng, tác giả vẫn chưa thể lấy nhuận bút nổi. Thậm chí, khi hỏi, có nhân viên trả nhuận bút còn hồn nhiên chỉ lên chồng báo cao chất ngất ở góc phòng, nói: "Chưa có tiền đâu ạ. Báo ế đầy ra kia kìa". Rõ ràng, trong cách hành xử của những tờ báo này, bài vở của cộng tác viên dẫu có được in ra thì vẫn chưa phải là một thứ hàng được "mua đứt" mà chỉ là hàng "ký gửi". Và khi báo lỗ thì các tác giả cũng chịu cảnh "vạ lây".

Những ai cộng tác nhiều với các báo đều biết, thường thì mức nhuận bút của mỗi trang báo - tuy cao thấp khác nhau song khá ổn định. Các cộng tác viên chỉ cần in vài ba lần là hoàn toàn có thể đoán định được mỗi bài của mình sẽ được trả bao nhiêu. Tuy nhiên, trong thực tế cũng đã có lúc có nơi cái thang bậc này bất ngờ bị đảo ngược khiến người đi lĩnh nhuận bút hụt hẫng cứ như mình bị… mất cắp.

Một người bạn của tôi kể: Bình thường bài phóng sự của anh được tòa báo nọ trả 500 ngàn. Thế nhưng một lần, anh đã không tin vào mắt mình khi thấy trong bảng nhuận bút, nó chỉ còn vẻn vẹn có…trăm rưởi. Một sự "rớt giá" thê thảm! Anh liều hỏi lại thì mới vỡ lẽ rằng: Vị Tổng biên tập báo đợt ấy đi công tác xa. Người chấm nhuận bút thay ông là Trưởng phòng Trị sự, mà theo cách của ông này thì bài vở cứ "đổ đồng" tuốt tuột. Nghĩa là bài dài bài ngắn đều như nhau. Cho nên mới có chuyện bài phóng sự dài cả trang có mức nhuận bút chỉ bằng một mẩu chuyện vui in ở góc trang.

Bởi chuyện tiền nong bao giờ cũng là vấn đề tế nhị, nhiều tòa báo đã có ý thức tách phòng trả nhuận bút riêng ra một khu vực. Nó có thể ở ngay tầng 1, sát cửa ra vào hoặc ở nơi nào đó "khuất nẻo" hơn một chút, song dứt khoát không để nó chung với phòng biên tập.

Theo tôi, sự cẩn thận này là cần thiết, bởi ở ta, các cộng tác viên dường như vẫn có tâm lý "ngại ngần" khi đi lĩnh nhuận bút mà gặp người in bài cho mình. Có lẽ họ thấy nếu lĩnh tiền xong rồi mà không nói lời cảm ơn, thăm hỏi, mời những người kia đi làm một chầu nước nôi thì có gì không…phải đạo?

Tuy nhiên, trong thực tế, do điều kiện tài chính mà không ít cơ quan báo chí vẫn để bộ phận trả nhuận bút nằm chen chân với bộ phận xử lý bài vở. Có nơi dành vị trí "ngon" nhất cho bộ phận chạy quảng cáo, còn nơi chi trả nhuận bút bị đẩy tít lên tận tầng cao nhất, khiến nhiều bậc bô lão đi lĩnh tiền cứ phải…vừa leo vừa thở!

Hãn hữu có nơi do thiếu người, lãnh đạo báo kiêm thêm việc…trả nhuận bút. Bản thân tôi từng chứng kiến cảnh một cộng tác viên ngồi nhìn vị Phó tổng biên tập nọ nhấm nước bọt đếm tiền trả cho mình, mặc dù người này trông thấy trong đó có tờ tiền quá rách, song vẫn không dám ho he yêu cầu đổi lại.

Tại một tờ báo địa phương còn có chuyện: Hễ báo in ra, ông chủ báo lại ời ời gọi cộng tác viên đến lĩnh nhuận bút. Có điều, kèm với lời mời gọi này, ông rầu rĩ thông báo: "Báo nghèo lắm, nhuận bút còm lắm! Bài thơ chỉ được có hai chục ngàn thôi", khiến cho người có bài in chẳng "đành lòng" (và cũng chẳng có hứng) đến lĩnh nhuận bút nữa, đành phó thác cho vị nọ: "Thôi, bác cứ lĩnh hộ rồi đi làm cốc bia giùm em".

Kể tới đây, bất giác tôi lại nhớ tới câu chuyện: Trong một buổi giao lưu với chúng tôi hồi tháng 8 vừa qua, đã có lãnh đạo một tờ báo văn nghệ tỉnh tâm sự rất thật rằng, vì báo quá nghèo nên ông chỉ biết cách cải thiện đời sống anh em bằng cách huy động mọi người "ai viết được thì viết", kể từ anh tài vụ đến cô nhân viên đánh máy. Và khi chấm nhuận bút, ông luôn ưu tiên chấm cho anh chị em "trong nhà" cao hơn "người ở ngoài". Thậm chí, trong trường hợp ai đó quá "kẹt" tiền, ông yêu cầu bộ phận tài vụ dừng trả nhuận bút cho các cộng tác viên để dùng số tiền đó cho họ vay mượn. Và thế là, có những trường hợp, cả mấy tháng trời, người trả nhuận bút luôn phải dùng mẹo để trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ đối với các cộng tác viên của mình...

Kể vậy để thấy, các cây bút "bên ngoài" đừng hy vọng tình hình sẽ được cải thiện ở những vị lãnh đạo giàu lòng "trắc ẩn", biết "lo" cho đời sống anh em trong cơ quan theo kiểu như vậy!

Phạm Thành Chung
.
.